
Một UAV của Nga (Ảnh: AFP).
Theo Kyiv Independent, một phần nguyên nhân là do Ukraine thiếu hệ thống phòng không để đánh chặn tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, vũ khí tấn công tầm xa phổ biến của Nga, máy bay không người lái Shahed, đã được nâng cấp đáng kể kể từ đầu năm nay, bao gồm động cơ phản lực và thiết bị liên kết vệ tinh Starlink, gây thêm áp lực lên hệ thống phòng không vốn đã quá tải của Ukraine.
Shahed đã trở thành vũ khí thường trực trong các đợt tập kích từ mùa thu năm 2022 của Nga. Tầm xa, bay cao và giá rẻ, các bầy đàn Shahed đã trở thành lựa chọn mặc định cho những cuộc tấn công tầm xa của Moscow.
Theo ông Oleksiy, chỉ huy một đơn vị phòng không cơ động đã bảo vệ khu vực tây bắc Kiev suốt 2 năm qua, các bầy đàn Shahed ngày càng khó đoán và nguy hiểm hơn.
Dữ liệu từ Lực lượng Không quân Ukraine cho thấy hiệu quả tấn công của Shahed tăng vọt dù tổng số UAV được phóng có xu hướng giảm.
Nếu như tháng 2 có 111 chiếc vượt qua được lưới phòng không Ukraine, thì con số đó tăng lên 404 trong tháng 3 và 424 trong tháng 4. Trong khi đó, tổng số Shahed mà Nga phóng đi lại giảm khoảng 1/3 từ tháng 3 sang tháng 4.
Hiệu quả ngày càng tăng của Shahed phần lớn nhờ vào động cơ phản lực mới, cho phép chúng bay nhanh hơn, mang lượng thuốc nổ lớn hơn và giữ độ cao ở mức lớn hơn.
Theo ông Oleksiy, phần lớn các UAV được nâng cấp này bay với tốc độ từ 380 đến 400km/h. Kỷ lục mà đơn vị của ông ghi nhận là một chiếc Shahed đạt tốc độ 477km/h vào cuối tháng 3. Một năm trước, tốc độ tối đa của Shahed chỉ khoảng 200km/h.
Tải trọng chiến đấu tối đa của Shahed cũng đã tăng gấp 3, từ khoảng 30kg lên 90kg. Dù vẫn thấp hơn nhiều so với 450kg mà tên lửa hành trình như Kh-101 có thể mang, nhưng số lượng Shahed mà Nga triển khai vượt trội hơn hẳn.
Động cơ mới còn giúp Shahed bay cao hơn, lên tới độ cao khoảng 2.000m. Trong khi đó, tầm bắn thẳng đứng của súng máy Browning mà ông Oleksiy sử dụng chỉ vào khoảng 1.800m. Các loại tên lửa phòng không vác vai như Igla (Liên Xô) hay Stinger (Mỹ) có tầm cao hơn, nhưng đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Khoảng một nửa số Shahed được radar phát hiện là "Shahed giả", không mang đầu đạn, chi phí rẻ hơn và dùng để đánh lạc hướng hỏa lực phòng không.
Vật liệu chế tạo Shahed thực chất khá mỏng manh so với hình dung thông thường về một vũ khí. Khi bay cao, nước ngưng tụ từ khí lạnh khiến thân máy bay dễ yếu đi. Hiện chúng được phủ lớp vật liệu mới để tăng khả năng chịu ẩm.
"Ở độ cao thấp, chúng tôi chỉ có khoảng 5-6 giây để phản ứng, phát hiện, khóa mục tiêu và bắn hạ", ông Oleksiy nói.
Nga cũng thường cho Shahed bay thấp, khiến chúng khó phát hiện hơn dù dễ bị bắn hạ. Radar mặt đất, nền tảng nhận diện chính của Ukraine, không thu được vị trí chính xác với Shahed bay dưới đường chân trời.
Trên thực tế, đội của ông Oleksiy từng phát hiện một chiếc Shahed bay ở độ cao chỉ 300m, trong khi một số chiếc khác lượn sát mặt đất ở độ cao 100m, khiến thời gian phản ứng của các trạm radar và đội trinh sát gần như chớp nhoáng.
Trước đây, Shahed bay rất "máy móc", theo đúng đường bay được lập trình sẵn. Giờ đây, một số chiếc đã biết tránh đèn chiếu, như loại đèn mà Svita, một thành viên đội ông Oleksiy, dùng để tìm UAV trên bầu trời. Đây có thể là kết quả của việc nâng cấp hệ thống dẫn đường bằng hình ảnh.
Việc phụ thuộc vào hệ thống dẫn đường hình ảnh khiến Shahed từng phải bám sát các tuyến đường quen thuộc. "Hồi trước, Nga lập sẵn đường bay cho Shahed, và nó cứ thế mà bay. Rất dễ tiêu diệt. Giờ thì nếu chiếu đèn pin, nó lập tức lượn đi để tránh", ông Oleksiy cho biết.
Trên đường bay vào Kiev, nhiều chiếc thường men theo sông Dnipro hoặc tuyến cao tốc Odesa mới, dẫn tới Biển Đen. Tuy nhiên, điều này cũng đã thay đổi.
"Một số chiếc hiện được điều khiển trực tiếp, nghĩa là có người lái chúng từ xa. Nga ghi hình vị trí của chúng tôi, quan sát rồi điều chỉnh đường bay để lách vòng", ông Oleksiy nói.
Một điều phối viên của các đơn vị phòng không cơ động khu vực nói với Kyiv Independent rằng một số chiếc Shahed đang được trang bị thiết bị vệ tinh Starlink để giữ kết nối với người điều khiển ở Nga trong khi bay.