ThS. Đỗ Văn Đạt
Email: dovandat.ads@gmail.com
ThS. Ngô Văn Tùng
Khoa Tài chính - Học viện Hậu cần
Email: tung.hck6@gmail.com
Tóm tắt
Nếu như trong giai đoạn 2001-2010, tỉnh Hưng Yên mới thu hút được 189 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thì từ năm 2011 đến năm 2023, toàn tỉnh đã thu hút được 388 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 4.734,358 triệu USD. Từ việc phân tích thực trạng công tác thu hút FDI trên địa bàn những năm qua, nghiên cứu đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác này, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn, như: cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển các trục (hành lang) công nghiệp trọng điểm; thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông minh; đảm bảo nguồn cung cấp điện, nước ổn định; phát triển hệ thống ngân hàng, dịch vụ kiểm toán; phát triển hệ thống giáo dục, y tế và các dịch vụ vui chơi giải trí.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI, phát triển kinh tế bền vững, tỉnh Hưng Yên
Summary
While Hung Yen Province attracted only 189 foreign direct investment (FDI) projects from 2001 to 2010, the number rose significantly to 388 projects with a total registered capital of USD 4,734.358 million from 2011 to 2023. By analyzing the current state of FDI attraction in recent years, the study proposes several targeted recommendations to strengthen this effort and promote sustainable economic development in the province. These include improving transport infrastructure, developing key industrial corridors, advancing smart digital infrastructure, ensuring stable electricity and water supply, expanding banking and auditing services, and enhancing education, healthcare, and recreational service systems.
Keywords: Foreign direct investment, FDI, sustainable economic development, Hung Yen Province
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hưng Yên là tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông kết nối tốt, quỹ đất sạch dồi dào và lực lượng lao động trẻ, Hưng Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong giai đoạn 2001-2005, toàn tỉnh có 34 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 225,57 triệu USD, chủ yếu nằm ngoài khu công nghiệp (KCN). Đến giai đoạn 2006-2010, sau khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2005 được ban hành, môi trường đầu tư được cải thiện, Hưng Yên đã thu hút được thêm 115 dự án với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD; các KCN như Thăng Long, Minh Đức, Yên Mỹ… đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, FDI vào Hưng Yên đã tăng mạnh với 388 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4,7 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn như Kyocera, Hoya, Nitto, Hyundai Aluminum… đã chọn tỉnh làm nơi đầu tư, phát triển hoạt động trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, linh kiện ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Năm 2023, Hưng Yên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố thu hút FDI cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, thu hút FDI tại Hưng Yên vẫn còn một số tồn tại. Cơ sở hạ tầng tuy phát triển nhưng chưa đồng bộ. Lao động có tay nghề cao còn thiếu, trong khi liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu. Các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường vẫn chưa nhiều. Tác động lan tỏa của khu vực FDI đến kinh tế địa phương còn hạn chế… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thu hút và tạo điều kiện phát triển cho khu vực FDI, góp phần phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, xử lý môi trường trong KCN. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, tăng liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước, hướng tới thu hút các dự án có công nghệ cao, ít ô nhiễm, giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ổn định, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoạt động lâu dài tại địa phương.
THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO TỈNH HƯNG YÊN
Ngày 1/12/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 233/1998/QĐ-TTg quy định về phân cấp, ủy quyền cấp Giấy phép đầu tư đối với các dự án FDI. Đây là dấu mốc quan trọng, tạo điều kiện cho các địa phương nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng, đẩy mạnh công tác thu hút FDI và đạt được những kết quả tích cực (Hình). Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh, lũy kế đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 540 dự án với số vốn đăng ký 6.803,6 triệu USD, trong đó dự án đầu tư trong KCN chiếm 56,5%. Xét theo giai đoạn, từ năm 2016 đến nay, Tỉnh thu hút được số lượng dự án cũng như số vốn đầu tư cao nhất và đạt đỉnh vào năm 2023 (thu hút 46 dự án, trong đó 39 dự án đầu tư vào các KCN). Tính đến nay, toàn Tỉnh đã có 17 KCN, như Phố Nối A, Minh Quang, Minh Đức, Sạch, Thăng Long II... với diện tích hơn 4.400 ha, trong đó, KCN Thăng Long II (huyện Yên Mỹ), có quy mô 345,2 ha, do Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản làm chủ đầu tư. Đây là điều kiện quan trọng để Tỉnh thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Hình: Số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2000-2023
![]() |
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên |
Số liệu thống kê tại Bảng cho thấy, trong giai đoạn 2001-2005, số dự án FDI tại tỉnh Hưng Yên bắt đầu có sự tăng trưởng rõ rệt. Trong giai đoạn này đã có 34 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 225,57 triệu USD, trong đó có 28 dự án nằm ngoài KCN, với số vốn đăng ký 192,829 triệu USD và 6 dự án trong KCN với số vốn đăng ký 32,74 triệu USD. Mặc dù đầu tư vào KCN còn hạn chế, nhưng một số KCN như Phố Nối A và B vẫn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, điện tử tin học, dệt may. Nhiều dự án tiêu biểu được triển khai như: dự án sản xuất phụ tùng ô tô xe máy VAP, dự án sản xuất mì ăn liền của Acecook Việt Nam, dự án sản xuất phụ kiện xe máy của liên doanh Lifan - Tong Sheng và dự án lắp ráp thang máy của công ty ALPEC…
Giai đoạn 2006-2010 đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong thu hút FDI của tỉnh Hưng Yên nhờ sự ra đời của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, các thủ tục cấp phép được đơn giản hóa, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền tỉnh đã tích cực thực hiện chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, cùng với sự hình thành các KCN mới như Thăng Long, Minh Đức, Yên Mỹ… đã biến Hưng Yên thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI. Trong giai đoạn này, tỉnh thu hút 115 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký lên đến 1.796,7 triệu USD, trong đó có 67 dự án ngoài KCN (245,71 triệu USD) và 48 dự án trong KCN (1.550,989 triệu USD). Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào tỉnh như Hoya Glass Disk Việt Nam II, Sews-Components Việt Nam, Hamaden Việt Nam, Hyundai Aluminum ViNa... với các lĩnh vực thế mạnh như điện tử, linh kiện ô tô xe máy, viễn thông...
Từ năm 2011 đến nay, số lượng dự án và quy mô vốn FDI vào Hưng Yên tiếp tục tăng trưởng mạnh. Toàn tỉnh đã thu hút thêm 388 dự án với tổng vốn đăng ký 4.734,358 triệu USD, trong đó có 139 dự án ngoài KCN (372,855 triệu USD) và 249 dự án trong KCN (4.361,503 triệu USD). Việc phát triển đồng bộ hạ tầng, chính sách ưu đãi, cùng với sự hình thành của nhiều KCN mới như KCN sạch, KCN Minh Quang, KCN số 5… đã giúp Hưng Yên tăng sức hút đối với các DN FDI. Một số nhà đầu tư lớn trong giai đoạn này có thể kể đến như NITTO Việt Nam, Kyocera Việt Nam, Công ty TNHH Vật liệu mới Yichang Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp Titan… Các dự án chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, điện tử viễn thông, công nghiệp nhựa và bất động sản. Điều này cho thấy Hưng Yên ngày càng khẳng định được vị thế là điểm đến hấp dẫn trong bản đồ thu hút FDI của cả nước.
Bảng: Thống kê đầu tư nước ngoài vào tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2000-2023
Giai đoạn | Số dự án | Số vốn đăng ký (triệu USD) | ||||||
Ngoài KCN | Trong KCN | Cộng | Tỷ lệ | Ngoài KCN | Trong KCN | Cộng | Tỷ lệ | |
Trước 2000 | 1 | 2 | 3 | 0,6% | 10,346 | 36,666 | 47,012 | 0,7% |
2001-2005 | 28 | 6 | 34 | 6,3% | 192,829 | 32,742 | 225,57 | 3,3% |
2006-2010 | 67 | 48 | 115 | 21,3% | 245,71 | 1.550,989 | 1.796,7 | 26,4% |
2011-2015 | 65 | 74 | 139 | 25,7% | 193,456 | 1.454,617 | 1.648,1 | 24,2% |
2016-2020 | 53 | 109 | 162 | 30,0% | 132,084 | 2.000,986 | 2.133,1 | 31,4% |
2021-2023 | 21 | 66 | 87 | 16,1% | 47,315 | 905,900 | 953,22 | 14,0% |
Cộng | 235 | 305 | 540 | 100% | 821,740 | 5.981,90 | 6.803,64 | 100,0% |
Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của UBND Tỉnh Hưng Yên năm 2023, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, Tỉnh đã tích cực chỉ đạo rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai, không triển khai, không đưa đất vào sử dụng. Đến nay, toàn Tỉnh đã có 16 dự án FDI bị thu hồi giấy phép (các dự án này đều đầu tư ngoài KCN), với số vốn đăng ký 120,452 triệu USD (chiếm 1,8% tổng vốn đăng ký đầu tư). Trong đó có một số dự án lớn như Khu tổ hợp dịch vụ Văn Giang của Công ty TNHH Bridge Inter-Line Leisure Việt Nam với vốn đăng ký 70 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất hàng và kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng của Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam (vốn 20 triệu USD); Dự án Chế tạo khung, động cơ và phụ tùng xe máy theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty T&T và Chonqin Jilong Mec., Manuf., Co Ltd Trung Quốc (11 triệu USD). Riêng năm 2023, Tỉnh đã thu hồi 12 dự án FDI.
GIẢI PHÁP THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG TẠI TỈNH HƯNG YÊN
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, việc thu hút FDI đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Hưng Yên. Để nâng cao sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, tỉnh cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, về hạ tầng, Hưng Yên cần tập trung cải thiện hệ thống giao thông, bởi dù đã có nhiều nỗ lực đầu tư, Tỉnh vẫn đối mặt với những vấn đề như chất lượng mặt đường thấp, tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng. Do đó, Tỉnh nên nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, mở rộng kết nối liên tỉnh và đặc biệt là nghiên cứu phát triển tuyến đường sắt kết nối Hà Nội - Hưng Yên nhằm giảm tải giao thông và tăng hiệu quả lưu thông. Đồng thời, việc khuyến khích các doanh nghiệp vận tải hợp tác cũng sẽ góp phần xây dựng mạng lưới vận chuyển chuyên nghiệp, phục vụ hiệu quả cho hoạt động logistics và công nghiệp trên địa bàn.
Thứ hai, Hưng Yên cần tận dụng lợi thế vị trí địa lý (trong vùng trung tâm đồng bằng sông Hồng, gần Hà Nội và nằm trong các hành lang kinh tế lớn) để phát triển các trục công nghiệp trọng điểm. Việc xây dựng các hành lang công nghiệp dọc theo tuyến đường bộ, đường thủy và hàng không không chỉ giúp tăng cường liên kết vùng mà còn thúc đẩy hình thành các cụm công nghiệp, dịch vụ, logistics, góp phần tạo động lực phát triển bền vững. Hệ thống đường bộ và đường thủy hiện nay của tỉnh có tiềm năng lớn, do đó, việc đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả các tuyến sông Hồng, sông Luộc và cao tốc hiện hữu là rất cần thiết.
Thứ ba, trong bối cảnh chuyển đổi số, hạ tầng kỹ thuật số thông minh là yếu tố không thể thiếu. Tỉnh cần đẩy mạnh đầu tư hệ thống internet tốc độ cao, mạng băng thông rộng, đặc biệt trong các KCN và khu công nghệ cao, nhằm tạo nền tảng cho doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), và các phần mềm quản trị hiện đại. Cùng với đó, việc phát triển chính quyền số, đô thị thông minh sẽ giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả điều hành, từ đó nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Thứ tư, về năng lượng, Hưng Yên cần bảo đảm nguồn cung điện, nước ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp. Với địa hình bằng phẳng, tỉnh có tiềm năng lớn trong phát triển điện mặt trời - một trong những giải pháp năng lượng tái tạo phù hợp với định hướng xây dựng đô thị xanh, thông minh. Tỉnh nên có chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục đầu tư để thu hút doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này.
Thứ năm, việc phát triển hệ thống ngân hàng, tài chính và kiểm toán cũng rất cần thiết. Tỉnh nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là các khoản vay ưu đãi có thế chấp, đồng thời đơn giản hóa quy trình thủ tục tín dụng. Các ngân hàng cần mở rộng hạn mức vay, linh hoạt trong xét duyệt tài sản thế chấp, đặc biệt với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, điện - điện tử, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thanh toán quốc tế, đồng thời đảm bảo an ninh mạng trong các giao dịch điện tử. Việc phát triển dịch vụ kiểm toán, kế toán chuyên nghiệp cũng sẽ giúp doanh nghiệp FDI yên tâm trong hoạt động tài chính.
Thứ sáu, Tỉnh cần chú trọng phát triển hệ thống giáo dục, y tế và dịch vụ giải trí để nâng cao chất lượng sống, thu hút chuyên gia và lao động chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Hệ thống giáo dục cần được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nội dung đào tạo, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn và năng lực ngoại ngữ, tin học. Tỉnh cũng nên thúc đẩy xây dựng các cơ sở đào tạo mới trong Khu đại học Phố Hiến. Về y tế, cần đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho bệnh viện, trung tâm y tế, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn có trình độ cao. Việc phát triển các dịch vụ giải trí, văn hóa cũng góp phần nâng cao môi trường sống và làm việc cho người lao động, từ đó tăng tính cạnh tranh trong thu hút FDI.
KẾT LUẬN
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong thu hút FDI, nhưng để trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh Hưng Yên cần triển khai đồng bộ các giải pháp về hạ tầng, công nghệ, tài chính và dịch vụ xã hội. Sự kết hợp giữa lợi thế vị trí địa lý và chính sách đầu tư thông minh sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Đức Minh (2016). Giải pháp tài chính thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên.
2. Quốc Hội (2020). Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, ban hành ngày 17/6/2020.
3. Trần Quang Thắng (2012). Những vấn đề kinh tế xã hội nảy sinh trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của một số nước châu Á và giải pháp cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
4. Abdouli, M., & Hammami, S. (2017). The impact of FDI inflows and environmental quality on economic growth: An empirical study for the MENA countries. Journal of the Knowledge Economy, 8(1), 254-15. https://doi.org/10.1007/s13132-015-0323-y
5. Akhmedov Javohir Jamolovich (2016). Most Common Potential Determinants of FDI: Review of Literature. International Journal of Innovation and Economics Development, 2(2), 26-31.
6. Amal, M., Tomio, B. T., & Raboch, H. (2010). Determinants of foreign direct investment in Latin America. GCG: revista de globalización, competitividad y gobernabilidad, 4(3), 116-133.
7. Ang, J.B. (2009). Foreign direct investment and its impact on the Thai economy: the role of financial development. Journal of Economics and Finance, 33(3), 316-323, DOI: 10.1007/s12197-008-9042-6
Ngày nhận: 02/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 25/6/2025; Ngày duyệt đăng: 27/6/2025 |