Nguyễn Quang Hợp
Email: hopnguyenquang@tueba.edu.vn
Vũ Quỳnh Nam
Email: quynhnam@tueba.edu.vn
Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên
Tóm tắt
Khoai lang là một trong những cây lương thực quan trọng hàng đầu thế giới. Hiện nay, nhiều vùng trồng khoai lang ở nước ta đã từng bước xây dựng thương hiệu, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến. Tại khu vực Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, khoai lang là một trong số những nông sản phẩm nổi tiếng của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm khoai lang tại Móng Cái vẫn còn ở mức độ sơ khai, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự kết nối giữa các hộ nông dân sản xuất, hợp tác xã và thương lái. Từ việc phân tích thực trạng sản xuất và chuỗi giá trị khoai lang khu vực Móng Cái, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi giá trị và hoàn thiện chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương để phát triển chuỗi giá trị khoai lang tại đây.
Từ khóa: Chuỗi giá trị, sản phẩm khoai lang, Móng Cái, Quảng Ninh
Summary
Sweet potato is one of the world’s most important staple crops. In Vietnam, many sweet potato-growing regions have gradually built up their brands and gained recognition among domestic consumers. In the Mong Cai area of Quang Ninh Province, sweet potato is one of the region’s notable agricultural products. However, the development of sweet potato production in Mong Cai remains at a rudimentary level, with small-scale, fragmented production and weak connections between farming households, cooperatives, and traders. By analyzing the current production situation and the sweet potato value chain in Mong Cai, Quang Ninh Province, this study proposes several solutions to promote digital transformation, brand development, value chain construction, and improved local government support policies for the development of the sweet potato value chain in the area.
Keywords: Value chain, sweet potato products, Mong Cai, Quang Ninh
ĐẶT VẤN ĐỀ
Khoai lang được coi là một trong những loại cây lương thực mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại miền Bắc, khoai lang được trồng rải rác ở một số địa phương, trong đó, khu vực Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được biết đến với giống khoai lang thơm ngon nổi tiếng. Hiện toàn khu vực có 512 ha khoai lang, năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha. Khoai lang Móng Cái có những đặc điểm nổi bật về chất lượng như: vị ngọt, dẻo, hàm lượng dinh dưỡng cao... Tuy nhiên, diện tích trồng khoai lang bị thu hẹp do đô thị hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, việc thiếu quy hoạch vùng trồng hay chưa có quy trình chế biến và bảo quản khoa học, chưa có chính sách hỗ trợ đầu ra cũng làm giảm động lực sản xuất, khả năng cạnh tranh kém và chưa tiếp cận được thị trường rộng hơn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm khoai lang, phân tích từng tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm qua chế biến, nâng cao thu nhập cho nông dân, liên kết sản xuất, tiêu thụ mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Khái niệm chuỗi giá trị lần đầu tiên được phát triển bởi Michael Porter (1985) nhấn mạnh, giá trị sản phẩm không chỉ được tạo ra ở khâu sản xuất mà xuyên suốt qua một chuỗi các hoạt động liên kết, từ cung ứng đầu vào, sản xuất, chế biến, vận chuyển, phân phối đến tiêu dùng cuối cùng. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO, 2007) định nghĩa, chuỗi giá trị là hệ thống các tác nhân tham gia vào việc đưa sản phẩm nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn bao gồm cả các dịch vụ hỗ trợ như: tín dụng, hậu cần (logistics), thông tin thị trường và công nghệ. Mỗi mắt xích không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà còn chia sẻ rủi ro và lợi ích trong toàn chuỗi. Việc phân tích chuỗi giá trị cho phép nhận diện các điểm nghẽn, đánh giá hiệu quả hoạt động và đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
Để phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, Trần Quang Huy và cộng sự (2016) khi nghiên cứu tại xã Quang Bình (huyện Bạnh Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã đề xuất mô hình đối tác công tư trong phát triển nông nghiệp và chỉ ra mô hình đối tác công tư dựa trên phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp là phù hợp trong bối cảnh hiện nay tại vùng núi phía Bắc Việt Nam.
Trong lĩnh vực khoai lang, nhiều nghiên cứu quốc tế đã tiếp cận chuỗi giá trị với các phương pháp và mục tiêu khác nhau. Sugri và cộng sự (2017) nghiên cứu khảo sát định lượng kết hợp phân tích SWOT cho thấy, chuỗi khoai lang chủ yếu phục vụ tiêu dùng tươi, gặp khó khăn về giống, sâu bệnh và bảo quản. Wie và cộng sự (2017) tập trung vào rủi ro trong chuỗi giá trị, phát hiện giá cả biến động và tổn thất sau thu hoạch là các yếu tố chính ảnh hưởng tới lợi nhuận. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa phân tích vai trò của công nghệ trong giảm thiểu rủi ro thị trường. Mayanja và cộng sự (2022) nghiên cứu tại Mozambique cho thấy, thương mại hóa khoai lang nâng cao quyền ra quyết định của phụ nữ nhưng chưa cải thiện quyền sở hữu tài sản.
Tuy vậy, các nghiên cứu hiện tại chưa đi sâu vào bối cảnh cụ thể tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng biên giới như Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), nơi có đặc điểm sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, thiếu liên kết và hạ tầng hỗ trợ. Vai trò của hợp tác xã trong điều phối chuỗi, ứng dụng thương mại điện tử và logistics nông sản còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vì vậy, việc phân tích chuỗi giá trị khoai lang tại Móng Cái sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống khoa học, cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc thiết kế mô hình chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững và phù hợp với điều kiện địa phương.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu tiến hành khảo sát bằng bảng hỏi, kết hợp phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đối với từng nhóm đối tượng: các hộ nông dân trồng khoai lang; hợp tác xã (HTX) trồng - thu mua - chế biến; thương lái và người tiêu dùng khoai lang. Mẫu khảo sát bao gồm: 230 hộ nông dân, HTX có trồng, chế biến khoai lang; 100 người tiêu dùng; 30 thương lái, người kinh doanh sản phẩm khoai lang tại khu vực Móng Cái.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Về chuỗi giá trị sản phẩm khoai lang
Kết quả nghiên cứu cho thấy, chuỗi giá trị sản phẩm khoai lang Móng Cái hiện mới đang trong giai đoạn sơ khai, với sự tham gia chủ yếu của 3 nhóm tác nhân chính: hộ nông dân, HTX và người thu gom. Trong đó, hộ nông dân đóng vai trò trung tâm vừa sản xuất, sơ chế ban đầu và tiêu thụ sản phẩm qua các kênh khác nhau như thương lái, HTX, chợ truyền thống và một phần tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT). Hiện nay, khu vực Móng Cái có 1 HTX thực hiện vai trò sản xuất, sơ chế, chế biến và cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng nội địa. HTX vừa thực hiện sản xuất, đồng thời tham gia thu mua sản phẩm khoai lang từ các hộ thành viên và các hộ không phải là thành viên HTX ở trên địa bàn. Người thu gom chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, mua sản phẩm khoai lang tươi của người nông dân và thực hiện bán lại để kiếm lời.
Hình 1: Chuỗi giá trị sản phẩm khoai lang Móng Cái (Quảng Ninh)
![]() |
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả
Chuỗi giá trị sản phẩm khoai lang khu vực Móng Cái được mô phỏng qua Hình 1 cho thấy, hiện nay, liên kết trong chuỗi giá trị khoai lang còn rất lỏng lẻo. Ngoại trừ mối quan hệ giữa các thành viên HTX với HTX, còn lại các liên kết khác trong chuỗi cơ bản đều ở mức độ sơ khai, chưa có các hợp đồng hợp tác mang tính ràng buộc cao. Điều này dẫn đến việc đứt gãy chuỗi giá trị có thể diễn ra bất cứ khi nào và chịu ảnh hưởng rất lớn của sự biến động giá cả trên thị trường. Mặt khác, qua nghiên cứu cho thấy, hiện cũng chưa có tác nhân nào trong chuỗi có thể đảm bảo được vai trò chủ chuỗi. Mối quan hệ giữa HTX với các hộ trồng khoai lang chủ yếu dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán mà chưa có các hợp đồng ràng buộc rõ ràng. Chính quyền địa phương mặc dù có nhiều hỗ trợ cho phát triển sản xuất khoai lang và cây khoai lang cũng được xác định là cây trồng chủ lực, thế mạnh của địa phương, nhưng hiện cũng chưa có một chính sách cụ thể nào để góp phần hình thành và phát huy được vai trò chuỗi giá trị. Đây chính là điểm yếu trong phát triển chuỗi giá trị của khoai lang Móng Cái cần được tháo gỡ trong thời gian tới.
Phân tích cơ cấu chi phí chuỗi giá trị sản xuất khoai lang Móng Cái
Để phân tích hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm khoai lang Móng Cái, việc đánh giá cơ cấu chi phí ở từng khâu là hết sức cần thiết nhằm xác định các điểm tạo ra giá trị gia tăng và những mắt xích còn hạn chế; đồng thời cung cấp cái nhìn tổng thể về các khoản mục chi phí cụ thể từ đầu vào sản xuất, trồng trọt, thu hoạch đến sơ chế và tiêu thụ. Qua đó, sẽ giúp làm rõ mức độ đóng góp của từng khâu vào tổng chi phí, đồng thời chỉ ra dư địa để tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế của chuỗi giá trị khoai lang tại địa phương.
Bảng 1: Cơ cấu chi phí chuỗi giá trị khoai lang Móng Cái
(Tính cho 10kg sản phẩm)
![]() |
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả
Từ góc nhìn chuỗi giá trị, Bảng 1 cho thấy, sản xuất khoai lang tại Móng Cái hiện nay vẫn chủ yếu hoạt động theo mô hình hộ gia đình, nhỏ lẻ, ít tích hợp theo chiều sâu và chi phí sản xuất vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn từ tính phi tập trung của chuỗi. Tổng chi phí thực tế cho sản xuất 10kg khoai lang tại địa phương theo kết quả khảo sát là 33.000 đồng, với cơ cấu chi phí phản ánh rõ các giới hạn trong tổ chức sản xuất cũng như vị trí yếu thế của nông hộ trong chuỗi giá trị.
Chi phí đầu vào chiếm gần 60% tổng chi phí, trong đó phân bón là khoản mục lớn nhất (8.500 đồng/10kg), tiếp đến là giống (8.000 đồng/10kg). Đây là 2 khoản mà nông hộ phải tự chủ, trong khi việc tiếp cận đầu vào chất lượng cao qua kênh HTX liên kết vẫn còn hạn chế. Chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp (2.000 đồng/10kg) phần nào phản ánh phương pháp canh tác ít phụ thuộc hóa chất, song điều này cũng đồng nghĩa với năng suất chưa được tối ưu hóa về mặt kỹ thuật. Lao động và khâu thu hoạch chiếm gần 35% tổng chi phí, nhưng phần lớn là lao động gia đình, chưa được cơ giới hóa, dẫn đến năng suất lao động thấp và không có lợi thế quy mô. Đáng chú ý, chi phí sơ chế chỉ ở mức 2.000 đồng/10kg, chủ yếu là phân loại bằng tay và rửa bằng nước sạch, cho thấy giá trị gia tăng sau thu hoạch gần như bằng không.
Ở khâu tiêu thụ, phần lớn hộ dân bán trực tiếp tại ruộng cho thương lái với giá trung bình 9.000 đồng/10kg. Mặc dù không phát sinh chi phí vận chuyển hay thương mại, nhưng chính sự lệ thuộc vào thương lái khiến người sản xuất không có quyền định giá, từ đó, làm giảm phần giá trị mà họ đáng lý ra có thể nắm giữ trong chuỗi. Trên thực tế, thương lái thường đóng vai trò nắm giữ thông tin thị trường, kiểm soát đầu ra và hưởng phần lớn lợi nhuận sau khi sản phẩm được bán lại cho nhà bán lẻ hoặc xuất khẩu. Một trong những điểm đáng chú ý trong Bảng 1 là chi phí tiêu thụ chỉ có 0 đồng. Điều này một mặt cho thấy sản phẩm khoai lang Móng Cái khi sản xuất ra có thể tiêu thụ hết ngay tại ruộng, đó là một điểm mạnh của chuỗi giá trị. Nhưng mặt khác cũng cho thấy, có thể do quy mô trồng còn quá nhỏ lẻ, dẫn đến chưa cần phải tính toán đến khâu tiêu thụ hoặc những hộ trồng khoai lang quá phụ thuộc và ỷ lại vào hệ thống thu gom mà chưa có các hoạt động tự tiêu thụ. Đây là điểm yếu nội tại của các tác nhân trồng khoai lang trên địa bàn. Vì thế, việc xây dựng chuỗi giá trị lại càng có tính cấp thiết hơn, chỉ có như vậy mới có thể mở rộng được quy mô vùng trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, chuỗi giá trị khoai lang tại Móng Cái hiện chủ yếu thiên về chiều ngang, thiếu sự liên kết dọc hiệu quả giữa các tác nhân như: HTX, nông dân và người tiêu dùng. Đặc biệt, trên địa bàn Móng Cái chưa có liên kết với doanh nghiệp trong bất kể khâu nào của chuỗi.
Bảng 2: Phân tích chi phí - lợi nhuận khoai lang Móng Cái theo các kênh tiêu thụ
![]() |
Nguồn: Khảo sát của nhóm tác giả
Kết quả nghiên cứu Bảng 2 cho thấy sự khác biệt về hiệu quả kinh tế giữa các phương thức tiêu thụ khoai lang tại Móng Cái, phản ánh mức độ tham gia vào chuỗi giá trị và khả năng kiểm soát đầu ra của người sản xuất. Năm kênh tiêu thụ phổ biến: bán tại ruộng, bán tại chợ truyền thống, bán qua HTX liên kết, bán cho các cửa hàng siêu thị và bán qua TMĐT cho thấy những mức lợi nhuận và chi phí rất khác nhau, dù cùng một chi phí sản xuất đầu vào.
Ở cấp độ sản xuất, tất cả các cách thức tiêu thụ đều có tổng chi phí sản xuất như nhau là 33.000 đồng/10kg, bao gồm: giống, phân bón, lao động và vật tư cơ bản. Sự khác biệt chỉ bắt đầu xuất hiện ở các khâu: logistics, sơ chế, tiếp thị và phân phối, vốn là những yếu tố quyết định giá trị gia tăng và mức lợi nhuận cuối cùng.
Trường hợp 1, hộ bán khoai lang tại ruộng cho thương lái, với tổng chi phí chuỗi là 33.000 đồng/10kg, không phát sinh thêm chi phí logistics hay marketing giúp hộ nông dân giữ mức chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, mức giá bán chỉ đạt 90.000 đồng/10kg và lợi nhuận là 57.000 đồng/10kg, với tỷ suất lợi nhuận đạt 172,73%. Dù tỷ suất cao, nhưng phương thức này lại tiềm ẩn rủi ro lớn về giá do nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và không có quyền định giá.
Trường hợp 2, hộ bán khoai lang tại chợ truyền thống cho phép người nông dân tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng nhưng lại kéo theo chi phí vận chuyển, chi phí đi lại, chi phí bán hàng tương đối cao (10.000/10kg). Tổng chi phí toàn chuỗi là 43.000 đồng/10kg, giá bán đạt 110.000 đồng/10kg, lợi nhuận là 67.000 đồng/10kg với tỷ suất lợi nhuận giảm xuống còn 155,81%. Dù hình thức này mang lại sự chủ động hơn trong bán hàng, nhưng đòi hỏi chi phí thời gian, nhân lực và kỹ năng giao tiếp thị trường.
Trường hợp 3, bán khoai lang qua HTX (có hợp đồng bao tiêu sản phẩm) được đánh giá là phương thức cân bằng và bền vững. Giá bán ở mức 115.000 đồng/10kg, tổng chi phí chuỗi chỉ 42.000 đồng/10kg nhờ HTX hỗ trợ sơ chế, đóng gói và đầu ra thị trường. Lợi nhuận là 73.000 đồng/10kg, với tỷ suất đạt 173,81%, cao hơn cả bán tại ruộng và chợ. Đặc biệt, mô hình này giúp hộ nông dân chia sẻ rủi ro thị trường, tiếp cận đầu ra ổn định, và giảm chi phí thương mại nhờ quy mô tập thể.
Trường hợp 4, bán khoai lang cho cửa hàng, siêu thị yêu cầu đóng gói và giao hàng đạt tiêu chuẩn, phát sinh chi phí logistic, đóng gói là 10.000 đồng/10kg. Mức giá bán 120.000 đồng/10kg giúp người nông dân thu lợi 77.000 đồng/10kg, tỷ suất 179,07%. Đây là mô hình phù hợp với các hộ hoặc HTX có đầu tư vào truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng và hình ảnh sản phẩm.
Trường hợp 5, bán khoai lang qua TMĐT là mô hình có chi phí chuỗi cao nhất (58.000 đồng/10kg) do phát sinh chi phí đóng gói (15.000 đồng/10kg) và marketing, vận hành sàn (10.000 đồng/10kg). Tuy nhiên, đây cũng là kênh mang lại lợi nhuận cao nhất: 122.000 đồng/10kg, với tỷ suất lợi nhuận 210,34%. Điều này chứng minh rằng, nếu người sản xuất làm chủ được toàn bộ chuỗi giá trị từ sản phẩm, bao bì, truyền thông đến phân phối thì họ có thể tối đa hóa lợi nhuận. Mặc dù vậy TMĐT đòi hỏi năng lực quản lý đơn hàng, chăm sóc khách hàng và đầu tư vào hình ảnh sản phẩm, điều mà nhiều hộ nông dân hiện nay còn hạn chế.
Như vậy, nghiên cứu đã phân tích được mức độ tham gia vào các khâu giá trị sau sản xuất càng sâu, khả năng gia tăng lợi nhuận càng lớn. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, nông dân cần được hỗ trợ chuyển đổi từ mô hình sản xuất thuần túy sang mô hình kinh doanh nông nghiệp - nơi họ không chỉ sản xuất ra sản phẩm mà còn chủ động tiếp cận thị trường, kết nối chuỗi và phát triển thương hiệu riêng. Trong đó, HTX nên là mắt xích trung gian chiến lược, vừa hỗ trợ kỹ thuật, logistics, vừa làm cầu nối giữa nông dân và các kênh tiêu thụ hiện đại. Bên cạnh đó, TMĐT là hướng đi tất yếu để nâng cao vị thế người sản xuất trong chuỗi, nhưng đòi hỏi quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và sự đồng hành từ chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức trung gian.
KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy, chuỗi giá trị khoai lang tại Móng Cái hiện đang vận hành ở mức sơ khai, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân, thiếu chủ chuỗi giá trị; hoạt động chuỗi chủ yếu dựa vào sản xuất hộ nhỏ lẻ và tiêu thụ qua thương lái truyền thống. Tổng chi phí sản xuất ở mức thấp, nhưng khả năng tạo giá trị gia tăng qua các khâu sau thu hoạch như: sơ chế, đóng gói, marketing còn rất hạn chế. Việc thiếu doanh nghiệp chế biến, thiếu mô hình hợp tác hiệu quả và sự hỗ trợ chưa đầy đủ của HTX khiến chuỗi giá trị chưa phát huy hết tiềm năng, làm giảm năng lực cạnh tranh và thu nhập của nông dân. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy, mức độ tham gia sâu vào các khâu sau sản xuất tỷ lệ thuận với lợi nhuận: các hình thức như bán qua HTX, siêu thị và TMĐT tuy có chi phí cao hơn, nhưng mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường.
Một số đề xuất
Nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị khoa lang khu vực Móng Cái, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thí điểm thực hiện mô hình đối tác công tư trong phát triển chuỗi giá trị khoai lang. Trong đó, chính quyền cơ sở trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch ngân sách hằng năm đầu tư cho phát triển khoai lang. Các khoản đầu tư hỗ trợ sẽ thông qua đối tác tư là chủ chuỗi. Chủ chuỗi thay mặt đối tác công là chính quyền cơ sở để thực hiện các hoạt động đầu tư và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư này.
Thứ hai, xây dựng chuỗi giá trị khoai lang trên cơ sở thiết lập và nâng cao vai trò điều phối của HTX như một đơn vị chủ chuỗi. HTX cần ký kết hợp đồng bao tiêu với hộ nông dân, hỗ trợ đầu vào, kỹ thuật canh tác và đóng vai trò đầu mối thu mua, phân phối. Từng bước xây dựng chuỗi liên kết dọc có sự tham gia của doanh nghiệp chế biến, hệ thống bán lẻ và sàn TMĐT nhằm kéo dài giá trị sản phẩm và giảm phụ thuộc vào thương lái. Chính quyền cơ sở xây dựng quy chế giám sát và làm trọng tài trong quá trình vận hành chuỗi khi có những mâu thuẫn phát sinh giữa các tác nhân chuỗi.
Thứ ba, đầu tư vào khâu sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc hỗ trợ HTX và hộ sản xuất đầu tư máy móc sơ chế, đóng gói, bảo quản đạt chuẩn an toàn thực phẩm (thông qua mô hình đối tác công tư). Thúc đẩy xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý cho khoai lang Móng Cái nhằm tăng nhận diện và định vị thị trường.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số thông qua việc đào tạo nông dân và HTX sử dụng nền tảng TMĐT, quản lý đơn hàng, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR, tích hợp với thương hiệu và câu chuyện sản phẩm để gia tăng lòng tin của người tiêu dùng.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ. Chính quyền địa phương cần có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất, hỗ trợ HTX vay vốn ưu đãi đầu tư hạ tầng chế biến, bảo quản. Hỗ trợ kỹ thuật, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài nước, đặc biệt là khai thác tiềm năng xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái.
Thứ sáu, nâng cao năng lực và tổ chức sản xuất thông qua việc tổ chức tập huấn định kỳ cho nông dân về kỹ thuật canh tác bền vững, an toàn thực phẩm và quản trị sản xuất nông nghiệp. Xây dựng mô hình "nông dân - doanh nghiệp - HTX - nhà nước" trong phát triển chuỗi giá trị xác định rõ vai trò, lợi ích và trách nhiệm của từng bên.
Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị khoai lang Móng Cái cần một cách tiếp cận toàn diện, trong đó phát triển HTX, ứng dụng TMĐT và đầu tư vào chế biến là 3 trụ cột cốt lõi để hướng đến chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập nông dân và thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng hiện đại, cạnh tranh và hội nhập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. FAO (2007). Pro-Poor Value Chain Development: 25 guiding questions for designing and implementing agroindustry projects. Food and Agriculture Organization of the United Nations, Rome.
2. Mayanja, S., Mudege, N., Snyder, K. A. (2022). Commercialisation of the Sweetpotato Value Chain: Impacts on Women Producers in Mozambique. Outlook on Agriculture, 51(3), 248-258. https://doi.org/10.1177/00307270221105533
3. Sugri, I., Maalekuu, B. K., Gaveh, E., & Kusi, F. (2017). Sweet Potato Value Chain Analysis Reveals Opportunities for Increased Income and Food Security in Northern Ghana. Advances in Agriculture, Volume 2017, Article ID 8767340. https://doi.org/10.1155/2017/8767340.
4. Trần Quang Huy và cộng sự (2017). Đổi mới và phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh của hộ nông dân trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn (Nghiên cứu trường hợp xã Quân Bình), Nxb Lao Động.
5. Wie et al (2017). An Assessment of Risks Along the Sweet Potato Value Chain in Ghana. Asian Development Policy Review, 5(3): 159-174. https://doi.org/10.18488/journal.107.2017.53.159.174
Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 5/7/2025; Ngày duyệt đăng: 9/7/2025 |