
Lính Ukraine tập trận ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
Mỹ xác nhận cắt giảm viện trợ quân sự quan trọng cho Kiev, bao gồm dừng việc cung cấp đạn dược phòng không, tên lửa và đạn pháo. Đây được xem là một phần trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Một số kênh truyền thông phương Tây, bao gồm Politico và NBC News, liệt kê tên lửa Patriot vào danh sách các loại vũ khí sẽ không còn được gửi đến Kiev. Danh sách này cũng bao gồm tên lửa không đối không Stinger và AIM, hàng trăm hệ thống Hellfire và GMLRS và hàng nghìn đạn pháo 155mm.
Mặc dù danh sách chính xác các loại vũ khí bị tạm dừng cung cấp cho Ukraine vẫn chưa được chính quyền Mỹ công bố, nhưng đại sứ Mỹ tại NATO Matthew Whitaker cho biết động thái này là một phần trong nỗ lực thay đổi chính sách của Washington, trong đó tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cho biết quyết định được đưa ra "nhằm đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu", sau khi Bộ Quốc phòng xem xét lại việc hỗ trợ quân sự trên toàn thế giới.
Các nghị sĩ Ukraine bày tỏ lo ngại rằng Ukraine không còn là "ưu tiên" trong chính sách đối ngoại của Mỹ nữa.
"Mỹ không còn là đồng minh của chúng ta nữa", nghị sĩ Ukraine Mariana Bezuglaya thừa nhận.
Bà Bezuglaya cáo buộc Mỹ "giúp Nga tiến về Dnepr và Sumy", ám chỉ đến nỗ lực liên tục của Moscow nhằm tạo ra một "vùng đệm" bảo vệ các khu vực biên giới của Nga khỏi các cuộc tấn công của Ukraine.
"Ukraine không còn là ưu tiên nữa, không còn là trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ nữa... Ít nhất ông Trump cũng rất trung thực về vấn đề này với Ukraine", Solomiya Bobrovskaya, một nghị sĩ Ukraine và là thành viên của ủy ban quốc phòng và tình báo, cho biết.
Người dân Kiev cũng bày tỏ sự lo ngại về quyết định của Lầu Năm Góc.
"Nếu chúng tôi rơi vào tình huống không còn phòng không, tôi sẽ di chuyển (ra khỏi Kiev), vì an toàn là mối quan tâm hàng đầu của tôi", Oksana Kurochkina, một luật sư 35 tuổi, cho biết.
Ukraine ngày 2/7 đã triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine John Ginkel để nhấn mạnh "tầm quan trọng cốt lõi của việc tiếp tục cung cấp các gói viện trợ quốc phòng đã được phân bổ trước đó", đồng thời cảnh báo về "sự chậm trễ hoặc trì hoãn trong việc hỗ trợ năng lực quốc phòng của Ukraine".
Kiev đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về sự ủng hộ ngày càng giảm sút từ Washington.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở The Hague vào tuần trước, yêu cầu Mỹ cấp thêm các hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên, ông không nhận được cam kết chắc chắn nào. Tổng thống Trump cho biết các hệ thống này "rất khó sở hữu" và Mỹ cũng cần chúng để phòng vệ và cấp cho Israel.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha tuyên bố Kiev sẵn sàng mua hoặc thuê các hệ thống phòng không, vốn rất cần thiết với Ukraine trong bối cảnh các cuộc không kích ngày càng dữ dội của Nga.
Vào tháng 6, Ukraine đã chuyển giao danh sách các loại vũ khí mà nước này chuẩn bị mua từ Mỹ cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent.
Theo thống kê của Ngoại trưởng Sybiha, chỉ riêng trong tháng 6, Nga đã phóng hơn 330 tên lửa vào Ukraine, bao gồm 80 tên lửa đạn đạo, ngoài ra còn có hơn 5.000 máy bay không người lái và 5.000 bom dẫn đường. Ông cho biết điều này xác nhận rằng Điện Kremlin không có ý định theo đuổi hòa bình, bất chấp những nỗ lực của Mỹ.
Ngoại trưởng Sybiha cũng trích dẫn dữ liệu của Liên hợp quốc cho thấy số thương vong dân sự ở Ukraine đã tăng 37% trong 6 tháng qua.
"Số lượng lớn máy bay không người lái, bom và tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo, chứng tỏ tính cấp thiết của việc tăng cường hơn nữa khả năng phòng không của Ukraine. Chúng tôi cần nhiều hệ thống đánh chặn hơn. Chúng tôi cũng sẵn sàng mua hoặc thuê chúng", nhà ngoại giao Ukraine tuyên bố.
Ông cũng kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine, bao gồm thiết bị không người lái đánh chặn và hệ thống phòng không.
"Ukraine đang tích cực phát triển năng lực của riêng mình, nhưng chúng tôi cần hỗ trợ ngay bây giờ, xét đến quy mô các cuộc tấn công của Nga. Cách duy nhất để buộc Nga chấm dứt xung đột là tăng áp lực lên Moscow và củng cố sức mạnh của Ukraine”, ông Sybiha nhấn mạnh.

Cảnh đổ nát ở Kiev sau trận tập kích của Nga (Ảnh: Reuters).
Hậu quả nghiêm trọng với Ukraine
Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo quyết định tạm dừng viện trợ quân sự của Mỹ sẽ làm suy yếu khả năng phòng vệ của Kiev trong khi các cuộc không kích và tiến công của Nga ngày càng tăng.
"Phía Ukraine nhấn mạnh rằng bất kỳ sự chậm trễ hoặc trì hoãn nào trong việc hỗ trợ năng lực phòng thủ của Ukraine sẽ chỉ khuyến khích đối phương tiếp tục xung đột, thay vì tìm kiếm hòa bình", Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo.
Một nguồn tin Ukraine nói với hãng tin Reuters quyết định của Mỹ là một "cú sốc hoàn toàn" với Kiev.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết Mỹ cần phải duy trì kho dự trữ vũ khí của nước này, đồng thời thừa nhận "trong ngắn hạn, Ukraine không thể cầm cự nếu thiếu mọi sự hỗ trợ mà họ có thể nhận được", bao gồm đạn dược và hệ thống phòng không.
Fedir Venislavskyi, một thành viên của ủy ban an ninh quốc gia và quốc phòng thuộc quốc hội Ukraine, cho biết quyết định tạm dừng viện trợ quân sự gây nhiều khó khăn cho Ukraine.
Trên mặt trận giao tranh, việc ngừng cung cấp đạn dược chính xác sẽ hạn chế khả năng tấn công của quân đội Ukraine vào các vị trí của Nga ở phía sau tiền tuyến, Jack Watling, một nhà phân tích quân sự tại Viện Royal United Services, nhận định,
"Nói tóm lại, quyết định này sẽ khiến người Ukraine phải trả giá bằng sinh mạng và lãnh thổ", ông Watling cảnh báo.
Báo Bild của Đức dẫn lời các chuyên gia quân sự dự đoán, quyết định ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể khiến tình hình của Kiev trở nên nghiêm trọng trong chưa đầy 2 tháng.
Theo Bild, việc thiếu tên lửa Patriot có thể giáng một đòn đặc biệt nghiêm trọng vào khả năng phòng không của Ukraine, vì vũ khí do Mỹ sản xuất được cho là loại vũ khí duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo của Nga.
Ngoài ra, việc ngừng cung cấp tên lửa AIM có thể khiến quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc đánh chặn máy bay không người lái tấn công của Nga. Việc thiếu đạn dược GMLRS cũng được cho là dẫn tới hậu quả "thảm khốc" vì nó sẽ khiến các hệ thống pháo phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất và cấp cho quân đội Ukraine "gần như vô dụng".
Báo Đức dẫn lời Carlo Masala, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia quốc phòng dẫn đầu chương trình Nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Bundeswehr Munich, dự đoán lực lượng Kiev chỉ có đủ vũ khí do phương Tây cung cấp để sử dụng đến cuối mùa hè.
Sau đó, tình hình "sẽ trở nên nghiêm trọng", chuyên gia Masala cảnh báo, đồng thời nói thêm rằng quân đội Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các lô vũ khí của phương Tây.
Moscow nhiều lần tuyên bố việc cung cấp vũ khí của phương Tây chỉ kéo dài cuộc xung đột, trong khi không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của chiến dịch quân sự mà Nga đã triển khai ở Ukraine.