Nga nêu điều kiện không thể thương lượng trong đàm phán với Ukraine

() - Một trong những điều kiện không thể thương lượng của Nga cho một thỏa thuận hòa bình với Ukraine là phương Tây phải chấm dứt huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Nga nêu điều kiện không thể thương lượng trong đàm phán với Ukraine - 1

Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga).

Báo Izvestia ngày 30/6 dẫn lời Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik cho biết, Moscow có ý định yêu cầu phương Tây ngừng huấn luyện cho Ukraine như một trong những điều kiện để giải quyết xung đột. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc can dự của các quốc gia khác vào cuộc xung đột Nga - Ukraine cần phải chấm dứt dưới mọi hình thức.

Các chương trình huấn luyện quy mô lớn cho binh sĩ Ukraine đã được Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) khởi động từ năm 2022, và gần 130.000 người đã được đào tạo trong 3 năm qua.

Trong khi đó, việc “phi quân sự hóa” Ukraine và loại bỏ các mối đe dọa trong tương lai từ lãnh thổ nước này vẫn là những mục tiêu được Tổng thống Vladimir Putin nhiều lần nhấn mạnh trong khuôn khổ “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Dù các chuyên gia cho rằng khả năng đình chỉ những chương trình huấn luyện này của phương Tây trong tương lai gần là rất thấp, nhưng Nga vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi yêu cầu chấm dứt.

“Nga đã đưa ra một kế hoạch toàn diện, và chắc chắn, sự can dự của các quốc gia khác vào cuộc xung đột là vấn đề then chốt cần phải chấm dứt dưới mọi hình thức, bao gồm việc cung cấp vũ khí cũng như huấn luyện lực lượng vũ trang Ukraine”, ông Miroshnik nói với Izvestia.

Hiện nay, có hai chương trình chính được triển khai để huấn luyện binh sĩ Ukraine tại phương Tây. Vương quốc Anh đang thực hiện Chiến dịch Interflex, trong khi Brussels phụ trách huấn luyện binh sĩ Ukraine thông qua Phái bộ Hỗ trợ Quân sự của Liên minh châu Âu (EUMAM).

Mỹ cũng tham gia bằng cách huấn luyện binh sĩ Ukraine tại các căn cứ ở Đức, nơi họ được đào tạo cấp tốc theo tiêu chuẩn NATO để chuẩn bị cho các hoạt động tác chiến chống Nga.

“Bất kỳ sự hỗ trợ nào cho Ukraine mà cho phép nước này tiếp tục các hoạt động chống lại Nga đều không góp phần vào việc giải quyết xung đột”, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga Grigory Karasin, các hành động của NATO cho thấy họ không thực sự quan tâm đến việc tìm kiếm thỏa hiệp hay thúc đẩy các cuộc đàm phán về những vấn đề như trao đổi tù binh và hồi hương thi thể, dù các tiến trình này đã được khởi động.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra đầu năm 2022, Mỹ và các nước châu Âu đã tích cực viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Kiev.

Moscow cảnh báo, điều này không thể xoay chuyển cục diện chiến trường, mà chỉ khiến xung đột lan rộng và kéo dài.

Với ưu thế trên chiến trường, Nga tiếp tục đưa ra các yêu cầu tối đa với Ukraine và các đồng minh.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tháng trước cho biết, Moscow sẽ yêu cầu Ukraine tháo dỡ và phá hủy toàn bộ vũ khí do phương Tây cung cấp như một phần của bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào.