EU công bố một trong những gói trừng phạt cứng rắn nhất với Nga

() - Các thành viên EU đồng thuận về gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.
EU công bố một trong những gói trừng phạt cứng rắn nhất với Nga - 1

Cao ủy EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Kaja Kallas (Ảnh: Reuters).

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, bao gồm một loạt biện pháp nhằm tới ngành dầu mỏ và năng lượng của Moscow.

Theo các nhà ngoại giao, gói trừng phạt mới nhất này sẽ hạ mức trần giá dầu thô của Nhóm G7 từ 60 USD xuống còn 47,6 USD mỗi thùng.

“EU vừa thông qua một trong những gói trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Nga”, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại EU, bà Kaja Kallas, viết trên mạng xã hội X.

Bà tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga để việc khép lại chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ trở thành "con đường duy nhất mà Moscow có thể lựa chọn".

Gói trừng phạt còn bao gồm các biện pháp nhằm vào 105 tàu thuộc “hạm đội bóng đêm” của Nga và những bên hỗ trợ, hệ thống ngân hàng Nga, cũng như lệnh cấm đối với các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 dưới đáy biển Baltic.

Xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch là nguồn thu chủ lực của Nga giúp duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

“Chúng tôi hoan nghênh gói trừng phạt thứ 18 của EU đối với Nga, đây là gói toàn diện nhất tính đến nay”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố.

“Tôi hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga. Chúng tôi đang tác động vào trung tâm cỗ máy chiến sự của Nga, nhắm vào các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng, công nghiệp quốc phòng, đồng thời áp dụng cơ chế điều chỉnh mới về trần giá dầu”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên X.

Thỏa thuận được đưa ra sau khi Slovakia đã 6 lần ngăn chặn vì lo ngại liên quan đến lộ trình loại bỏ khí đốt Nga.

Thủ tướng Slovakia Robert tiết lộ Ủy ban châu Âu đã đưa ra bảo đảm bằng văn bản với Slovakia, một trong những nước EU vẫn phụ thuộc nặng vào khí đốt Nga, về kế hoạch loại bỏ dần khí đốt Nga để thuyết phục nước này ủng hộ gói trừng phạt.

Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tiết lộ, kể từ khi chiến sự với Ukraine nổ ra hơn 3 năm trước, phương Tây đã áp lên Moscow 30.000 lệnh trừng phạt. Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Chúng tôi biết cách vận hành trong những điều kiện như vậy và sẽ tiếp tục tiến bước trên con đường độc lập, có chủ quyền và kiên định của mình".

Mặt khác, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, các lệnh trừng phạt đang gây thiệt hại cho các nước phương Tây hơn là cho Nga. “Càng trừng phạt nhiều, các nước áp đặt trừng phạt lại càng chịu thiệt hại nhiều hơn”, ông nói tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á-Âu ở Belarus tháng trước.

Ông Putin cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã “thay đổi chất lượng nền kinh tế Nga", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước thích nghi và tiếp quản các thị phần mà doanh nghiệp nước ngoài để lại. Ông cho rằng Nga ngày càng trở nên kiên cường hơn trước làn sóng trừng phạt chưa từng có này.