
Một người cao tuổi được hỗ trợ khi di tản ở trường Đại học Surindra Rajabhat ở tỉnh biên giới Surin của Thái Lan (Ảnh: AFP).
Ngày 24/7, hai quốc gia láng giềng Thái Lan và Campuchia nổ ra xung đột ở khu vực tranh chấp chủ quyền sau nhiều ngày căng thẳng. Cả 2 phía đều cáo buộc bên còn lại khai hỏa trước.
Tới nay, giao tranh vẫn diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế kêu gọi 2 nước tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Ít nhất 15 người từ 2 bên đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Với nhiều người dân Thái Lan và Campuchia, cuộc xung đột khiến họ hoang mang, lo lắng. Tính đến nay, hàng trăm nghìn người dân thường ở các khu vực biên giới đã di tản khỏi nhà cửa đến nơi trú ẩn tạm thời.
Khoảng 600 người đã trú ẩn tại một nhà thi đấu thuộc một trường đại học ở Surin, Thái Lan, cách biên giới khoảng 80km. Những người sơ tán ngồi thành từng nhóm trên chiếu và chăn, xếp hàng chờ nhận đồ ăn và nước uống.
Thợ may Pornpan Sooksai mang theo 4 con mèo được nhốt trong 2 chiếc lồng vải. Cô cho biết mình đang giặt đồ tại nhà gần đền Ta Muen Thom thì pháo kích bắt đầu xảy ra vào ngày 24/7.
“Tôi chỉ nghe thấy tiếng bùm, bùm. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn lồng, quần áo và mọi thứ, nên chúng tôi bỏ chạy và mang đồ ra xe. Tôi đã rất hoang mang và sợ hãi”, cô kể lại.
Rattana Meeying, một người phải đi sơ tán khác, cho biết bà cũng từng chứng kiến cuộc giao tranh giữa 2 nước vào năm 2011, nhưng mô tả đợt bùng phát lần này dường như căng thẳng hơn.
“Tôi lo cho ngôi nhà của mình, cho vật nuôi và hoa màu mà chúng tôi đã dày công chăm sóc”, Thidarat Homhuan, 37 tuổi, nói với hãng tin AFP. Cô đã sơ tán cùng 9 người thân, bao gồm cả bà ngoại 87 tuổi vừa mới xuất viện.
Tại tỉnh Sisaket, thêm nhiều người dân đã thu dọn đồ đạc và rời khỏi nhà bằng ô tô, xe tải và xe máy sau khi nhận được lệnh sơ tán vào ngày 25/7.

Những người di tản đang nghỉ ngơi tại khuôn viên một ngôi chùa ở tỉnh Oddar Meanchey, Campuchia (Ảnh: AFP).
Bên kia biên giới, tại Campuchia, các ngôi làng ở vùng ven tỉnh Oddar Meanchey hầu như không còn người vì họ đã di tản.
Trước đó, một số người dân đã đào hố để tạo thành hầm trú ẩn tạm thời, phủ lên bằng gỗ, bạt và tấm tôn để bảo vệ bản thân. Những gia đình có con nhỏ chất đồ đạc lên các xe tự chế để sơ tán.
Một ngôi chùa Phật giáo hẻo lánh giữa cánh đồng lúa đã trở thành nơi trú ẩn cho vài trăm người dân sơ tán. Phụ nữ nằm nghỉ trên võng, một số bế con nhỏ. Những chiếc lều tạm đang được dựng lên dưới các tán cây.
Tại thị trấn Samraong của Campuchia, cách biên giới 20km, các phóng viên AFP chứng kiến nhiều gia đình di tản trên các phương tiện. Anh Pro Bak, 41 tuổi, nói với AFP rằng anh đang đưa vợ và các con đến một ngôi chùa.
“Tôi chưa biết bao giờ mới có thể quay về nhà”, anh nói.
Trong khi đó, ông Veng Chin, 74 tuổi, bày tỏ hy vọng rằng cả 2 chính phủ sẽ sớm đàm phán để đạt được thỏa thuận để ông "có thể trở về nhà và tiếp tục làm ruộng".