
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS mang tên lửa hành trình của Không quân Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).
Từ hình ảnh đáng sợ...
Đoạn phim ghi lại cuộc không kích gần đây của Nga vào thành phố Chernivtsi ở Ukraine cung cấp cho chúng ta cái nhìn rõ ràng nhất từ trước đến nay về một tên lửa hành trình Kh-101 được trang bị đầu đạn chùm đang được sử dụng.
Mặc dù lực lượng Nga đã một số loại đạn chùm trong cuộc xung đột, nhưng điều đáng chú ý là tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 tương đối tiên tiến cũng đang được sử dụng với mục đích này. Cần lưu ý rằng đạn chùm, trên nhiều loại vũ khí khác nhau, từ lâu cũng đã được Ukraine sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột.
Đoạn video được cho là ghi lại một phần cuộc tấn công của Nga vào Chernivtsi, thuộc khu vực cùng tên, Tây Nam Ukraine, vào đêm 11 rạng sáng 12/7, dường như được quay từ cửa sổ của một tòa nhà chung cư, cho thấy một tên lửa lao xuống đất theo một góc nghiêng, ngay sau đó là một loạt vụ nổ giống như đầu đạn chùm.
Một đám khói đen lớn bốc lên từ khu vực này. Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Ukraine tuyên bố cuộc tấn công của Nga đã gây hư hại cho mục tiêu dưới mặt đất.
Tên lửa Kh-101 của Nga mang đầu đạn chùm đánh trúng mục tiêu Ukraine ở Chernivtsi gây cháy nổ dữ dội (Video: Telegram).
Theo định nghĩa cơ bản nhất, bom chùm là bom, tên lửa, rocket không điều khiển, đạn pháo và các loại đạn khác, khi được bắn ra, sẽ mở ra giữa không trung và giải phóng hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm vũ khí nhỏ hơn.
Đạn con, hay bom bi, được rải rác trên một khu vực rộng lớn, mật độ của chúng có thể được lập trình vào vũ khí. Sự phân tán này làm tăng diện tích phá hủy vật lý mà một quả bom chùm có thể gây ra so với một đầu đạn đơn, với sự đánh đổi về uy lực phá hủy tại bất kỳ điểm nào.
Bên cạnh bản chất gây thiệt hại ngay lập tức thì một lượng lớn đạn con không phát nổ ngay khi va chạm ban đầu, sau đó, chúng có thể gây nguy hiểm cho các nỗ lực cứu hộ và nếu không được bảo vệ an toàn, chúng có thể vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn đối với dân thường trong nhiều năm.
... tới việc hé lộ loại vũ khí mới của Nga
Mặc dù chúng ta không biết chắc chắn loại vũ khí nào đã được Nga sử dụng, nhưng nhiều khả năng đó là phiên bản Kh-101 mang đầu đạn chùm.
Xét đến khoảng cách từ Chernivtsi đến Nga - chỉ cách biên giới Romania, một thành viên NATO, khoảng 32km - tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 là ứng cử viên hợp lý duy nhất.
Ngoài ra, hiện chưa có tên lửa hành trình nào của Nga ngoài Kh-101 được trang bị đầu đạn chùm, mặc dù đây không phải là một khái niệm mới, bởi trước đó, các tên lửa hành trình như Tomahawk do Mỹ sản xuất cũng đã có tùy chọn này.
Tầm bắn tối đa của Kh-101 có thể lên tới tối đa 3.500km, chúng được đưa vào sản xuất hàng loạt vào năm 2010-2011 và sau đó được thử lửa trong chiến dịch quân sự của Nga tại Syria, được phóng từ cả máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95MS.
Những báo cáo đầu tiên về phiên bản đầu đạn chùm của tên lửa hành trình Kh-101 - được NATO gọi là AS-23A Kodiak - đã bắt đầu xuất hiện vào mùa hè năm ngoái. Thậm chí trước đó, tên lửa Kh-101 tương đối hiện đại đã được xác định là tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) quan trọng nhất của Nga trong cuộc chiến.
Bằng chứng đầu tiên về việc sử dụng phiên bản mang đầu đạn chùm của tên lửa Kh-101 dường như xuất hiện từ đêm 7/6/2024, khi hình ảnh xuất hiện cho thấy khối thuốc nổ hình cầu được cho là tạo thành đầu đạn chùm cùng với xác tên lửa.
Sự tồn tại của đầu đạn chùm Kh-101 cũng được các nhà phân tích quân sự Nga xác nhận, họ nhấn mạnh giá trị của loại vũ khí này, đặc biệt là để tấn công các căn cứ không quân và trận địa tên lửa phòng không Ukraine.
Theo kênh Milinfolive: “Việc thiếu đầu đạn chùm trong các tên lửa hành trình tầm xa của Nga, chẳng hạn như Kh-101 hoặc Kalibr, đã làm giảm đáng kể hiệu quả của các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ không quân của đối phương trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, khi không quân Ukraine ở vị trí dễ bị tổn thương nhất, và hệ thống phòng không của Ukraine không thể bắn hạ dù chỉ một phần nhỏ số tên lửa”.
Chắc chắn, đầu đạn chùm đặt những loại mục tiêu này vào tình thế đe dọa đáng kể, nhưng chúng cũng hữu ích để tấn công các mục tiêu mềm khác nằm rải rác trên một khu vực, chẳng hạn như hệ thống phòng không, kho chứa xe cộ, kho đạn dược,...
Đây chính xác là những mục tiêu mà Ukraine nhắm đến khi họ nhận được tên lửa đạn đạo tầm ngắn ATACMS được trang bị đầu đạn chùm và sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, Kh-101 là vũ khí quý giá và không hề dư thừa sau nhiều năm chiến tranh ở Ukraine, vì vậy việc sử dụng chúng một cách có chọn lọc rõ ràng là ưu tiên hàng đầu của Không quân Nga. Nói cách khác, các mục tiêu không được lựa chọn một cách tùy tiện.
Về phương tiện mang phóng, Tu-160 có thể mang tới 12 tên lửa Kh-101 trên các bệ phóng ổ xoay trong khoang chứa bom. Máy bay Tu-95MS sử dụng động cơ tua-bin cánh quạt có thể mang tới 8 tên lửa Kh-101 trên các giá treo bên ngoài, do tên lửa quá lớn so với khoang chứa vũ khí trong thân.
Các phiên bản cải tiến khác nhau của Kh-101 cũng đã xuất hiện trước đây trong cuộc chiến ở Ukraine, dường như đã được điều chỉnh để đáp ứng những yêu cầu thay đổi của cuộc xung đột.
Ít nhất là từ tháng 1/2023, Kh-101 đã được ghi nhận sử dụng khả năng mồi bẫy ở Ukraine, mặc dù chức năng tự vệ nào đó được cho là luôn hiện diện trong những tên lửa này. Khả năng phóng ra các mồi bẫy nhiệt đối phó hồng ngoại của tên lửa trong khi bay - thường là trong giai đoạn cuối của đường bay tiếp cận mục tiêu - đã được ghi nhận nhiều lần trong các video.
Cũng có báo cáo về việc Nga triển khai một biến thể Kh-101 thứ hai được trang bị biện pháp đối phó. Theo những nguồn tin này, các biện pháp đối phó được sửa đổi nhằm mục đích "gây nhiễu" tên lửa phòng không đối phương.
Ngoài ra còn có một cấu hình đầu đạn khác dường như được thiết kế riêng cho cuộc chiến ở Ukraine.
Có vẻ như là một giải pháp tạm thời, điều này liên quan đến việc lắp một đầu đạn thứ hai - được cho là chứa các mảnh thép để tăng hiệu quả phá hủy tổng thể - với chi phí nhiên liệu và do đó là tầm bắn.
Đầu đạn phân mảnh sẽ giúp vũ khí hiệu quả hơn khi chống lại sinh lực và các mục tiêu mềm, cũng như tăng bán kính sát thương và sóng xung kích khi nổ. Nó cũng có thể hữu ích nếu độ chính xác bị hạn chế hơn.
Những tuyên bố đầu tiên về việc sử dụng phiên bản đầu đạn kép của Kh-101 xuất hiện vào cuối tháng 3/2023 trong giới quan sát quân sự Ukraine. Có thông tin cho rằng một trong những tên lửa đã bị bắn hạ, để lộ 2 đầu đạn, với tổng trọng lượng khoảng 1.760 pound (khoảng 800kg) so với khoảng 1.000 pound (454kg) của đầu đạn đơn trong phiên bản Kh-101 tiêu chuẩn.
Đáng chú ý, bài viết trên kênh Milinfolive cho rằng, trong phiên bản đạn chùm, có khả năng cấu hình đầu nổ kép cũng được sử dụng, với một đầu đạn là loại phân mảnh, và đầu đạn còn lại là đầu đạn chùm mới.
Một lần nữa, ngay cả khi tấn công mục tiêu ở vùng cực Tây Ukraine, bất kỳ sự giảm tầm bắn nào do đầu đạn được cải tiến, nặng hơn, dẫn đến giảm dung tích nhiên liệu, đều chỉ là lý thuyết.
Việc hy sinh nhiên liệu (và do đó là tầm bắn) không phải là mối lo ngại đối với Nga miễn là họ sử dụng Kh-101 để tấn công các mục tiêu ở trong lãnh thổ Ukraine. Xét cho cùng, Kh-101 cơ bản có thể tấn công các mục tiêu ở hầu hết mọi nơi tại châu Âu khi được phóng trong không phận Nga.
Về Kh-101, Nga đang làm mọi cách có thể để tăng sản lượng loại vũ khí này, điều này mang lại cho Không quân Nga phương tiện duy nhất để tấn công sâu vào Ukraine bằng đầu đạn hạng nặng.