ThS. Cao Xuân Thắng
Email: thangcx@epu.edu.vn
ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung
Email: nhungnguyenthikim1982@gmail.com
Trường Đại học Điện lực
Tóm tắt
Kinh tế nền tảng là mô hình kinh doanh dựa trên hạ tầng số, cho phép kết nối các nhóm người dùng, nhằm trao đổi giá trị và tối ưu hóa hiệu ứng mạng lưới. Đặc trưng nổi bật của mô hình này là tính kết nối cao, vận hành dựa trên dữ liệu lớn và khả năng mở rộng nhanh với chi phí biên thấp. Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế nền tảng đã có sự phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nghiên cứu tập trung làm rõ khái niệm và đặc điểm của kinh tế nền tảng trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam, ghi nhận sự phát triển nhanh của nhiều nền tảng số tại Việt Nam như Grab, Shopee, Tiki, MoMo… Nghiên cứu cũng chỉ ra một số khó khăn như hạ tầng dữ liệu hạn chế, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, quản lý thuế và bảo vệ lao động nền tảng còn nhiều bất cập. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm góp phần định hướng chính sách phát triển bền vững cho kinh tế nền tảng tại Việt Nam.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hạ tầng số, kinh tế nền tảng, kinh tế số, mạng xã hội
Summary
The Platform economy is a business model based on digital infrastructure that facilitates connections among user groups to exchange value and optimize network effects. This model is characterized by high connectivity, data-driven operations, and rapid scalability with low marginal costs. Alongside advancements in science and technology and the Fourth Industrial Revolution, the platform economy has experienced robust growth in numerous countries, including Vietnam. This study clarifies the concept and key features of the platform economy within the context of digital economic development in Vietnam, highlighting the rapid growth of digital platforms such as Grab, Shopee, Tiki, and MoMo. The research also identifies several challenges, including limited data infrastructure, an underdeveloped legal framework, and inefficiencies in tax administration and platform labor protection. Based on these findings, the authors propose policy recommendations to foster the sustainable development of the platform economy in Vietnam.
Keywords: The Fourth Industrial Revolution, digital transformation, digital infrastructure, platform economy, digital economy, social networks
GIỚI THIỆU
Sự bùng nổ mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đã tạo ra hiệu ứng lan toả tích cực, kích thích sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ và nghề nghiệp mới. Một trong số đó là sự bùng nổ của kinh tế nền tảng (platform economy). Kinh tế nền tảng, với đặc trưng là sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ dựa trên nền tảng số, như Airbnb, Grab, Shopee, MoMo… đã tạo ra xu hướng tiêu dùng mới, thay đổi cách thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Kinh tế nền tảng có tác động sâu rộng đến cấu trúc kinh tế - xã hội, từ việc thay đổi cách thức tiêu dùng, phân phối hàng hóa, đến biến đổi thị trường lao động và hình thành các loại hình việc làm linh hoạt. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra những thách thức lớn về quản trị, cạnh tranh công bằng, quyền riêng tư dữ liệu và đảm bảo an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc hiểu rõ bản chất và vai trò của kinh tế nền tảng là điều kiện tiên quyết để xây dựng chính sách phù hợp, tận dụng cơ hội và kiểm soát rủi ro trong thời đại chuyển đổi số.
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ KINH TẾ NỀN TẢNG
Khái niệm kinh tế nền tảng
Kinh tế nền tảng đã nổi lên như một mô hình kinh doanh và tổ chức kinh tế quan trọng mới trong kỷ nguyên số, định hình lại cách thức sản xuất, tiêu dùng và tương tác xã hội. Thuật ngữ này đề cập đến các hoạt động kinh tế được trung gian hóa bởi các nền tảng kỹ thuật số (digital platforms), đóng vai trò là cầu nối giữa các nhóm người dùng khác nhau như người cung cấp và người tiêu dùng dịch vụ hoặc người bán và người mua sản phẩm (Srnicek, 2017). Theo Kenney và Zysman (2016), nền tảng là "hạ tầng số cho phép nhiều nhóm người dùng tương tác với nhau, thường là người tiêu dùng và nhà cung ứng".
Khác với mô hình kinh doanh truyền thống, kinh tế nền tảng không sở hữu toàn bộ tài sản hoặc dịch vụ được cung ứng mà tạo ra một không gian số để các bên tương tác, trao đổi giá trị và tạo lập mạng lưới. Những nền tảng tiêu biểu như Grab, Shopee, Airbnb, Facebook hay Google là ví dụ điển hình, thể hiện sức mạnh kết nối và khả năng tạo giá trị dựa trên dữ liệu và công nghệ thuật toán. Trong kinh tế nền tảng, dữ liệu trở thành yếu tố trung tâm, thay thế phần nào vai trò của vốn truyền thống.
Đặc điểm của kinh tế nền tảng
Kinh tế nền tảng là một mô hình kinh tế đặc thù, có những đặc điểm cấu trúc và vận hành khác biệt so với kinh tế truyền thống. Trên cơ sở nền tảng kỹ thuật số, mô hình này thúc đẩy việc kết nối và tương tác giữa các nhóm người dùng, tạo ra một hệ sinh thái giá trị đa chiều.
Thứ nhất, đặc điểm đầu tiên và quan trọng nhất của kinh tế nền tảng là tính kết nối mạng lưới (network connectivity). Nền tảng số đóng vai trò là trung gian kỹ thuật số, kết nối trực tiếp người cung cấp và người tiêu dùng, từ đó làm gia tăng hiệu ứng mạng lưới, tức là giá trị của nền tảng tăng lên khi số lượng người dùng tham gia ngày càng nhiều (Parker, Van Alstyne & Choudary, 2016).
Thứ hai, là tính phi tài sản (asset-light model). Các doanh nghiệp nền tảng không nhất thiết phải sở hữu tài sản cố định để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ. Chẳng hạn, Grab không sở hữu xe, Airbnb không sở hữu khách sạn, nhưng cả 2 đều tạo ra giá trị lớn nhờ kết nối hiệu quả các bên trong thị trường. Điều này giúp các nền tảng mở rộng quy mô nhanh chóng, linh hoạt và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu.
Thứ ba, nền kinh tế nền tảng có tính dữ liệu trung tâm (data-centricity). Dữ liệu người dùng, hành vi tiêu dùng và tương tác giữa các bên trên nền tảng được thu thập và xử lý liên tục để cải thiện dịch vụ, tối ưu hóa vận hành và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Năng lực phân tích dữ liệu lớn (big data) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chính là nguồn lực cốt lõi giúp các nền tảng duy trì lợi thế cạnh tranh.
Thứ tư, tính đa chiều và 2 mặt thị trường (two-sided or multi-sided markets) cũng là điểm đặc trưng. Các nền tảng không chỉ kết nối 2 nhóm người dùng (ví dụ như giữa tài xế và hành khách, giữa người bán và người mua) mà còn tạo ra nhiều chiều giá trị khác như kết nối với bên thứ ba (quảng cáo, đối tác phân phối, nhà phát triển phần mềm…), từ đó mở rộng mô hình kinh doanh và hệ sinh thái.
Thứ năm, kinh tế nền tảng có khả năng mở rộng nhanh (scalability) nhờ vào tính linh hoạt về công nghệ và mô hình vận hành. Một nền tảng có thể nhân rộng trên nhiều quốc gia, thị trường mà không cần thay đổi cấu trúc cơ bản - điều mà các mô hình truyền thống khó đạt được. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng đòi hỏi khả năng quản trị rủi ro cao, nhất là về pháp lý và bảo mật dữ liệu.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NỀN TẢNG TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Kết quả đạt được
Trong những năm gần đây, kinh tế nền tảng đã phát triển nhanh chóng tại Việt Nam, thể hiện qua sự xuất hiện và phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực vận tải (Grab, Be), thương mại điện tử (Shopee, Lazada), lưu trú (Airbnb, Luxstay) và tài chính (MoMo, VNPay)...
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) các năm từ 2020 đến 2023 lần lượt là 12,66%, 12,88%, 12,63% và 12,33%. Nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%. Năm 2022, ngành kinh doanh nền tảng đóng góp 40,5 tỷ USD vào GDP của Việt Nam, tương đương 9,92%. Trong đó, riêng lĩnh vực vận tải đóng góp 6,8 tỷ USD, tương đương 1,7% GDP, chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành (Hồng Sơn, 2025).
Trong ngành nền tảng, lĩnh vực vận tải công nghệ như Grab, Be, FastGo... cùng thương mại điện tử đã tạo ra giá trị đáng kể. Cụ thể, Grab Việt Nam đã đóng góp 0,23% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của khu vực Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội) và 0,17% của vùng Đông Nam Bộ, bao gồm TP. Hồ Chí Minh, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Sau Grab, hiện các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng có mặt ở hầu hết các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tài chính... Nhìn chung, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này đã thúc đẩy mức tăng trưởng thương mại, chứng minh hiệu quả nhờ việc giảm thời gian, chi phí cũng như tạo ra việc làm mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau (Hồng Sơn, 2025).
Một yếu tố quan trọng khác là số lượng doanh nghiệp nền tảng tăng vượt kế hoạch: đến giữa năm 2024, đã có hơn 50.350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nền tảng, vượt mục tiêu 48.000 (Ngoc Lan, 2025). Sự phát triển phần mềm Việt cũng được thể hiện qua hơn 60 nền tảng và ứng dụng di động đạt trên 1 triệu người dùng hàng tháng (vào năm 2023), chứng tỏ sự mở rộng và ổn định của hệ sinh thái nội địa (Doan Duy Khuong, 2023).
Hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đà phát triển: tốc độ internet di động trung bình đã lên đến 86,96 Mbps và cố định đạt 159,32 Mbps, đứng hạng 37/110 và 35/154 quốc gia. Tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang đạt 82,4 %, vượt mục tiêu 80 % đến năm 2025 (Trong Dat, 2025). Một số dự án hạ tầng lớn như cáp quang biển dung lượng 20 Tbps đã được hoàn tất và các dự án tiếp theo đang triển khai nhằm tăng cường tính kết nối khu vực.
Một số hạn chế, thách thức
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, kinh tế nền tảng ở Việt Nam vẫn đối mặt với một số hạn chế và thách thức nhất định, cụ thể là:
Khung pháp lý về kinh tế nền tảng vẫn chưa hoàn thiện
Hệ thống pháp lý hiện có vốn được xây dựng dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống. Mặc dù Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm, nhưng vẫn thiếu sự rõ ràng về định nghĩa “nền tảng nền tảng số”, cơ chế cấp phép, hoạt động thanh tra, kiểm soát và trách nhiệm pháp lý khi vi phạm. Các doanh nghiệp nền tảng hiện vẫn nằm giữa 2 “danh mục”: (i) Một mặt, họ tự định vị là “doanh nghiệp công nghệ”, không trực tiếp cung cấp dịch vụ (ví dụ Grab là đơn vị kết nối tài xế - khách hàng); (ii) Mặt khác, họ chi phối hoạt động vận hành, giá cả và chịu trách nhiệm với người tiêu dùng. Điều này khiến cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc xác định quyền -nghĩa vụ, từ đó dẫn đến tranh chấp pháp lý.
Khó khăn trong quản lý thuế
Một trong những hạn chế lớn trong quản lý thuế đối với kinh tế nền tảng tại Việt Nam là việc chưa kiểm soát hiệu quả thu nhập phát sinh từ cá nhân và tổ chức kinh doanh trên nền tảng số. Nhiều cá nhân bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử không đăng ký mã số thuế, không kê khai thu nhập, dẫn đến tình trạng thất thu thuế. Trong khi đó, hệ thống pháp lý và công nghệ quản lý thuế còn chậm thích ứng với mô hình phi truyền thống này, chưa có cơ chế giám sát dòng tiền và khấu trừ tự động hiệu quả từ các nền tảng
Khó khăn trong quản lý lao động và bảo hiểm
Phần lớn người lao động làm việc trên nền tảng (tài xế, shipper, seller…) không có hợp đồng lao động chính thức. Họ không được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội, y tế, nghỉ phép, hoặc hỗ trợ khi mất việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp nền tảng lại không bị ràng buộc trách nhiệm sử dụng lao động, bởi họ coi những người này là “đối tác độc lập”.
Hạn chế về hạ tầng
Mặc dù hạ tầng truy cập tốt, nhưng chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống còn hạn chế, như AI, nông nghiệp, y tế… chưa tận dụng được tiềm năng. Vấn đề an ninh mạng và bảo mật dữ liệu vẫn là mối đe dọa lớn: các cuộc tấn công chiếm đoạt, simswap, mã độc ngày càng gia tăng.
Thiếu hụt nhân lực công nghệ cao; năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) yếu
Mặc dù có hơn 50.000 doanh nghiệp số nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít nguồn lực đầu tư R&D; lực lượng kỹ sư AI, bảo mật chưa đủ để phát triển bứt phá.
KHUYẾN NGHỊ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ NỀN TẢNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Việc phát triển kinh tế nền tảng tại Việt Nam thời gian qua tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng vẫn bộc lộ những hạn chế và rào cản đáng kể liên quan đến thể chế, hạ tầng dữ liệu, năng lực đổi mới sáng tạo và nhân lực. Để khắc phục những hạn chế đó và thúc đẩy một nền kinh tế nền tảng bền vững, hiệu quả, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý là yêu cầu cấp thiết, nhằm tạo môi trường cạnh tranh công bằng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế nền tảng. Hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh nền tảng mới, như: tài chính ngang hàng (P2P lending), vận tải công nghệ, thương mại điện tử xuyên biên giới... vẫn chưa được định danh rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, dẫn đến tình trạng lách luật hoặc không đủ cơ sở để bảo vệ người tiêu dùng và các bên liên quan. Do đó, cần sớm xây dựng và ban hành các luật chuyên biệt hoặc bổ sung vào các luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại điện tử, Luật An ninh mạng) những điều khoản cụ thể, điều chỉnh các hoạt động kinh doanh nền tảng. Đồng thời, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) rộng rãi, linh hoạt ở các lĩnh vực tiềm năng, như: công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech), công nghệ nông nghiệp (agtech), nhằm khuyến khích thử nghiệm mô hình mới trong môi trường pháp lý “mềm dẻo” trước khi ban hành quy định chính thức.
Thứ hai, để tăng cường quản lý thuế đối với kinh tế nền tảng tại Việt Nam, cần triển khai cơ chế khấu trừ thuế tại nguồn đối với các nền tảng có khả năng kiểm soát dòng tiền; đồng thời tích hợp dữ liệu giao dịch số với hệ thống thuế quốc gia nhằm đảm bảo minh bạch và tự động hóa trong kê khai. Nhà nước cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cá nhân kinh doanh nền tảng đăng ký mã số thuế và thực hiện nghĩa vụ thuế đúng quy định. Bên cạnh đó, cải cách pháp lý theo hướng linh hoạt và cập nhật là điều kiện then chốt để bắt kịp đặc thù mô hình nền tảng số.
Thứ ba, tăng cường bảo vệ lao động nền tảng. Trước sự phát triển nhanh chóng của mô hình kinh tế nền tảng, việc xây dựng chính sách bảo vệ người lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động nền tảng, là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững. Một trong những đề xuất trọng tâm là thiết lập “chế độ bảo vệ tối thiểu” dành cho lao động nền tảng, bao gồm: quyền được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp với mức đóng góp linh hoạt và có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng như doanh nghiệp nền tảng. Chính phủ cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để bổ sung nhóm đối tượng lao động tự do. Bên cạnh đó, cần luật hóa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nền tảng, quy định rõ nghĩa vụ đóng góp vào quỹ bảo hiểm nếu nền tảng kiểm soát hoạt động và thu nhập của người lao động.
Thứ tư, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng dữ liệu và số hóa toàn diện. Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có khả năng kết nối, chia sẻ liên ngành, liên cấp, liên vùng. Việc đầu tư các trung tâm dữ liệu (data center) đạt chuẩn quốc tế, có quy mô lớn, phân bố hợp lý theo vùng là bước đi thiết yếu để bảo đảm tính liên tục và bảo mật dữ liệu. Đồng thời, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư từ khối tư nhân và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này, thông qua các ưu đãi tài chính, hỗ trợ pháp lý và bảo đảm an toàn dữ liệu.
Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ số cũng là giải pháp then chốt. Cần xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số toàn diện, từ phổ cập kiến thức cơ bản về sử dụng nền tảng số cho người dân ở vùng sâu vùng xa đến nâng cao kỹ năng chuyên sâu, như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bảo mật thông tin cho sinh viên và lực lượng lao động trẻ. Sự hợp tác giữa Nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ trong đào tạo thực hành, chẳng hạn thông qua hình thức học kỳ doanh nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo, sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thực tế từ thị trường lao động.
Thứ sáu, để bảo vệ người dùng và bảo đảm an toàn dữ liệu trong không gian nền tảng, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân và giao dịch số. Luật Dữ liệu cần làm rõ các khái niệm như “dữ liệu quan trọng”, “dữ liệu cá nhân nhạy cảm” cũng như cơ chế kiểm soát, xử phạt minh bạch đối với các vi phạm. Đồng thời, tăng cường năng lực của các cơ quan giám sát về an toàn thông tin trên không gian mạng, trong việc kiểm tra, đánh giá, phối hợp phản ứng nhanh với các sự cố rò rỉ hoặc tấn công mạng có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
1. Doan Duy Khuong (2023). Fostering platform economy. https://vccinews.com/news/51100/fostering-platform-economy.html
2. Hồng Sơn (2025). Phát triển kinh tế nền tảng: Xu hướng mới thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. https://hanoimoi.vn/phat-trien-kinh-te-nen-tang-xu-huong-moi-thuc-day-tang-truong-manh-me-694002.html
3. Kenney, M. and Zysman, J. (2016). The rise of the platform economy. Issues in Science and Technology, 32(3), 61-69.
4. Ngoc Lan (2025). Digital platform enables greater trade. https://vneconomy.vn/digital-platform-enables-greater-trade.htm
5. Parker, G. G., Van Alstyne, M. W. and Choudary, S. P. (2016). Platform Revolution: How Networked Markets Are Transforming the Economy - and How to Make Them Work for You. W. W. Norton & Company.
6. Srnicek, N. (2017). Platform Capitalism. Polity Press.
7. Trong Dat (2025). Vietnam’s digital economy expands at record pace, now 18.3% of GDP. https://vietnamnet.vn/en/vietnam-s-digital-economy-expands-at-record-pace-now-18-3-of-gdp-2369146.html
Ngày nhận bài: 22/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 30/6/2025; Ngày duyệt đăng: 6/7/2025 |