Những câu hỏi quan trọng với châu Âu sau thượng đỉnh NATO

() - Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào cuối tháng 6 tại Hà Lan đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược an ninh của liên minh quân sự lớn nhất thế giới.
Những câu hỏi quan trọng với châu Âu sau thượng đỉnh NATO - 1

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự thượng đỉnh NATO ở Hà Lan hồi tháng 6 (Ảnh: Reuters).

Với cam kết nâng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% vào 2035, NATO không chỉ tái khẳng định vai trò của mình trong bối cảnh địa chính trị đầy biến động mà còn đặt ra những thách thức và câu hỏi lớn cho các quốc gia thành viên châu Âu.

Trong khi mục tiêu này phản ánh sự đồng thuận về việc đối phó với các mối đe dọa, nó cũng làm nổi bật những mâu thuẫn nội tại, đặc biệt là sự phụ thuộc vào Mỹ và nhu cầu cấp thiết về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu.

Cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP: Khả thi đến đâu?

Hội nghị thượng đỉnh NATO 2025 đã thông qua một quyết định mang tính lịch sử: nâng mức chi tiêu quốc phòng từ 2%, được đặt ra từ năm 2014, lên 5% vào năm 2035.

Theo tuyên bố chung, khoản chi này được chia thành hai phần: 3,5% dành cho quốc phòng cốt lõi (vũ khí, lực lượng, huấn luyện) và 1,5% cho các lĩnh vực như an ninh mạng, bảo vệ hạ tầng thiết yếu, và đổi mới công nghệ.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte gọi đây là “bước nhảy vọt đầy tham vọng, mang tính lịch sử” nhằm tăng cường năng lực răn đe trước các mối đe dọa từ Nga và chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, mục tiêu này đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi và hiệu quả thực tế.

Thủ tướng Anh Keir Starmer là một trong những nhà lãnh đạo nhiệt tình nhất ủng hộ mục tiêu này, nhấn mạnh chính phủ của ông sẽ ưu tiên chi tiêu quốc phòng để đáp ứng các yêu cầu của NATO. Trong khi các cường quốc châu Âu khác như Đức, Pháp, Ba Lan cũng bày tỏ sự đồng thuận, dù với những sắc thái khác nhau.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha là một ngoại lệ đáng chú ý. Thủ tướng Pedro Sanchez tuyên bố nước này chỉ có thể cam kết mức chi tiêu 2,1%, cảnh báo việc “lao vào mức 5%” sẽ gây áp lực lên các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, phát triển số. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles thậm chí còn thẳng thắn cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu hiện không đủ năng lực để hấp thụ mức chi tiêu như vậy, do thiếu lao động tay nghề cao và nguồn nguyên liệu.

Chuyên gia Rachel Rizzo từ Hội đồng Đại Tây Dương nhận định mục tiêu 5%, dù tham vọng, không có tính ràng buộc pháp lý, có thể tạo “khoảng trống” cho các quốc gia như Tây Ban Nha trì hoãn thực hiện. “Mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO thường mang tính biểu tượng hơn là thực tế. Vấn đề không chỉ là con số, mà là cách các quốc gia sử dụng ngân sách này để đạt được năng lực quân sự thực sự”, bà Rizzo nhấn mạnh.

Thực tế, theo báo cáo của NATO, tổng chi tiêu quốc phòng của các thành viên năm 2024 chỉ đạt 2,6% GDP - tương đương 1.300 tỷ USD, với Ba Lan dẫn đầu (4,12% GDP) và Tây Ban Nha đứng cuối bảng (1,28% GDP). Điều này cho thấy khoảng cách lớn giữa cam kết và thực tế.

Một vấn đề khác là xu hướng sử dụng “kế toán sáng tạo” để đáp ứng mục tiêu. Ý đã đề xuất tính chi phí 13,5 tỷ euro cho cây cầu mới giữa Sicily và đất liền vào ngân sách quốc phòng, dù mối liên hệ với quốc phòng còn mơ hồ. Các chuyên gia lo ngại việc pha loãng ngân sách quốc phòng bằng các khoản chi không trực tiếp có thể làm suy yếu mục tiêu chiến lược của NATO. Theo chuyên gia Tigran Meloyan từ Trung tâm Nghiên cứu Địa Trung Hải, “châu Âu cần tập trung vào kết quả cụ thể như số lượng xe tăng, hệ thống phòng không, đạn pháo thay vì chỉ chạy theo con số phần trăm GDP”.

Năng lực quốc phòng: Liệu châu Âu có thể độc lập hơn?

Một trong những câu hỏi lớn nhất sau Hội nghị là liệu châu Âu có thể giảm sự phụ thuộc vào Mỹ để đạt được quyền tự chủ chiến lược, theo TASS. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây áp lực buộc các đồng minh NATO tăng chi tiêu và mua vũ khí Mỹ, các quốc gia châu Âu đang đối mặt với nghịch lý: vừa muốn khẳng định vai trò độc lập, vừa bị cuốn vào vòng xoáy nhập khẩu vũ khí từ Mỹ. Theo thống kê, xuất khẩu vũ khí từ Mỹ sang châu Âu đã tăng 233% giai đoạn 2020-2024, với chương trình F-35 đóng vai trò trung tâm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng gọi NATO là “đang chết não” năm 2019, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu mạnh mẽ. Tại Hội nghị, ông cảnh báo việc áp đặt thuế quan thương mại giữa các đồng minh là “vô nghĩa” khi NATO đang kêu gọi đoàn kết.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy châu Âu vẫn phụ thuộc nặng nề vào Mỹ trong các lĩnh vực then chốt như phòng thủ tên lửa đạn đạo, tiếp nhiên liệu trên không, hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, thông tin, giám sát, và trinh sát). Chuyên gia quốc phòng châu Âu Pierre Haroche nhận định: “Châu Âu có tiềm năng kỹ thuật để tự chủ nhưng thiếu sự phối hợp chính trị và đầu tư dài hạn. Nếu không thay đổi cách tiếp cận, chúng ta sẽ mãi là khách hàng của Mỹ”.

Hội nghị thượng đỉnh cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường sản xuất vũ khí nội khối. Theo kế hoạch, NATO đặt mục tiêu tăng gấp 5 lần năng lực phòng không, bổ sung hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép, hàng triệu viên đạn pháo. Tuy nhiên, năng lực sản xuất hiện tại của châu Âu lại là điểm yếu. Ví dụ, một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu Rheinmetall đặt mục tiêu sản xuất 1,1 triệu quả đạn pháo/năm vào 2027, nhưng con số này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt khi phần lớn đạn pháo đã được chuyển cho Ukraine.

Hệ thống phòng thủ tên lửa SAMP/T, được xem là đối thủ của Patriot, cũng được Pháp đẩy mạnh sản xuất, với mục tiêu giảm thời gian sản xuất từ 40 tháng xuống 18 tháng vào năm 2026. Tuy nhiên, theo chuyên gia người Đức Ulrike Franke, “Châu Âu cần cuộc cách mạng công nghiệp quốc phòng thực sự, không chỉ là những cam kết”.

An ninh mạng và hạ tầng: Không được chú trọng?

Mục tiêu chi tiêu 1,5% cho các lĩnh vực như an ninh mạng, bảo vệ hạ tầng thiết yếu và đổi mới công nghệ là bước tiến đáng chú ý nhưng cũng đặt ra câu hỏi về cách triển khai. Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng từ Nga và các tác nhân phi nhà nước ngày càng tăng, an ninh mạng trở thành ưu tiên chiến lược của NATO. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực này thường bị lu mờ bởi các khoản chi cho quốc phòng.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, chi phí quân sự toàn cầu năm 2023 đạt 2.430 tỷ USD nhưng chỉ một phần nhỏ dành cho an ninh mạng, mặc dù đây là lĩnh vực có thể mang lại lợi thế chiến lược lớn.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã giới thiệu kế hoạch “Chuẩn bị tới năm 2030” với ngân sách 800 tỷ euro cho quốc phòng, trong đó nhấn mạnh vai trò của an ninh mạng và hạ tầng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng châu Âu vẫn thiếu một chiến lược thống nhất để bảo vệ các hệ thống hạ tầng thiết yếu như mạng lưới năng lượng và giao thông, trước các cuộc tấn công lai.

“Nếu châu Âu không đầu tư nghiêm túc vào an ninh mạng, chúng ta sẽ dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công làm tê liệt hạ tầng mà không cần đến một phát súng”, chuyên gia an ninh mạng Estonia Merle Maigre cảnh báo.

Những câu hỏi quan trọng với châu Âu sau thượng đỉnh NATO - 2

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thư ký NATO Mark Rutt tại thượng đỉnh NATO (Ảnh: Reuters).

Sản xuất đạn pháo và hệ thống AWACS: Lỗ hổng chiến lược?

Sản xuất đạn pháo và hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS) là hai lĩnh vực mà châu Âu cần cải thiện để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Những năm gần đây, cuộc xung đột quân sự ở Ukraine đã làm cạn kiệt kho đạn pháo của NATO, khiến liên minh phải đối mặt với bài toán “cuộc chiến sản xuất”.

Theo Tổng Thư ký NATO Mark Rutte, Nga đang tái vũ trang nhanh chóng, tạo ra áp lực lớn cho NATO. Trong khi đó, năng lực sản xuất đạn pháo của châu Âu vẫn còn hạn chế. Tập đoàn Rheinmetall, dù là một trong những nhà sản xuất hàng đầu, chỉ có thể cung cấp một phần nhỏ nhu cầu của NATO và Ukraine.

Hệ thống AWACS, một thành phần quan trọng trong năng lực chỉ huy và kiểm soát của NATO, cũng là một điểm yếu. Hiện tại, phần lớn các máy bay kiểm soát trên không cảnh báo sớm AWACS của NATO do Mỹ cung cấp, trong khi châu Âu phụ thuộc vào kinh nghiệm của Saab và các công ty khác để phát triển hệ thống radar chống pháo, giám sát trên không.

Theo chuyên gia quốc phòng Thụy Điển Anna Wieslander, châu Âu cần đầu tư mạnh hơn vào AWACS và các hệ thống giám sát độc lập để đảm bảo khả năng phản ứng nhanh trong các kịch bản xung đột.

Vai trò giảm nhẹ của Ukraine

Một trong những điểm đáng chú ý của Hội nghị thượng đỉnh NATO 2025 là sự giảm trọng tâm đối với vấn đề Ukraine. Lần đầu tiên, vấn đề tư cách thành viên tiềm năng của Kiev không được đưa vào thảo luận chính thức; Hội đồng NATO - Ukraine cũng không được tổ chức như thông lệ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ được mời tham dự bữa tối trước Hội nghị và gặp riêng Tổng thống Donald Trump sau đó.

Dù NATO cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine, với việc viện trợ trực tiếp được tính vào chi tiêu quốc phòng của các thành viên, sự thay đổi trong giọng điệu của ông Trump - từ chỉ trích gay gắt sang thừa nhận Ukraine “chiến đấu dũng cảm”, không che giấu được thực tế rằng Mỹ đang giảm sự quan tâm đến xung đột này.

Trong khi đó, châu Âu vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Ukraine, với lo ngại rằng một cuộc xung đột trực tiếp với Nga có thể xảy ra nếu Điện Kremlin tiếp tục theo đuổi tham vọng lãnh thổ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu dường như tập trung vào việc thuyết phục ông Trump hơn là sử dụng “đòn bẩy” để đảm bảo hỗ trợ cho Ukraine.

Chuyên gia Tigran Meloyan nhận định: “Châu Âu đang ở thế khó. Họ muốn giữ Mỹ trong liên minh nhưng lại không muốn đối đầu trực tiếp với Nga. Việc thiếu một chiến lược rõ ràng về vấn đề Ukraine có thể làm suy yếu sự đoàn kết của NATO.”

Tự chủ chiến lược: Châu Âu quá lạc quan?

Dù đối mặt với nhiều thách thức, châu Âu vẫn có những tín hiệu lạc quan về quyền “tự chủ chiến lược”. Đạo luật Không gian EU, gắn liền với chiến lược quốc phòng và không gian năm 2022, là bước tiến trong việc giảm phụ thuộc vào Mỹ về tình báo và giám sát không gian.

Phần Lan và Thụy Điển đang đi đầu trong việc phát triển năng lực vệ tinh SAR và hợp tác không gian với Ukraine. Ngoài ra, các công ty như Airbus và Saab đang cho thấy tiềm năng kỹ thuật của châu Âu trong việc xây dựng một hệ thống quân sự độc lập.

Tuy nhiên, để đạt được quyền tự chủ thực sự, châu Âu cần vượt qua những rào cản chính trị và kinh tế. Các cuộc thăm dò của Viện Các vấn đề Toàn cầu cho thấy hơn 50% người châu Âu không tin tưởng vào sự hỗ trợ an ninh của Mỹ, trong khi gần 50% người Mỹ muốn chính phủ tập trung vào các vấn đề trong nước.

Sự bất mãn đó, kết hợp với cách tiếp cận không ổn định của Tổng thống Trump, đang buộc châu Âu đối mặt với câu hỏi then chốt: Liệu họ có thực sự muốn duy trì mối quan hệ quân sự chặt chẽ với một nước Mỹ ngày càng phân cực và bị phân tâm bởi các vấn đề toàn cầu?