
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đi những nước cờ khó lường, đẩy Ukraine vào thế bí (Ảnh minh họa: IPIS).
Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ đưa tin, Ukraine và các nước phương Tây yêu cầu: "Nga phải đồng ý rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn phải diễn ra trước các cuộc đàm phán hòa bình".
Theo đó, Mỹ, Ukraine và châu Âu đã nhiều lần kêu gọi ngừng bắn để cho phép các cuộc đàm phán ngoại giao tiếp tục nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.
Các chuyên gia cho biết Nga dường như cố "phớt lờ" chuỗi sự kiện này như một phần trong nỗ lực đặt điều kiện cho bất kỳ cuộc đàm phán ngừng bắn nào nhằm giành thêm được các nhượng bộ từ Ukraine và phương Tây.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh viết trong báo cáo mới nhất: "ISW tiếp tục đánh giá rằng Nga tìm cách trì hoãn các cuộc đàm phán hòa bình để tiếp tục tiến lên trên chiến trường".
Các chuyên gia chỉ ra, các cuộc đàm phán hòa bình trước khi ngừng bắn sẽ cho phép lực lượng Moscow tiếp tục tiến lên ở Ukraine, điều mà họ có thể sẽ cố gắng sử dụng trong các cuộc đàm phán giữa hai bên để giành được thêm các nhượng bộ.
Báo cáo có đoạn: "Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào trong tương lai cũng sẽ yêu cầu Nga và Ukraine tham gia vào các cuộc đàm phán riêng để thống nhất về các cơ chế giám sát mạnh mẽ cần thiết và việc kết hợp các cuộc đàm phán ngừng bắn với các cuộc đàm phán hòa bình có thể sẽ làm chậm trễ việc thực hiện lệnh ngừng bắn".

Bản đồ chiến sự Nga - Ukraine tại Donetsk ngày 19/5. Trong đó, Moscow kiểm soát khu vực màu hồng, những vòng tròn thể hiện các tâm điểm giao tranh, kích thước càng lớn càng nóng bỏng. Các khu vực màu vàng là nơi họ mới giành được (Ảnh: ISW).
Những nhận định đáng chú ý trong báo cáo ngày 19/5 của ISW:
Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã điện đàm vào ngày 19/5 để thảo luận về lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc chiến Nga - Ukraine.
Thứ hai, Nga phải công nhận rõ ràng tính hợp pháp của tổng thống, chính phủ và hiến pháp, cũng như chủ quyền của Ukraine, để tham gia vào các cuộc đàm phán có ý nghĩa một cách thiện chí.
Thứ ba, Nga phải đồng ý rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn phải diễn ra trước các cuộc đàm phán hòa bình.
Thứ tư, Nga phải chứng minh thiện chí nhượng bộ trong bất kỳ cuộc đàm phán song phương sắp tới nào, đặc biệt là khi Điện Kremlin dường như đang đặt ra các điều kiện để mở rộng danh sách các yêu cầu của mình trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Thứ năm, theo báo cáo của ISW, Nga đang tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự dọc biên giới với Phần Lan và Estonia, có lẽ là để chuẩn bị cho một cuộc đụng độ sắp tới với NATO.
Tuy nhiên, Nga nhiều lần tuyên bố sẽ không tấn công các nước NATO, cũng không có kế hoạch thực hiện các động thái gây hấn như vậy.
"Mối quan hệ giữa Nga và NATO không chỉ đang ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Rõ ràng là liên minh này đang theo đuổi một lộ trình chống lại đất nước chúng tôi và ngăn chặn một "mối đe dọa" được cho là do chúng tôi gây ra", Vladislav Maslennikov, quan chức phụ trách các vấn đề châu Âu của Bộ Ngoại giao Nga, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo Izvestia.
Nhà ngoại giao Nga nói thêm rằng, xu hướng trên đang ngày càng lan rộng.
"Trong khi đó, Nga chưa bao giờ tìm cách làm xấu đi mối quan hệ với NATO. Liên minh này hoàn toàn phải chịu trách nhiệm vì đã hạ thấp mối quan hệ đó. Chúng tôi sẽ không tấn công các nước NATO, cũng không thực hiện các kế hoạch gây hấn như vậy", ông Maslennikov nhấn mạnh.
Thứ sáu, các đồng minh phương Tây của Ukraine tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Thứ bảy, quân đội Ukraine tiếp tục tiến vào Kursk, gần Borova và Toretsk. Ngược lại, quân đội Nga gần như quét sạch đối phương khỏi vùng Kursk và có những bước phát triển gần Vremenny, Chasov Yar, Toretsk và Novopavlovka.