Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong bối cảnh công nghệ số

Sự phát triển nhanh chóng của Insurtech (công nghệ bảo hiểm số) đặt ra những thách thức lớn đối với khung pháp lý hiện hành. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có sự điều chỉnh phù hợp để vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

NCS. Nguyễn Hồng Hoàng Nam

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt

Bài viết phân tích thực trạng khung pháp lý của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các Insurtech (công nghệ bảo hiểm số). Kết quả cho thấy, khung pháp lý Việt Nam còn thiếu sự linh hoạt và tính thích ứng với các xu hướng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain và phân tích dữ liệu lớn trong lĩnh vực bảo hiểm. Từ đó, nghiên cứu đề xuất 6 nhóm giải pháp hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam nhằm thích ứng với Insurtech.

Từ khóa: Bảo hiểm phi nhân thọ, công nghệ tài chính, insurtech, khung pháp lý

Summary

This paper examines the current legal framework governing Vietnam's non-life insurance market amidst the rapid emergence of Insurtech. The analysis reveals that the existing regulatory system in Vietnam lacks the flexibility and responsiveness needed to accommodate advanced technological trends such as artificial intelligence, blockchain, and big data analytics within the insurance industry. Based on these findings, the study proposes six groups of policy recommendations aimed at enhancing the legal framework to better align with the evolving Insurtech landscape.

Keywords: Non-life insurance, financial technology, Insurtech, legal framework

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều Insurtech tiên tiến. Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2024 đạt 79.348 tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước, trong đó các sản phẩm ứng dụng công nghệ số chiếm tỷ trọng ngày càng cao.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Insurtech đặt ra những thách thức lớn đối với khung pháp lý hiện hành. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi căn bản cách thức hoạt động của ngành bảo hiểm, từ quy trình định giá rủi ro, phát triển sản phẩm, đến xử lý bồi thường. Điều này đòi hỏi hệ thống pháp luật phải có sự điều chỉnh phù hợp để vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, vừa đảm bảo an toàn hệ thống và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam để vừa thúc đẩy phát triển Insurtech, vừa đảm bảo quản lý rủi ro hiệu quả và bảo vệ quyền lợi các bên liên quan? Đây là câu hỏi cấp thiết cần được giải đáp để ngành bảo hiểm Việt Nam có thể tận dụng tối đa lợi ích từ cuộc cách mạng công nghệ và duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp kết hợp giữa nghiên cứu định tính và định lượng để đảm bảo tính toàn diện và độ tin cậy của kết quả.

- Nghiên cứu định tính: Phương pháp này được thực hiện thông qua phỏng vấn sâu với 25 chuyên gia bao gồm: 8 đại diện từ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu, 6 chuyên gia từ các công ty Insurtech, 5 cán bộ công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường bảo hiểm, 4 chuyên gia pháp lý và 2 học giả trong lĩnh vực bảo hiểm. Các cuộc phỏng vấn được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 7/2024, mỗi cuộc kéo dài từ 60-90 phút.

- Nghiên cứu tài liệu: Tác giả tiến hành phân tích hệ thống các văn bản pháp luật liên quan, bao gồm Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, các nghị định và thông tư hướng dẫn, cùng với các báo cáo chính thức từ Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu cũng phân tích, so sánh khung pháp lý Insurtech của một số quốc gia tiên tiến như Singapore, Anh, Australia để rút ra những bài học kinh nghiệm.

- Phân tích dữ liệu thứ cấp: Sử dụng dữ liệu từ các báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê), Bộ Tài chính và các tổ chức nghiên cứu uy tín như McKinsey, PwC, Ernst & Young về thị trường bảo hiểm và Insurtech Việt Nam giai đoạn 2020-2024.

- Nghiên cứu điển hình: Lựa chọn 5 trường hợp điển hình của các công ty đang ứng dụng Insurtech tại Việt Nam. Các trường hợp được chọn đại diện cho các loại hình công nghệ khác nhau: AI trong định giá, blockchain trong bồi thường, IoT trong giám sát rủi ro, nền tảng số trong phân phối và cố vấn tự động (robo-advisor) trong tư vấn.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng khung pháp lý hiện tại

Phân tích khung pháp lý Việt Nam cho thấy hệ thống quy định hiện tại có những tiến bộ đáng kể nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập khi đối mặt với sự phát triển của Insurtech.

Bảng 1: Đánh giá mức độ phù hợp của khung pháp lý hiện tại với các Insurtech

Insurtech

Mức độ được quy định (%)

Mức độ phù hợp (1-5)

Khoảng trống chính

AI

25

2,1

Quy định về tính minh bạch, giải trình thuật toán

Blockchain

30

2,3

Giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh

Phân tích dữ liệu lớn

40

2,8

Bảo vệ dữ liệu cá nhân, phạm vi sử dụng

IoT

35

2,5

Tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật dữ liệu

Nền tảng số

60

3,2

Trách nhiệm của nền tảng trung gian

Cố vấn tự động

20

1,9

Tư cách pháp lý, trách nhiệm tư vấn

Nguồn: Khảo sát chuyên gia và phân tích văn bản pháp luật

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, chỉ có nền tảng số được quy định tương đối đầy đủ với mức độ phù hợp 3,2/5. Các công nghệ khác đều có mức độ quy định thấp và độ phù hợp kém, đặc biệt là AI và cố vấn tự động.

Các thách thức chính

- Khoảng trống pháp lý về công nghệ mới: Kết quả phỏng vấn chuyên gia cho thấy, 84% nhận định rằng khung pháp lý hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của các công nghệ mới.

- Vấn đề bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư: Nghiên cứu chỉ ra rằng 78% doanh nghiệp Insurtech gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Thiếu cơ chế thử nghiệm và đổi mới: Việt Nam chưa có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) chính thức cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong môi trường được kiểm soát.

Phân tích so sánh quốc tế

Bảng 2 cho thấy, Việt Nam đang tụt hậu đáng kể so với các nước phát triển trong việc xây dựng khung pháp lý cho ngành Insurtech.

Điểm nổi bật nhất là Việt Nam chưa có cơ chế regulatory sandbox, trong khi Singapore đã triển khai từ năm 2016, còn Anh và Australia cũng đã áp dụng từ năm 2016-2017.

Tương tự, trong lĩnh vực AI - một công nghệ cốt lõi của Insurtech hiện đại, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về việc ứng dụng AI trong hoạt động bảo hiểm. Điều này tạo ra sự bất định pháp lý cho các doanh nghiệp muốn triển khai các giải pháp AI trong định giá rủi ro, xử lý bồi thường tự động hay phát hiện gian lận.

Trong khía cạnh giám sát, Việt Nam hiện vẫn dựa vào các phương pháp truyền thống, trong khi các nước tiên tiến đã chuyển sang sử dụng công nghệ điều tiết (RegTech) hoặc công nghệ giám sát (SupTech).

Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về tính minh bạch thuật toán, trong khi đây là yêu cầu bắt buộc ở các nước phát triển.

Về hợp tác quốc tế, mức độ tham gia của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với sự hợp tác mạnh mẽ giữa Singapore, Anh và Australia. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin về các mối đe dọa mới và phối hợp trong việc quản lý các rủi ro xuyên biên giới trong thời đại số.

Bảng 2: So sánh khung pháp lý Insurtech giữa Việt Nam và các nước tiên tiến

Tiêu chí

Việt Nam

Singapore

Anh

Australia

Cơ chế regulatory sandbox

Chưa có

Có từ 2016

Có từ 2016

Có từ 2017

Quy định AI trong bảo hiểm

Chưa có

Tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu

Cơ bản

Tiên tiến

Tiên tiến

Tiên tiến

Cơ chế giám sát thích ứng

Truyền thống

RegTech

SupTech

RegTech

Hợp tác quốc tế

Hạn chế

Mạnh

Mạnh

Mạnh

Tính minh bạch thuật toán

Chưa quy định

Có yêu cầu

Có yêu cầu

Có yêu cầu

Nguồn: Tác giả so sánh và tổng hợp

Đánh giá tác động đến thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

Kết quả khảo sát ở Bảng 3 cho thấy:

Đầu tư vào Insurtech bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức độ tác động 4,2/5. Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại: việc thiếu vắng khung pháp lý rõ ràng đã làm giảm 35% đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực Insurtech tại Việt Nam.

Khả năng cạnh tranh cũng chịu tác động đáng kể với điểm số 4,0/5. Hậu quả trực tiếp là việc mất thị phần cho các nền tảng nước ngoài. Khi các doanh nghiệp Insurtech trong nước không thể phát triển nhanh chóng do những ràng buộc pháp lý, họ sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ quốc tế có lợi thế về công nghệ và nguồn lực, dẫn đến tình trạng thị trường trong nước bị thống trị bởi các giải pháp từ bên ngoài.

Tốc độ đổi mới sản phẩm với mức tác động 3,8/5 cho thấy, việc chậm 18 tháng so với khu vực trong việc ra mắt sản phẩm mới không chỉ đơn thuần là vấn đề về thời gian, mà còn phản ánh sự thiếu linh hoạt của hệ thống pháp lý hiện tại.

Chi phí tuân thủ tăng 25% (mức tác động 3,5/5) tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp Insurtech. Điều này đặc biệt khó khăn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, vốn đã phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn lực hoạt động.

Trải nghiệm khách hàng bị ảnh hưởng với mức độ 3,2/5, kém hơn 40% so với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này có thể xuất phát từ việc các doanh nghiệp phải tuân thủ những quy trình phức tạp, làm chậm quá trình cung cấp dịch vụ và hạn chế khả năng cá nhân hóa sản phẩm theo nhu cầu cụ thể của từng khách hàng.

Bảng 3: Tác động của các hạn chế pháp lý đến phát triển Insurtech Việt Nam

Lĩnh vực ảnh hưởng

Mức độ tác động (1-5)

Hậu quả chính

Đầu tư vào Insurtech

4,2

Giảm 35% đầu tư nước ngoài

Tốc độ đổi mới sản phẩm

3,8

Chậm 18 tháng so với khu vực

Khả năng cạnh tranh

4,0

Mất thị phần cho các nền tảng nước ngoài

Chi phí tuân thủ

3,5

Tăng 25% chi phí vận hành

Trải nghiệm khách hàng

3,2

Kém hơn 40% so với tiêu chuẩn quốc tế

Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp và phân tích thị trường

Nhìn chung, sự thiếu vắng khung pháp lý phù hợp không chỉ tác động trực tiếp đến từng khía cạnh cụ thể mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn: thiếu đầu tư dẫn đến chậm đổi mới, chậm đổi mới dẫn đến kém cạnh tranh, kém cạnh tranh lại càng làm giảm sức hút đối với các nhà đầu tư.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đưa ra một số hàm ý giải pháp hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam nhằm thích ứng với Insurtech trong thời gian tới:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư

Xây dựng quy định chuyên biệt cho ngành bảo hiểm: Cần ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể việc thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu cá nhân trong hoạt động bảo hiểm, bao gồm cả dữ liệu từ các thiết bị IoT và dữ liệu sinh học. Quy định này cần đặc biệt chú trọng đến việc xin phép rõ ràng của khách hàng và đảm bảo tính minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu.

Thiết lập cơ chế quản lý dữ liệu mạnh mẽ: Yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm thiết lập vị trí Giám đốc dữ liệu (CDO) và xây dựng chính sách quản trị dữ liệu toàn diện. Đồng thời, cần có các tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo mật dữ liệu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như ISO 27001:2022 - Tiêu chuẩn an toàn thông tin.

Quy định về quyền được quên và di động dữ liệu: Việt Nam có thể học hỏi từ Quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU), theo đó cần quy định cụ thể về quyền của khách hàng trong việc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân và chuyển giao dữ liệu giữa các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Hai là, xây dựng cơ chế regulatory sandbox

Thiết lập khung pháp lý cho thử nghiệm: Ban hành nghị định quy định về cơ chế regulatory sandbox cho phép các doanh nghiệp Insurtech thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong thời gian và phạm vi giới hạn mà không cần tuân thủ hoàn toàn các quy định hiện hành.

Xác định tiêu chí tham gia thử nghiệm: Quy định rõ ràng các điều kiện về năng lực tài chính, kỹ thuật và quản trị rủi ro mà doanh nghiệp cần đáp ứng để được tham gia sandbox. Ưu tiên các công nghệ có tiềm năng mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng và thị trường.

Cơ chế giám sát và đánh giá: Thiết lập quy trình giám sát chặt chẽ các hoạt động trong sandbox và cơ chế đánh giá kết quả để quyết định việc mở rộng ra thị trường rộng lớn hơn. Thời gian thử nghiệm nên từ 12-24 tháng với khả năng gia hạn.

Ba là, quy định về AI và thuật toán

Yêu cầu về tính minh bạch và giải thích được: Quy định các doanh nghiệp sử dụng AI trong định giá bảo hiểm và xử lý khiếu nại phải đảm bảo khách hàng có thể hiểu được cách thức ra quyết định. Đặc biệt quan trọng đối với các quyết định từ chối bảo hiểm hoặc tăng phí.

Thiết lập tiêu chuẩn công bằng và không phân biệt đối xử: Cấm sử dụng các biến số có thể dẫn đến phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc, tôn giáo trong các thuật toán định giá. Yêu cầu kiểm tra định kỳ để phát hiện và loại bỏ sự sai lệch (bias) trong thuật toán.

Quy định về trách nhiệm pháp lý: Xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp khi thuật toán AI đưa ra quyết định sai hoặc gây thiệt hại. Yêu cầu có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các hoạt động sử dụng AI.

Bốn là, phát triển cơ chế giám sát thích ứng

Ứng dụng công nghệ điều tiết (RegTech) trong giám sát: Xây dựng hệ thống giám sát tự động sử dụng công nghệ để theo dõi các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm theo thời gian thực. Điều này giúp phát hiện sớm các rủi ro và vi phạm mà không làm tăng gánh nặng báo cáo cho doanh nghiệp.

Mô hình giám sát dựa trên rủi ro: Chuyển từ mô hình giám sát truyền thống dựa trên quy định sang mô hình dựa trên mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp. Các công ty có hệ thống quản trị tốt và rủi ro thấp sẽ được giám sát ít hơn.

Tăng cường năng lực của cơ quan quản lý: Đầu tư vào việc đào tạo cán bộ về công nghệ và Insurtech. Tuyển dụng các chuyên gia có kinh nghiệm về công nghệ để tăng cường năng lực giám sát và xây dựng chính sách.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế

Việt Nam cần tích cực tham gia các tổ chức như Hiệp hội Giám sát Bảo hiểm Quốc tế và Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN để học hỏi kinh nghiệm và hài hòa quy định. Thiết lập các thỏa thuận hợp tác với các cơ quan quản lý bảo hiểm tiên tiến như MAS của Singapore, FCA của Anh để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong quản lý Insurtech. Đồng thời, đảm bảo các quy định mới của Việt Nam tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho sự phát triển xuyên biên giới của các dịch vụ Insurtech.

Sáu là, xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới

Thành lập các trung tâm nghiên cứu chuyên về Insurtech tại Việt Nam với sự tham gia của các trường đại học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để nghiên cứu các xu hướng mới và đề xuất chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình ươm tạo và tăng tốc dành riêng cho startup Insurtech, bao gồm hỗ trợ về mặt pháp lý, kỹ thuật và tài chính. Tạo ra các diễn đàn và nền tảng để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và chuyên gia có thể chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các thách thức và giải pháp trong việc ứng dụng Insurtech.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khung pháp lý hiện tại của Việt Nam cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn nhiều bất cập khi đối mặt với sự phát triển mạnh mẽ của Insurtech. Mặc dù Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có những cải tiến quan trọng, nhưng vẫn thiếu các quy định cụ thể về công nghệ mới như AI, blockchain và IoT. Việc thiếu hụt này đã tạo ra các khoảng trống pháp lý, hạn chế khả năng đổi mới của doanh nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Qua phân tích so sánh với các nước tiên tiến, nghiên cứu cho thấy Việt Nam cần học hỏi và áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến như regulatory sandbox, RegTech và các tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ dữ liệu. Đặc biệt, việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ cho phép các doanh nghiệp Insurtech phát triển và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trong môi trường an toàn.

Việc triển khai các giải pháp này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên liên quan, từ Chính phủ, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty công nghệ đến các tổ chức nghiên cứu và đào tạo. Cần có lộ trình thực hiện cụ thể với các mốc thời gian rõ ràng và cơ chế theo dõi, đánh giá để điều chỉnh kịp thời.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Tài chính (2024). Báo cáo thống kê thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2024.

2. Chính phủ (2023). Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

3. Ernst & Young (2023). Global Insurtech Report 2023: Asia Pacific Insights.

4. Financial Conduct Authority (2023). Regulatory Sandbox Report: Digital Innovation in Insurance.

5. International Association of Insurance Supervisors (2023). Issues Paper on the Use of Big Data Analytics in Insurance.

6. Lê Minh Châu (2024). Thách thức pháp lý đối với blockchain trong ngành bảo hiểm Việt Nam. Tạp chí Khoa học Kinh tế, 3(98), 12-25.

7. McKinsey & Company (2024). Insurtech in Southeast Asia: Opportunities and Challenges. Singapore: McKinsey Global Institute.

8. Monetary Authority of Singapore (2023). FinTech Regulatory Sandbox Guidelines. Singapore: MAS.

9. Nguyễn Văn An và Trần Thị Bình (2023). Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong định giá bảo hiểm phi nhân thọ: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính - Marketing, 76, 45-58.

10. PwC Vietnam (2024). Vietnam Insurance Industry: Digital Transformation Trends. Ho Chi Minh City: PricewaterhouseCoopers.

11. Quốc hội (2022). Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 ngày 16/6/2022.

12. Singapore FinTech Association (2024). Insurtech Innovation Trends in ASEAN.

Ngày nhận bài: 17/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 28/6/2025; Ngày duyệt đăng: 4/7/2025