Nguyễn Thị Hương
Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ
Tóm tắt
Với tiềm năng văn hóa độc đáo và đa dạng, việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là cơ hội để tỉnh Phú Thọ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mới, mà còn là sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng phát triển công nghiệp văn hóa tại Phú Thọ trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, chỉ ra những hạn chế, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.
Từ khóa: Công nghiệp văn hóa, di sản văn hóa, nguồn lực, Phú Thọ
Summary
With its unique and diverse cultural heritage, the development of cultural industry in Phu Tho Province represents not only an opportunity to foster new economic growth drivers but also a vital mission to preserve and promote the values of national cultural heritage. This article examines the current status of cultural industry development in Phu Tho prior to the administrative consolidation, highlights existing limitations, and proposes appropriate solutions for sustainable development in the coming period.
Keywords: Cultural industry, cultural heritage, resources, Phu Tho
ĐẶT VẤN ĐỀ
Phú Thọ được mệnh danh là “Đất Tổ” của dân tộc Việt Nam, nơi khởi nguồn của nền văn minh lúa nước cổ xưa. Từ hàng nghìn năm trước, đây từng là trung tâm văn hóa, chính trị của các triều đại, với di sản văn hóa Đông Sơn rực rỡ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc. Khu di tích Đền Hùng và Lễ hội Đền Hùng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định giá trị to lớn của di sản văn hóa Phú Thọ đối với cộng đồng quốc tế.
Với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng bao gồm hơn 1.300 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, hàng chục lễ hội truyền thống đặc sắc, nhiều làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng cùng với thiên nhiên hữu tình, Phú Thọ sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH). Đây không chỉ là cơ hội vàng để Tỉnh tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mới, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành thực lực, biến lợi thế thành động lực phát triển bền vững, việc huy động hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt quyết định thành bại của quá trình phát triển CNVH. Trong điều kiện nguồn lực luôn có hạn, việc xác định đúng định hướng, ưu tiên và áp dụng các giải pháp phù hợp để huy động tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và quốc tế sẽ là chìa khóa để Phú Thọ thành công trên con đường xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Tại Đề án “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định: CNVH là hệ thống các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang giá trị vật chất và tinh thần, có khả năng tạo ra thu nhập, việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Nói cách khác, CNVH là một khái niệm chỉ những ngành nghề sản xuất, phân phối và khai thác các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng tạo ra giá trị kinh tế thông qua quá trình sáng tạo, sử dụng công nghệ, kỹ năng và vốn trí tuệ. Hay, CNVH là ngành kinh tế sử dụng sự sáng tạo, nghệ thuật, và tài năng cá nhân để tạo ra các sản phẩm/dịch vụ văn hóa có giá trị thương mại và ảnh hưởng đến xã hội.
Phát triển CNVH là quá trình đầu tư, tổ chức sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo và có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Phát triển CNVH là một trong những phương cách phát triển sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới, tạo hiệu ứng tốt để phát triển kinh tế. Về đối nội, CNVH phát triển góp phần gia tăng sức mạnh văn hóa dân tộc.
Huy động nguồn lực cho phát triển CNVH là quá trình tập hợp, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác nhau (chính sách, tài chính, con người, vật chất, công nghệ, quan hệ đối tác...) nhằm thúc đẩy các ngành CNVH phát triển bền vững. Hay nói cách khác, đó là việc khai thác, sử dụng các tiềm lực từ Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và quốc tế để hỗ trợ sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA TẠI PHÚ THỌ TRƯỚC KHI SÁP NHẬP
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Đây là thành tựu nổi bật nhất, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của CNVH tại Phú Thọ. Tỉnh đã dành nguồn lực đáng kể để trùng tu, tôn tạo hàng trăm di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là các di tích quan trọng trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ, Đình Hùng Lô... Việc này không chỉ gìn giữ được giá trị lịch sử, kiến trúc của di tích mà còn tạo ra không gian cảnh quan đẹp mắt, thu hút du khách và phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội.
Phú Thọ đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ - 2 di sản được UNESCO công nhận. Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, thu hút hàng triệu lượt khách hành hương. Các nghi lễ, hoạt động văn hóa trong lễ hội được duy trì trang nghiêm, góp phần củng cố niềm tự hào dân tộc và tạo ra dòng chảy du lịch văn hóa mạnh mẽ cho tỉnh. Các dịch vụ đi kèm như lưu trú, ẩm thực, quà lưu niệm cũng từ đó mà phát triển.
Sau khi được UNESCO đưa ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, nghệ thuật Hát Xoan được phục hồi mạnh mẽ. Các nghệ nhân được quan tâm truyền dạy, các lớp học Hát Xoan được mở rộng, đưa Hát Xoan trở lại với đời sống cộng đồng. Việc biểu diễn Hát Xoan tại các đình làng cổ đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại trải nghiệm văn hóa chân thực cho du khách.
Ngoài ra, Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác kiểm kê, phân loại và lập hồ sơ đề nghị xếp hạng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác, góp phần tạo cơ sở dữ liệu quan trọng cho công tác quản lý và khai thác.
Phát triển du lịch văn hóa và dịch vụ đi kèm
Du lịch văn hóa được định vị là ngành kinh tế mũi nhọn và Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực ở lĩnh vực này. Nhờ sức hút của các di sản và lễ hội, lượng khách du lịch đến Phú Thọ, đặc biệt là vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tăng trưởng ổn định qua các năm. Cụ thể: năm 2023, Phú Thọ đón hơn 9,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó riêng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương thu hút trên 7 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 3,3 triệu tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào doanh thu du lịch và các ngành dịch vụ liên quan.
Ngoài các tour hành hương đến Đền Hùng, một số sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa tại các làng cổ đã được hình thành, bước đầu tạo ra sự khác biệt và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.
Cơ sở vật chất phục vụ du lịch như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận chuyển đã có sự cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, đặc biệt là trong các mùa lễ hội cao điểm. Các sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn văn hóa Đất Tổ như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương đã được quan tâm phát triển, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Nâng cao nhận thức về vai trò của công nghiệp văn hóa
Các cấp lãnh đạo tỉnh nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của CNVH như một động lực phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện qua các chủ trương, kế hoạch liên quan đến phát triển văn hóa và du lịch cũng như sự quan tâm trong việc lồng ghép yếu tố văn hóa vào các chiến lược phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Dù còn nhiều hạn chế, Phú Thọ đã có những nỗ lực ban đầu trong việc tăng cường sự phối hợp giữa ngành văn hóa, du lịch, thương mại và các địa phương để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ liên ngành.
Việc bảo tồn và phát huy các di sản đã tạo sinh kế cho một bộ phận cộng đồng, khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch, sản xuất thủ công mỹ nghệ và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Hình thành hệ sinh thái công nghiệp văn hóa
Mặc dù số lượng chưa nhiều, tại Phú Thọ đã có sự hình thành và phát triển của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ văn hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các công ty tổ chức sự kiện văn hóa... Đây là những hạt nhân quan trọng cho sự phát triển của hệ sinh thái CNVH tại Phú Thọ trong tương lai.
Một số dự án đầu tư vào các trung tâm văn hóa, nhà hát, bảo tàng đã được triển khai hoặc lên kế hoạch, tạo điều kiện cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn và trưng bày diễn ra thuận lợi hơn. Những thành tựu này là minh chứng cho tiềm năng to lớn và nỗ lực của Phú Thọ trong việc khai thác các giá trị văn hóa để phục vụ phát triển kinh tế.
Hạn chế, thách thức
Mặc dù có nhiều tiềm năng và đã đạt được một số thành tựu, việc phát triển CNVH ở Phú Thọ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Chất lượng sản phẩm công nghiệp văn hóa chưa tương xứng: Mặc dù tiềm năng lớn, các sản phẩm du lịch văn hóa của Phú Thọ vẫn chưa thực sự đa dạng, độc đáo và thiếu tính cạnh tranh. Việc khai thác các di sản vẫn còn đơn điệu, chủ yếu tập trung vào các sự kiện lễ hội mà chưa phát triển các sản phẩm trải nghiệm sâu sắc, hấp dẫn du khách lưu trú lâu hơn. Các lĩnh vực khác của CNVH như: điện ảnh, âm nhạc, xuất bản, thiết kế, thời trang, phần mềm và trò chơi giải trí, quảng cáo... còn khá non trẻ hoặc chưa được đầu tư đúng mức, thiếu sản phẩm mang tính thương mại và giá trị cao.
Thiếu chiến lược tổng thể và đồng bộ: Mặc dù có các định hướng về bảo tồn di sản và phát triển du lịch, nhưng chiến lược tổng thể và đồng bộ cho phát triển CNVH trên toàn bộ 12 lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ còn chưa rõ ràng hoặc chưa được triển khai mạnh mẽ.
Hạn chế về nguồn nhân lực: Đội ngũ nhân lực chuyên sâu về quản lý văn hóa, du lịch, marketing văn hóa, thiết kế sáng tạo còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là những người có khả năng kết hợp yếu tố văn hóa với tư duy kinh doanh. Khó khăn trong việc thu hút các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà thiết kế giỏi từ bên ngoài đến làm việc và cống hiến tại tỉnh.
Hạ tầng và công nghệ chưa phát triển: Một số hạ tầng phục vụ du lịch còn chưa đồng bộ, thiếu tiện ích và dịch vụ cao cấp. Việc ứng dụng công nghệ số, thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), các nền tảng số hóa di sản còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho du khách và công chúng.
Hạn chế về nguồn vốn đầu tư: Ngân sách nhà nước dành cho phát triển CNVH còn hạn chế. Việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào lĩnh vực CNVH còn gặp khó khăn do tính đặc thù của ngành, thời gian thu hồi vốn lâu, và thiếu các dự án có tính khả thi cao, hấp dẫn.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
Để phát huy tiềm năng, huy động và tận dụng mọi nguồn lực để phát triển CNVH trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, một số giải pháp được đề xuất, gồm:
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và khung pháp lý. Đây là nền tảng quan trọng nhất để thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo và phát triển bền vững CNVH. Cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn (ví dụ, tầm nhìn đến 2035, 2045) với các mục tiêu cụ thể, định lượng được cho từng giai đoạn và từng lĩnh vực CNVH (du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế...). Chiến lược này phải xác định rõ vai trò của CNVH trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các sản phẩm chủ lực, thị trường mục tiêu. Thành lập ban soạn thảo liên ngành (văn hóa, du lịch, kế hoạch đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ) để xây dựng chiến lược. Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ sĩ và cộng đồng.
Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Cần rà soát các quy định hiện hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những quy định chưa phù hợp, còn chồng chéo hoặc thiếu sót, đặc biệt là liên quan đến đầu tư, đất đai, thuế, tín dụng cho các dự án CNVH. Cần có những chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn hoặc có tính chất đột phá. Xây dựng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất đối với các dự án CNVH trọng điểm; hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư.
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm CNVH. Để tăng tính cạnh tranh và thu hút du khách, cần biến các giá trị văn hóa thành sản phẩm cụ thể, hấp dẫn. Không chỉ dừng lại ở hành hương lễ hội, cần phát triển các tour du lịch đa dạng, trải nghiệm sâu sắc văn hóa địa phương, như: tour khám phá làng nghề truyền thống (làm nón lá, mộc), tour ẩm thực Đất Tổ, tour trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng tại các làng Xoan cổ, du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch giáo dục (học làm đồ gốm, thêu thùa...). Liên kết chặt chẽ các điểm đến di sản, làng nghề, khu du lịch sinh thái để tạo thành các chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh. Khuyến khích đầu tư vào các cơ sở lưu trú homestay, farmstay tại các làng văn hóa để tăng trải nghiệm cho du khách.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Yếu tố con người là cốt lõi của CNVH, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn. Cần có chương trình đào tạo chuyên biệt cho CNVH, không chỉ về nghệ thuật mà còn về quản lý văn hóa, marketing văn hóa, kinh doanh sáng tạo, công nghệ thông tin ứng dụng trong văn hóa... Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh mở các chuyên ngành liên quan đến CNVH. Tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho cán bộ quản lý văn hóa, doanh nghiệp, nghệ nhân về kỹ năng mềm (quản lý dự án, marketing, giao tiếp...).
Cần có các chính sách đãi ngộ hấp dẫn (tiền lương, thưởng, hỗ trợ nhà ở, môi trường làm việc...) để thu hút các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà quản lý giỏi từ các thành phố lớn hoặc nước ngoài về Phú Thọ làm việc.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo. Công nghệ là đòn bẩy để CNVH phát triển nhanh và tiếp cận thị trường rộng lớn. Ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách và nâng cao hiệu quả quản lý. Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa toàn bộ di sản văn hóa Phú Thọ (3D scan, VR/AR, video 360 độ). Phát triển các ứng dụng di động (app) du lịch thông minh với bản đồ số, thuyết minh tự động, thông tin điểm đến. Xây dựng website, fanpage quảng bá du lịch và CNVH chuyên nghiệp, đa ngôn ngữ.
Tăng cường hợp tác và xúc tiến đầu tư, quảng bá. Sự liên kết và quảng bá hiệu quả sẽ mở rộng thị trường và thu hút nguồn lực. Khuyến khích các đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong việc phát triển các dự án lớn như xây dựng khu phức hợp văn hóa, trung tâm sáng tạo, bảo tàng hiện đại. Đây là cách hiệu quả để huy động vốn, kinh nghiệm quản lý và công nghệ từ khu vực tư nhân. Chuẩn bị các dự án tiềm năng với tính khả thi cao để kêu gọi đầu tư PPP. Xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các dự án PPP.
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (2023). Báo cáo số 226/BC-SVHTTDL ngày 13/11/2023 về công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024.
2. Cục Bản quyền tác giả (2023). Báo cáo thường niên về ngành công nghiệp văn hóa.
3. European Commission (2010). Green Paper - Unlocking the potential of cultural and creative industries.
4. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngày nhận bài: 3/7/2025; Ngày hoàn thiện biên tập 14/7/2025; Ngày duyệt đăng: 15/7/2025. |