Mỹ - châu Âu căng thẳng vì vấn đề thuế quan

() - Ngày 12/7, Liên minh châu Âu (EU) nhận được thư thông báo rằng Tổng thống Donald Trump đã quyết định sẽ áp thuế nhập khẩu 30% đối với hàng hóa từ khu vực này (và Mexico) vào Mỹ từ ngày 1/8 tới.
Mỹ - châu Âu căng thẳng vì vấn đề thuế quan - 1

Ông Laurent Saint-Martin (trái), Bộ trưởng ủy quyền đặc trách Ngoại thương và người Pháp tại nước ngoài, và Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic tham dự cuộc họp về vấn đề thuế quan với Mỹ tại Brussels, Bỉ ngày 14/7 (Ảnh: Reuters).

Trong khi phía EU vẫn đang tin rằng đàm phán về một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ sau nhiều năm gián đoạn đang đi đúng hướng và có thể sẽ sớm kết thúc với kết quả chấp nhận được với cả hai bên, mức thuế mới nhất do ông Trump đưa ra thực sự là bất ngờ và gây choáng váng cho các đối tác EU.

Trước tình hình trên, cả Brussels cũng như Paris, Berlin và nhiều thủ đô Tây Âu khác ngay lập tức lên tiếng mạnh mẽ và nhất trí đồng tâm hợp lực, kiên quyết có biện pháp đáp trả tương xứng để bảo vệ lợi ích của mình.

Tuy nhiên, ngày 13/7, Brussels đã chính thức lên tiếng hoãn các biện pháp trả đũa thuế quan nhằm vào Mỹ và khẳng định vẫn mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington và triệu tập cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại vào ngày 14/7 để bàn tính thêm về các phương án đàm phán trong những ngày tới, đồng thời chuẩn bị sẵn các biện pháp đáp trả một khi không đạt được Thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn chót 1/8 mà phía Mỹ đã đưa ra.

Sự khởi đầu của cuộc chiến thuế

Năm 2025 đánh dấu một trong những giai đoạn căng thẳng nhất trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU kể từ sau Thế chiến thứ hai. Với việc Tổng thống Trump tái đắc cử và thực thi “thuế đối ứng” vừa quyết liệt, vừa rộng khắp, căng thẳng thương mại đã leo thang, đe dọa tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố gói thuế “đối ứng” rộng lớn, áp đặt thuế lên hàng hóa từ hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đối với EU, mức thuế được đặt ở mức 20% ban đầu, sau đó tăng lên 50% vào tháng 5, và gần đây nhất là 30% sẽ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/8. Quyết định này không chỉ gây sốc cho thị trường tài chính mà còn đánh dấu sự đổ vỡ trong mối quan hệ của Mỹ với EU - đối tác kinh tế lớn nhất thế giới của mình.

Cơ sở và nguyên nhân chính được ông Trump sử dụng cho việc đưa ra quyết định áp thuế dựa trên thâm hụt thương mại gần đây trong quan hệ với EU. Theo số liệu chính thức, năm 2024, EU xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu từ Mỹ khoảng 157 tỷ euro (178 tỷ USD) về hàng hóa.

Tuy nhiên, EU phản bác lý lẽ trên khi cho rằng cần phải tính cả dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ số như quảng cáo trực tuyến và điện toán đám mây, chứ không thể chỉ tính riêng giá trị trao đổi hàng hóa. Và như vậy, tổng số thâm hụt thương mại của Mỹ với EU chỉ còn 48 tỷ euro, chỉ bằng khoảng 3% tổng kim ngạch thương mại song phương.

Phản ứng quyết liệt từ EU

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo rằng EU sẵn sàng thực hiện các “biện pháp trả đũa thương mại mạnh mẽ” nếu đàm phán thất bại. Đối mặt với áp lực thuế quan chưa từng có do Tổng thống Trump đưa ra ngày 2/4, ngay sau đó EU đã nhanh chóng đáp trả bằng các biện pháp trả đũa mạnh mẽ.

Thực tế là ngày 9/4, các nước thành viên EU đã thông qua gói thuế trả đũa 25% đối với hàng loạt sản phẩm của Mỹ trị giá khoảng 21 tỷ euro mỗi năm. Danh sách hàng hóa bị áp thuế bao gồm thép, nhôm, đậu nành, thịt gia cầm, nước cam ép, thuốc lá và du thuyền.

Trong tháng 5 vừa qua, EU tiếp tục có hành động quyết liệt hơn khi đề xuất áp thuế trả đũa lên gần 100 tỷ Euro hàng hóa Mỹ, bao gồm cả máy bay Boeing, xe hơi, thiết bị y tế, hóa chất và đồ nhựa. Mặc dù vậy, đến nay EU vẫn chưa áp thuế trả đũa đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào châu Âu dù khối này đã chuẩn bị sẵn 2 gói thuế quan bổ sung có thể đánh vào tổng cộng 93 tỉ euro hàng hóa Mỹ. Thay vào đó, các quan chức EC và đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer đã dành nhiều tháng để đàm phán, xây dựng một thỏa thuận mà họ tin là có thể chấp nhận được với cả hai bên.

Tại cuộc họp ngày 14/7 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại các nước EU đã xem xét kỹ một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để áp dụng biện pháp thuế trả đũa nếu hai bên có thể không đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót 1/8 do Tổng thống Trump đặt ra.

Bên cạnh đó, các quan chức EU cũng đang tích cực thảo luận về các điều kiện cụ thể để triển khai biện pháp thuế quan này, đồng thời xem xét khả năng mở rộng phạm vi trả đũa không chỉ giới hạn ở hàng hóa hữu hình mà còn có thể bao gồm cả các dịch vụ đến từ Mỹ.

Tác động kinh tế sâu rộng

Các nghiên cứu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) và Budget Lab tại Đại học Yale cho thấy cuộc chiến thương mại hiện nay sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho cả hai bên. Đối với Mỹ, dù khả năng chống chọi của nền kinh tế đối với những cú sốc do các biện pháp trả đũa về thuế quan do các đối tác khác mang lại trước mắt vẫn là khá tốt, GDP thực tế sẽ giảm 0,4% trong dài hạn, tương đương 110 tỷ USD hàng năm. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng 0,4 điểm phần trăm vào cuối năm 2025, với 538.000 việc làm bị mất.

Theo Tax Foundation, các gói thuế của ông Trump năm 2025 tương đương với việc tăng thuế trung bình gần 1.200 USD cho mỗi hộ gia đình Mỹ. Nếu được duy trì, các biện pháp này sẽ mang lại 2,6 nghìn tỷ USD doanh thu trong giai đoạn 2026-2035, nhưng cũng gây ra tổn thất cho GDP Mỹ là 408 tỷ USD.

Còn khu vực EU cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực và ảnh hưởng phải gánh chịu thực tế là năng nề hơn. Các mô hình kinh tế dự báo GDP của EU sẽ giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm, một con số đáng kể, dù chưa đủ để đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, một số khu vực và ngành công nghiệp cụ thể có thể chịu thiệt hại nặng nề hơn, đặc biệt là ngành ôtô của Đức khi Tổng thống Trump áp thuế 25% lên tất cả xe nhập khẩu.

Các nỗ lực ngoại giao chưa đem lại kết quả khả quan

Bất chấp các tác động tiêu cực, các nỗ lực ngoại giao giữa hai bên vẫn tiếp tục nhưng kết quả đạt được đến nay còn rất hạn chế. EU đã đề xuất gói “không thuế đối với không thuế” (zero-for-zero) cho hàng hóa công nghiệp, tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng và thiết bị quân sự của Mỹ, cũng như hợp tác phát triển trung tâm dữ liệu AI. Tuy nhiên, trong tuần trước Nhà Trắng đã từ chối đề xuất này.

Một trong những điểm bất đồng lớn là quan điểm về thuế dịch vụ số (DST). Tổng thống Trump coi đây là hành vi phân biệt đối xử chống lại các công ty công nghệ Mỹ như Google, Apple và Facebook. Trong khi đó, EU lại giữ quan điểm cho rằng các biện pháp đó là cần thiết để đảm bảo công bằng thuế trong kỷ nguyên số.

Với việc ông Trump liên tục tăng mức thuế từ 20% lên 50% rồi chỉ trở lại 30% thuế đối với EU, triển vọng đạt được thỏa thuận trong tương lai gần ngày càng mờ mịt. Các thị trường tài chính đã phản ứng tiêu cực, với chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 1,7% sau khi ông Trump đe dọa áp thuế 50% vào tháng 5 vừa qua.

Đối với EU, thách thức không chỉ là đối phó với thuế quan mà còn là duy trì đoàn kết nội bộ trong bối cảnh các nước thành viên có lợi ích kinh tế khác nhau. Việc Hungary bỏ phiếu chống lại biện pháp trả đũa trong khi Pháp, Ireland, Italy - những nước có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu Mỹ quyết đánh thuế cao, đang tích cực vận động bảo vệ ngành rượu cho thấy những rạn nứt trong mặt trận chung.

Căng thẳng thương mại Mỹ - EU không chỉ ảnh hưởng đến hai bên liên quan trực tiếp, mà còn tác động đến toàn bộ hệ thống thương mại thế giới. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải tái cấu trúc một cách đột ngột để thích ứng với môi trường thuế quan phức tạp.

Cuộc chiến thuế đối ứng Mỹ - EU năm 2025 đánh dấu sự kết thúc của Kỷ nguyên Thương mại Tự do hậu Thế chiến thứ hai. Mức thuế quan trung bình của Mỹ đã tăng lên 17,6%, cao nhất kể từ năm 1934. Điều này không chỉ thay đổi cảnh quan thương mại song phương mà còn có thể dẫn tới sự định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu.

Triển vọng trong thời gian tới

Với hạn chót ngày 1/8 đang đến gần và khả năng đàm phán thành công ngày càng khó khăn, thế giới đang chứng kiến sự phân mảnh thương mại. Căng thẳng thuế quan Mỹ - EU không chỉ là một cuộc xung đột kinh tế mà còn là biểu tượng của sự thay đổi địa chính trị sâu rộng, nơi các liên minh truyền thống đang bị thử thách và các quy tắc thương mại quốc tế đang được viết lại.

Trước những thách thức từ Mỹ, EU rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Khối này đang phải đối mặt với sự phân mảnh nội bộ, sự trỗi dậy của các phe phái hoài nghi và sự phối hợp không đủ hài hòa giữa các quốc gia thành viên. Nhất là khi Đức - "đầu tàu" kinh tế của EU, trở thành tâm điểm của sự căng thẳng, khi phải cân bằng giữa việc bảo vệ các nguyên tắc tự do thương mại và nhu cầu thích ứng với các thách thức địa chính trị.

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU vẫn đặt quyết tâm cao nhất để đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, các nhà kinh tế và phân tích cảnh báo rằng mối đe dọa về mức thuế quan 30% vẫn tiếp tục hiện hữu và đang gây thêm áp lực cho EU. Dù vẫn có nhiều kỳ vọng rằng Mỹ và EU cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận trong những tuần tới bởi điều đó đáp ứng tốt hơn lợi ích của cả hai bên.

Nhưng với phong cách đàm phán của ông Trump như đã thể hiện với tất cả các đối tác của Mỹ, kể cả những đồng minh truyền thống gần gũi nhất, hiện chưa có gì chắc chắn và đó chính là lý do EU vẫn đang nỗ lực chuẩn bị tốt nhất mọi mặt để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra, kể cả khi phải chịu mức thuế 30% cho tất cả hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ mà ông Trump đã thông báo ngày 12/7 vừa qua.