
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot là vũ khí mà Ukraine cần Mỹ hỗ trợ nhất lúc này (Ảnh: Quân đội Mỹ).
Ukraine hôm 8/7 hoan nghênh tuyên bố của Tổng thống Trump về việc sẽ gửi thêm vũ khí để hỗ trợ Kiev chống lại các cuộc tấn công của Nga, ngay cả khi đó là động thái mới nhất trong một loạt các động thái thay đổi cách tiếp cận của ông đối với cuộc chiến này.
Các nghị sĩ và nhà phân tích tại Kiev cho biết họ không mong đợi một sự thay đổi hoàn toàn về viện trợ quân sự, vì ông Trump hoài nghi về việc Mỹ chi tiêu cho Ukraine quá nhiều và những tuyên bố thất thường của ông chủ Nhà Trắng trong chính sách viện trợ quân sự vốn đã Quốc hội thông qua.
Khi chính quyền của ông Trump quyết định tạm dừng một số đợt chuyển giao vũ khí đã được phê duyệt cho Ukraine vào tuần trước, các quan chức cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc này là nhằm xem xét lại mức vũ khí trong kho dự trữ của Mỹ.
Nhưng hôm 7/7, Tổng thống Trump cho biết các cuộc tấn công gần đây của Moscow vào các thành phố của Ukraine khiến ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển thêm vũ khí cho Kiev.
"Chúng tôi phải làm vậy", ông Trump nói. "Họ phải có khả năng tự vệ". Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm rằng, ông không hài lòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi đã trì hoãn các cuộc đàm phán ngừng bắn bắt đầu vào tháng 2.
Vào hôm 8/7, trong một cuộc họp nội các được truyền hình trực tiếp tại Washington, ông Trump một lần nữa ám chỉ rằng, phía Nga không thương lượng một cách thiện chí.
Iryna Gerashchenko, một thành viên của Quốc hội Ukraine thuộc đảng Đoàn kết châu Âu đối lập, đã viết trên mạng xã hội rằng thông báo vào hôm 7/7 của ông Trump là "một tín hiệu của sự thay đổi chính trị".
"Cường độ tấn công ngày càng tăng của Nga và áp lực ngày càng tăng từ các đồng minh ở châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, đang buộc Nhà Trắng phải thay đổi", bà nói thêm.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Ukraine, Arseniy Yatsenyuk, đã đăng bài: "Cảm ơn ngài Tổng thống!"
Tuy nhiên, những người khác bày tỏ sự hoài nghi trước quyết định này của ông Trump, xét đến những lần nhà lãnh đạo này đi chệch hướng trước đó về các lô hàng vũ khí và sự ủng hộ không chắc chắn của ông đối với các lệnh trừng phạt đối với Nga.
"Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Ukraine không còn có thể trông chờ vào vũ khí do Mỹ tài trợ nữa vì chính sách của nước này tập trung vào khu vực Trung Đông và Thái Bình Dương", Maksym Skrypchenko, Chủ tịch Trung tâm Đối thoại xuyên Đại Tây Dương, một nhóm nghiên cứu tại Kiev, nhận định.
"Đây không phải là chiến lược lý tưởng mà chúng tôi muốn thấy", ông Skrypchenko cho biết. "Nhưng chúng tôi cần phải thích nghi với nó và nên tìm một vị trí cho Ukraine trong chiến lược đó".
Sự thay đổi của Tổng thống Trump diễn ra sau một tuần ảm đạm đối với người dân Ukraine, bao gồm cả việc Nga tiến hành các cuộc tập kích lớn nhất trong cuộc chiến cũng như việc Washington tạm dừng các chuyến giao hàng vũ khí hỗ trợ.
Đây là lần tạm dừng thứ hai trong năm nay của chính quyền ông Trump, sau một thời gian ngắn đình chỉ hợp tác quân sự và tình báo vào tháng 3. Điều đó xảy ra sau khi ông Trump công khai chỉ trích Tổng thống Ukraine Zelensky, trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục.
Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra những tín hiệu mâu thuẫn về mức độ ủng hộ hoàn toàn của họ đối với Ukraine.
Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Nga tại Liên hợp quốc, áp thuế đối với Ukraine nhưng không áp thuế đối với Nga, phản đối việc ban hành các lệnh trừng phạt mới đối với Moscow và khôi phục quan hệ ngoại giao với Moscow ngay cả khi các cuộc đàm phán ngừng bắn bị đình trệ.
Đồng thời, Tổng thống Trump đã lên tiếng không tán thành cách hành động của Điện Kremlin và chỉ trích Moscow không kích dữ dội Kiev.
Sự thay đổi mới nhất này làm dấy lên hy vọng rằng hệ thống phòng không của Ukraine sẽ có đủ tên lửa đánh chặn Patriot nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga. Trong khi đó, binh sĩ tiền tuyến cũng sẽ sớm có đạn dược giữ vững chiến tuyến.
Về lâu dài, Tổng thống Zelensky không yêu cầu nối lại các khoản tài trợ vũ khí mà chỉ yêu cầu được chấp thuận mua vũ khí của Mỹ trực tiếp từ các công ty Mỹ với nguồn tài trợ từ châu Âu.
Trong một tín hiệu tích cực khác cho Ukraine, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội vào hôm 7/7 rằng, ông hy vọng một dự luật trừng phạt nhằm vào Nga sẽ được Thượng viện thông qua. Dự luật có thể áp đặt những gì mà ông Graham gọi là lệnh trừng phạt thứ cấp đối với các quốc gia giao dịch với Nga để sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán ngừng bắn. "Đã đến lúc chấm dứt cuộc xung đột này", ông Graham viết.
Sau khi ông Zelensky gặp gỡ các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Ukraine, bao gồm Boeing và Baker Hughes, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc vận động hành lang chính quyền Tổng thống Trump, Phòng Thương mại Mỹ tại Kiev đã ra tuyên bố vào ngày 4/7 kêu gọi Mỹ thêm viện trợ quân sự.
Tuyên bố yêu cầu ông Trump "bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ tại Ukraine bằng cách khẩn trương cung cấp thiết bị quốc phòng cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công này".
Trong nhiều tuần, các thành viên của Quốc hội tại Kiev đã nói rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn của chính quyền ông Trump đã thất bại và cần phải gây thêm áp lực lên Moscow.
Ông Oleksandr Merezhko, Chủ tịch ủy ban đối ngoại tại Quốc hội Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, chiến lược của Nga là làm cạn kiệt đạn dược phòng không của Ukraine trong khi nỗ lực giành chiến thắng ở phía đông. Cho đến nay, Kiev vẫn duy trì vai trò tham gia của ông Trump mặc dù chính quyền của ông chỉ tập trung vào Trung Đông và Trung Quốc, và thậm chí có rất ít hy vọng về một giải pháp nhanh chóng ở Ukraine.
"Bây giờ ông ấy nhận ra rằng không thể mong đợi gì nhiều về đàm phán hòa bình", ông Merezhko nói. "Sẽ không có lệnh ngừng bắn nhanh chóng nào cả".