Đụng độ công nghệ: Nga - Ukraine định hình tương lai không chiến

() - Cả Nga và Ukraine đang tích cực phát triển công nghệ tác chiến trên không, định hình lại tương lai chiến trường.
Đụng độ công nghệ: Nga - Ukraine định hình tương lai không chiến - 1

Cuộc chiến Nga - Ukraine chứng kiến sự lột xác không ngừng của công nghệ quân sự (Ảnh: Reuters).

Chiến sự Nga - Ukraine đang định hình lại bản chất của xung đột hiện đại và hé lộ cách các cuộc chiến trong không gian có thể diễn ra trong tương lai.

Trong một bài viết gần đây trên Forbes, Charles Beames, chuyên gia quốc phòng và cựu Giám đốc phụ trách Hệ thống Tình báo và Không gian tại Bộ Quốc phòng Mỹ, lập luận rằng việc Ukraine sử dụng hiệu quả các UAV giá rẻ, có kết nối mạng, đang mang lại những bài học cấp thiết cho chiến lược không gian của Mỹ.

“Ở Ukraine, những UAV giá rẻ nhưng có sức công phá lớn đang giúp nước này không chỉ tự vệ mà còn tấn công sâu vào lãnh thổ Nga", chuyên gia Beames viết.

Ông Beames nhấn mạnh yếu tố mang tính quyết định không nằm ở bản thân các UAV, mà là cách chúng được sử dụng đồng bộ.

“Yếu tố nhân sức thật sự không nằm ở từng chiếc UAV, mà ở hiệu ứng mạng lưới”, ông nhận định.

Việc phối hợp theo thời gian thực giữa UAV, cảm biến và phần mềm đã giúp Ukraine có được lợi thế chiến thuật trước lực lượng Nga đông đảo hơn.

Ông Beames cho rằng 3 nguyên tắc kinh điển trong chiến sự, gồm lực lượng, cơ động và bất ngờ, cần được định nghĩa lại trong thời đại kỹ thuật số.

Lực lượng giờ đến từ số lượng: Sức mạnh tấn công và phòng thủ có thể được triển khai thông qua hàng trăm hoặc hàng nghìn nền tảng nhỏ, thông minh.

Trong khi đó, cơ động không còn chỉ là di chuyển vật lý, mà do phần mềm điều khiển.

Cuối cùng, bất ngờ không nhất thiết phải đến từ máy bay tàng hình, mà có thể từ công nghệ thương mại được sử dụng theo cách khó đoán.

Theo ông, trong không gian, một đội quân cần ưu tiên quy mô, không cần thiết bị quá tinh vi. “Thắng lợi sẽ không phụ thuộc vào việc mỗi vệ tinh tinh xảo ra sao, mà vào số lượng chúng ta có trên quỹ đạo và cách chúng hoạt động thông minh như một hệ thống tích hợp”, ông nói.

Ông Beames kết luận bằng một thông điệp rõ ràng: Phe nào thích nghi nhanh hơn, triển khai nhanh hơn và có nhiều nền tảng kết nối hơn sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột tương lai, cả trên Trái Đất lẫn ngoài không gian.

“Khả năng phục hồi, tốc độ và cách sử dụng sáng tạo công nghệ kết nối, phân tán sẽ quyết định ai chiếm lĩnh vị thế cao nhất trong chiến tranh hiện đại”, ông viết.

Nga tăng tốc bằng chiến lược khó đoán

Nga, một cường quốc quân sự, cũng không kém cạnh trong cuộc đua công nghệ.

Báo Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ cảnh báo rằng hoạt động UAV của Nga ngày càng tinh vi hơn. Các UAV hiện nay được trang bị động cơ mạnh hơn, hệ thống dẫn đường và liên lạc bền bỉ hơn, đồng thời tiếp cận mục tiêu từ các góc tấn công cao hơn để tránh hỏa lực phòng không. Theo báo cáo, điều này đang đẩy cỗ máy chiến sự của Ukraine đến bờ vực quá tải.

Những bước tiến của Nga là hệ quả của một cuộc xung đột đã chứng kiến sự “va chạm” của những công nghệ quân sự “hiện đại nhất”, phía Nga một bên, còn phía Ukraine và NATO một bên, theo chuyên gia quân sự kỳ cựu người Nga Andrey Koshkin.

“Mong muốn cải tiến liên tục, nhằm tránh các công cụ chế áp tín hiệu, đã dẫn đến việc phát triển các phương thức truyền tín hiệu bằng sợi quang; các yếu tố của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được tích hợp, giúp UAV có thể hoàn thành nhiệm vụ ngay cả khi hoạt động trong vùng có phòng thủ chống UAV dày đặc. Nói cách khác, các sáng kiến công nghệ được ra đời và đưa vào ứng dụng ngay lập tức, tất cả đều nhằm nâng cao chất lượng của thiết bị không người lái", ông Koshkin nói với hãng Sputnik.

Điều này cũng áp dụng với chiến thuật. Ông Koshkin nhấn mạnh chiến lược mới nhất của Nga là triển khai UAV theo từng đợt sóng, sử dụng các góc tấn công mới và chiến thuật bão hòa phòng không.