
Phái đoàn Nga và Ukraine đàm phán vào ngày 29/3/2022 tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Reuters)
Một ngày trước khi diễn ra đàm phán trực tiếp tiềm năng giữa Nga và Ukraine, ông Rodion Miroshnik, đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết đàm phán hiện giờ sẽ dựa trên nền tảng dự thảo thỏa thuận mà hai bên đã nhất trí tại Istanbul năm 2022, nhưng sẽ có điều chỉnh nhất định cho phù hợp thực tế.
Ông Miroshnik nhắc lại, theo dự thảo thỏa thuận này, Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập NATO.
"Ukraine nên bị tước bỏ khả năng quân sự và không được sử dụng như một công cụ chống lại Nga. Điều này liên quan đến việc giảm quy mô lực lượng vũ trang của Ukraine và hạn chế vũ khí mà nước này có. Mặc dù con số chính xác không được nêu rõ, nhưng quân đội của họ chỉ đủ để quản lý các vấn đề nội bộ, hàng chục nghìn, không phải hàng triệu. Ít hơn nhiều", ông Miroshnik nói.
Đó cũng là thông điệp mà giới chức Nga nhiều lần truyền tải khi đề cập đến triển vọng nối lại đàm phán hòa bình với Ukraine.
Hồi tháng 3/2022, vài tuần sau khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt", phái đoàn Nga và Ukraine đã tổ chức một số cuộc đàm phán trực tiếp, trong đó có cuộc đối thoại ở Istanbul trước khi đàm phán đổ vỡ.
Moscow nói rằng, khi đó hai bên đã gần đi đến ký kết dự thảo thỏa thuận hòa bình, song Ukraine, dưới sức ép của phương Tây, bất ngờ hủy dự thảo, rút khỏi đàm phán.
Đối thoại giữa Nga và Ukraine đình trệ kể từ đó, cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử và hối thúc các bên ngồi vào bàn đàm phán, nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Ông Trump mới đây kêu gọi Nga nhất trí ngừng bắn ít nhất 30 ngày với Ukraine để tạo điều kiện cho hòa đàm, nếu không, Washington sẽ buộc phải tăng cường trừng phạt Moscow.
Theo nhà báo người Nga Alexander Baunov, việc đề cập đến các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul vào năm 2022 xuất hiện khắp mọi thông điệp chính thức của Moscow trong tuần này và đây không phải là sự ngẫu nhiên.
"Mọi thứ đã được thực hiện để đảm bảo rằng đề xuất của Moscow không phải là kết quả do áp lực từ Washington", ông viết trong bài đăng trên báo Carnegie Politika.
Ông bình luận thêm: "Điều này gợi nhớ đến sự nhượng bộ trước đó của Moscow: thỏa thuận hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đen vào cuối tháng 3. Điều quan trọng đối với giới lãnh đạo Nga khi đó là nhấn mạnh rằng không có gì mới xảy ra: thỏa thuận ngũ cốc, không được gia hạn vào năm 2023, chỉ đơn giản là được nối lại".
"Moscow đang trình bày sáng kiến mới của mình theo cách tương tự: không có gì mới xảy ra, sau một thời gian dài gián đoạn, chúng tôi chỉ đơn giản đề xuất nối lại các cuộc đàm phán năm 2022 mà Ukraine đã làm gián đoạn theo yêu cầu của phương Tây. Nghĩa là, chúng tôi không đề xuất đàm phán vì ông Trump muốn".