Mỹ nối lại viện trợ quân sự, Ukraine cảnh báo tấn công lãnh thổ Nga

() - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Kiev sẽ tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga sau khi Mỹ nối lại viện trợ quân sự.
Mỹ nối lại viện trợ quân sự, Ukraine cảnh báo tấn công lãnh thổ Nga - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Aleksandr Syrsky và Tổng Tham mưu trưởng Ukraine Andrey Gnatov hôm 13/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới vào sâu bên trong lãnh thổ Nga.

"Các đơn vị của chúng tôi sẽ tiếp tục hạ gục đối phương và làm mọi cách có thể để đưa chiến tranh vào lãnh thổ Nga. Chúng tôi đang chuẩn bị các cuộc tấn công tầm xa mới", Tổng thống Zelensky tuyên bố.

Ông Zelensky nói thêm rằng Ukraine đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg và sẽ "làm việc với các đối tác về việc cung cấp vũ khí cũng như mở rộng sản xuất chung các khí tài quốc phòng thiết yếu".

Trong các cuộc tấn công gần đây ở xa tiền tuyến, Ukraine đã nhắm mục tiêu vào các sân bay quân sự, nơi đặt các máy bay ném bom chiến lược ở một số khu vực của Nga.

Máy bay không người lái và tên lửa của Ukraine cũng liên tục tấn công các khu chung cư và các cơ sở hạ tầng dân sự khác của Nga.

Nga cho biết, Ukraine chịu trách nhiệm về vụ trật bánh tàu hỏa chở khách vào ngày 31/3, khiến 7 người thiệt mạng.

Tuyên bố của Tổng thống Zelensky về việc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ cam kết nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine.

Đầu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine để giúp nước này phòng thủ trước các đợt tấn công ngày càng khốc liệt của Nga. Gói viện trợ có thể bao gồm tên lửa phòng không Patriot và tên lửa tầm trung tấn công.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump từng tạm dừng việc chuyển giao một số loại vũ khí thiết yếu vốn đã được chính quyền tiền nhiệm phê duyệt.

Cho đến nay, viện trợ quân sự của chính quyền Tổng thống Trump dành cho Ukraine chỉ bao gồm các loại vũ khí đã được cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt.

Cuối tuần qua, Ủy ban Quân vụ Thượng viện đã phê duyệt 500 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine như một phần của dự thảo cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2026.

NDAA được Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 9/7 bao gồm một điều khoản gia hạn Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine đến năm 2028, tăng tài trợ được ủy quyền lên 500 triệu USD so với 300 triệu năm 2025.

NDAA là một dự luật chính sách hàng năm nhằm cho phép các mức tài trợ và cung cấp thẩm quyền cho quân đội Mỹ. Đạo luật đảm bảo rằng các lực lượng Mỹ có các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của họ và được giám sát chặt chẽ bởi các nhà sản xuất vũ khí như Lockheed Martin và Boeing.

Các nguồn thạo tin ngày 10/7 cho hay, đội ngũ của Tổng thống Trump đang xác định các loại vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ để gửi cho Ukraine trong bối cảnh Nga tăng cường tấn công Ukraine.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng phân bổ hàng trăm tỷ euro trong những tháng gần đây để mở rộng tổ hợp công nghiệp quân sự và hỗ trợ sản xuất vũ khí nội địa của Ukraine.

Thiếu tướng Christian Freuding, chỉ huy giám sát việc điều phối hỗ trợ quân sự của Đức cho Kiev, cho biết Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine lô tên lửa tầm xa đầu tiên do Đức viện trợ trong những tuần tới.

Nga cảnh báo việc Ukraine sử dụng vũ khí do nước ngoài cung cấp để chống lại Nga là sự tham gia trực tiếp của các quốc gia phương Tây vào cuộc xung đột. Nga tuyên bố quân đội Ukraine không thể tự mình vận hành các hệ thống vũ khí tinh vi.

Moscow cảnh báo việc phương Tây viện trợ quân sự cho Kiev càng kéo dài xung đột và không làm thay đổi mục tiêu của Nga trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.