
Tỷ phú Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X vào ngày 5/7, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Tesla và SpaceX, cho biết ông đang thành lập một đảng chính trị mới, mà ông gọi là “Đảng Mỹ”.
"Hôm nay, Đảng Mỹ được thành lập để trả lại cho bạn quyền tự do", Elon Musk tuyên bố, trích dẫn một cuộc thăm dò mà ông đã đăng trước đó trên X.
Tham vọng lập đảng mới
Elon Musk sinh ra ở Nam Phi nhưng đã nhập quốc tịch Mỹ vào năm 2002. Ông đã đảm nhận vai trò ngày càng nổi bật trong nền chính trị Mỹ thông qua quan hệ đối tác với Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2024. Ông đã đổ tiền vào chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng viên đảng Cộng hòa và sử dụng nền tảng truyền thông xã hội của mình, X, để quảng bá cho ông Trump.
Tuy nhiên, ông Musk và ông Trump đã có cuộc tranh cãi công khai sau khi ông trùm công nghệ rời khỏi chính phủ liên bang. Trước đó, Elon Musk từng dẫn đầu nỗ lực cắt giảm "lãng phí, gian lận và lạm dụng" thông qua Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) và nhận được sự ca ngợi của ông Trump.
Mặc dù ông Musk đã rút lại một số cáo buộc và hạ nhiệt cuộc công kích nhằm vào ông Trump, tỷ phú công nghệ này vẫn kiên trì với ý tưởng rằng Mỹ cần một đảng chính trị mới.
Mặc dù chính trị Mỹ về cơ bản hoạt động theo hệ thống hai đảng, nhưng các ứng cử viên tổng thống của đảng thứ ba được phép đưa tên mình vào danh sách bỏ phiếu trên khắp 50 bang. Tất cả các bang đều yêu cầu một số lượng chữ ký nhất định, khác nhau theo từng bang, để ủng hộ cho ứng cử viên tranh cử tổng thống.
Các ứng viên của đảng thứ ba cần có chiến dịch chính trị quy mô lớn để đạt được sự ủng hộ cần thiết và thực sự có được chỗ đứng như một đảng trong cuộc đua với hai “ông lớn” là đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Kỳ vọng của Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk đã đăng cuộc khảo sát dư luận vào ngày 4/7, viết rằng: "Ngày Độc lập là thời điểm hoàn hảo để đặt câu hỏi liệu bạn có muốn tách khỏi hệ thống hai đảng (một số người sẽ nói là đơn đảng) hay không! Chúng ta có nên thành lập Đảng Mỹ không?"
Đến chiều 5/7, ông đã đóng cuộc khảo sát, nhận được gần 1,25 triệu phiếu phản hồi, trong đó có 65,4% người trả lời là "có".
Sau khi xem kết quả khảo sát, Elon Musk đã thực hiện một cuộc khảo sát mới, viết rằng: “Với tỷ lệ 2 chọi 1, các bạn muốn có một đảng chính trị mới và các bạn sẽ có nó”.
Ông cũng đăng lại hình ảnh biếm họa về một con rắn có hai đầu, ám chỉ đến niềm tin của một số người dân Mỹ rằng mặc dù có hệ thống chính trị có hai đảng, nhưng thực tế rất ít thay đổi giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang nắm quyền.
Là người có quốc tịch Mỹ nhưng sinh ra ở nước ngoài, ông Musk không thể tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ông có thể tài trợ cho các ứng cử viên khác, điều mà ông có thể làm với một đảng thứ ba.
Tỷ phú công nghệ từng tuyên bố, nếu thành lập một đảng mới, ông sẽ tập trung vào việc giành được 2 hoặc 3 ghế Thượng viện và 8 đến 10 ghế tại Hạ viện để có tác động đến vấn đề lập pháp.
"Với biên độ lập pháp rất mong manh, điều đó sẽ đủ để đóng vai trò là lá phiếu quyết định đối với các dự luật gây tranh cãi, đảm bảo rằng chúng phục vụ cho ý chí thực sự của người dân", ông Musk cho biết.
Sự ủng hộ của công chúng
Ông Musk dường như nhận được sự ủng hộ đáng kể cho một dự án chính trị tham vọng.
Một cuộc khảo sát do Quantus Insights thực hiện từ ngày 30/6 đến ngày 2/7 trong số 1.000 cử tri đã đăng ký cho thấy 40% số người được hỏi - bao gồm nhiều cử tri Cộng hòa - cho biết họ sẽ cân nhắc bỏ phiếu cho một đảng thứ ba do ông Musk hậu thuẫn thay vì các ứng cử viên Cộng hòa hoặc Dân chủ truyền thống.
Quantus Insights đã viết trên X rằng cuộc khảo sát được thực hiện để xem xét sự ủng hộ của công chúng dành cho đảng chính trị do Elon Musk hậu thuẫn, nhưng cũng lưu ý rằng cuộc khảo sát như vậy luôn nhận được phản hồi tốt. Vào năm 2023, 63% người Mỹ được khảo sát ủng hộ một đảng thứ 3, cao nhất trong xu hướng 20 năm của hãng khảo sát Gallup.
Tuy nhiên, cũng có những nghi ngờ đáng kể về việc liệu một đảng thứ 3 có thực sự có tác động đáng kể đến hệ thống chính trị Mỹ hay không. Grant Davis Reeher, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Syracuse, từng thừa nhận có "một số rào cản về mặt cấu trúc để thành lập và duy trì một đảng thứ 3 khả thi" ở Mỹ.
Trước khi Elon Musk và Quantus Insights tiến hành khảo sát, một cuộc khảo sát riêng do YouGov công bố vào ngày 18/6 cho thấy 46% trong số 3.118 người trưởng thành ở Mỹ được hỏi tin rằng cần có một đảng thứ 3 trong bối cảnh chính trị hiện tại của Mỹ, trong đó 47% đảng viên Dân chủ và 35% đảng viên Cộng hòa ủng hộ một đảng thứ 3.

Tỷ phú Elon Musk từng rót tiền cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters).
Mức độ khả thi
Một đảng thứ 3 thực sự cạnh tranh được kỳ vọng có thể lật đổ hơn một thế kỷ thống trị của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ở mọi cấp chính quyền tại Mỹ. Tuy nhiên, ít đảng nào làm được điều này, mặc dù có hàng chục đảng nhỏ hoạt động trên khắp nước Mỹ trong hàng chục năm qua.
Đảng Tự do, được thành lập vào năm 1971, là đảng lớn thứ ba ở Mỹ. Vận động cho thị trường tự do, chính quyền nhỏ và quyền tự do cá nhân, đảng này đã có thành tích bầu cử tổng thống tốt nhất vào năm 2016 với ứng cử viên Gary Johnson, người đã giành được 3,27% số phiếu bầu trên toàn quốc.
Nhưng con số này còn cách xa hàng chục triệu phiếu bầu cần thiết để bước vào Nhà Trắng, một vị trí thống đốc hoặc thậm chí là một ghế trong cơ quan lập pháp bang.
Đảng Xanh, một đảng lâu đời khác, cũng có các ứng cử viên trong các cuộc đua cấp bang và liên bang. Giống như đảng Tự do, đảng này cũng không có ghế nào trong chính phủ.
Một số quan điểm hoài nghi về sự thành công của một đảng thứ 3 ở Mỹ.
Kevin Madden, một đối tác cấp cao tại tổ chức Penta Group, cho biết “hầu hết cử tri có xu hướng thiên về lòng trung thành với đảng lớn của họ, khiến đảng thứ 3 không có đủ nguồn tài trợ và nhân lực tổ chức để đạt được bước tiến đáng kể”.
Theo chuyên gia Madden, tầng lớp trung lưu lớn của cử tri Mỹ vẫn là “chiến trường” chính để quyết định thắng thua trong các cuộc bầu cử, nhưng họ khó có thể ủng hộ một đảng thứ 3.
Dafydd Townley, chuyên gia chính trị người Mỹ tại Đại học Portsmouth, cũng nhận định "các đảng thứ 3 không có xu hướng tồn tại lâu dài trong nền chính trị Mỹ”.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học chính trị Mỹ vào tháng 5/2024 cho thấy "những người theo đảng phái bất mãn", gồm những người theo đảng Cộng hòa và Dân chủ nhưng không hài lòng với chính đảng của họ, ít có khả năng bỏ phiếu cho một lựa chọn thứ 3 trung dung hơn.
Hệ thống chính trị Mỹ
Bản chất của hệ thống chính trị Mỹ là nguyên tắc "người chiến thắng sẽ giành được tất cả" thông qua việc sử dụng rộng rãi hệ thống bỏ phiếu "người về nhất". Điều này mang lại chiến thắng cho các ứng cử viên có nhiều phiếu bầu nhất, hầu như luôn là đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ.
Theo Bernard Tamas, nhà khoa học chính trị tại Đại học Valdosta State, Mỹ, có những yếu tố khác cản trở sự thành công của đảng thứ 3.
Chuyên gia Tamas cho biết điều cơ bản là đảng thứ 3 phải khai thác được sự bất mãn của công chúng, một số lượng lớn những người không hài lòng với các lựa chọn chính trị hiện tại, và xây dựng một phong trào cơ sở.
"Một trong những vấn đề lớn nhất đối với các đảng phái mới nổi là họ không thực sự khai thác được sự bất mãn đó", chuyên gia Tamas cho biết. Thay vào đó, các đảng mới thành lập "có xu hướng mơ hồ hơn và không thực sự tập trung vào nhu cầu thay đổi mạnh mẽ đó".
Ngoài ra, vấn đề tài chính cũng quyết định sự thành công của các đảng phái.
Các đảng ở Mỹ chi hàng tỷ USD để đưa các ứng cử viên của mình lên nắm quyền. Theo tổ chức giám sát quyên góp OpenSecrets, gần 16 tỷ USD đã được chi cho các cuộc đua vào quốc hội và tổng thống năm 2024.
Bản thân tỷ phú Elon Musk là nhà tài trợ lớn nhất trong cuộc bầu cử 2023-2024. Ông đã rót hơn 291 triệu USD cho đảng Cộng hòa ở mọi cuộc đua.
Các quỹ chiến dịch khổng lồ giúp các đảng mua các tài liệu quảng cáo và vận động để công chúng biết đến các ứng cử viên và giành được phiếu bầu của họ. Điều này không đảm bảo chiến thắng cho một đảng, nhưng chắc chắn góp phần đáng kể.
"Cần phải chi tiền cho những thứ như quyền tiếp cận lá phiếu và một số thứ khác, nhưng không bên thứ ba nào có đủ tiền để cạnh tranh với đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ theo cách này", chuyên gia Tamas cho biết.