Vũ khí "sát thủ" bí ẩn của Ukraine có thể tác động đến cục diện chiến sự

() - Truyền thông Ukraine đăng hình ảnh về một loại vũ khí bí ẩn, không rõ tên và đặc tính cụ thể mà họ cho rằng có thể tác động tới chiến dịch quân sự của Nga.
Vũ khí sát thủ bí ẩn của Ukraine có thể tác động đến cục diện chiến sự - 1

Mẫu UAV bí ẩn của Ukraine (Ảnh: Euromaidan Press).

Theo Euromaidan Press, một trong những UAV tấn công tàng hình của Ukraine lại vừa xuất hiện chớp nhoáng trên một điểm nào đó dọc chiến tuyến dài 1.100km với Nga. Hình ảnh trên mạng internet những ngày gần đây có thể đánh dấu lần xuất hiện thứ hai của loại UAV bí ẩn, được sơn màu đen này.

Phần lớn UAV tấn công tầm xa của Ukraine có chung những đặc điểm thiết kế cơ bản: Cánh dài và thẳng, hai cần nối hẹp kết nối thân và động cơ với cụm cánh đuôi, và hệ thống đẩy dùng cánh quạt.

Trái lại, chiếc UAV bí ẩn này có cấu trúc dạng cánh bay không có thân riêng biệt và được đẩy bằng động cơ phản lực, được cho là một turbine SW140B do Mỹ sản xuất, trị giá khoảng 2.000 USD.

Cấu trúc cánh bay, vốn không có các góc vuông phản xạ mạnh, giúp phân tán sóng radar theo mọi hướng thay vì dội lại trực tiếp về radar đối thủ.

Tất cả những điều này cho thấy chiếc UAV màu đen có khả năng tàng hình rất cao. Đó là lợi thế quan trọng giúp nó vượt qua các hệ thống phòng không của đối thủ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Ukraine gần đây đã gia tăng các vụ tấn công vào cơ sở quân sự, nhà máy vũ khí, điểm hậu cần của Nga. Kiev tin rằng, các cuộc tấn công này có thể làm gián đoạn việc Nga vận hành chiến dịch quân sự đặc biệt, làm chậm đà tiến của Moscow.

Hiện thông tin về chiếc UAV bí ẩn này vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, một chiếc UAV màu đen từng rơi ở Nga hồi tháng 6/2024 dài khoảng 3m. Nếu nó mang được lượng nhiên liệu tương đương UAV tấn công Shahed của Nga, vốn có kích thước tương đương, thì có thể nó đủ khả năng bay hàng trăm km.

Ngoài ra, Ukraine còn có một loại UAV phản lực khác lớn hơn một chút, cũng mang cấu trúc cánh bay, đã từng xuất hiện vài lần trên mạng xã hội từ năm ngoái.

Điểm khác biệt chính giữa hai mẫu UAV tàng hình, ngoài kích thước, là ở đuôi: mẫu lớn hơn có một cánh đuôi đứng, trong khi mẫu nhỏ hơn có 2. UAV lớn hơn sử dụng động cơ phản lực JetCat P400-PRO do Đức sản xuất, trị giá 14.000 USD.

Rõ ràng, cả hai mẫu UAV tàng hình này chỉ tồn tại với số lượng rất ít, có lẽ do chi phí và độ phức tạp cao hơn so với các loại UAV khác.

Loại UAV tấn công chính của Lực lượng Tác chiến Không người lái Ukraine (USF) là mẫu An-196, cánh thẳng và dùng cánh quạt. Công ty Ukroboronprom của Ukraine sản xuất An-196 với số lượng lớn và gần đây Đức đã chi 100 triệu USD để tài trợ 500 chiếc.

Việc UAV tàng hình xuất hiện ít có thể hàm ý rằng USF chỉ triển khai chúng cho những nhiệm vụ khó khăn nhất, nơi UAV cần xâm nhập qua các lớp phòng không dày đặc của Nga.

Mặt khác, trong cuộc đua công nghệ này, Nga cũng sở hữu những mẫu UAV tàng hình uy lực, ví dụ như Okhotnik dài tới 14m.

Theo giới quan sát, thách thức với cả Ukraine và Nga không phải là làm ra vài chiếc UAV có khả năng tránh radar, mà là làm ra nhiều chiếc. Đây là một cuộc chiến tiêu hao và bên nào có được số lượng lớn vũ khí sẽ là bên có ưu thế.

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì chi phí sản xuất UAV tàng hình đắt đỏ hơn so với UAV thông thường. Theo các chuyên gia, trong cuộc chiến sắp tới, các bên sẽ vẫn ưu tiên tập trung vào UAV giá rẻ trong khi UAV tàng hình sẽ được sử dụng cho những nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược cao.