
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ ký kết các thỏa thuận tại Moscow hồi tháng 1 (Ảnh: Reuters).
Thỏa thuận này không chỉ củng cố hợp tác kinh tế, thương mại mà còn mở ra một chương mới trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, giúp Moscow và Tehran đồng lòng đối phó với những sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây và các biến động địa chính trị.
Bối cảnh ra đời của Hiệp ước
Trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng phức tạp, Nga và Iran, hai quốc gia đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây, đã tìm cách thắt chặt quan hệ để củng cố vị thế của mình. Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện được ký kết vào ngày 17/1 tại Điện Kremlin giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian, sau nhiều năm đàm phán. Đến ngày 21/5, Quốc hội Iran đã phê chuẩn Hiệp ước này, đánh dấu bước đi chính thức trong việc triển khai các cam kết song phương.
Cả Nga và Iran đều đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị từ phương Tây, đặc biệt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022 và Iran tiếp tục chịu áp lực liên quan đến chương trình hạt nhân. Theo Phó Giáo sư Foad Izadi thuộc Đại học Tehran, sự thù địch từ Mỹ và một số quốc gia châu Âu đã thúc đẩy hai nước tăng cường hợp tác để bảo vệ lợi ích chung.
Hiệp ước này thay thế Hiệp ước về Cơ sở quan hệ song phương và Các nguyên tắc hợp tác năm 2001, vốn không còn đáp ứng được nhu cầu hợp tác trong bối cảnh hiện nay.
Hiệp ước kéo dài 20 năm, với điều khoản tự động gia hạn mỗi 5 năm, thể hiện cam kết lâu dài giữa hai bên. Nó không chỉ là văn kiện chính trị mà còn là một lộ trình chiến lược nhằm tăng cường năng lực của cả Nga và Iran trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, Hiệp ước này mang tính xây dựng, không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào mà tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng.
Các lĩnh vực hợp tác chính
Hiệp ước bao quát nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh đến văn hóa và khoa học.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, đây là trụ cột quan trọng của Hiệp ước. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi, văn kiện nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, bao gồm tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung, đào tạo sĩ quan, tăng cường các chuyến thăm cảng của tàu chiến.
Tuy nhiên, khác với Hiệp ước Nga ký với Triều Tiên hay Belarus, Hiệp ước này không bao gồm điều khoản phòng thủ chung, nghĩa là hai bên không bắt buộc hỗ trợ quân sự trực tiếp nếu một bên bị tấn công. Thay vào đó, Nga và Iran cam kết không cho phép lãnh thổ của mình bị sử dụng để tấn công bên còn lại, đảm bảo tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Chuyên gia quân sự Nga Yuri Lyamin từ Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ nhận định tác quốc phòng giữa Nga và Iran là một phần không thể thiếu trong nhiều thập niên. Iran sở hữu các công nghệ quân sự, đặc biệt là trong lĩnh vực tên lửa và UAV, mà Nga đang quan tâm, trong khi Nga có thể cung cấp các công nghệ tiên tiến như hệ thống phòng không và kinh nghiệm phóng vệ tinh.
Hiệp ước cũng nhấn mạnh hợp tác trong việc chống khủng bố quốc tế và các mối đe dọa an ninh chung. Cả hai nước cam kết phối hợp chặt chẽ ở cấp độ khu vực và toàn cầu để đối phó với các tổ chức khủng bố, đặc biệt là những nhóm được cho là nhận hỗ trợ từ một số quốc gia phương Tây.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, trong bối cảnh Nga và Iran chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hợp tác kinh tế trở thành ưu tiên hàng đầu. Hiệp ước đặt mục tiêu tăng cường thương mại song phương, hoàn thiện Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC), thúc đẩy các dự án năng lượng, gồm sản xuất, truyền tải và xuất khẩu dầu khí.
Iran có thể cung cấp các mặt hàng mà Nga từng nhập từ châu Âu, trong khi Nga hỗ trợ Iran về công nghệ, các sản phẩm công nghiệp. Chuyên gia Foad Izadi nhấn mạnh sự hợp tác này giúp hai nước giảm sự phụ thuộc vào các thị trường phương Tây.
Một điểm nổi bật là cam kết sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch song phương, giảm phụ thuộc vào đồng USD. Nga và Iran dự kiến sẽ tích hợp hệ thống thanh toán quốc gia, cho phép công dân Nga sử dụng thẻ ngân hàng tại Iran vào giữa năm 2025. Ngoài ra, hai nước cũng hợp tác trong các dự án năng lượng tái tạo và chuyển giao công nghệ, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tài chính.
Về hợp tác văn hóa, khoa học và nhân đạo, Hiệp ước không chỉ tập trung vào quốc phòng và kinh tế mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa - giáo dục. Hai bên cam kết đơn giản hóa các điều kiện đi lại cho khách du lịch; khởi động các chương trình văn hóa chung và hợp tác trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Theo giới chuyên gia, Iran đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm của Nga trong việc phóng vệ tinh và công nghệ không gian, trong khi Nga có thể học hỏi từ Iran trong một số lĩnh vực công nghệ cao.
Cùng với đó, hợp tác nhân đạo cũng được chú trọng, với các chương trình hỗ trợ phát triển xã hội và cải thiện đời sống người dân. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nhấn mạnh rằng Hiệp ước này sẽ mở ra một chương mới, giúp hai nước hợp tác mà không bị ảnh hưởng bởi "lời khuyên" từ các bên ngoài.
Ý nghĩa chiến lược của Hiệp ước
Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Nga và Iran mang nhiều ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với hai nước mà còn đối với trật tự khu vực và toàn cầu.
Một là, đối phó với các lệnh trừng phạt từ Mỹ/phương Tây. Cả Nga và Iran đều chịu áp lực lớn từ các lệnh trừng phạt kinh tế - thương mại và chính trị - ngoại giao của Mỹ và các đồng minh. Nga bị trừng phạt vô cùng nặng nề sau khi triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine, trong khi Iran cũng đối mặt với các hạn chế liên quan đến Chương trình hạt nhân và các hoạt động khu vực. Hiệp ước này là một nỗ lực để hai nước xây dựng mặt trận kinh tế và quân sự chung, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính và thương mại do Mỹ/phương Tây chi phối.
Việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong giao dịch và phát triển các hành lang vận tải như INSTC giúp hai nước tạo ra một hệ sinh thái kinh tế độc lập hơn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố vị thế địa chính trị của cả Nga và Iran trong việc đối phó với áp lực từ phương Tây.
Hai là, tăng cường ảnh hưởng khu vực. Hiệp ước được ký kết trong bối cảnh địa chính trị Trung Đông đang thay đổi, đặc biệt sau sự sụp đổ của chính quyền Bashar al-Assad ở Syria - đồng minh quan trọng của Nga, Iran; giúp hai nước phối hợp chặt chẽ hơn trong các vấn đề khu vực, từ chống khủng bố đến đảm bảo an ninh tại Biển Caspi. Theo chuyên gia Farhad Ibrahimov từ Câu lạc bộ Valdai, Hiệp ước này đưa quan hệ Nga - Iran lên cấp độ mới, với tầm nhìn chung về một "trật tự thế giới đa cực".
Hơn nữa, việc tăng cường hợp tác quốc phòng, dù không bao gồm điều khoản phòng thủ chung, vẫn gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng Nga và Iran sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trước các mối đe dọa từ bên ngoài, bao gồm cả các cuộc tấn công tiềm tàng từ Israel đối với Iran.
Ba là thúc đẩy trật tự thế giới đa cực. Nga và Iran đều chia sẻ mục tiêu thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực, giảm sự chi phối của Mỹ và các đồng minh. Hiệp ước là một phần trong chiến lược của Tổng thống Putin nhằm xây dựng liên minh với các quốc gia như Iran, Trung Quốc và Triều Tiên để thách thức "sự bá quyền toàn cầu" của Mỹ. Iran, với tư cách là thành viên BRICS+ kể từ tháng 8/2024, cũng coi Nga là "đối tác chiến lược" quan trọng trong việc định hình trật tự khu vực và toàn cầu.
Hiệp ước không chỉ củng cố quan hệ song phương mà còn tạo tiền đề cho sự hợp tác đa phương trong các tổ chức như BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nơi Nga và Iran đều là thành viên tích cực. Điều này giúp hai nước tăng cường ảnh hưởng trong các vấn đề quốc tế, từ an ninh năng lượng đến quản trị không gian mạng.
Tác động đối với khu vực và thế giới
Đối với khu vực, Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Iran - Nga có tiềm năng định hình lại trật tự địa chính trị tại Trung Đông và khu vực Biển Caspi. Với việc Nga và Iran cùng cam kết "không cho phép lãnh thổ của mình bị sử dụng để tấn công bên còn lại", Hiệp ước được dự báo sẽ tạo ra một liên minh chiến lược nhằm duy trì sự ổn định khu vực. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm gia tăng căng thẳng với các quốc gia như Israel và Mỹ, vốn lo ngại về sự thắt chặt quan hệ giữa Moscow và Tehran.
Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC) được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối thương mại giữa Nga, Iran và các nước Nam Á, tạo ra một tuyến vận tải thay thế cho các tuyến đường bị chi phối bởi Mỹ/phương Tây. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Iran củng cố vai trò là một trung tâm giao thương khu vực.
Trên bình diện toàn cầu, Hiệp ước này là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực. Nó phản ánh xu hướng các quốc gia không thuộc phương Tây tìm cách hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Việc Nga và Iran cam kết hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh thông tin và chống khủng bố cũng góp phần vào việc định hình các quy tắc quản trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề như trí tuệ nhân tạo (AI) và không gian mạng ngày càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, Hiệp ước này cũng gây lo ngại ở phương Tây. Mỹ và các đồng minh đã bày tỏ quan ngại về khả năng Nga và Iran tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt sau những cáo buộc về việc Iran cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga (mà Iran đã phủ nhận). Hiệp ước này có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực của Mỹ/phương Tây trong việc cô lập Nga và Iran trên trường quốc tế.
Thách thức và triển vọng
Mặc dù Hiệp ước mang lại nhiều cơ hội, Nga và Iran cũng đối mặt với một số thách thức trong việc triển khai các cam kết.
Thứ nhất, sự khác biệt về lợi ích chiến lược và cách tiếp cận trong một số vấn đề khu vực như tình hình ở Syria, có thể gây ra rào cản. Thứ hai, áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ/phương Tây và sự giám sát chặt chẽ của phương Tây có thể hạn chế khả năng thực hiện các dự án kinh tế lớn.
Tuy nhiên, triển vọng của Hiệp ước vẫn rất tích cực. Với sự đồng thuận cao từ cả hai phía, đặc biệt là sự phê chuẩn nhanh chóng của Quốc hội Iran, Hiệp ước có tiềm năng trở thành nền tảng vững chắc cho hợp tác lâu dài. Việc hai nước cùng chia sẻ tầm nhìn về một trật tự thế giới công bằng và đa cực sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác trong tương lai.
Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga - Iran đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai quốc gia. Với trọng tâm là hợp tác quốc phòng, kinh tế, văn hóa, Hiệp ước không chỉ giúp Nga, Iran đối phó với các sức ép từ phương Tây mà còn góp phần định hình một trật tự khu vực và toàn cầu mới.
Trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động, sự đồng lòng giữa Moscow và Tehran là một minh chứng cho sức mạnh của liên minh chiến lược, mở ra cơ hội để hai nước cùng phát triển và bảo vệ lợi ích chung.
Hiệp ước không chỉ là một văn kiện pháp lý mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết giữa hai quốc gia có chung mục tiêu chống lại sự bá quyền và xây dựng một thế giới đa cực. Với thời hạn 20 năm và khả năng gia hạn, nó sẽ dẫn tới những thay đổi sâu rộng, không chỉ cho Nga và Iran mà còn với khu vực và thế giới.