
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
“Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa bình (với Ukraine) nhưng không phải bằng bất cứ giá nào", Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao giấu tên của Nga cho biết ngày 28/5.
Ba nguồn tin của Nga cho biết, ông Putin muốn có một cam kết "bằng văn bản" từ các cường quốc phương Tây về việc không mở rộng NATO do Mỹ về phía Đông. Nói cách khác, điều này sẽ loại trừ tư cách thành viên của Ukraine, Georgia và Moldova và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác trong liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.
Nga cũng muốn Ukraine giữ thái độ trung lập, phương Tây dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt với Nga, giải quyết vấn đề tài sản có chủ quyền của Nga bị đóng băng, và bảo vệ người nói tiếng Nga tại Ukraine.
Nguồn tin cho biết, nếu ông Putin nhận ra rằng ông không thể đạt được thỏa thuận hòa bình theo các điều kiện của riêng mình, ông sẽ tìm cách chứng minh với Ukraine và châu Âu bằng những chiến thắng quân sự, phát đi thông điệp "hòa bình ngày mai sẽ còn đau đớn hơn".
Theo nguồn tin đầu tiên, nếu Nga nhìn thấy cơ hội chiến thuật trên chiến trường, lực lượng của họ sẽ tiến sâu hơn vào Ukraine. Điện Kremlin tin rằng Nga có thể chiến đấu trong nhiều năm bất chấp các lệnh trừng phạt và tổn thất kinh tế do phương Tây áp đặt.
Một nguồn tin khác cho hay, Nga hiện ít có xu hướng thỏa hiệp về lãnh thổ hơn. Moscow vẫn giữ vững lập trường công khai rằng Ukraine phải rút quân, công nhận toàn bộ 4 tỉnh gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk cũng như bán đảo Crimea thuộc chủ quyền của Nga.
"Ông Putin đang kiên định hơn với lập trường đó", nguồn tin nói.
Điện Kremlin hiện chưa bình luận về thông tin trên. Tuy nhiên, ông Putin và các quan chức Nga nhiều lần nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột, bao gồm vấn đề mở rộng NATO và sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine.
Trong khi đó, Ukraine tuyên bố Nga không có quyền phủ quyết đối với tham vọng gia nhập NATO của nước này. Ukraine cho biết họ cần phương Tây đưa ra những bảo đảm an ninh mạnh mẽ để ngăn chặn mọi cuộc tấn công trong tương lai của Nga. NATO trước đây cũng nêu rõ, họ sẽ không thay đổi chính sách "mở cửa" chỉ vì Moscow yêu cầu.
Liên quan đến yêu cầu về lãnh thổ, Kiev tiếp tục khẳng định không nhượng bộ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 28/5 cho biết Mỹ cũng sẽ không ủng hộ việc Ukraine rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này đang kiểm soát.
"Những gì được viết trong tối hậu thư không quan trọng nếu chúng ta không chỉ nói về một tờ giấy, mà là về điều gì đó có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn. Tôi nghĩ rằng ngay cả ở cấp độ cao nhất, Mỹ sẽ không ủng hộ việc Ukraine rút khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine đang nắm giữ", ông nói.
Ông Zelenskyy cho biết Ukraine cũng không muốn Mỹ rút khỏi tiến trình đàm phán. "Đây là những điều quan trọng đối với chúng tôi. Do đó, chúng tôi không muốn họ rút khỏi tiến trình này", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức trong chính quyền gần đây nhiều lần cảnh báo, Washington sẽ chấm dứt vai trò trung gian nếu hòa đàm Nga - Ukraine không tiến triển.
Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine hôm 16/5 tại Istanbul sau hơn 3 năm kết thúc mà không đạt được đột phá.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga sẽ yêu cầu bãi bỏ các luật phân biệt đối xử hạn chế tiếng Nga và đề nghị quy chế không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine.
Ông cũng nhắc lại, một trong những điều kiện để chấm dứt xung đột là "tình trạng trung lập, không liên kết, không hạt nhân của Ukraine".