Binh sĩ Ukraine hoang mang, tụt nhuệ khí sau khi Mỹ đóng băng viện trợ

() - Trên chiến trường, các binh sĩ Ukraine thừa nhận hoang mang, sụt giảm tinh thần chiến đấu sau khi Mỹ tạm dừng một số loại vũ khí.
Binh sĩ Ukraine hoang mang, tụt nhuệ khí sau khi Mỹ đóng băng viện trợ - 1

Việc Mỹ đóng băng viện trợ đang đẩy Ukraine vào thế khó (Ảnh: AFP).

Ngày 2/7, Lầu Năm Góc thông báo việc viện trợ cho Ukraine sẽ bị tạm đóng băng, kể cả những lô vũ khí đã được chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt và vận chuyển trước đó.

Kể từ sau thông báo đó, nhiều tuyên bố đã được đưa ra khẳng định Ukraine và Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác, với những lời trấn an từ Tổng thống Donald Trump sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, điều tương tự cũng từng xảy ra hồi tháng 3, sau cuộc tranh luận giữa ông Trump và ông Zelensky ngay tại Phòng Bầu dục. Với sự khó đoán trong các quyết định của chính quyền Mỹ hiện tại, vấn đề này có thể lại tái diễn.

Đầu tiên, việc đình chỉ chuyển giao vũ khí đã tác động trực tiếp đến tinh thần của binh sĩ Ukraine. Trong bối cảnh Nga đẩy mạnh nền kinh tế quân sự, tăng tốc sản xuất vũ khí, Ukraine đang gặp thách thức lớn.

Một chỉ huy tiểu đoàn thuộc lực lượng phòng thủ Ukraine, đơn vị sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp, chia sẻ: “Chúng tôi đang thực hiện đúng những gì NATO đã chuẩn bị suốt thời Chiến tranh Lạnh là tiêu hao lực lượng Nga".

Theo quân nhân này, lượng vũ khí phương Tây viện trợ " không gây gánh nặng quá lớn cho các nước đồng minh" nên việc đình chỉ viện trợ vũ khí là "điều bất công".

Một trong những phản đối lớn nhất đối với chính quyền Trump liên quan đến việc đình chỉ viện trợ vũ khí là hệ thống phòng không, nhiều trong số đó sử dụng linh kiện của Mỹ.

“Lý do rất đơn giản, các hệ thống thời Liên Xô đã cạn kiệt từ lâu. Cuộc chiến tổng lực nuốt sạch mọi thứ. Ngay cả tên lửa cho máy bay Liên Xô, giờ chúng tôi chủ yếu dùng loại do phương Tây sản xuất”, một sĩ quan thuộc lực lượng phòng không Ukraine cho biết.

Việc dừng chuyển giao khiến Ukraine mất đi phương tiện chủ chốt để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, đặc biệt là các tên lửa của hệ thống Patriot và tên lửa 30mm Stinger.

“Lên tới 70% vũ khí của Không quân và lực lượng phòng không đến từ Mỹ. Không có tên lửa Patriot, chúng tôi không thể bắn hạ bất kỳ loại tên lửa đạn đạo nào của Nga”, chuyên gia hàng không Valerii Romanenko nhận định.

Ông cho biết thêm rằng nhiều hệ thống đã được điều chỉnh để phù hợp với đạn dược Mỹ. Nếu châu Âu có thể tìm nguồn thay thế, thì chúng cũng có thể mất tính hiệu quả do không tương thích.

Chuyên gia quân sự Oleh Katkov cho hay: “Với việc thiếu vũ khí cho không quân và phòng không, máy bay, đặc biệt là F-16, có thể chỉ để nằm phủ bụi trong kho".

Ngay cả các tên lửa nhỏ như Stinger cũng vô cùng quan trọng, vì chúng là công cụ hiệu quả nhất để bắn hạ UAV cảm tử Shahed của Nga.

“Stinger là công cụ đa năng. Nếu không thể bắn hạ Shahed bằng súng máy và nó đã áp sát mục tiêu, bạn chỉ cần phóng Stinger, không cần ngắm, nó sẽ tiêu diệt mục tiêu với tỷ lệ trúng 100%", một sĩ quan phòng không nói.

Tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng liên quan tới xe quân sự. Dù các xe thiết giáp như HUMVEE hay M113 có thể được thay thế bằng xe do Ukraine sản xuất, thì đạn pháo lại là vấn đề lớn hơn nhiều.

“Chúng tôi sử dụng đến 3,5 triệu quả đạn pháo mỗi năm. Trong số đó, chúng tôi tự sản xuất hơn 1 triệu, châu Âu sản xuất khoảng 1 triệu cho chúng tôi, và khoảng 1 triệu nữa đến từ Mỹ. Ngay từ bây giờ đã là không đủ. Không có Mỹ, chúng tôi mất 1/3 hỏa lực”, ông Katkov cho biết.

Một số binh sĩ nói UAV có thể phần nào bù đắp thiếu hụt đạn pháo, vì chúng đã đảm nhiệm tới 80% các đòn tấn công trên chiến trường. Tuy vậy, pháo binh vẫn có vai trò riêng không thể thay thế.

“Thứ nhất, đạn pháo không thể bị gây nhiễu hay đánh chặn bằng tác chiến điện tử. Đúng là pháo kém chính xác hơn UAV, nhưng không gì cản được đạn pháo, nó chỉ bay và phát nổ. Thứ hai, pháo làm được điều UAV không thể, như tạo bức tường lửa hoặc lưới hỏa lực để làm chậm đáng kể bước tiến của đối thủ", một sĩ quan thuộc lực lượng đổ bộ đường không nhận xét.

Tất cả các dự báo liên quan đến việc thay thế hệ thống vũ khí Mỹ đều rất khó lường. Ví dụ, châu Âu sẽ không thể bắt đầu sản xuất tên lửa cho Patriot trước năm 2027. Nhật Bản tuy có sản xuất tên lửa Patriot và được cho là có thể viện trợ cho Ukraine, nhưng số lượng chỉ vài chục quả mỗi năm và vẫn cần linh kiện Mỹ, đồng nghĩa với việc phải có sự chấp thuận từ Washington.

Đạn pháo về lý thuyết là có thể thay thế, nhưng châu Âu và Ukraine sẽ cần tăng công suất sản xuất lên mức kỷ lục. Dù vậy, theo các chuyên gia, điều đó cũng phải mất ít nhất 1 tới 1,5 năm, quãng thời gian có thể mang lại lợi thế cực lớn cho Nga.

Mặc dù Ukraine vẫn có một số lượng vũ khí dự trữ, nhưng vấn đề là: Số vũ khí này kéo dài được bao lâu?