
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper trong cuộc trao đổi với báo chí nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (Ảnh: Thành Đạt).
Ngày 8/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper đã có cuộc trao đổi với một số phóng viên nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (1995-2025).
Tại cuộc trao đổi, Đại sứ Knapper đã nêu bật những thành tựu quan trọng trong quan hệ song phương Việt - Mỹ suốt 30 năm qua, cũng như những kỳ vọng vào tương lai của hai nước.
Các trụ cột hợp tác
Đại sứ Knapper nhấn mạnh nhiều trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt - Mỹ suốt 30 năm qua.
Về hợp tác kinh tế, Đại sứ Knapper khẳng định đây là một trụ cột quan trọng.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ đầu tư đáng kể vào Việt Nam và ngày càng nhiều nhà đầu tư Việt Nam tìm đến thị trường Mỹ.
Tháng 5 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA đã đón hơn 100 nhà đầu tư Việt Nam tới tìm hiểu cơ hội kinh doanh tại Mỹ. Đây là đoàn doanh nghiệp Việt Nam lớn nhất từ trước đến nay đến Mỹ tham dự sự kiện.
Theo Đại sứ Knapper, điều này cho thấy Việt Nam coi trọng việc đầu tư vào Mỹ. Đây cũng là minh chứng cho thấy mối quan hệ kinh tế sâu sắc và bền chặt giữa hai nước.
Về hợp tác giáo dục, đây cũng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Việt Nam là nước có du học sinh theo học tại Mỹ cao thứ 6 trên thế giới, ước tính khoảng 30.000 du học sinh, và con số này sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, nếu tính cả các chương trình học tập ngắn hạn như trại hè, số lượng du học sinh Việt Nam trong hệ thống giáo dục Mỹ có thể lên tới khoảng 300.000 người. Đại sứ Knapper cho rằng đây là con số rất ấn tượng.
Vào tháng 4, đại diện của 21 trường đại học Mỹ đã đến Việt Nam và các trường này đang tích cực thảo luận với các tổ chức giáo dục đại học của Việt Nam để đưa thêm nhiều nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, sinh viên Việt Nam đến Mỹ, đồng thời thêm nhiều sinh viên, học giả Mỹ đến Việt Nam.
Về hợp tác y tế, đây cũng là một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Theo Đại sứ Knapper, trụ cột hợp tác này bắt đầu từ các dự án hợp tác chung về phòng chống HIV/AIDS thông qua Kế hoạch Cứu trợ AIDS khẩn cấp của Tổng thống Mỹ (PEPFAR) từ năm 2005, cùng với đó là hợp tác về phòng chống bệnh lao, Covid-19…
Đại sứ Knapper nhắc lại rằng, Việt Nam đã cung cấp thiết bị bảo hộ cho Mỹ vào thời điểm Mỹ cần nhất khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khi đó, Mỹ cũng giúp đỡ Việt Nam bằng việc cung cấp 44 triệu liều vaccine Pfizer. Theo Đại sứ, đây là một con số đáng kể. Sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, hai nước vẫn tăng cường hợp tác y tế.
Về hợp tác quốc phòng, Đại sứ Knapper cũng cho rằng đây là một trụ cột trong quan hệ song phương Việt - Mỹ.
Về hợp tác công nghệ cao, Đại sứ Knapper cho biết Mỹ muốn trở thành đối tác của Việt Nam trong lĩnh vực này. Mối quan hệ hợp tác về công nghệ cao có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như các doanh nghiệp Mỹ có thể đầu tư vào Việt Nam, hợp tác nghiên cứu hoặc hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ…
Đại sứ Knapper khẳng định các công ty công nghệ lớn của Mỹ đều quan tâm đến thị trường Việt Nam như Intel, Nvidia và Marvell. Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định điều này rất quan trọng khi Việt Nam phát triển hệ sinh thái công nghệ cao của riêng mình.
Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam về phát triển công nghệ cao

CEO Apple Tim Cook gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 4/2024 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Trả lời câu hỏi của phóng viên về hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn, Đại sứ Knapper nhắc lại rằng Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023 là một “thành tựu lịch sử”, trong đó hai bên nhấn mạnh hợp tác công nghệ cao, đặc biệt là bán dẫn.
“Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực và sẵn sàng để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất công nghệ cao. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn mang lại lợi ích cho Mỹ. Tôi cho rằng hai nước càng hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ cao, người dân và nền kinh tế của hai nước càng được hưởng lợi nhiều hơn”, nhà ngoại giao Mỹ khẳng định.
Đại sứ Knapper cho biết hai bên đang hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các trường đại học Mỹ như Đại học bang Arizona phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam để phát triển các chương trình đào tạo về công nghệ cao. Về cơ bản, chương trình giảng dạy cho phép các trường đại học Việt Nam có thể đào tạo về chất bán dẫn và các ngành kỹ thuật công nghệ cao tương tự như ở Mỹ.
Đại sứ Knapper nói rằng các trường đại học Mỹ cũng rất mong muốn hợp tác với Việt Nam về đào tạo công nghệ cao. Các công ty Mỹ cũng đang tích cực hỗ trợ việc đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam vì họ cần những lao động có kỹ năng làm việc trong các nhà máy bán dẫn hoặc doanh nghiệp thiết kế chip.
“Mục tiêu là để Việt Nam đóng vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực, nơi tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp của Việt Nam được phát huy đầy đủ”, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh.
Đại sứ cho rằng, đây cũng là lý do nhiều lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ đã đến thăm Việt Nam như Tim Cook (Apple), Jensen Huang (Nvidia) và gần đây lãnh đạo Qualcomm.
“Chúng ta sẽ thấy điều này ngày càng nhiều hơn, bởi vì chính phủ Mỹ, các công ty Mỹ, các tổ chức học thuật Mỹ muốn trở thành một phần trong tương lai công nghệ cao của Việt Nam. Chúng tôi muốn thực hiện hành trình này cùng các bạn, bởi vì đó là lợi ích tốt nhất của chúng ta”, Đại sứ Knapper cho biết.
Đại sứ Knapper nhấn mạnh Mỹ muốn trở thành đối tác và đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao. Và một phần của nỗ lực này là sự hợp tác giữa hai nước trong việc phát triển chương trình học tiếng Anh. Đại sứ Mỹ cho rằng việc chính phủ Việt Nam quyết định đưa tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ chính thức trong hệ thống giáo dục là bước đi táo bạo, quan trọng và cần thiết”.
“Chúng tôi ủng hộ quyết định này. Chúng tôi cho rằng đó là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng tôi muốn hỗ trợ quá trình học tập tiếng Anh tại Việt Nam, vì điều đó mở ra rất nhiều cánh cửa về công nghệ cao và các cơ hội giáo dục khác”, nhà ngoại giao Mỹ nêu rõ.