Nga lên tiếng về cái chết đột ngột của cựu Bộ trưởng Giao thông

() - Điện Kremlin cho biết, Nga "sốc" trước cái chết đột ngột của cựu Bộ trưởng Giao thông Nga Roman Starovoit vài giờ sau khi ông này bị cách chức.
Nga lên tiếng về cái chết đột ngột của cựu Bộ trưởng Giao thông - 1

Cựu Bộ trưởng Giao thông Nga Roman Starovoit (Ảnh: Kyiv Independent).

Tại cuộc họp báo ngày 8/7, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, việc cựu Bộ trưởng Giao thông Roman Starovoit ra đi đột ngột là "tin chấn động và đáng buồn". Ông từ chối suy đoán về nguyên nhân cái chết của ông Starovoit với lý do cuộc điều tra đang được tiến hành.

"Điều này không thể không gây sốc cho những người bình thường. Tất nhiên, nó cũng khiến chúng tôi bị sốc", ông nói.

Ông cho biết thêm: "Cuộc điều tra đang được tiến hành để trả lời tất cả các câu hỏi. Trong khi điều tra vẫn đang diễn ra, người ta có thể suy đoán, nhưng đó là việc dành cho truyền thông và các nhà phân tích chính trị, còn chúng tôi thì không phù hợp để làm điều đó".

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/7 đã ký sắc lệnh cách chức ông Starovoit, song không nêu rõ lý do.

Chỉ vài giờ sau, thi thể của ông Starovoit được phát hiện bên trong xe hơi riêng tại Odintsovo, vùng Moscow.

Theo kênh Telegram Baza, ông Starovoit, 53 tuổi, đã tự tử trong xe hơi riêng đậu gần Công viên Malevich, gần làng Razdory. Bên cạnh thi thể còn có một khẩu súng được cho là dùng để tự sát.

Ủy ban Điều tra Nga xác nhận vụ việc và cho biết đang tiến hành điều tra làm rõ mọi tình tiết.

Một số nguồn tin cho biết, ông Starovoit có thể đã tự tử vào đêm 5/7, rạng sáng 6/7, nghĩa là trước khi ông bị cách chức Bộ trưởng Giao thông.

Điện Kremlin nhấn mạnh việc từ chức không liên quan đến mất niềm tin. Tuy nhiên, theo nguồn tin, ông Starovoit đang bị điều tra liên quan đến nghi vấn biển thủ trong quá trình xây dựng công sự phòng thủ ở vùng Kursk.

Hai nguồn tin giấu tên cho hay, việc cách chức ông Starovoit đã được lên kế hoạch từ lâu vì ông bị nghi ngờ có liên quan đến việc biển thủ các khoản tiền được phân bổ để tăng cường phòng thủ ở vùng Kursk.

Báo Kommersant của Nga đưa tin, những người bị buộc tội trong vụ án này đã cung cấp lời khai chống lại ông Starovoit.

Các công tố viên nhà nước Nga cho biết hồi tháng 12 rằng họ đã phát hiện tình trạng biển thủ, bao gồm cả việc khai khống chi phí xây dựng, một phần trong số 19,4 tỷ rúp (248 triệu USD) ngân sách quốc gia được phân bổ để củng cố biên giới ở Kursk.

Công tác củng cố biên giới bắt đầu khi ông Starovoit còn là thống đốc vùng Kursk. Các công tố viên cho biết công trình đã không hoàn thành đúng hạn và ít nhất 3,2 tỷ rúp (41 triệu USD) đã biến mất.

Kursk từng là một trong những điểm nóng giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine. Hàng nghìn binh sĩ Ukraine đã tràn qua biên giới Nga vào vùng Kursk hồi tháng 8/2024, đánh dấu cuộc xâm nhập từ nước ngoài lớn nhất vào Nga kể từ Thế chiến Hai.

Lực lượng Ukraine chỉ bị đẩy ra khỏi Kursk vào đầu năm nay, nhưng nhiều khu vực của vùng này đã bị tàn phá. Nga không công bố tổn thất của riêng mình, nhưng Ukraine nói chúng rất nặng nề.