Doanh nghiệp Iran chật vật sau xung đột Israel - Iran

() - Doanh nghiệp Iran lao đao sau xung đột với Israel, đối mặt đứt gãy thương mại, phí vận chuyển tăng vọt và môi trường kinh doanh bị siết chặt vì lo ngại rủi ro địa chính trị.
Doanh nghiệp Iran chật vật sau xung đột Israel - Iran - 1

Một khu vực tại Tehran bị trúng tên lửa của Israel ngày 13/6 (Ảnh: AFP).

Khi căng thẳng giữa Iran và Israel có dấu hiệu hạ nhiệt, giới doanh nhân Iran lại đối mặt với một thực tế ảm đạm hơn: quan hệ thương mại đổ vỡ, phí bảo hiểm vận chuyển tăng vọt và nỗi bất an của chiến tranh chưa hề tan biến.

Với ông Reza Khosravni, một doanh nhân Iran đang tham dự hội chợ thương mại tại Urumqi (Trung Quốc), thời gian này thực sự là một phép thử lớn. Chỉ mới tháng trước, thế giới còn đứng trước bờ vực chiến tranh toàn diện khi Iran và Israel liên tục đáp trả nhau bằng tên lửa và bom đạn. Hơn 900 người thiệt mạng tại Iran, nhiều người trong số đó là thường dân sống trong các khu dân cư bị không kích. 

Bom đạn nay đã im tiếng, nỗi lo về một cuộc chiến tranh hạt nhân tạm lắng xuống, nhưng với những người làm ăn như ông Khosravni, tổn thất thật sự mới chỉ bắt đầu.

“Tôi như đang chứng kiến lịch sử lặp lại, nhưng lần này rủi ro cao hơn và lối thoát ít hơn”, ông chia sẻ. Hiện ông đang điều hành công ty thương mại và hậu cần của gia đình - một doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hoạt động nhập khẩu và thanh toán quốc tế. 

Công ty của ông đã tồn tại qua 3 thế hệ, từng vượt qua thời kỳ Cách mạng Hồi giáo, chiến tranh Iran-Iraq và nhiều năm sống chung với lệnh cấm vận. Nhưng bản lĩnh thương trường tích lũy qua bao sóng gió ấy cũng đang lung lay trước làn sóng khủng hoảng hiện nay.

Ông kể lại: “Bố tôi từng điều hành công ty trong thời chiến với Iraq. Khi đó tôi còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ bầu không khí nặng nề trong mỗi bữa cơm khi có tin một tuyến thương mại bị đóng lại, hay một container hàng bị mất tích. Bố từng nói: "Trong thời chiến, hàng hóa trở thành con tin, còn đối tác thì hóa thành bóng ma". Khi ấy tôi không hiểu hết, nhưng giờ thì tôi đã thấm”.

Kể từ sau đợt tấn công đầu tiên của Israel ngày 13/6, nhiều khách hàng quốc tế - chủ yếu đến từ Trung Á, Đông Âu và vùng Caucasus - đã ngừng giao dịch với công ty ông Khosravni. Hầu hết trong số họ là đối tác lâu năm.

“Họ không bỏ rơi chúng tôi vì ác cảm, mà vì sợ. Họ lo rằng chỉ cần dính dáng đến Iran là có thể bị phong tỏa tài sản hoặc đưa vào danh sách đen”, ông Khosravni nói.

Phí bảo hiểm vận chuyển bị đội lên chóng mặt. Phí rủi ro thời chiến từng ở mức 1,2% nay đã vọt lên 4,7%. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa như ông Khosravni, đó là dấu chấm hết cho lợi nhuận.

Hoạt động ngân hàng thì rối ren hơn bao giờ hết. “Trước chiến tranh, chuyển tiền quốc tế vốn đã khó khăn. Giờ thì gần như bất khả thi. Chúng tôi phải quay lại dùng hệ thống chuyển tiền truyền thống thì mới duy trì được hoạt động”, ông chia sẻ thêm.

“Cảm giác như cả hệ thống bị đẩy lùi về thập niên 1980, nhưng lần này còn phải đối mặt với giám sát số và nhiều ràng buộc nghiêm ngặt hơn”, ông Khosravni nói thêm.

Tình hình khó khăn trở nên rõ nét trong chính trụ sở công ty. “Nhiều nhân viên giỏi, có bằng cấp quốc tế, đã xin nghỉ. Một người nói với tôi: "Em không còn nhìn thấy tương lai nào cho thương mại ở đây nữa". Tôi không biết phải trả lời thế nào - bởi cậu ấy đâu có sai”, ông Khosravni kể lại.

Khâu hậu cần cũng ngày một bế tắc khi hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ về phải qua thêm nhiều lớp kiểm tra, thủ tục thông quan trở nên rườm rà. Các nhà cung cấp từ Trung Quốc và Ấn Độ - vốn uy tín và linh hoạt - giờ đòi hỏi thanh toán toàn bộ trước khi gửi hàng.

“Ngay cả thời kỳ bị trừng phạt dưới thời ông Trump, thế giới cũng chưa từng nghi ngờ chúng tôi đến vậy. Bây giờ, người ta hành xử như thể Iran đang trong chiến tranh và không thể tin cậy được”, ông Khosravni nói.

Một lô hàng lựu xuất khẩu sang Đức bị hủy phút chót, lý do chỉ là “nguy cơ địa chính trị không lường trước” khiến cho kho bãi ngày càng đầy ắp hàng tồn. Một thỏa thuận khác liên quan đến dây đồng xuất khẩu sang Syria cũng bị đóng băng không phải vì vận chuyển, mà vì ngân hàng của đối tác từ chối xử lý bất kỳ khoản thanh toán nào có liên quan đến Iran.

“Đây không chỉ là chuyện của hàng hóa”, ông Khosravni nhấn mạnh. “Nó liên quan đến con người - nhân viên có gia đình, nông dân, tài xế, những doanh nghiệp nhỏ phụ thuộc vào chúng tôi. Và không ai trong chúng tôi có tiếng nói về những gì đang xảy ra”.

Điều khiến ông Khosravni buồn nhất là sự im lặng của cộng đồng quốc tế. “Mọi người đều theo dõi hình ảnh tên lửa, máy bay không người lái, các cuộc đối đầu ngoại giao. Nhưng ai nói về thương nhân, về những người đã dành cả đời gây dựng lòng tin - giờ mất trắng chỉ trong vài ngày?”

Ông kể về cuộc gọi từ một đối tác tại Kazakhstan, người đã đồng hành suốt 15 năm. “Ông ấy gọi để nói phải tạm dừng hợp tác, không phải vì muốn thế mà vì ngân hàng cảnh báo không nên xử lý hóa đơn liên quan đến Iran. Ông nói rất áy náy, thậm chí có phần xấu hổ. Tôi không trách, nhưng cũng không giấu được sự tổn thương”, ông Khosravni kể.

Giới thương nhân Iran không xa lạ gì với nghịch cảnh này. Trong những năm tháng chiến tranh với Iraq, cha ông từng đổi chà là lấy linh kiện ô tô, đổi nhụy hoa nghệ tây lấy nhiên liệu. “Hồi đó, chúng tôi sống sót mà không cần tiền. Còn giờ đây, chúng tôi sống sót mà không còn hy vọng”, ông Khosravni nói.

Ông lặp lại lời cha mình từng nói trong những năm tháng đen tối nhất: “Trong chiến tranh, thương mại là thứ đầu tiên bị tổn thương và là thứ cuối cùng phục hồi”. Những lời nói ấy giờ đây đúng hơn bao giờ hết.

“Chúng tôi không cần sự thương hại. Điều chúng tôi cần là sự công nhận - rằng đằng sau mỗi chính sách, mỗi cuộc không kích, vẫn có những người như chúng tôi đang cố gắng giữ lấy một điều gì đó đang dần mất đi”, ông Khosravni nói.

Ông Khosravni dừng lại, rồi chậm rãi nói thêm: “Chúng tôi xây dựng mối quan hệ, không phải tên lửa. Nhưng lúc này, có vẻ như thế giới không còn phân biệt được điều đó”.