
Bà Sai Boonrod, một trong hàng trăm người Thái Lan đang sống ở một khu vực di tản gần biên giới Campuchia (Ảnh: Reuters).
Khi căng thẳng giữa Campuchia và Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những thường dân đang di tản ở cả hai bên biên giới vẫn gọi phía láng giềng đối diện là “anh em” và “bạn bè” và kêu gọi các bên tìm ra giải pháp để lập lại hòa bình.
Số người thiệt mạng sau 3 ngày giao tranh đã tăng lên 33 người, phần lớn là dân thường, khi một tranh chấp biên giới kéo dài leo thang thành xung đột vũ trang với máy bay, pháo hạng nặng, xe tăng và bộ binh.
“Quan hệ trước đây rất tốt, chúng tôi như anh em vậy”, bà Sai Boonrod, 56 tuổi, nói. Bà là một trong hàng trăm người Thái đang tạm trú trong một ngôi chùa ở thị trấn Kanthararom sau khi phải sơ tán khỏi nhà ở khu vực biên giới.
“Nhưng bây giờ có thể đã khác rồi. Tôi chỉ mong giao tranh chấm dứt để chúng tôi lại được như anh em ngày trước", bà cho hay.
Bên kia biên giới, cách nơi ở tạm của bà Sai 150km, một cảnh tượng tương tự đang diễn ra: Hàng trăm người Campuchia sơ tán tụ tập trong những chiếc lều dựng tạm bên trong khuôn viên một ngôi chùa, bên cạnh những gói lương thực cứu trợ và hành lý.
“Chúng tôi là láng giềng, chúng tôi muốn làm bạn", một người đàn ông 50 tuổi nói với AFP tại nơi trú ẩn ở chùa Phumi Bak Thkav, với điều kiện giấu tên.
Căng thẳng biên giới kéo dài hơn 800km giữa 2 quốc gia vốn đã âm ỉ suốt nhiều năm, đặc biệt tại những khu vực có các đền thờ cổ mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền.
Cuộc đụng độ đẫm máu nhất trước đây diễn ra từ năm 2008 đến 2011, khiến ít nhất 28 người thiệt mạng. Bà Sai cho biết, mức độ căng thẳng chưa bao giờ lớn như lúc này.
Bà là một trong hơn 170.000 người đã được sơ tán khỏi các khu vực biên giới, trong khi chồng bà vẫn ở lại để trông coi gia súc và tài sản cho những người hàng xóm.
“Tôi muốn họ đàm phán, ngừng bắn càng sớm càng tốt để người già được về nhà, trẻ con được đi học trở lại”, bà nói.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp khẩn vào ngày 25/7. Cả hai bên đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán ngừng bắn, nhưng vẫn chưa được tìm được tiếng nói chung.
Cuộc khủng hoảng lần này bắt đầu từ một vụ đấu súng hồi cuối tháng 5, khiến một binh sĩ Campuchia thiệt mạng. Căng thẳng tiếp tục leo thang bằng các biện pháp hạn chế thương mại và đóng cửa biên giới của 2 nước, trước khi bùng phát dữ dội trong tuần này.
Ông Suwan Promsri, 73 tuổi, cho biết ông từng trải qua nhiều đợt căng thẳng biên giới, nhưng lần này “khác hẳn”.
Ngoài ra, ông cho biết làn sóng thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội có thể khiến căng thẳng thêm leo thang.
“Trước đây khi chưa có Internet, tôi chẳng để ý nhiều. Nhưng giờ mạng xã hội thật sự góp phần làm leo thang căng thẳng", ông nói.
Dù vậy, giống như nhiều người Thái Lan và Campuchia sống ở biên giới, ông cũng bày tỏ mong muốn hòa bình sẽ sớm lập lại.
“Tôi muốn chính phủ hiểu rằng người dân vùng biên đang khổ sở. Cuộc sống rất khó khăn. Tôi hy vọng chính quyền nỗ lực đàm phán để chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt", ông nhấn mạnh.