Nga hợp tác với Iran: Nước đi bất ngờ khiến Ukraine chật vật ứng phó

() - Từng coi nhẹ vai trò của máy bay không người lái trong chiến đấu nhưng Nga cuối cùng được cho là cũng phải nhập UAV Shahed-136 từ Iran và phát triển thành họ gia đình Geran để tấn công Ukraine.

Nga bất ngờ hợp tác với Iran, nhận vũ khí khiến Ukraine gặp khó

Vũ khí gì đã giúp nâng cao khả năng tấn công tầm xa của quân đội Nga trong hơn 3 năm xung đột với Ukraine? Câu trả lời không phải những loại tên lửa hành trình, đạn đạo, hay chống hạm được truyền thông Nga và thế giới đánh giá cao, mà chính là UAV cảm tử Shahed-136 có xuất xứ Iran.

Nga được cho là đã phải nhập khẩu loại UAV của Iran và sau đó nhanh chóng nội địa hóa, với tên gọi Geran (Hoa phong lữ).

Việc đưa vào sử dụng UAV Shahed-136 của Nga, có thể đánh giá là bước “chuyển biến lớn” về nhận thức của lãnh đạo quân đội Nga trong sử dụng UAV và chính UAV Shahed-136 mới là vũ khí giúp Nga thực hiện các đòn tấn công tầm xa với số lượng áp đảo vào sâu trong lãnh thổ Ukraine, thay cho tên lửa hành trình đắt đỏ.

UAV Geran của Nga vượt qua lưới lửa phòng không Ukraine, bổ nhào trúng mục tiêu đã định ở Novofedorivka (Video: Telegram).

Như vậy chỉ trong 3 năm, những chiếc Shahed-136 của Iran được “Nga hóa” này, đã trải qua một quá trình “tiến hóa” nhanh chóng. Vừa mới xuất hiện, UAV cảm tử giá rẻ của Iran đã gây được tiếng vang thực sự vào mùa thu năm 2022, khi thực hiện các cuộc không kích lớn vào các mục tiêu nằm sâu trong hậu phương của ngành năng lượng Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine cũng ngay lập tức tìm cách khắc chế loại vũ khí được coi là “tên lửa hành trình giá rẻ” này. Họ nhanh chóng xác định các tuyến đường bay chính tiếp cận mục tiêu của Geran, từ đó tổ chức các đơn vị phòng không cơ động, tiêu diệt các UAV vốn di chuyển chậm và ở độ cao thấp, bằng súng - pháo phòng không các cỡ.

Nhưng không chịu bó tay, Nga đã ứng phó với thách thức này bằng cách trang bị cho UAV Geran động cơ phản lực tua-bin nhỏ và sử dụng vật liệu composite màu đen trong sản xuất thân vỏ, giúp giảm tín hiệu radar và khả năng quan sát bằng mắt của Ukraine.

Các chiến thuật mới để sử dụng UAV cũng được quân đội Nga hoàn thiện và phát triển khi cho Geran-2 bay hành trình ở độ cao lớn, khiến việc bắn hạ loại UAV này bằng súng - pháo phòng không từ mặt đất trở nên khó khăn.

Cùng với đó, do tốc độ đã được tăng lên, vì vậy UAV Geran có thể thực hiện đòn tấn công bổ nhào với tốc độ lớn từ trên cao, giúp quân đội Nga triển khai nhiều ý định chiến thuật.

Cùng với đó, trọng lượng của đầu đạn của UAV Geran cũng tăng từ 50 lên 90kg. Có thông tin cho biết, loại UAV Geran-2 không chỉ mang đầu đạn nổ phá, mà còn mang cả đầu đạn nhiệt áp, làm tăng khả năng phá hủy mục tiêu; nhất là tấn công các kho hậu cần, xăng dầu của đối phương nằm ở phía sau.

Đánh giá chung, UAV Geran giúp mở rộng đáng kể khả năng tấn công chính xác tầm xa của quân đội Nga, khiến các cuộc tấn công như vậy trở nên rẻ hơn, quy mô lớn hơn và thường xuyên hơn.

Có thông tin Nga đang phát triển UAV Geran thế hệ mới, có thể mang đầu đạn từ 300kg tới 1 tấn, có sức công phá gần bằng bom hàng không hoặc tên lửa đạn đạo hay hành trình.

Nga hợp tác với Iran: Nước đi bất ngờ khiến Ukraine chật vật ứng phó - 1

UAV Nga dồn dập tấn công Ukraine (Ảnh minh họa: Getty).

Những hạn chế kỹ thuật UAV mà Nga chưa thể khắc phục

Điểm yếu của tất cả các loại UAV Nga, dù sử dụng trên mặt đất, trên không, trên biển, dù là UAV tự sát hay trinh sát, đều thiếu một hệ thống tương tự như mạng Internet vệ tinh băng thông rộng Starlink của Mỹ mà Ukraine sử dụng để điều khiển tàu không người lái tự sát (BEK) trên Biển Đen và UAV 4 trục hạng nặng Baba Yaga trên bộ.

Nga cũng đang thử nghiệm hệ thống Starlink của riêng họ nhưng chưa thể vượt qua yếu tố kỹ thuật. Nếu Nga sử dụng Starlink rất dễ dẫn đến vũ khí sẽ bị Mỹ vô hiệu hóa, chỉ bằng một cú “nhấp chuột”.

Việc thiếu kênh vệ tinh băng thông rộng đã hạn chế đáng kể khả năng điều khiển mọi loại UAV của Nga, buộc họ phải sử dụng phương pháp liên lạc vô tuyến và hệ thống lặp tín hiệu, điều này hạn chế phạm vi sử dụng của chúng.

Do đó, UAV Geran-2 của Nga ban đầu chỉ bay theo lộ trình với các tọa độ đã nhập trước, điều này khiến Ukraine dễ dàng đánh chặn hơn và cũng mở ra cơ hội cho tác chiến điện tử, làm giảm độ chính xác của các đợt tấn công.

Lúc đầu, các kỹ sư Nga đã cố gắng thoát khỏi tình huống này, bằng cách sử dụng mạng di động của đối phương, lắp đặt modem 4G với thẻ SIM từ công ty viễn thông Ukraine Kyivstar trên UAV Geran-2. Giải pháp này là độc đáo và mang lại một số kết quả nhất định, nhưng sự phụ thuộc quá lớn vào cơ sở hạ tầng của đối phương và như thế không thể được coi là giải pháp chấp nhận được.

Giai đoạn tiếp theo trong quá trình phát triển kỹ thuật của Geran, các kỹ sư Nga đã trang bị cho chúng không chỉ camera, mà còn hệ thống điều khiển vô tuyến trực tiếp và mô-đun thị giác máy, dựa trên máy tính nhúng NVIDIA Jetson Orin của Mỹ.

Những cải tiến này, cho phép Nga điều khiển trực tiếp UAV Geran ở cách tiến tuyến tới 150km, cũng như tự động nhận dạng mục tiêu khi đang bay và tấn công chúng. Nói cách khác, Phiên bản Geran-3 với động cơ phản lực và đầu đạn nặng 90kg đã thực sự trở thành một thiết bị tương tự về chức năng giống như UAV FPV, cho phép nó tiêu diệt cơ sở hạ tầng phía sau của đối phương.

Tuy nhiên, điều này mới chỉ tạm thời làm hài lòng chỉ huy của quân đội Nga, và cũng cần lưu ý rằng, giải pháp kỹ thuật kể trên hoàn toàn dựa trên cơ sở công nghệ nước ngoài. Nghĩa là, miễn là có cơ hội mua máy tính nhúng NVIDIA Jetson Orin, UAV cảm tử của Nga sẽ cực kỳ hiệu quả.

Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu những kênh cung cấp các thành phần như vậy bị chặn vì bất kỳ lý do gì, thì Nga sẽ giải quyết ra sao? Đây là "gót chân Achilles" của họ, khi hiệu quả của các loại vũ khí dù hiện đại, cũng phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nhập khẩu và cơ sở hạ tầng viễn thông của đối phương, đặt ra những vấn đề mà Nga cần phải giải quyết nhanh và bền vững.

UAV Geran của Nga tấn công trung tâm tuyển quân Ukraine ở Poltava (Video: Telegram).

Chiến thuật sử dụng UAV Geran của Nga ở Ukraine

Phía Nga đang tấn công hậu phương của Ukraine một cách hiệu quả bằng chiến thuật mới, trong đó UAV Geran được sử dụng với số lượng lớn, tấn công vào một số mục tiêu cụ thể, dọn đường cho các cuộc không kích và vũ khí có độ chính xác cao.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin cho biết, cường độ các cuộc tấn công bằng UAV Geran-2 vào các nhà máy quốc phòng của Ukraine đã tăng lên. Trong vài tháng nữa, số lượng xuất xưởng sẽ đạt 700-900 chiếc/ngày, cho phép quân đội Nga có thể sử dụng vũ khí này để phá hủy các hệ thống phòng không Ukraine ở mọi hướng.

Với chiến thuật sử dụng UAV Geran-2 bay cao, ưu điểm là tránh được hỏa lực phòng không bằng súng - pháo của Ukraine, nhưng nhược điểm dễ bị radar phát hiện.

Tuy nhiên, muốn tiêu diệt những UAV bay với độ cao lớn như vậy, Ukraine buộc phải sử dụng tên lửa phòng không đắt tiền để bắn hạ chúng nếu không hậu quả khó có thể lường hết được và như thế họ lại "sập bẫy". Nga dường như đã thành công khi dùng "một mũi tên hạ 2 con chim", vừa phá hủy được mục tiêu mặt đất, vừa bào mòn kho tên lửa phòng không vốn rất hạn chế và đắt đỏ của Ukraine.

Tóm lại, UAV Geran thực sự  trở thành vũ khí “bất đối xứng” rất hiệu quả của Nga.