
Quỹ này được xem như một biện pháp để đẩy nhanh quá trình tái vũ trang của các nước EU (Ảnh: Getty)
Theo các nhà ngoại giao EU, các nước trong liên minh này đã nhất trí đề xuất lập quỹ cho vay 150 tỷ euro (khoảng 168 tỷ USD) nhằm thúc đẩy quốc phòng của khu vực.
Quỹ cho vay này đánh dấu sự thay đổi bước ngoặt của châu Âu giữa bối cảnh căng thẳng chiến sự ở Ukraine và sức ép tăng chi tiêu quốc phòng từ Mỹ khi Tổng thống Donald Trump yêu cầu châu Âu phải chi nhiều hơn cho an ninh của chính mình.
Thỏa thuận này được xem là bước tiến quan trọng nhất trong việc thiết lập lại quan hệ EU và Anh kể từ Brexit (Anh rời EU), nhằm thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn trong thương mại và quốc phòng, điều này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nền kinh tế và tăng cường an ninh lục địa.
Sáng kiến trên, vốn cho phép các nước EU vay tiền và chi cho các hệ thống và nền tảng vũ khí thông qua mua sắm chung, đã được Ủy ban châu Âu đề xuất vào đầu năm nay như một biện pháp để đẩy nhanh quá trình tái vũ trang của "lục địa già".
Sau nhiều tháng đàm phán về chi tiết thực hiện, sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ chính trị từ các thủ đô EU và dự kiến sẽ được phê duyệt chính thức vào ngày 21/5 tới.
Với quỹ này, các nước EU cũng tìm cách mở rộng lĩnh vực công nghiệp quốc phòng sau nhiều thập niên suy thoái bằng cách chuyển phần lớn tiền mặt cho các công ty vũ khí có trụ sở tại EU và khuyến khích các nhà thầu phụ không thuộc EU chuyển đến châu lục này, báo Financial Times dẫn các điều khoản của thỏa thuận cho biết.
Trên thực tế, động thái này cũng mở ra cơ hội cho các công ty quốc phòng Anh, như BAE Systems và Babcock, tham gia vào các dự án được tài trợ bởi quỹ SAFE, trong bối cảnh Anh và EU đạt được thỏa thuận sơ bộ về các vấn đề then chốt, bao gồm quốc phòng và an ninh, trước hội nghị thượng đỉnh EU-UK.
Vì vậy, quy mô tham gia của các bên không thuộc EU, đặc biệt là các công ty quốc phòng của Anh, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, là yếu tố gây tranh cãi nhất của sáng kiến, trong đó Pháp dẫn đầu các lời kêu gọi đảm bảo phần lớn số tiền được chi cho khối.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt nhạy cảm đối với Hy Lạp và Cộng hòa Síp, do tranh chấp lâu dài giữa hai nước với Ankara về miền bắc đảo Síp, nơi đã tách khỏi Cộng hòa Síp sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công và kiểm soát khu vực này vào năm 1974.