
Một binh sĩ Nga tham gia chiến dịch tại Ukraine (Ảnh: Sputnik).
Giới phân tích và các chỉ huy quân sự nhận định, Nga muốn giành thêm nhiều lợi ích trên chiến trường trước khi nghiêm túc cân nhắc một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện. Trong khi đó, Ukraine đang nỗ lực làm chậm đà tiến của Nga càng lâu càng tốt và gây tổn thất lớn cho đối phương.
Tại miền Đông Ukraine, lực lượng Nga đang dần chiếm ưu thế tại thành phố Pokrovsk - trung tâm hậu cần chiến lược. Nếu chiếm được thành phố này, Moscow sẽ có bước tiến lớn trong việc kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk, đồng thời đưa chiến sự tiếp cận vùng Dnipropetrovsk lần đầu tiên.
Để ngăn Nga củng cố vị trí ở miền Đông, Ukraine đang ghim chân những đơn vị tinh nhuệ nhất của đối phương tại vùng Sumy cách đó hàng trăm km.
Theo nhà sử học quân sự Sergey Radchenko, kịch bản tốt nhất cho Ukraine là có thể cầm chân được quân Nga tại Donbas - bao gồm Donetsk và Luhansk - để làm cơ sở cho đàm phán ngừng bắn. Ông cũng nhận định đến mùa thu, khi Nga đánh giá được hiệu quả chiến dịch, cơ hội đạt được thỏa thuận với Ukraine sẽ rõ ràng hơn.
Trong lúc giao tranh tiếp diễn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang chờ xem chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt mạnh hơn với Nga, và liệu Mỹ có ủng hộ đề xuất của châu Âu về việc thiết lập “lực lượng bảo đảm an ninh” nhằm ngăn chặn các hành động tiếp theo từ phía Moscow hay không. Tuy nhiên, một trở ngại lớn đã xuất hiện khi chính quyền Mỹ quyết định tạm dừng một số lô vũ khí chuyển giao cho Ukraine, do lo ngại về tình trạng cạn kiệt kho dự trữ của chính quân đội Mỹ.
Ở mặt trận Sumy, quân đội Ukraine đang phải đối mặt với các đợt không kích bằng bom lượn, máy bay không người lái và những nhóm bộ binh Nga tấn công liên tục. Chiến lược của Kiev là giữ chân lực lượng Nga tại đây, không cho họ rút quân về tăng viện ở mặt trận Donetsk.
Tháng 4 vừa qua, Ukraine từng mở một chiến dịch nhỏ sang vùng Kursk của Nga, nhằm ngăn khoảng 60.000 quân thiện chiến của Moscow tham gia vào các mặt trận Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vấp phải chỉ trích vì gây tổn thất nhân lực lớn.
Hiện quân Nga đã tiến sâu khoảng 7km vào vùng Sumy từ nhiều hướng khác nhau. Kiev quyết giữ họ tại chỗ để giảm áp lực cho mặt trận miền Đông. Ước tính, chỉ riêng tại khu vực Glushkovsky (Kursk), khoảng 10.000 binh sĩ Nga đang bị "giam chân" bởi sự hiện diện của các đơn vị Ukraine còn sót lại sau các đợt tấn công đầu năm của Nga và lực lượng Triều Tiên.
Tại Donetsk - nơi được xem là chiến trường khốc liệt nhất hiện nay - Nga đang tiến từng bước trong mục tiêu kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk và Luhansk.
Do chưa thể tấn công trực diện vào Pokrovsk, Moscow chọn phương án bao vây, đẩy ranh giới chiến sự áp sát vùng Dnipropetrovsk. Nếu Nga kiểm soát được khu vực này, điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của Ukraine mà còn giúp Nga có thêm "đòn bẩy" trong các cuộc đàm phán.
Các đơn vị đặc nhiệm Nga từng xâm nhập khu vực mới này nhưng đã bị Ukraine loại bỏ. Tuy vậy, giới chỉ huy Ukraine lo ngại rằng tình hình sẽ xấu đi nếu không có đủ lực lượng và vũ khí để trấn giữ chiến tuyến
Phía Ukraine thừa nhận khó khăn về nhân lực và vật tư trên toàn tuyến dài 1.200km. Việc duy trì phòng thủ là ưu tiên hàng đầu, với các đơn vị phải bám trụ nhiều tuần trong điều kiện khắc nghiệt, nguồn tiếp tế chủ yếu phải nhờ vào máy bay không người lái.
Theo ông Andrii Nazerenko - chỉ huy một đơn vị máy bay không người lái - mục tiêu trước mắt của Nga là tiến vào Dnipropetrovsk để có lợi thế chính trị nếu diễn ra đàm phán giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladmir Putin. Ông cảnh báo: “Họ đang ở rất gần với mục tiêu của mình”.
Tinh thần của binh sĩ Nga dường như ngày càng vững. Theo quan sát của ông Nazerenko, lính Nga nay không còn tháo chạy khi bị tấn công bằng UAV, mà tiếp tục tiến lên bất chấp hiểm nguy. Khi được hỏi vì sao chấp nhận mạo hiểm như vậy, một binh sĩ Nga bị bắt đáp ngắn gọn: “Vì chúng tôi sẽ chiến thắng”.