
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic trong cuộc gặp hồi cuối năm 2024 (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine).
Tuyên bố chung lần này đã được bộ phận báo chí của Văn phòng Tổng thống Ukraine và Chính phủ Croatia công bố vào ngày 12/7 giờ địa phương sau hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ hai tổ chức tại Croatia.
"Chúng tôi ủng hộ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược hướng tới hội nhập toàn diện vào Liên minh châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả việc gia nhập NATO, và hoan nghênh lời mời Ukraine gia nhập NATO khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng", tuyên bố nêu rõ.
Theo tuyên bố, việc gia nhập NATO vẫn là "lựa chọn an ninh hiệu quả nhất về mặt chi phí cho Ukraine".
"Nga hay bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên NATO đều không có quyền phủ quyết việc mở rộng liên minh", tuyên bố cho biết.
Bên cạnh đó, tuyên bố khẳng định không có bất kỳ một quốc gia nào, kể cả các quốc gia không thuộc NATO, có quyền phủ quyết việc mở rộng của khối liên minh quân sự này
Ngoài ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha, những người ký tên vào văn kiện này còn có ngoại trưởng Croatia Grlic Radman, Phó Thủ tướng Moldova Mihai Popșoi, Phó Thủ tướng Montenegro Ervin Ibrahimovic, Ngoại trưởng Albania Igli Hasani, Ngoại trưởng Bắc Macedonia Timco Mucunski, Quốc vụ khanh Romania Luca Niculescu, Quốc vụ khanh Slovenia Marko Stucin và lãnh đạo của Kosovo Donika Gervalla-Schwarz.
Tuyên bố cũng ủng hộ tư cách thành viên tương lai của Ukraine và các ứng cử viên khác trong Liên minh châu Âu trong tương lai.
"Tư cách thành viên tương lai của Ukraine, Cộng hòa Moldova và các Đối tác Tây Balkan của chúng tôi trong EU là rất quan trọng đối với sự ổn định, an ninh và thịnh vượng lâu dài của khu vực chúng tôi và toàn bộ châu Âu", tuyên bố cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất tại Odessa vào ngày 11/6 có sự tham dự của đại diện cấp cao từ 12 quốc gia Đông Nam Âu, bao gồm cả Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, người có thiện cảm với Moscow, và đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông tới Ukraine.
Ngày 11/6, Tổng thống Vucic đã từ chối ký một tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Odesa, vốn đã được tất cả các bên tham gia khác ký kết, để không "phản bội nước Nga".
Trong khi đó với Nga, suốt nhiều thập kỷ, các quan chức nước này coi việc mở rộng NATO là một mối đe dọa an ninh. Hiện tại, Điện Kremlin coi việc Ukraine không gia nhập NATO là một trong những yêu cầu chính để xem xét đi đến một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 3 năm qua.
Đối với Croatia, việc ký kết một văn kiện như vậy cho thấy sự xung đột với lập trường của Tổng thống Zoran Milanovic, nhà lãnh đạo tái đắc cử vào năm 2025 và chỉ trích gay gắt viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine cũng như việc Kiev gia nhập liên minh quân sự trong tương lai.
Nga luôn phản đối việc Ukraine gia nhập NATO, viện dẫn "mối đe dọa mở rộng NATO" gần biên giới của mình.