
Ukraine lắp lưới kim loại lên UAV để đối phó nguy cơ bị UAV Nga tấn công trực diện (Ảnh: Forbes).
Hàng trăm nghìn máy bay không người lái cỡ nhỏ đang bao phủ bầu trời dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.100 km của cuộc chiến Nga - Ukraine.
Con số này quá nhiều để các hệ thống phòng không truyền thống dựa vào pháo và tên lửa có thể đối phó hiệu quả. Mỗi phương tiện phòng không có thể tiêu tốn hàng triệu USD, trong khi chi phí bắn hạ một chiếc UAV chỉ trị giá 500 USD có thể lên đến hàng nghìn đô.
Vì vậy, cả hai bên đang dùng UAV để trị UAV. Hàng loạt máy bay không người lái đánh chặn mới đã xuất hiện dọc chiến tuyến trong vòng một năm qua, có nhiệm vụ lao vào UAV đối phương.
Điều này đã buộc Ukraine quyết định lắp lưới kim loại lên những chiếc UAV giá rẻ, nhưng có khả năng tấn công như "sát thủ".
Mục tiêu của lưới kim loại là nhằm bảo vệ UAV khỏi bị máy bay không người lái của Nga bắn hạ. Hình ảnh đầu tiên về phương pháp đặc biệt này đã xuất hiện hôm 14/5.
Ý tưởng dùng lưới kim loại chống UAV lần đầu được Nga sử dụng từ vài năm trước, nhưng để lắp lên xe bọc thép, xe tăng.
Dù đôi khi được thiết kế khá thô sơ, các lưới sắt này phản ứng thực tế: Những chiếc UAV siêu nhỏ, nổ ngay khi tiếp xúc, sẽ nhanh chóng trở thành mối đe dọa chính đối với binh sĩ và phương tiện, khi khu vực sát thương mở rộng hàng km tính từ tiền tuyến.
Giờ đây, lồng sắt cùng với lưới chống UAV, đã trở thành trang bị tiêu chuẩn cho mọi loại phương tiện mặt đất ở cả hai bên. Quân đội Ukraine và Nga cũng đã giăng các tấm lưới bắt UAV dọc theo những tuyến tiếp tế dễ bị tấn công nhất, thậm chí một số nhà máy lọc dầu của Nga nằm trong tầm tấn công của drone Ukraine tầm xa cũng đã được bảo vệ bằng lưới tương tự.
Những chiếc lưới sắt này chỉ mới bắt đầu được gắn lên UAV kể từ khi các loại UAV đánh chặn trở nên phổ biến trong năm qua.
Cả hai bên đều đã phát triển các loại UAV đánh chặn này: Một số được trang bị súng ngắn để bắn hạ đối phương, số khác thì tự phát nổ khi lao vào mục tiêu trên không.
Công việc của những người điều khiển UAV đánh chặn không dễ dàng. UAV vốn nhỏ, linh hoạt và khó phát hiện. "Rất, rất khó để xác định và giữ mục tiêu trong tầm mắt", một binh sĩ có biệt danh "Butcher", hiện đang chiến đấu cho Ukraine, chia sẻ với Forbes.
Tuy nhiên, một khi UAV đánh chặn đã khóa được mục tiêu, tỷ lệ hạ gục có thể lên tới 75%, theo lời Butcher. Một số UAV của Nga có gắn camera phía sau cùng hệ thống tự động để né đòn. Nhưng phần lớn các UAV bị nhắm đến đều dễ bị tấn công từ phía trên hoặc phía sau.
Một chiếc lưới sắt đơn giản có thể giúp UAV tránh được cú va chạm trực diện, nhưng đi kèm cái giá không nhỏ. Chiếc UAV Mavic của Ukraine bị phát hiện mang theo lưới trên không chỉ có tải trọng vài trăm gram, nặng ngang tấm lưới bảo vệ nó.
Việc phải mang theo một vật nặng có thể cản trở UAV Ukraine thực hiện các nhiệm vụ do thám hoặc tấn công cùng lúc.
Tuy nhiên, nếu xét đến tốc độ phát triển chóng mặt của các loại lưới sắt gắn cho phương tiện mặt đất, thì "áo giáp" trên không nhiều khả năng cũng sẽ nhanh chóng được cải tiến, với thiết kế hợp lý hơn và chất liệu nhẹ hơn. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu ngày càng nhiều UAV được trang bị lưới kim loại xuất hiện trên bầu trời Ukraine trong thời gian tới.