
Xe tăng T-90M của Nga bị Ukraine phá hủy (Ảnh: Wikimedia).
Theo phân tích hình ảnh vệ tinh phương Tây mới nhất, Nga dường như đang phải "vét" những chiếc T-72B gỉ sét cuối cùng từ Căn cứ 1311 ở vùng Viễn Đông, nơi từng chứa hàng trăm xe tăng. Đây là những phương tiện có từ năm 1985 và đã lạc hậu về công nghệ, phần nào cho thấy sự thiếu hụt khá nghiêm trọng trong kho vũ khí của Moscow.
Nhà phân tích quân sự Jompy tiết lộ tốc độ huy động hiện đã lên tới 20 xe tăng/tháng, và nguồn dự trữ này dự kiến sẽ cạn kiệt hoàn toàn vào cuối năm. Giới chuyên gia cảnh báo, khi số lượng khung xe T-72B còn lại bị khai thác hết, lực lượng vũ trang Nga sẽ rơi vào tình thế không thể duy trì năng lực cơ giới nếu chỉ phụ thuộc vào sản lượng của các nhà máy trong nước.
Mặc dù nhà máy Uralvagonzavod đã tăng sản lượng sản xuất xe tăng T-90M hiện đại từ 60-70 chiếc năm 2022 lên khoảng 250-300 chiếc vào năm 2024, con số này vẫn ít ỏi so với nhu cầu thực tế. Mặt trận Ukraine kéo dài 1.100km đòi hỏi số lượng lớn xe tăng, trong khi Nga còn phải dự phòng cho các điểm nóng tiềm ẩn khác.
Một phiên bản xe tăng "rùa" T-72B3M lạ mắt của Nga (Video: BQP Nga).
Trong bối cảnh đó, các đơn vị Nga buộc phải chuyển sang chiến thuật bộ binh là chính, thậm chí sử dụng xe máy dân dụng để tác chiến. Điều này không đồng nghĩa với việc Nga đang thất bại. Trái lại, lực lượng Nga vẫn duy trì được đà tiến công trước những đơn vị Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực, với khoảng 100.000 lính bộ binh cần được bổ sung.
Tuy nhiên, việc mất dần ưu thế cơ giới khiến quân đội Nga gặp một số bất lợi: không thể tận dụng các kẽ hở phòng thủ của đối phương, bộ binh phải tiếp cận mục tiêu trong tình trạng không được che chắn bởi các lô cốt thép di động, và tốc độ tiến quân bị có thể chậm lại đáng kể.
Nếu không thể cải thiện tốc độ sản xuất hoặc có nguồn cung mới, Nga sẽ ngày càng phụ thuộc vào bộ binh để giữ nhịp tiến công. Một lựa chọn đầy rủi ro trong cuộc chiến tiêu hao kéo dài hiện nay.