Phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong kỷ nguyên mới

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giải quyết thách thức mà còn tạo cơ hội xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường và cạnh tranh quốc tế.

Phạm Minh Phong

Trường Sĩ quan Chính trị

Tóm tắt: Trên cơ sở lý thuyết về phát triển nông nghiệp bền vững, số liệu của các cơ quan chức năng và kết quả nghiên cứu của các công trình có liên quan, bài viết tập trung phân tích, khái quát thực trạng phát triển nông nghiệp bền vững, chỉ rõ một số hạn chế, bất cập. Qua đó, bài viết đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Từ khóa: Phát triển bền vững, nông nghiệp, kỷ nguyên mới, Việt Nam

Summary: Based on the theoretical framework of sustainable agricultural development, official statistical data, and findings from relevant studies, this article focuses on analyzing and synthesizing the current state of sustainable agriculture in Vietnam, highlighting certain limitations and shortcomings. Accordingly, the article proposes solutions for fostering sustainable agricultural development in Vietnam during the new era - era of rising.

Keywords: Sustainable development, agriculture, new era, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn từ quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và yêu cầu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh trong kỷ nguyên mới. Do đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững là yêu cầu cấp thiết, không chỉ giải quyết thách thức mà còn tạo cơ hội xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện môi trường và cạnh tranh quốc tế.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM

Cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát triển nông nghiệp bền vững, những năm gần đây, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không ngừng đổi mới, sáng tạo, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, trong đó trọng tâm là Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mặt trận Tổ quốc xây dựng nông thôn mới theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, như: Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp; Nghị định số 06/2024/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; Nghị định số 27/2024/NĐ-CP và 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa…

Kết quả là, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp trong thời gian qua đã có sự cải thiện. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 3,3% mặc dù chịu ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu, thiên tai. Năng suất, sản lượng lúa và một số cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản và thặng dư thương mại toàn ngành năm 2024 lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 62,5 tỷ USD tăng 18,7% và 17,9 tỷ USD, tăng 46,8% (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2024). Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hoạt động sản xuất theo hướng bền vững được đẩy mạnh ở các địa phương, đạt kết quả nổi bật, đáng ghi nhận. Nhiều diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn. Năm 2024, khoảng 116 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng rau, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ có hiệu quả kinh tế được phát triển; cả nước hiện có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô nuôi trên 75 nghìn con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn.

Việt Nam cũng đang từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Năm 2024, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ là 75.020 ha (trong đó 82% là đất trồng trọt); trong đó 38.780 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận TCVN hoặc theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản. Các địa phương đang chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với 260.725 ha đất trồng trọt, 4.864 tấn sản phẩm chăn nuôi, hơn 23 triệu quả trứng gia cầm; quy hoạch vùng sản xuất và hỗ trợ cho một số mô hình sản xuất hữu cơ. Trong đó: Trồng trọt có 77 mô hình tại 38 địa phương; Chăn nuôi có 18 mô hình tại 13 địa phương; Thủy sản có 7 mô hình tại 7 địa phương; Lâm nghiệp có 2 mô hình tại 2 địa phương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2024).

Sản xuất nông nghiệp từng bước giảm thâm dụng tài nguyên và vật tư đầu vào, tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ. Từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã loại bỏ được 14 hoạt chất với 1.706 tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường ra khỏi Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Hiện nay, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng có 460 hoạt chất với 4.537 tên thương phẩm, trong đó thuốc sinh học chiếm 18,88%.

Mặt khác, các địa phương, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và tiêu thụ nông sản qua các sàn thương mại điện tử uy tín như: Postmart, Voso, Shopee, Tiki, Ladaza… nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Các nền tảng thương mại điện tử không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng quốc tế một cách dễ dàng mà còn tạo ra sự cạnh tranh ngày càng bình đẳng giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do và cải thiện hạ tầng logistics đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển này, mở ra những triển vọng mới cho nông sản Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử trong tương lai.

Tuy đạt nhiều thành tựu nổi bật, phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta còn một số hạn chế, tồn tại. Tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp. Vẫn xảy ra hiện tượng vi phạm chất lượng, an toàn thực phẩm tại nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, gây phản ứng dư luận xã hội. Thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất, ô nhiễm môi trường... vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp tại các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao; sản xuất nông nghiệp và hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tại bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, bão lũ. Hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai một số nơi chưa đủ năng lực chống chịu trước cấp độ, tần suất, diễn biến dị thường của thiên tai để bảo vệ an toàn cho sản xuất và tính mạng của người dân...

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG TRONG KỶ NGUYÊN MỚI

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa) và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.

Để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng cho nông nghiệp Việt Nam. Tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp tại các nghị quyết trung ương, Luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành theo định hướng chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; 8 chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, xuất khẩu gạo); Kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị.

Hai là, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và xuất khẩu. Về tổng thể, cần thực hiện hiệu quả các Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sang các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU); Đề án thiết lập mạng lưới đại diện nông nghiệp Việt Nam tại nước ngoài... Đối với thị trường xuất khẩu, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đối với thị trường trong nước, cần đẩy mạnh Chương trình “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước, triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng dư thừa, giảm giá gây thiệt hại cho người sản xuất; dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ. Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số; phối hợp tổ chức kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, các sàn thương mại điện tử. Phối hợp đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương và các sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng. Nâng cao hiệu quả truyền thông quảng bá giới thiệu sản phẩm.

Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ các hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, kết nối thị trường. Đổi mới, nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong tham gia xây dựng chính sách, điều hành thị trường, cung cấp thông tin, kết nối thị trường, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội ngành hàng, liên hiệp hợp tác xã. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm. Phát triển các vùng sản xuất tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển thương hiệu nông sản vùng, miền, địa phương phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Bốn là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp. Thực hiện tốt Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức và hoạt động khuyến nông, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với từng loại hình sản xuất và địa phương; tăng cường phối hợp khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông cộng đồng để chuyển giao, nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Phát triển khuyến nông cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền cung cấp kịp thời các thông tin sản xuất, thị trường, chủ trương, chính sách tri thức hóa người nông dân.

Năm là, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách; phối hợp sửa đổi chính sách đầu tư, bảo hiểm, tín dụng, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích lâu dài giữa doanh nghiệp, người nông dân, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hội, hiệp hội ngành hàng tham gia xây dựng cơ chế chính sách và tháo gỡ khó khăn trong phát triển các chuỗi liên kết ngành hàng nông sản, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2024). Báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.

2. Nguyễn Duy Hưng (2024). Những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/nhung-thanh-tuu-trong-phat-trien-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-qua-gan-40-nam-thuc-hien-cong-cuoc-doi-moi.

3. Thủ tướng Chính phủ (2022). Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày nhận bài: 14/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025