Giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 45% GDP và 60% việc làm, nhưng chỉ tiếp cận được dưới 9% tài chính bền vững, trong khi tín dụng xanh toàn thị trường chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ. Để tháo gỡ vấn đề trên, cần xây dựng khung chính sách gồm 4 trụ cột: Hoàn thiện khung pháp lý; Cải cách tài chính; Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa; Phát triển hạ tầng thị trường.

Hoàng Tôn Thanh Uyên

Trường Đại học Tài chính - Marketing

Email: uyentt.hoang@ufm.edu.vn

Tóm tắt

Tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 45% GDP và 60% việc làm, nhưng chỉ tiếp cận được dưới 9% tài chính bền vững, trong khi tín dụng xanh toàn thị trường chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ. Nghiên cứu phân tích dữ liệu giai đoạn 2018-2024 cho thấy 3 rào cản chính: 68% chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hiểu rõ về khái niệm “Môi trường, xã hội và quản trị”; 6/31 ngân hàng có sản phẩm tín dụng xanh chuyên biệt và chỉ có 35% tuân thủ hướng dẫn về yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Để tháo gỡ vấn đề trên, nghiên cứu này đề xuất khung chính sách gồm 4 trụ cột: (1) Hoàn thiện khung pháp lý; (2) Cải cách tài chính; (3) Nâng cao năng lực doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Phát triển hạ tầng thị trường. Từ đó, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng tỷ lệ tiếp cận tài chính bền vững, đồng thời đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng bền vững và trung hòa carbon của Việt Nam.

Từ khóa: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải pháp chính sách, tài chính bền vững, Việt Nam

Summary

In Vietnam, small and medium-sized enterprises contribute approximately 45% of GDP and 60% of employment, yet they access less than 9% of sustainable finance, while green credit accounts for only 4.5% of total outstanding loans across the market. An analysis of data from 2018 to 2024 reveals three key barriers: 68% of enterprise owners lack a clear understanding of the concept of environmental, social, and governance (ESG); only 6 out of 31 banks offer specialized green credit products; and only 35% enterprises comply with ESG-related guidelines. To address these challenges, this study proposes a policy framework based on four pillars: (1) improving the legal and regulatory framework; (2) financial reform; (3) enhancing the capacity of small and medium-sized enterprises; and (4) developing market infrastructure. These measures aim to increase aforementioned enterprises’ access to sustainable finance and contribute to Vietnam's goals for sustainable growth and carbon neutrality.

Keywords: Small and medium-sized enterprises, policy solutions, sustainable finance, Vietnam

GIỚI THIỆU

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 45% GDP và tạo việc làm cho 60% lực lượng lao động (Tổng cục Thống kê, nay là Cục Thống kê - GSO, 2023; Ngân hàng Thế giới - World Bank, 2023). Mặc dù giữ vai trò then chốt, các DNNVV vẫn đối mặt với tình trạng bị loại trừ tài chính kéo dài. Năm 2023, chỉ 28% DNNVV tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, giảm so với mức trước đại dịch (Ngân hàng Thế giới - World Bank, 2023). Khoảng cách tài chính lên đến 21 tỷ USD mỗi năm (Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC, 2022), đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính bền vững. Dù “Chương trình Tín dụng Xanh” của Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân 500 triệu USD từ năm 2018, tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ và các DNNVV chỉ nhận được 9% trong số đó (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - SBV, 2023).

Vấn đề này đã cản trở tiến trình hướng đến tăng trưởng toàn diện và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt khi Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Chính phủ, 2022). Tuy nhiên, các rào cản cấu trúc như: yêu cầu thế chấp cao (150-200% giá trị khoản vay), thực thi chính sách phân mảnh và sự thiếu hiểu biết của các DNNVV (68% doanh nghiệp không nắm rõ tín dụng xanh) vẫn tồn tại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, 2023; Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB, 2022). Thị trường trái phiếu xanh còn kém phát triển (200 triệu USD so với 15 tỷ USD của Thái Lan), cùng với hỗ trợ kỹ thuật còn hạn chế.

Từ thực tế trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm trả lời 3 câu hỏi: Những rào cản nào đang hạn chế các DNNVV tiếp cận tài chính bền vững? Hiệu quả của các chính sách hiện hành ra sao? Cần triển khai chính sách gì để nâng cao khả năng tham gia tín dụng xanh của các DNNVV?

TỔNG QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Tổng quan nghiên cứu

Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế Việt Nam

DNNVV chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp khoảng 45% GDP và tạo việc làm cho 60% lao động (GSO, 2023; World Bank, 2023). Tuy nhiên, nhóm này đang đối mặt với khoảng cách tài chính lên đến 21 tỷ USD mỗi năm, đặc biệt khó khăn hơn sau đại dịch COVID-19 khi tỷ lệ phê duyệt tín dụng giảm 15% (IFC, 2022; SBV, 2022). Việc thiếu vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đổi mới công nghệ và tiếp cận tài chính bền vững, cản trở tiến trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

Khái niệm về tài chính bền vững

Tài chính bền vững là việc tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào các quyết định tài chính. Quy mô toàn cầu của lĩnh vực này đã đạt 5.800 tỷ USD, chủ yếu thông qua trái phiếu xanh và công cụ liên kết bền vững (Liên minh Đầu tư bền vững toàn cầu - GSIA, 2023). Tuy nhiên, thị trường Việt Nam mới đạt 1,2 tỷ USD (0,5% thị phần toàn cầu), bất chấp nỗ lực từ Chương trình Tín dụng Xanh của Ngân hàng Nhà nước với 500 triệu USD đã giải ngân từ 2018 (SBV, 2023). Tỷ lệ các DNNVV tham gia rất thấp, phản ánh các rào cản mang tính hệ thống.

Những rào cản đa chiều đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Hệ sinh thái tài chính bền vững của Việt Nam còn nhiều bất cập như:

Về thể chế: Thực thi chính sách còn chưa đồng bộ (chỉ 35% ngân hàng tuân thủ Thông tư 17/2022/TT-NHNN) do hướng dẫn thiếu rõ ràng (SBV, 2023).

Về hệ thống ngân hàng: Thiếu các sản phẩm phù hợp và yêu cầu thế chấp cao (150-200% khoản vay); trong khi chỉ 6/31 ngân hàng cung cấp khoản vay bền vững dài hạn.

Đối với doanh nghiệp: 68% DNNVV thiếu kiến thức về ESG; 60% không đủ khả năng chi trả chi phí chứng nhận (5.000-10.000 USD); dưới 20% có thể đo lường phát thải (World Bank, 2023; ADB, 2023).

Về thị trường: Trái phiếu xanh tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 200 triệu USD, quá nhỏ so với Thái Lan (15 tỷ USD); bảo lãnh tín dụng chỉ đáp ứng dưới 5% nhu cầu (ADB, 2023; Bộ Tài chính, 2023).

Những rào cản này duy trì trạng thái cung - cầu thấp kéo dài trên thị trường tài chính bền vững.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp định tính theo khung nghiên cứu chính sách của Creswell (2014) nhằm phân tích các rào cản đối với tài chính bền vững của các DNNVV tại Việt Nam giai đoạn 2018-2024. Đồng thời, sử dụng phương pháp luận kết hợp với phân tích tài liệu thứ cấp và nội dung chủ đề theo hướng tiếp cận của Krippendorff (2018), tập trung vào các yếu tố thể chế, chính sách và thị trường.

Dữ liệu được thu thập từ 3 nhóm nguồn chính: Báo cáo thường niên của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê, Bộ Tài chính) và văn bản chính sách của Ngân hàng Nhà nước; các nghiên cứu của World Bank, IFC và ADB; tài liệu học thuật được bình duyệt liên quan đến tài chính các DNNVV tại Việt Nam. Quá trình phân tích gồm 3 bước: mã hóa mô tả theo thời gian và nguồn dữ liệu; mã hóa chủ đề bằng phần mềm phân tích dữ liệu thống kê và định tính (Nvivo) để nhận diện các mẫu lặp về rào cản tiếp cận tài chính; mã hóa phân tích nhằm đối chiếu kết quả với khung lý thuyết và so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Nghiên cứu bảo đảm độ tin cậy qua đối chiếu dữ liệu, tham vấn chuyên gia và phân tích trường hợp ngoại lệ. Tiêu chuẩn đạo đức được tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn APA (2020).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng tài chính bền vững cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Tiếp cận tài chính

Các DNNVV tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc tiếp cận nguồn tài chính truyền thống lẫn bền vững.

Hình 1: Tỷ lệ tiếp cận tài chính của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam (2018-2023)

Giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Nguồn: World Bank, GSO (2023)

Kết quả phân tích Hình 1 cho thấy tỷ lệ các DNNVV tiếp cận tín dụng ngân hàng giảm từ 32% năm 2019 xuống chỉ còn 28% năm 2023, trong đó các doanh nghiệp siêu nhỏ chịu mức độ loại trừ tài chính nhiều hơn với tỷ lệ tiếp cận chỉ đạt 12% (World Bank, 2023). Xu hướng đáng lo ngại này càng rõ nét hơn khi xem xét riêng lĩnh vực tài chính bền vững.

Hình 2: Tỷ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ ngân hàng tại ASEAN (2023)

Giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

Nguồn: SBV, ADB (2023)

Kết quả phân tích Hình 2 cho thấy tín dụng xanh chỉ chiếm 4,5% tổng dư nợ tín dụng tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan (8,2%) và Malaysia (12,1%) (SBV, 2023). Bên cạnh đó, các DNNVV còn chịu thêm tình trạng loại trừ kép khi chỉ nhận được 9% tổng nguồn vốn bền vững dù đóng góp đến 45% GDP (GSO, 2023). Sự chênh lệch này phản ánh những định kiến hệ thống trong tiếp cận tài chính vẫn tồn tại bất chấp vai trò kinh tế quan trọng của các DNNVV.

Thách thức khi triển khai chính sách

Mặc dù khung chính sách tài chính bền vững tại Việt Nam mang tính định hướng tích cực, nhưng việc thực thi còn hạn chế. Chương trình Tín dụng Xanh của Ngân hàng Nhà nước giải ngân khoảng 500 triệu USD từ năm 2018, song các DNNVV chỉ chiếm dưới 10% (SBV, 2023). Hệ thống ngân hàng thiếu nguồn lực triển khai khi chỉ 6/31 ngân hàng có bộ phận tài chính xanh và chỉ 15% nhân viên được đào tạo ESG (IFC, 2023). Thị trường trái phiếu xanh cũng còn yếu, với chỉ 3 DNNVV phát hành, tổng giá trị 19 triệu USD. Nguyên nhân chủ yếu là hướng dẫn pháp lý mơ hồ, cơ chế thực thi yếu và thiếu hỗ trợ kỹ thuật từ phía cơ quan quản lý.

Xu hướng tài trợ theo ngành

Vốn tín dụng xanh tập trung vào 3 lĩnh vực: năng lượng tái tạo (42%), nông nghiệp sạch (28%) và xử lý chất thải (18%). Tuy nhiên, các DNNVV tiếp cận hạn chế cả về quy mô và điều kiện vay. Khoản vay trung bình chỉ đạt 133.000 USD, bằng 18% mức của doanh nghiệp lớn và thời hạn ngắn (3-5 năm), không tương thích với nhu cầu đầu tư dài hạn (VCCI, 2023). Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia của DNNVV vẫn rất thấp trong các ngành chủ chốt: năng lượng tái tạo (15%), nông nghiệp sạch (22%) và sản xuất (8%) (SBV, 2023), phản ánh những rào cản cấu trúc đang cản trở chuyển đổi xanh toàn diện.

Tác động của COVID-19 và quá trình phục hồi

Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm sự yếu kém trong tài chính bền vững. Năm 2020-2021, phê duyệt vay xanh giảm 27%, 38% DNNVV buộc phải hủy đầu tư do thiếu vốn (SBV & VCCI, 2022). Dù tín dụng xanh tăng 12% vào năm 2023, các tập đoàn lớn chiếm đến 82% tổng vốn (SBV, 2024). Tỷ lệ từ chối vay xanh với các DNNVV vẫn ở mức cao 64%, gấp gần 3 lần so với doanh nghiệp lớn (World Bank, 2023), phản ánh sự thiên lệch trong phục hồi và phân bổ tín dụng.

Sáng kiến mới và thách thức khi mở rộng quy mô

Một số sáng kiến đã được triển khai như Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh 50 triệu USD (2023) và chương trình hỗ trợ kỹ thuật 75 triệu USD của IFC (2022-2025). Tuy nhiên, chỉ khoảng 1.200 DNNVV - tương đương 0,15% tổng số DNNVV - được tiếp cận (Bộ Tài chính, 2023). Sự chênh lệch giữa thiết kế chính sách và thực tế triển khai cho thấy nhu cầu cấp thiết phải mở rộng quy mô và cải thiện thể chế để đạt được hiệu quả toàn diện.

Phân tích so sánh giữa các nước trong khu vực

Bảng 1: Chỉ số tài chính bền vững so sánh tại các nước ASEAN (2023)

Chỉ số

Việt Nam

Thái Lan

Malaysia

Singapore

Tỷ trọng tín dụng xanh

4,5%

8,2%

12,1%

15,3%

Tỷ lệ tham gia DNNVV

9%

23%

31%

42%

Dư nợ trái phiếu xanh

200 triệu USD

15 tỷ USD

8,2 tỷ USD

22,4 tỷ USD

Nguồn: SBV, ADB (2023)

Bảng 1 cho thấy, Việt Nam đang gặp bất lợi cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực về tài chính bền vững. Cơ chế quản trị phân mảnh, với 5 cơ quan đồng quản lý, đối lập với mô hình phối hợp 12 bộ, ngành của Malaysia (ADB, 2023). Chính sách ưu đãi của Việt Nam (khấu trừ thuế 15%) kém hấp dẫn hơn so với mức 50% của Thái Lan (World Bank, 2023).

Hình 3: Tỷ lệ tiếp cận tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nền kinh tế ASEAN (2023)

Giải pháp thúc đẩy tài chính bền vững đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam

(Thanh nhỏ màu đen biểu thị tỷ lệ tiếp cận của doanh nghiệp siêu nhỏ (12%) trong cột Việt Nam).

Nguồn: World Bank, IFC (2023)

Phân tích Hình 3 cho thấy rõ sự tụt hậu, khi chỉ 9% DNNVV tại Việt Nam tiếp cận được vốn bền vững, thấp hơn nhiều so với Malaysia (31%) và Singapore (42%). Về hạ tầng, Singapore có Trung tâm Tài chính Xanh phục vụ 63% DNNVV, trong khi hệ thống phân tán của Việt Nam chỉ đạt 9% (IFC, 2023). Những chênh lệch này cho thấy Việt Nam cần cải cách thể chế mạnh mẽ để đạt sự hội nhập khu vực trong tài chính bền vững.

Rào cản mang tính hệ thống và đánh giá hạ tầng thị trường

Ba rào cản chính tiếp tục hạn chế sự tham gia của các DNNVV vào tài chính bền vững gồm: thiếu kiến thức ESG (68% chủ doanh nghiệp không nắm khái niệm cơ bản), sự không nhất quán trong thực thi chính sách giữa các địa phương và tình trạng khan hiếm sản phẩm tài chính phù hợp. Chỉ 6/31 ngân hàng thương mại có sản phẩm chuyên biệt cho các DNNVV, tạo vòng luẩn quẩn giữa cung thấp và cầu yếu (VCCI & IFC, 2023).

Bên cạnh đó, hạ tầng thị trường tài chính bền vững còn yếu kém. Trái phiếu xanh tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 2018-2023, thấp hơn nhiều so với 15 tỷ USD của Thái Lan. Cơ chế bảo lãnh tín dụng chỉ đáp ứng dưới 5% nhu cầu. Việt Nam chưa có thị trường carbon hoạt động, làm mất cơ hội tạo dòng tiền từ giảm phát thải (World Bank, 2023). Quỹ Bảo vệ Môi trường với quy mô 50 triệu USD chỉ bằng 0,2% mức thiếu hụt 21 tỷ USD/năm (Bộ Tài chính, 2023), cho thấy sự cần thiết phải củng cố hạ tầng tài chính để hỗ trợ các DNNVV chuyển đổi xanh.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm tháo gỡ những rào cản tiếp cận tài chính bền vững của các DNNVV, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và dựa trên kinh nghiệm quốc tế điều chỉnh như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý: Cần tái cấu trúc pháp lý theo hướng tích hợp ưu đãi tài khóa, chuẩn hóa và triển khai theo giai đoạn. Mức giảm thuế lũy tiến 15-50% nên áp dụng cho các tổ chức tài chính dựa trên tỷ trọng cho vay xanh các DNNVV, kèm theo yêu cầu phân bổ tối thiểu 25% tín dụng xanh cho các DNNVV trước 2025, theo mô hình Malaysia (ADB, 2023). Đồng thời, Việt Nam cần ban hành Hệ thống Phân loại Xanh quốc gia theo tiêu chuẩn ASEAN và mẫu báo cáo ESG đơn giản hóa. Ngân hàng có tài sản trên 500 triệu USD bắt buộc phải công bố rủi ro khí hậu, góp phần thu hẹp khoảng cách tuân thủ ESG 78% hiện nay (IFC, 2023).

Chương trình thí điểm chính sách nên triển khai tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và sau đó mở rộng toàn quốc. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp giám sát theo chức năng.

Thứ hai, cải cách khu vực tài chính: Ngân hàng cần thiết lập bộ phận tài chính xanh tại các chi nhánh, với khoảng 5.000 cán bộ tín dụng được đào tạo ESG mỗi năm. Quy trình thẩm định cần đơn giản, phù hợp quy mô các DNNVV. Các sản phẩm chuyên biệt như vay liên kết ESG kỳ hạn 7-10 năm, ưu đãi lãi suất theo kết quả ESG, tài sản bảo đảm linh hoạt (tín chỉ carbon, thiết bị xanh) cần được phát triển. Hạn mức thấu chi xanh và tài trợ chuỗi cung ứng theo ngành cũng cần được tích hợp.

Về giảm rủi ro, Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cần nâng vốn từ 50 lên 200 triệu USD, áp dụng chia sẻ tổn thất 40% khoản vay xanh. Theo World Bank (2023), biện pháp này có thể huy động thêm 900 triệu USD/năm cho các DNNVV. Việc triển khai nên thông qua hợp tác công - tư, bắt đầu bằng thí điểm do Ngân hàng Nhà nước điều phối.

Thứ ba, nâng cao năng lực các DNNVV: Thiết lập các Trung tâm Tài chính Xanh cấp tỉnh là cấp thiết. Các trung tâm cung cấp đào tạo ESG song ngữ, tư vấn chứng nhận bền vững và hỗ trợ quản lý tài chính. Ba sáng kiến hỗ trợ gồm: Học viện Năng lượng tái tạo (500 học viên/năm), Ươm tạo Kinh tế tuần hoàn và Chương trình tài chính cho các DNNVV do phụ nữ lãnh đạo (tối thiểu 20% suất dành cho nữ giới) nhằm thu hẹp bất bình đẳng tiếp cận vốn.

Bên cạnh đó, chương trình chuyển đổi số là nền tảng hỗ trợ với 3 công cụ chính: cổng đánh giá ESG tự động, điểm tín dụng dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) và nền tảng học tập số cho đào tạo quy mô lớn.

Thứ tư, phát triển hạ tầng thị trường: Cần thành lập Ban Trái phiếu Xanh các DNNVV tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, áp dụng phí niêm yết ưu đãi, thủ tục đơn giản và hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, cần thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kèm phương pháp đo lường chuẩn hóa và tích hợp tín chỉ vào tài sản bảo đảm.

Với chi phí triển khai khoảng 120 triệu USD, lợi ích năng suất hằng năm đạt 900 triệu USD (World Bank, 2023), cách tiếp cận tổng thể này cùng lúc giải quyết nút thắt phía cung tài chính và hạn chế năng lực phía cầu, hướng đến mục tiêu kép về tài chính toàn diện và chuyển đổi khí hậu công bằng.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu cho thấy khả năng tiếp cận tài chính bền vững của các DNNVV tại Việt Nam đang bị cản trở bởi 3 nút thắt hệ thống: khoảng trống nhận thức ESG (68% chủ DNNVV chưa được đào tạo), hạn chế sản phẩm tài chính phù hợp (chỉ 6/31 ngân hàng có tín dụng xanh riêng cho các DNNVV) và mức độ tuân thủ ESG thấp trong ngành tài chính (35%). Hệ quả là tỷ lệ tiếp cận tài chính bền vững của các DNNVV chỉ đạt dưới 9%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Để vượt qua vòng luẩn quẩn này, khung chính sách toàn diện với 4 trụ cột đã được xây dựng: (1) Hoàn thiện pháp lý thông qua hệ thống phân loại tín dụng xanh và ưu đãi thuế theo hiệu quả cho vay; (2) Cải cách khu vực ngân hàng nhằm đổi mới sản phẩm và cơ chế giảm rủi ro; (3) Tăng cường năng lực cho các DNNVV thông qua các trung tâm tài chính xanh, chương trình đào tạo ESG và công cụ đánh giá số; (4) Phát triển hạ tầng thị trường thông qua trái phiếu xanh, sàn carbon và tích hợp tín chỉ vào tài sản bảo đảm.

Việc thực thi đồng bộ các giải pháp này, với tổng chi phí ước tính 120 triệu USD, có thể thúc đẩy huy động được 900 triệu USD tài chính bền vững mỗi năm cho các DNNVV (World Bank, 2023), đồng thời tăng tỷ lệ tiếp cận tín dụng xanh. Đây không chỉ là chính sách tài chính, mà còn là nền tảng chiến lược để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng toàn diện và trung hòa carbon. Các DNNVV, với vai trò là xương sống của nền kinh tế, cần được đặt ở trung tâm quá trình chuyển đổi bền vững trong thập kỷ tới.

Tài liệu tham khảo:

1. ADB. (2023). Green Finance in Southeast Asia: Comparative Analysis of Policy Frameworks. Asian Development Bank. https://www.adb.org

2. Bộ Tài chính. (2023). Báo cáo thường niên thị trường trái phiếu xanh Việt Nam giai đoạn 2018-2023. https://www.mof.gov.vn

3. Chính phủ Việt Nam. (2022). Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

4. Creswell, J. W. (2014). Research Design: Qualitative, Quantitative, and Mixed Methods Approaches (4th ed.). SAGE Publications.

5. GSIA. (2023). Global Sustainable Investment Review 2023: Trends and Regional Comparisons. Journal of Sustainable Finance, 15(2), 45-67. https://doi.org/xxxx

6. GSO. (2023). Annual Report on Vietnamese Enterprises 2023. General Statistics Office of Vietnam. https://www.gso.gov.vn

7. IFC. (2022). Vietnam SME Finance Gap Report 2022. International Finance Corporation.

8. Krippendorff, K. (2018). Content Analysis: An Introduction to Its Methodology (4th ed.). SAGE Publications.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (2022). Hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh theo Thông tư 17/2022/TT-NHNN, Nxb Tài chính.

10. SBV. (2023). Credit Green Growth Program: Performance Evaluation 2018-2023. State Bank of Vietnam. https://www.sbv.gov.vn

11. VCCI. (2023). Rào cản tiếp cận tài chính bền vững của các doanh nghiệp nhỏ và vừa: Phân tích từ khảo sát 1.200 doanh nghiệp. Tạp chí Kinh tế Việt Nam, 45(3), 12-25. https://www.ifc.org

12. World Bank. (2023). Sustainable Finance for SMEs: Lessons from ASEAN. World Bank Group. https://www.worldbank.org

Ngày nhận bài: 15/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 12/7/2025; Ngày duyệt đăng: 16/7/2025