Giải pháp phát triển bền vững kinh tế đêm: Góc nhìn từ quản lý đô thị

Kinh tế đêm ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị hiện đại. Tại Việt Nam, các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế đêm nhằm tăng trưởng du lịch, dịch vụ và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm...

Phạm Hồng Sơn

Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Email: uvbchdt@gmail.com

Lê Thị Minh Châu

Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế, Bắc Kinh, Trung Quốc

Tóm tắt

Kinh tế đêm ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị hiện đại. Tại Việt Nam, các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng(*) đang nỗ lực thúc đẩy kinh tế đêm nhằm tăng trưởng du lịch, dịch vụ và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững kinh tế đêm đang gặp phải nhiều thách thức điển hình như: thiếu hụt cơ sở hạ tầng phù hợp, quản lý an ninh trật tự chưa hiệu quả và sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Nghiên cứu này tập trung phân tích những thách thức trong phát triển kinh tế đêm, đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi nhằm phát triển bền vững kinh tế đêm trong bối cảnh quản lý đô thị. Từ đó, xây dựng mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp cho các đô thị Việt Nam.

Từ khóa: An ninh, kinh tế đêm, phát triển bền vững, quản lý đô thị, quy hoạch

Summary

The night-time economy is increasingly becoming a critical component of socio-economic development in modern urban areas. In Vietnam, major cities such as Ho Chi Minh City, Hanoi, and Da Nang are actively promoting the night-time economy to boost tourism, expand service sectors, and create additional employment opportunities. However, the sustainable development of the night-time economy faces several challenges, including inadequate infrastructure, ineffective public security management, and a lack of coherence in urban planning. This study analyzes the key challenges in developing the night-time economy and proposes feasible solutions to ensure its sustainable growth within the context of urban governance. Finally, the paper outlines a suitable development model for Vietnam's urban night-time economy.

Keywords: Security, night-time economy, sustainable development, urban governance, planning

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kinh tế đêm ngày càng được nhìn nhận như một động lực quan trọng trong phát triển đô thị hiện đại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa - xã hội và đa dạng hóa không gian sinh hoạt đô thị. Tại nhiều quốc gia, kinh tế đêm không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn định hình bản sắc đô thị và cải thiện chất lượng sống cho cư dân. Tại Việt Nam, các đô thị lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đang từng bước khai thác tiềm năng kinh tế đêm nhằm phát triển dịch vụ, du lịch và tạo thêm việc làm (Bùi Xuân Nam, 2023).

Tuy nhiên, việc phát triển bền vững kinh tế đêm vẫn gặp nhiều thách thức. Cụ thể, sự thiếu hụt về hạ tầng phù hợp, quy hoạch không gian chưa đồng bộ cùng với vấn đề an ninh trật tự và quản lý môi trường còn bất cập đang cản trở hiệu quả các hoạt động kinh tế đêm (Le et al., 2023). Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương vẫn thiếu chiến lược tổng thể và cơ chế phối hợp liên ngành, khiến quá trình triển khai còn manh mún, thiếu định hướng dài hạn.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật - quản lý, đặc điểm văn hóa - xã hội địa phương cũng đóng vai trò then chốt trong định hình mô hình kinh tế đêm. TP. Đà Nẵng phát triển kinh tế đêm gắn với tài nguyên thiên nhiên và hoạt động cộng đồng, trong khi TP. Hồ Chí Minh nổi bật với dịch vụ ẩm thực, giải trí và thương mại ban đêm. Điều này cho thấy, phát triển kinh tế đêm cần đặt trong bối cảnh quản lý đô thị toàn diện, có sự tích hợp giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và gìn giữ trật tự xã hội.

Xuất phát từ thực tiễn đó, nghiên cứu này tập trung phân tích những thách thức trong phát triển kinh tế đêm tại đô thị Việt Nam dưới góc độ quản lý nhà nước, đồng thời đề xuất các giải pháp khả thi nhằm xây dựng mô hình kinh tế đêm bền vững, phù hợp với điều kiện từng địa phương và định hướng phát triển đô thị hiện đại.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÊM TẠI CÁC ĐÔ THỊ Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

Tại Việt Nam, mặc dù khái niệm kinh tế đêm vẫn còn khá mới mẻ nhưng trong những năm gần đây, các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đã bắt đầu chú trọng đến việc phát triển lĩnh vực này. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Tại TP. Hồ Chí Minh, kinh tế đêm đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế thành phố, đặc biệt qua các ngành du lịch, ăn uống và giải trí. Các khu vực như phố đi bộ Nguyễn Huệ hay khu vực gần bờ sông Sài Gòn đang trở thành điểm đến phổ biến cho người dân và du khách vào ban đêm, tạo ra một dòng tiền lớn và thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế đêm tại Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức lớn, chẳng hạn như: cơ sở hạ tầng còn thiếu hụt, đặc biệt trong việc xây dựng các không gian công cộng và khu vực vui chơi giải trí phục vụ cho các hoạt động vào ban đêm. Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự tại các khu vực này cũng là một yếu tố cần được giải quyết để tạo ra môi trường an toàn và hấp dẫn cho du khách và cư dân (Bùi Xuân Nam, 2023).

Trong khi đó, Đà Nẵng đang dần thay đổi nhận thức và phát triển các hoạt động kinh tế đêm gắn với các yếu tố văn hóa địa phương. Các hoạt động văn hóa và du lịch đêm đang phát triển mạnh mẽ, không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương này. Các chương trình biểu diễn nghệ thuật, lễ hội và các hoạt động ngoài trời vào buổi tối đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc quảng bá hình ảnh của Đà Nẵng như một điểm đến du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên như nhiều thành phố khác, Đà Nẵng cũng gặp phải vấn đề thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch đô thị, đặc biệt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động kinh tế đêm.

Tại các đô thị quốc tế như Luân Đôn (Vương quốc Anh) cũng là một ví dụ điển hình về sự thành công của kinh tế đêm khi các chính sách giao thông công cộng vào ban đêm được triển khai hiệu quả. Việc xây dựng các chiến lược giao thông công cộng vào ban đêm là yếu tố quan trọng để duy trì sự phát triển bền vững của kinh tế đêm (McArthur et al., 2019). Đặc biệt, tại Luân Đôn, việc kết nối các khu vực có hoạt động kinh tế đêm với các khu vực khác trong thành phố thông qua giao thông công cộng hiệu quả giúp giảm ùn tắc, tăng cường an ninh, đồng thời tạo thuận lợi cho cả người dân và du khách tham gia các hoạt động này.

Tóm lại, sự phát triển của kinh tế đêm ở cả các đô thị lớn trên thế giới và tại Việt Nam đang cho thấy những cơ hội lớn, nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Để đạt được sự phát triển bền vững, các thành phố cần xây dựng một chiến lược quy hoạch đô thị hợp lý, tăng cường cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ban đêm đặc sắc gắn liền với văn hóa địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để giúp kinh tế đêm không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa và xã hội đô thị.

MỘT SỐ THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ ĐÊM DƯỚI GÓC NHÌN QUẢN LÝ ĐÔ THỊ

Bên cạnh những kết quả tích cực và cơ hội lớn, phát triển kinh tế đêm tại các thành phố lớn cũng phải đối mặt với không ít thách thức:

Thứ nhất, hạn chế về cơ sở hạ tầng phù hợp là một trong những thách thức cơ bản nhất. Các hoạt động kinh tế đêm đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông công cộng, bãi đỗ xe và không gian công cộng. Tuy nhiên, trong nhiều đô thị, đặc biệt là ở các thành phố đang phát triển tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng cho hoạt động ban đêm thường chưa được xây dựng đầy đủ hoặc không đồng bộ (Nguyen, 2023). Thiếu các tuyến giao thông công cộng hoạt động suốt đêm, hệ thống chiếu sáng yếu và các không gian công cộng chưa được quy hoạch đúng đắn gây khó khăn cho sự phát triển của kinh tế đêm. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng trải nghiệm của người dân và du khách mà còn gây cản trở trong việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Thứ hai, vấn đề an ninh trật tự trong các khu vực có hoạt động kinh tế đêm. Khi các hoạt động kinh tế đêm gia tăng, mức độ phức tạp của các vấn đề về an ninh cũng tăng theo. Tình trạng tội phạm, mất an ninh trật tự có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng nếu không có sự kiểm soát hiệu quả của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các khu vực có hoạt động kinh tế đêm, đặc biệt là khu vực giải trí, cần có một cơ chế giám sát và bảo vệ an ninh nghiêm ngặt để tạo ra một môi trường an toàn cho cả người dân và du khách. Tuy nhiên, ở nhiều thành phố, việc triển khai các biện pháp an ninh chưa thực sự hiệu quả và không đồng đều giữa các khu vực.

Thứ ba, thiếu đồng bộ trong quy hoạch đô thị. Một số đô thị dù có tiềm năng phát triển kinh tế đêm, nhưng lại thiếu một chiến lược quy hoạch toàn diện và rõ ràng. Việc phát triển các khu vực kinh tế đêm mà không tính đến yếu tố môi trường sống của cư dân có thể dẫn đến xung đột không gian, gây ra ô nhiễm tiếng ồn, môi trường và làm giảm chất lượng sống của người dân (Shaw, 2010; Wang et al., 2022). Hơn nữa, việc không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý trong việc phát triển các khu vực này có thể dẫn đến sự phát triển không đồng đều và thiếu hiệu quả.

Thứ tư, quản lý tác động môi trường từ các hoạt động kinh tế đêm. Các hoạt động như quán bar, pub, câu lạc bộ đêm, lễ hội và các sự kiện ngoài trời vào ban đêm có thể tạo ra lượng lớn rác thải và tiếng ồn. Nếu không có các biện pháp kiểm soát hợp lý thì những vấn đề này có thể làm suy giảm chất lượng môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và đời sống của cư dân xung quanh. Việc thiếu các chính sách và quy định nghiêm ngặt về quản lý môi trường trong các khu vực hoạt động ban đêm sẽ dẫn đến hậu quả lâu dài đối với sự phát triển bền vững của kinh tế đêm (Son et al. 2023).

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH TẾ ĐÊM TRONG THỜI GIAN TỚI

Để phát triển bền vững kinh tế đêm, theo nhóm tác giả, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, chính quyền các đô thị cần xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động ban đêm, bao gồm: hệ thống giao thông công cộng hoạt động 24/7, các không gian công cộng phù hợp với nhu cầu của người dân và du khách vào ban đêm. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển các khu vực đỗ xe, tăng cường hệ thống chiếu sáng đường phố và cải thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các ngành công nghiệp ban đêm như dịch vụ ăn uống và giải trí. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của người dân, du khách tham gia vào các hoạt động ban đêm mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư.

Hai là, tăng cường các biện pháp quản lý an ninh trật tự tại các khu vực có hoạt động kinh tế đêm để bảo vệ an toàn cho cư dân và du khách. Các cơ quan chức năng cần triển khai chiến lược bảo vệ an ninh như tăng cường sự hiện diện của lực lượng cảnh sát và sử dụng công nghệ giám sát như camera an ninh. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp kiểm soát tội phạm và quản lý hành vi ứng xử tại các khu vực công cộng. Chính quyền địa phương có thể hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng các mô hình an ninh cộng đồng, giúp tạo ra một môi trường an toàn và thân thiện cho mọi người.

Ba là, quy hoạch đô thị phải đảm bảo sự phát triển hợp lý của các khu vực kinh tế đêm mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cư dân và môi trường xung quanh. Khu vực kinh tế đêm cần được phát triển ở những vị trí thích hợp, tách biệt với khu vực dân cư hoặc khu vực cần bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy hoạch phải đảm bảo rằng các cơ sở hạ tầng như: giao thông, an ninh và tiện ích công cộng có thể phục vụ đầy đủ nhu cầu của các hoạt động vào ban đêm mà không gây ra sự xung đột không gian.

Bốn là, các đô thị cần thiết lập các quy định và chính sách quản lý môi trường nghiêm ngặt tại khu vực có hoạt động ban đêm, kiểm tra, giám sát thường xuyên cũng như đánh giá tác động. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đêm cũng cần được khuyến khích áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, chẳng hạn như: sử dụng năng lượng sạch, tái tạo hoặc giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, phân loại rác tại nguồn đúng quy định, quy chuẩn khoa học.

Năm là, thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển sản phẩm đa dạng để làm phong phú thêm các hoạt động kinh tế đêm. Các đô thị cần khuyến khích sự sáng tạo trong việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ đặc sắc vào ban đêm gắn liền với đặc trưng văn hóa địa phương. Việc phát triển các mô hình kinh doanh đêm độc đáo, từ các sự kiện văn hóa, nghệ thuật đến các hoạt động thể thao đêm sẽ giúp thu hút đông đảo du khách và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng. Hơn nữa, các sản phẩm này phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, có giá trị kinh tế và tạo ra một trải nghiệm phong phú cho người tham gia.

KẾT LUẬN

Kinh tế đêm đang dần khẳng định vai trò như một trụ cột trong phát triển đô thị hiện đại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian sinh hoạt và làm phong phú đời sống văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế đêm tại các đô thị Việt Nam vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Dù đã có những nỗ lực ban đầu, nhưng việc thiếu một chiến lược tổng thể và sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục là rào cản đối với mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, các nghiên cứu tiếp theo cần tập trung đánh giá thực tiễn triển khai kinh tế đêm tại các địa phương, phân tích vai trò của quản trị đô thị và sự tham gia của cộng đồng. Từ đó, đề xuất mô hình phát triển kinh tế đêm phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội và định hướng tăng trưởng bền vững của các đô thị Việt Nam.

(*) Nghiên cứu được thực hiện trước thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Nghị quyết số 202/2025/QH15.

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Xuân Nam (2023). Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đêm tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ - Kinh tế - Luật và Quản lý, 7(2), 4295-4306. https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1203

2. Le, T. A., Anh, V. P. G., Huyen, T. N. T., & Ha, N. M. Q (2023). Factors affecting night economy development: A case study in Da Nang, Vietnam. GeoJournal of Tourism and Geosites, 50(4), 1373-1381. https://doi.org/10.30892/gtg.50418-1136

3. McArthur, J., Robin, E., & Smeds, E (2019). Socio-spatial and temporal dimensions of transport equity for London’s night-time economy. Transportation Research Part A, 121, 433-443. https://doi.org/10.1016/j.tra.2019.01.024

4. Nguyen, T. T. T (2023). Factors influencing Vietnam youth's participation in the nighttime economy. Journal of Eastern European and Central Asian Research, 10(3). https://doi.org/10.15549/jeecar.v10i3.1376

5. Shaw, J (2010). Neoliberal subjectivities and the development of the night-time economy in British cities. Journal of Urban Studies, 47(3), 317-334. https://doi.org/10.1080/00420981003684033

6. Son, N. N., Thu, N. T. P., Dung, N. Q., Huyen, B. T. T., & Xuan, V. N (2023). Determinants of the sustained development of the night-time economy: The case of Hanoi, capital of Vietnam. Journal of Risk and Financial Management, 16(8), 351.

7. Wang, W., Liu, L., & Yang, Y (2022). Spatial matching analysis and development strategies of county night-time economy: A case of Anning County, Yunnan Province. Sustainability, 14(9), 4891. https://doi.org/10.3390/su14094891

Ngày nhận bài: 10/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/7/2025; Ngày duyệt đăng: 15/7/2025