“Giải mã” tối hậu thư 50 ngày của Tổng thống Trump gửi Nga

() - Các chuyên gia đã tìm cách “giải mã” tối hậu thư 50 ngày do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho Nga.
“Giải mã” tối hậu thư 50 ngày của Tổng thống Trump gửi Nga - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Vào ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một tối hậu thư cứng rắn: Nga có 50 ngày để đạt được một thỏa thuận hòa bình, nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế quan "rất nghiêm khắc" đối với hàng xuất khẩu của Moscow - có khả năng lên tới 100%. Động thái này báo hiệu sự chuyển hướng từ những tuyên bố khoa trương sang một chiến lược có thời hạn nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán.

Mặc dù tuyên bố của Tổng thống Trump đã gây chấn động ở Washington và châu Âu, nhưng phản ứng từ Moscow mới được xem là yếu tố quan trọng. Các nhà phân tích chính trị, học giả chính sách đối ngoại của Nga đã giải mã tối hậu thư của ông chủ Nhà Trắng.

Ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu và Quốc tế tại Đại học HSE, cho rằng tối hậu thư của Tổng thống Trump có thể là một trở ngại lớn cho bất kỳ tiến triển có ý nghĩa nào về vấn đề Ukraine, thậm chí có thể sẽ đóng băng tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga trong tương lai gần.

Nga cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện không có động lực để tham gia vào các cuộc đàm phán nghiêm túc với Moscow hoặc xem xét các điều khoản được nêu trong bản ghi nhớ ngừng bắn của Nga.

Theo ông Suslov, "phe chủ chiến" ở châu Âu sẽ lợi dụng những tuyên bố của Tổng thống Trump làm vỏ bọc để hứa hẹn với Ukraine về nguồn cung viện trợ quân sự vô tận - khiến xung đột leo thang hơn nữa. Theo đó, kịch bản có thể xảy ra là các bên không ngừng bắn, không đàm phán, thay vào đó là sự leo thang ngày càng tăng. Kiev thậm chí có thể từ bỏ tiến trình hòa bình Istanbul trong những tháng tới, trừ khi tình hình chiến trường thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Ukraine.

Quan hệ Mỹ - Nga đã ở trong tình trạng bế tắc và Washington đã tạm dừng đối thoại. Do vậy, tối hậu thư của Tổng thống Trump có thể khiến sự bế tắc đó có thể kéo dài vô thời hạn. Khi ông Trump đưa ra tối hậu thư, đặt ra các hạn chót và đe dọa các đối tác thương mại chủ chốt của Nga bằng mức thuế 100%, cơ hội bình thường hóa quan hệ hay hợp tác càng trở nên mơ hồ, theo chuyên gia Suslov.

Khác với chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden, đội ngũ của Tổng thống Trump dường như cam kết duy trì các kênh ngoại giao mở với Moscow, bất kể có tiến triển về vấn đề Ukraine hay không. Mặc dù vậy, đây không phải là cơ hội để đạt được thỏa thuận theo điều kiện của Nga. Mục tiêu của ông Trump là gây áp lực buộc Moscow phải thỏa hiệp - điều rất khó có khả năng xảy ra.

Tuyên bố của ông Trump cũng cho thấy ông không có ý định để Quốc hội quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông muốn toàn quyền kiểm soát thuế quan, cả về quy mô, thời điểm và cấu trúc. Đó là lý do hoàn toàn có khả năng ông sẽ điều chỉnh hoặc trì hoãn hạn chót trong tối hậu thư do mình tự đặt ra.

Tối hậu thư 50 ngày

Bình luận về tối hậu thư của Tổng thống Trump, ông Ivan Timofeev, giám đốc chương trình của Câu lạc bộ Valdai, chỉ ra một số điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, ông Trump dường như thất vọng với lập trường của Moscow về Ukraine.

Nga đã từ chối đóng băng xung đột theo những điều khoản có lợi cho cả Mỹ và Kiev - một dấu hiệu cho thấy ông Trump coi đối thoại đã đi vào ngõ cụt.

Thứ hai, dự luật trừng phạt của nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham hiện có nhiều khả năng được thông qua hơn.

Dự luật này sẽ cho phép áp thuế thứ cấp lên tới 500% đối với các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ và các nguyên liệu thô khác của Nga.

Thứ ba, ông Trump sẽ có toàn quyền quyết định đối với các mức thuế quan thứ cấp.

Điều này có nghĩa là ông Trump có thể áp thuế 100%, 500%, hoặc bất kỳ mức nào ở giữa, thậm chí ông có thể điều chỉnh mức thuế khác nhau tùy thuộc vào quan hệ song phương. Ví dụ, Ấn Độ có thể phải đối mặt với mức thuế thấp hơn, Trung Quốc phải chịu mức thuế cao hơn, hoặc ông có thể áp dụng chúng một cách thống nhất. Tiền lệ trừng phạt Iran cho thấy các quốc gia giảm mua dầu đã được miễn trừ như một “phần thưởng” cho "hành vi tốt" của họ.

Thứ tư, sự phản kháng phối hợp từ Nam Bán cầu khó có thể xảy ra.

Ông Trump đã gây áp lực lên cả các đồng minh và các nước trung lập bằng các mức thuế quan mới kể từ tháng 4 và hầu hết đều đang nhượng bộ.

Ngay cả Trung Quốc cũng đang hành động thận trọng. Vì vậy, trong ngắn hạn, việc mua hàng hóa của Nga giảm xuống chỉ đơn giản là vì các nước muốn tránh đối đầu với ông Trump. Mặt khác, các quốc gia có thể yêu cầu mức phí bảo hiểm rủi ro cao hơn. Mặc dù có rất nhiều sự ủng hộ về mặt phát ngôn dành cho Nga ở Nam Bán cầu, nhưng rất ít quốc gia sẵn sàng hành động.

Thứ năm, hạn chót 50 ngày của ông Trump giống như một tối hậu thư.

Moscow gần như chắc chắn sẽ phớt lờ tối hậu thư này, khiến việc áp đặt thuế quan thứ cấp trở thành một kịch bản nhiều khả năng xảy ra. Tuy nhiên, Nga vẫn có đòn bẩy, dù có thể hạn chế. Nga đang chuẩn bị cho một con đường khó khăn, trong bối cảnh thị trường hàng hóa toàn cầu thắt chặt và các kênh xuất khẩu được thiết lập tốt đang có lợi cho Nga.

Thứ sáu, động thái của ông Trump có thể đánh dấu sự kết thúc của ngoại giao hậu trường về Ukraine.

Các lệnh trừng phạt sẽ được tăng cường và việc chuyển giao vũ khí cho Kiev có thể sẽ được thúc đẩy. Về phần mình, Nga sẽ duy trì áp lực quân sự.

Thế bế tắc quen thuộc sẽ quay trở lại. Phương Tây đặt cược vào sự suy yếu của nền kinh tế Nga, trong khi Moscow trông chờ vào thất bại quân sự của Ukraine và sự bất ổn nội bộ của phương Tây. Nhưng sau 3 năm, rõ ràng là giả định của cả hai bên đều không thành hiện thực. Các lệnh trừng phạt vẫn chưa thể lay chuyển quyết tâm của Nga, và nỗ lực xung đột đang trên một nền tảng dài hạn mới.

Công cụ gây sức ép

Ông Dmitry Novikov, phó giáo sư tại Trường Kinh tế Cấp cao, cho rằng việc ông Trump dọa áp thuế quan thứ cấp 100%, và đặt ra hạn chót 50 ngày, dường như là công cụ gây sức ép chính của nhà lãnh đạo Mỹ.

Là một người theo chủ nghĩa kinh tế, ông Trump có lẽ tin rằng đây là lời đe dọa mạnh mẽ và hiệu quả nhất của mình. Nhưng liệu nó có thực sự được thực hiện hay không vẫn chưa rõ ràng. Những nỗ lực trước đây nhằm siết chặt xuất khẩu năng lượng của Nga như áp giá trần, cấm nhập khẩu vẫn không thực sự ngăn chặn được dòng chảy này. Nga đã tìm cách thích nghi.

Về bản chất, tối hậu thư của Tổng thống Trump gửi Nga mang tính tâm lý hơn là chiến lược: “Các bạn có 50 ngày. Sau đó, tôi sẽ nghiêm túc”.

Nhưng ông Trump đã bỏ ngỏ một câu hỏi then chốt: Mỹ thực sự sẵn sàng đi xa đến đâu nếu không có tiến triển nào sau 50 ngày? Một kịch bản có thể xảy ra là thuế quan là đòn giáng cuối cùng và Washington lùi bước sau đó. Nhưng nếu những mức thuế quan đó chỉ là màn dạo đầu cho sự leo thang quân sự hoặc chính trị rộng lớn hơn, đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Ông Trump vẫn cố tình giữ mọi thứ mơ hồ, dựa vào quan điểm truyền thống rằng “một lời đe dọa thậm chí mạnh hơn một cuộc tấn công”. Có vẻ như ông chủ Nhà Trắng đang kỳ vọng Moscow có thể hình dung ra kịch bản tồi tệ nhất.

Ông Sergey Oznobishchev, Trưởng phòng Phân tích Chính trị Quân sự và Dự án Nghiên cứu tại tổ chức IMEMO RAS, nhận định Tổng thống Trump cần phải “giữ thể diện”. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột chỉ trong một ngày, nhưng điều đó đã không xảy ra. Trong khi đó, Nga không hề lùi bước, không đồng ý ngừng bắn với Ukraine và không dừng các cuộc tấn công. Vì vậy, ông Trump đang chịu áp lực phải hành động.

Tổng thống Mỹ đang ra hiệu với Moscow rằng ông dự đoán một động thái đáp trả từ Nga và ông đang cố gắng đạt được mục tiêu thông qua sự kết hợp giữa áp lực ngoại giao và các mối đe dọa kinh tế.

Ông Trump thường mở đầu các cuộc đàm phán bằng những đề nghị táo bạo, cứng rắn, nhưng sau đó lại rút lại và rơi vào thế trung dung. Đó là phong cách của ông được đúc kết trực tiếp từ môi trường kinh doanh: Gây áp lực trước, sau đó mới đạt được thỏa thuận.

Tất nhiên, tối hậu thư - đặc biệt là cam kết gửi vũ khí cho Ukraine - sẽ chỉ làm gia tăng sự chỉ trích đối với Tổng thống Trump trong nội bộ Nga. Tuy nhiên, đây chưa phải là lập trường cứng rắn nhất mà ông có thể đưa ra. Đó là một thông điệp cứng rắn, nhưng vẫn để lại chỗ cho những động thái điều chỉnh.

Chuyên gia Nikolai Silayev tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học MGIMO, không cho rằng Nga và Mỹ đứng bên bờ vực của một cuộc leo thang mới.

Ông chỉ ra rằng Tổng thống Trump chưa thông qua dự luật trừng phạt vốn đang được Quốc hội thảo luận. Thay vào đó, ông đang nói về việc áp đặt thuế quan 100% bằng sắc lệnh hành pháp, tương tự cách ông từng làm trong quá khứ.

Mốc thời gian 50 ngày mà ông Trump đề cập chỉ là mốc thời gian mới nhất trong một loạt mốc thời gian mà ông đã đưa ra trước đây.

Một mặt, ông Trump muốn tránh rơi vào cuộc đối đầu với Nga như thời ông Biden. Mặt khác, ông không muốn thấy Ukraine bị đánh bại và cũng không muốn chấp nhận lệnh ngừng bắn theo các điều kiện của Moscow, vì điều đó có thể bị coi là một thất bại của Mỹ, và theo đó, là một thất bại cá nhân.