Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực trạng và giải pháp

Qua phân tích thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bài viết đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Trần Thị Ngọc Anh

Trường Đại học Công nghệ Đông Á

Tóm tắt

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, tạo ra những thay đổi lớn cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và lĩnh vực khác nhau, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bài viết phân tích những kết quả đã đạt được trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, đồng thời chỉ ra những thách thức gặp phải, qua đó đề xuất giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Từ khóa: Chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa

Summary

Along with the rapid development of science and technology, digital transformation is taking place strongly in enterprises, bringing significant changes across all types and sectors of businesses, including small and medium-sized enterprises. This article analyzes the achievements of small and medium-sized enterprises in the process of digital transformation, identifies the challenges, and proposes solutions to help these businesses successfully implement digital transformation.

Keywords: Digital transformation, the Fourth Industrial Revolution, small and medium-sized enterprises

ĐẶT VẤN ĐỀ

Cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030 là đẩy mạnh công cuộc CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số để tạo sự bứt phá và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Bối cảnh đó đòi hỏi doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng cũng cần phải thúc đẩy CĐS một cách hiệu quả.

THỰC TRẠNG CĐS TRONG DNNVV VIỆT NAM

Việt Nam đã và đang chú trọng phát triển kinh tế số, CĐS, đặc biệt trong khu vực doanh nghiệp. Có thể kể đến một số chính sách tiêu biểu hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng đã và đang được Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện sau:

Thứ nhất, Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ), với các mục tiêu, như: Tăng tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; Đưa Việt Nam vào nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về chính phủ số, kinh tế số; Chuyển đổi toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ sản xuất, dịch vụ đến quản trị xã hội. Trong đó, riêng với đối tượng doanh nghiệp, Chương trình hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, hệ thống pháp luật về hỗ trợ DNNVV, bao gồm: Luật Hỗ trợ DNNVV (ban hành năm 2017), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 của Chính phủ và một số văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ DNNVV CĐS nhằm huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước từ trung ương đến địa phương hỗ trợ DNNVV CĐS; góp phần hình thành một hệ sinh thái số cho doanh nghiệp phát triển; thu hút các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp công nghệ phát triển các dịch vụ CĐS tại Việt Nam.

Thứ ba, Chương trình hỗ trợ DNNVV CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm nâng cao nhận thức, tư vấn lộ trình, cung cấp các công cụ tư vấn, tài nguyên số và nền tảng công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy CĐS trong doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Chương trình đưa ra một số mục tiêu cụ thể gồm: 100.000 doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ từ Chương trình (sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp); 100 doanh nghiệp là các thành công điển hình về CĐS từ “doing digital” đến “being digital”; hình thành mạng lưới gồm 100 chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp CĐS.

Nhờ những hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua DNNVV đã đẩy mạnh CĐS trong doanh nghiệp. Phần lớn DNNVV đang áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, chủ yếu là trong công tác vận hành, tương tác với khách hàng và đối tác. Động lực phổ biến mà các doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào công nghệ số chính là gia tăng năng suất bán hàng, giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng cường công tác giám sát và quản lý. Vì vậy, các doanh nghiệp đã thiết lập nhận thức về vai trò của CĐS đến hiệu quả hoạt động của mình.

Số lượng các doanh nghiệp tiến hành CĐS có dấu hiệu gia tăng và nhiều doanh nghiệp cũng đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động này dù ít hay nhiều. Sự thay đổi này chủ yếu đến từ sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới CĐS của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp. Hơn nữa, các doanh nghiệp đã có bước tiến về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Công nghệ số cũng được áp dụng phổ biến hơn trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu và chuẩn hoá quy trình để tiến tới CĐS ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Mặc dù vậy, hiện nay, CĐS trong doanh nghiệp chưa đạt mục tiêu kỳ vọng. Các doanh nghiệp chủ yếu đang ở bước số hóa, hoặc đã từng bước sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra nên đã ngừng sử dụng, hoặc vẫn đang sử dụng nhưng còn gặp khó khăn, chưa thực sự thuận lợi. Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2023), 48,8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp CĐS, nhưng hiện tại không còn sử dụng. 35,3% doanh nghiệp đã số hoá dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống). Chỉ có một tỷ lệ nhỏ (2,2%) là đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá để đưa ra các quyết định trong sản xuất, kinh doanh.

Qua tìm hiểu của tác giả, nguyên nhân khiến quá trình CĐS trong doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ có thể kể đến như:

- Môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở nước ta vừa thiếu, vừa nhiều lỗ hổng, chưa chặt chẽ, đồng bộ, minh bạch và mang tính kiến tạo. Thời gian qua, do sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, kinh tế số cùng các phương thức kinh doanh và các ý tưởng sáng tạo mới xuất hiện và chưa có tiền lệ trước đây làm cho các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khá lúng túng trong quản lý các hoạt động kinh tế số, như: vấn đề quản lý và thu thuế đối với các hoạt động thương mại trực tuyến, nhất là kinh doanh qua mạng xã hội và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động và người tiêu dùng qua thế giới mạng, việc xử lý, giải quyết những tranh chấp, xung đột về hoạt động cũng như lợi ích của các chủ thể tham gia các hoạt động kinh doanh, thương mại và dân sự trên môi trường số. Mặt khác, việc chưa hoàn thiện khung pháp lý đối với nhiều lĩnh vực số dẫn tới những kẽ hở và sai phạm, gây ra mất lòng tin đối với những nền tảng từ công nghệ số. Từ đó, các doanh nghiệp vẫn còn nghi ngại và chưa sẵn sàng xây dựng chiến lược CĐS cụ thể.

- Thiếu tầm nhìn về CĐS. Việc thiếu tầm nhìn và tư duy về CĐS làm cho doanh nghiệp không xác định rõ được mục tiêu CĐS. Đây cũng chính là lý do khiến CĐS chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, trong khi đa số các DNNVV phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không thật sự cho thấy nỗ lực CĐS trong doanh nghiệp.

- Thiếu sự mạnh dạn đầu tư từ các nhà lãnh đạo. Khó khăn lớn nhất của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai các công nghệ mới là không gắn kết được lợi ích của CĐS với mục tiêu kinh doanh. Việc thuyết phục từng phòng, ban trong doanh nghiệp chấp nhận thay đổi thói quen và hợp tác là quá trình không hề dễ dàng với các nhà quản lý công nghệ.

Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao so với các chi phí khác mà doanh nghiệp đang phải chịu, trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn.

- Việt Nam hiện đang thiếu các kỹ sư công nghệ trình độ cao và năng lực quản lý để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của CĐS. Khó khăn lớn nhất cản trở tổ chức, doanh nghiệp thúc đẩy CĐS là do chưa tìm được bộ công cụ quản trị nhân lực phù hợp và thiếu lao động có kỹ năng (với tỷ lệ tương ứng 24,5% và 23,4%). Tiếp theo là giải quyết vấn đề tâm lý khi có tới trên 1/5 số người lao động chưa vượt qua được rào cản tâm lý ngại thay đổi, bằng lòng với hiện tại. Trình độ của người lao động chưa theo kịp và khó khăn trong xử lý lao động dôi dư cũng là hai vấn đề cản trở chiếm tỷ lệ tương ứng 11,5% và 12,5% (CIEM, 2022).

Nguyên nhân này xuất phát từ việc đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu CĐS. Ðội ngũ nhân sự mới ra trường lại thiếu những kỹ năng cần thiết do chương trình đào tạo tại các trường đại học thiếu sự định hướng, chưa đúng trọng tâm mà doanh nghiệp tìm kiếm.

Hơn nữa, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và hợp tác quốc tế chưa được chú trọng. Ngoài một số trường đại học hàng đầu, thì hoạt động nghiên cứu, giảng dạy trong trường đại học còn hạn chế, chưa gắn với thực tế, chưa có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được thương mại hóa, đưa ra thị trường, kinh phí cấp cho nghiên cứu khoa học của các trường còn hạn chế.

Ngoài ra, hiện nay, việc đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động để theo kịp với sự phát triển khoa học, công nghệ vẫn còn đơn lẻ và rời rạc tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược đào tạo và phát triển gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, mà chủ yếu mới chỉ đầu tư nâng cao trình độ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia cấp cao. Còn với công tác đào tạo chuyên viên kỹ thuật, công nhân lao động, thì chủ yếu là tự đào tạo hoặc người lao động phải tự nâng cao tay nghề. Hiệu quả công tác sử dụng và quản trị nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp Việt Nam còn khá thấp, chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực hiện nay.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY CĐS TRONG CÁC DNNVV VIỆT NAM

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nhằm thúc đẩy quá trình CĐS trong các DNNVV, tác giả đề xuất thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật hỗ trợ cho quá trình CĐS. Theo đó, cần triển khai thực hiện nhanh chóng, đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CĐS, phù hợp với tình hình của từng doanh nghiệp. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính, khoa học – công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng… phục vụ cho quá trình CĐS. Xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn CĐS cho doanh nghiệp.

Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình CĐS trong doanh nghiệp và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số, Internet và không gian mạng. Tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin và truyền thông, như: Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông… Ban hành chính sách, quy định cụ thể về thuế, phí để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số; bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật xử lý các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng.

Hai là, tăng cường hỗ trợ tài chính triển khai CĐS, bao gồm chi phí đầu tư công nghệ số, chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí trong việc xây dựng hệ thống, bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống rủi ro.

Ba là, nâng cao nhận thức của các DNNVV về xu hướng và cách thức ứng dụng công nghệ số vào doanh nghiệp thông qua tổ chức các chuỗi hội thảo, giao lưu theo từng lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại...

Bốn là, tăng cường đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng số và nền tảng số. Về hạ tầng số, cần tăng cường xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; phát triển hạ tầng mạng di động 5G; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Về nền tảng số, cần tập trung xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; xây dựng hệ thống thanh toán điện tử; xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud); xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp. Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia đầu tư phát triển các hệ thống này.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Việc phát triển nguồn nhân lực cần gắn với những yêu cầu phát triển khoa học – công nghệ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra. Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện các văn bản pháp quy về quản lý chất lượng đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin, cải tiến nội dung chương trình, tài liệu dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, thực hiện chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và nhà trường, kết nối doanh nghiệp với nhà trường, cùng nhau xây dựng năng lực về đào tạo lại, đào tạo liên tục trong chuyên môn…

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, chuẩn hóa các nội dung, kiến thức đào tạo để đáp ứng yêu cầu đối với nhân lực ngành công nghệ thông tin, việc chuẩn hóa này phải được thực hiện kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để cập nhật kịp thời kiến thức, kỹ năng mới nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CIEM (2022). Báo cáo “Vấn đề lao động trong chuyển đối số - Thách thức và giải pháp”.

2. Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024). Báo cáo thường niên CĐS doanh nghiệp Việt Nam năm 2023: Thúc đẩy CĐS, chuyển đổi xanh.

3. Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2023). Báo cáo thường niên CĐS doanh nghiệp 2022: Mức độ sẵn sàng CĐS của doanh nghiệp Việt Nam.

4. Nguyen Khac Quoc Bao, To Cong Nguyen Bao (2021). Vietnam’s trade numbers aren’t evidence of currency manipulation, Australian National University: East Asia Forum.

Ngày nhận bài: 17/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 23/6/2025; Ngày duyệt đăng: 01/7/2025