Sau Iran, Thủ tướng Netanyahu đối mặt với quyết định quan trọng ở Gaza

() - Sau khi cuộc xung đột kéo dài 12 ngày với Iran tạm lắng, Israel phải chuyển sự chú ý trở lại Gaza, cuộc chiến dai dẳng và khó khăn hơn rất nhiều.
Sau Iran, Thủ tướng Netanyahu đối mặt với quyết định quan trọng ở Gaza - 1

Thủ tướng Netanyahu trong chuyến thăm tới Viện Khoa học Weizmann, nơi bị tên lửa Iran tấn công hôm 20/6 (Ảnh: Reuters).

Hôm 25/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố trong một cuộc họp của chính phủ về việc đã "giành chiến thắng lớn trong chiến dịch chống lại đối thủ Iran". Và lần đầu tiên sau nhiều năm, ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong nước.

Một cuộc khảo sát của Viện Dân chủ Israel cho thấy 70% người dân ủng hộ quyết định tấn công Iran, quốc gia mà Israel từ lâu coi là mối đe dọa hiện hữu lớn nhất của mình. Trong số những người Do Thái Israel, tỷ lệ ủng hộ thậm chí còn cao hơn, ở mức 82%, cuộc khảo sát cho thấy.

Nhưng sau khi lệnh ngừng bắn chấm dứt xung đột với Iran, Israel buộc phải chuyển sự chú ý trở lại Gaza, cuộc chiến dai dẳng và khó khăn hơn rất nhiều với Thủ tướng Netanyahu.

Gaza từ lâu đã là cuộc chiến khốc liệt của Tel Aviv chống lại Hamas, lực lượng dựa vào chiến thuật du kích để chống lại ưu thế quân sự của Israel.

Thủ tướng Netanyahu đã gặp một nhóm nhỏ các quan chức cấp cao của Israel hôm 26/6 để thảo luận về chiến lược ở Gaza trong bối cảnh chính phủ đang tranh cãi nội bộ về chiến lược quân sự. Trong khi phe cực hữu tiếp tục kêu gọi tăng cường chiến tranh, những người khác nói rằng thành công ở Iran đã mở ra một cơ hội mới để chấm dứt toàn diện cuộc xung đột ở Gaza.

Sau 12 ngày xung đột với Iran, Israel dường như đã nổi lên với tư cách là cường quốc quân sự không thể tranh cãi ở Trung Đông, có thể tấn công các mục tiêu mà không bị trừng phạt trên khắp Li Băng, Syria, Yemen và bây giờ là Iran.

Hàng chục - và đôi khi là hàng trăm - máy bay chiến đấu của Israel đã thực hiện các nhiệm vụ chống lại Iran, bao phủ hàng trăm km không phận của quốc gia thù địch, để tấn công các mục tiêu từ các cơ sở hạt nhân đến bệ phóng tên lửa đạn đạo cho đến các biểu tượng của chính phủ Iran. Có vẻ như giới hạn duy nhất đối với hoạt động của Israel theo quan điểm của quân đội là kho vũ khí của chính họ.

Tuy nhiên, những tên lửa của Iran vượt qua được hệ thống phòng thủ Arrow và David’s Sling, được thiết kế để bảo vệ chống lại các tên lửa tầm xa hơn, đã gây ra thiệt hại chưa từng có cho một số thành phố lớn nhất của Israel, bao gồm Haifa và Tel Aviv.

Bộ phận bồi thường tại Cơ quan Thuế của Israel ước tính sẽ mất hơn 1,3 tỷ USD để sửa chữa thiệt hại gây ra chỉ trong 12 ngày xung đột. Trong cuộc họp hôm 23/6 của Ủy ban Tài chính của Knesset (Quốc hội Israel), người đứng đầu bộ phận bồi thường Amir Dahan, cho biết con số này có thể còn tăng cao hơn nữa. Ông cho biết sẽ cần phải phá dỡ khoảng 25 tòa nhà.

Trong khi xung đột với Tehran tạm thời lắng dịu, Gaza - và số phận của những con tin bị Hamas giam giữ ở đó - vẫn chưa có lời giải. 

“Chúng ta cần một người như Tổng thống Donald Trump, ngay tại đây, đứng ra và nói rằng, ‘Trả lại con tin, chấm dứt mọi thứ đó, đưa tình hình trở lại bình thường", nghị sĩ Moshe Gafni phát biểu trong một phiên họp, cho thấy sự bất đồng trong chính phủ. “Nhưng có vẻ như cho đến nay chúng ta vẫn chưa làm được điều đó”, ông nhấn mạnh.

Nếu các hoạt động quân sự của IDF ở Iran cho thấy khả năng tấn công chính xác và thông minh của quân đội Israel, cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza đã đẩy đất nước này vào một cuộc xung đột ngược lại. Ở Israel, cuộc chiến Gaza trở thành nỗi lo lớn của chính phủ và sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng, trong khi trên trường quốc tế, nhiều quốc gia đã liên tục chỉ trích Israel vì số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng.

Các cuộc khảo sát khác đã nhiều lần chỉ ra rằng phần lớn người Israel ủng hộ một thỏa thuận thả con tin ngay cả khi điều đó có nghĩa là chấm dứt chiến tranh.

“Đã đến lúc phải thể hiện lòng dũng cảm và nói to và rõ ràng: trả tự do cho con tin, chấm dứt giao tranh. Đó là giải pháp phù hợp, đó là cách duy nhất để hoàn thành chiến thắng của Israel”, nội dung tại Diễn đàn Con tin và Gia đình mất tích cho biết hôm 25/6.

Qatar, quốc gia đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, cho biết lệnh ngừng bắn của Iran đã tạo ra “động lực” để khởi động lại các cuộc đàm phán về Gaza. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Majed Al Ansari cho hay nước này đã liên lạc với tất cả các bên để cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này cho biết, Israel đã đồng ý với các điều khoản của một kế hoạch ngừng bắn kéo dài 60 ngày. 

Hamas ngày 4/7 tuyên bố, họ đã "gửi phản hồi tích cực" đối với đề xuất ngừng bắn 60 ngày với Israel tại Gaza, mở đường cho một thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột sau nhiều tháng nỗ lực bất thành.