
Máy bay B-2 Spirit thả bom GBU-57 trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Ngày 22/6, Không quân Mỹ đã thả 14 quả bom xuyên boongke GBU-57 Massive Ordnance Penetrator (MOP), còn gọi là “bom xuyên hầm”, xuống các cơ sở hạt nhân của Iran là Fordow và Natanz.
Đây là lần đầu tiên loại bom nặng 13.600kg, có khả năng xuyên sâu 60m trước khi phát nổ, được sử dụng trong chiến đấu. GBU-57 MOP cũng là quả bom phi hạt nhân mạnh nhất hiện nay trong kho vũ khí của Mỹ, được thiết kế đặc biệt để xuyên phá các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất, như cơ sở hạt nhân, hầm chỉ huy, boongke bê tông cốt thép.
Tuy nhiên, Mỹ đã sớm bắt tay vào phát triển phiên bản kế nhiệm của loại vũ khí đặc biệt này, Next Generation Penetrator (NGP), với mục tiêu tạo ra bom xuyên hầm thế hệ mới có khả năng tích hợp với máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider, vốn được kỳ vọng thay thế cho B-2 Spirit trong tương lai.
So với GBU-57, bom NGP được thiết kế với nhiều cải tiến hiện đại: Gắn được động cơ phụ, cho phép tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa; độ chính xác cao, với sai số tròn chỉ 2,2m, ngay cả trong môi trường bị gây nhiễu hoặc mất tín hiệu GPS.
Ngoài ra, NGP có thể sử dụng hệ thống dẫn đường tiên tiến tích hợp giữa GPS và hệ thống định vị quán tính (INS).
Bom này cũng được tích hợp ngòi nổ thông minh, giúp phát hiện các khoảng trống cấu trúc bên trong mục tiêu và điều chỉnh thời điểm nổ tối ưu
Không quân Mỹ (USAF) còn đang quan tâm đến dòng bom nhỏ hơn thuộc chương trình Global Precision Attack Weapon (GPAW), đủ gọn để mang bên trong khoang vũ khí của chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Siêu bom có thể phá hủy các pháo đài hạt nhân "bất khả xâm phạm" của Iran (Video: WSJ).
Thực tế, ngay từ khi GBU-57 mới bắt đầu được biên chế vào đầu những năm 2010, Mỹ đã lên kế hoạch phát triển thế hệ bom xuyên hầm kế tiếp.
Hiện tại, B-2 Spirit là máy bay duy nhất có khả năng mang theo GBU-57, với tải tối đa 2 quả. B-21 Raider, tuy nhỏ hơn B-2, dự kiến chỉ mang được 1 quả GBU-57.
GBU-57 sử dụng hệ dẫn đường kép và những phiên bản nâng cấp sau này còn được tích hợp ngòi nổ thông minh để tối ưu hóa khả năng phá hủy bên trong mục tiêu.
Đầu đạn của GBU-57 thuộc họ BLU-127, chứa khoảng 2.082 đến 2.600kg thuốc nổ mạnh, chiếm khoảng 20% tổng khối lượng quả bom.
Tháng 2/2024, Không quân Mỹ phát đi thông báo tìm kiếm các nhà thầu có khả năng thiết kế đầu đạn xuyên hầm thế hệ mới, với yêu cầu: Trọng lượng tối đa 10.000kg, ngòi nổ tích hợp bên trong, tối ưu hóa khả năng kích nổ sau khi xuyên vật thể cứng.
Thông báo cũng yêu cầu tận dụng bài học từ các chương trình phát triển vũ khí xuyên hầm trước đây, đặc biệt là phân tích năm 2012 và 2019 về đạn xuyên mục tiêu cứng và sâu (HTM).
Không quân Mỹ cũng cho biết, NGP sẽ có khả năng tích hợp động cơ phản lực, giúp tấn công từ xa thay vì phải bay gần như GBU-57 hiện tại, loại bom này không có động cơ, buộc phải được thả từ cự ly gần.
Chiến dịch "Búa đêm" hôm 22/6 đánh dấu lần đầu tiên GBU-57 được sử dụng trong chiến đấu, với 14 quả được thả xuống hai cơ sở hạt nhân Fordow và Natanz của Iran.
Tình báo Mỹ đang đánh giá mức độ thiệt hại mà các quả bom xuyên hầm gây ra. Những kết luận rút ra từ chiến dịch này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các yêu cầu kỹ thuật cuối cùng của chương trình NGP.
Mỹ coi việc sở hữu các loại bom xuyên hầm thế hệ mới là cần thiết trong bối cảnh các đối thủ của họ đều có truyền thống xây dựng các cơ sở quân sự ngầm kiên cố sâu dưới lòng đất.
Trong kỷ nguyên tác chiến tàng hình, các loại vũ khí tấn công chính xác cao, có khả năng xuyên sâu và hoạt động hiệu quả trong môi trường điện tử bị gây nhiễu sẽ là yếu tố sống còn cho ưu thế chiến lược của Mỹ.