
Trung Quốc thống trị nguồn cung đất hiếm toàn cầu (Ảnh minh họa: Reuters).
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 12/5 cho biết, việc tăng cường kiểm soát xuất khẩu các nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược rất quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Cùng ngày, một tài khoản mạng xã hội liên kết với đài truyền hình nhà nước CCTV đã đăng một bài viết có tiêu đề "Trung Quốc tiếp tục kiểm soát xuất khẩu đất hiếm".
Vào tháng 4, Bắc Kinh đã áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm, một động thái được coi là một phần trong các biện pháp trả đũa việc Mỹ tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc.
Đầu tiên, giới chức trách Trung Quốc yêu cầu giấy phép trước khi xuất khẩu đất hiếm. Các nhà xuất khẩu sẽ phải cung cấp thông tin chi tiết về người dùng cuối cùng trong đơn đăng ký của họ, đơn này sẽ được Bắc Kinh giải quyết trong vòng 45 ngày làm việc.
Thứ hai, Trung Quốc cấm các công ty có tên trong danh sách kiểm soát xuất khẩu nhận các lô hàng cùng với các hàng hóa bị kiểm soát khác.
Đây là những hạn chế mới nhất của Bắc Kinh đối với dòng chảy của khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất chất bán dẫn và công nghệ xanh đến ngành công nghiệp quốc phòng. Mục tiêu chính được cho là nhằm vào ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Ngày 14/5, Trung Quốc thông báo tạm dừng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm và một số mặt hàng khác, cũng như công nghệ dùng trong lĩnh vực quân sự, cho 28 doanh nghiệp Mỹ. Đây là một phần trong thỏa thuận "đình chiến" thương mại mà hai bên đạt được sau các cuộc đàm phán tại Thụy Sỹ Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa chính thức rút lại yêu cầu cấp phép và điều này cho phép họ tiếp tục giám sát dòng chảy của đất hiếm..
Kể từ năm 2023, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với ngày càng nhiều khoáng sản quan trọng và các sản phẩm liên quan.
Nếu Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc bằng các hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip, thì Trung Quốc coi việc kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng này là đòn bẩy quan trọng trong đàm phán thương mại.
Đất hiếm là một tập hợp gồm 17 nguyên tố trong bảng tuần hoàn. Những chất này được sử dụng trong mọi loại công nghệ, từ điện thoại thông minh và TV đến máy bay và lò phản ứng hạt nhân.
Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm của thế giới, khai thác gần 70% sản lượng toàn cầu.
Quan trọng hơn, Trung Quốc xử lý khoảng 90% nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu, khiến chúng có thể sử dụng được. Đây là một nhiệm vụ tốn kém, phức tạp và gây ô nhiễm cao mà các nước phát triển đã né tránh, trao cho Trung Quốc quyền thống trị đối với nguồn cung cấp các nguồn tài nguyên chiến lược này.