
Một tiêm kích F-35 của Hà Lan (Ảnh: MDP).
Business Insider đưa tin, NATO chuẩn bị tăng cường phòng không dọc sườn phía Đông bằng việc các máy bay tiêm kích F-35 của Hà Lan và Na Uy sẽ tuần tra bầu trời Ba Lan từ tháng 9 đến đầu tháng 12.
Sứ mệnh do Bộ Quốc phòng Hà Lan công bố nhằm bảo vệ các tuyến tiếp tế then chốt vào Ukraine và ngăn chặn hoạt động của Nga gần lãnh thổ các nước đồng minh.
Đây sẽ là lần đầu tiên các tiêm kích thế hệ thứ năm F-35 hoạt động tại Ba Lan dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO, đánh dấu một bước tiến vượt bậc so với các nhiệm vụ trước đây vốn sử dụng các máy bay cũ hơn như F-16 hay Eurofighter.
Theo ông Jamie Shea, cựu Phó Tổng Thư ký NATO phụ trách các thách thức an ninh mới nổi, sự thay đổi này vừa mang tính biểu tượng, vừa có giá trị chiến lược.
"F-35 đem lại năng lực quân sự vượt trội cho phòng không và trinh sát đặc biệt trong bối cảnh Nga đang phóng tới 700 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo mỗi đêm vào các mục tiêu tại Ukraine", ông Shea cho biết.
Binh sĩ Hà Lan và Na Uy phối hợp vận hành dưới quyền kiểm soát của NATO. Đây là phản ứng trước đề nghị từ Bộ Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh châu Âu của NATO, sau khi Nga tiến hành các đợt tấn công gần biên giới Ba Lan - Ukraine gia tăng.
Nga ngày càng nhắm vào cơ sở hạ tầng ở miền Tây Ukraine, bao gồm các khu vực gần Lutsk và Ternopil, nơi vũ khí và viện trợ phương Tây thường được đưa vào.
"Khi Nga tiến gần hơn tới biên giới Ba Lan, nguy cơ UAV và tên lửa Nga rơi vào lãnh thổ Ba Lan càng tăng", ông Shea nhận định.
Sứ mệnh này sẽ củng cố nhưng không thay thế hệ thống phòng không sẵn có của Ba Lan.
Dù các tiêm kích F-35 của NATO trước đây đã bay qua Estonia, hoạt động sắp tới tại Ba Lan nổi bật về cả thời gian lẫn cơ cấu đa quốc gia. Đây là một trong những đợt triển khai F-35 lâu nhất của NATO và giới thiệu một cơ chế phối hợp chia sẻ hoạt động.
"Triển khai trong 6 tháng là một cam kết đáng kể của Na Uy và Hà Lan. Thông thường, các đợt triển khai F-35 chỉ kéo dài vài ngày trong các cuộc diễn tập", ông Shea nói.
Ông cũng cho biết điểm mới ở đây là hai quốc gia chia sẻ cùng một sứ mệnh, "giúp tăng cường khả năng tương tác kỹ thuật và khả năng phối hợp, không chỉ giữa họ mà còn với Không quân Ba Lan".
Ông Shea coi đây là ví dụ tiêu biểu về việc hội nhập quốc phòng mà châu Âu cần có để đối phó với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, kết hợp giữa khí tài tối tân và sự điều phối chặt chẽ.
Ông Andrew A. Michta, nghiên cứu viên cao cấp tại Atlantic Council, nhận định đợt triển khai này "phản ánh sự nhận thức ngày càng rõ trong NATO rằng mối đe dọa từ Nga đối với liên minh là thực và đang gia tăng”. Đây cũng là "một bước quan trọng để điều chỉnh thế bố trí lực lượng".
Ông lưu ý: “Ba Lan là trung tâm then chốt của hệ thống phòng thủ NATO ở phía Đông và là điểm trọng yếu của hành lang Đông Bắc. Ba Lan cũng là tuyến trung chuyển then chốt để viện trợ Ukraine. Việc triển khai F-35 sẽ củng cố năng lực răn đe ở sườn phía Đông và gửi thông điệp đến Moscow về cam kết lâu dài của chúng ta đối với Ukraine”, ông Andrew nhấn mạnh.
Sứ mệnh này diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ba Lan, quốc gia đang chịu áp lực ngày càng lớn về phòng không. Không quân Ba Lan hiện chỉ có 48 chiếc F-16, trong khi các tiêm kích FA-50 mới mua từ Hàn Quốc đang bắt đầu được biên chế.
Michał Piekarski, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Wrocław, nhấn mạnh nguy cơ thường trực gần không phận NATO.
"Không phận Ba Lan, cũng như các nước khác trên sườn phía Đông NATO, liên tục bị đe dọa bởi các hoạt động của Nga. Các đợt tấn công quy mô lớn bằng tên lửa và UAV của Nga nhằm vào Ukraine thường xuyên tạo ra nguy cơ tên lửa hay UAV lạc vào không phận NATO”, ông phân tích. Ông nói thêm, F-35 sẽ hỗ trợ đáng kể cho lực lượng tiêm kích của Ba Lan.
Ông cũng cảnh báo một nguy cơ khác: tính dễ tổn thương của hạ tầng Ba Lan gần biên giới Ukraine.
Theo ông, điều này có thể đến từ một cuộc tấn công có chủ đích hoặc ngụy trang dưới dạng "tai nạn" của Nga nhằm vào các trung tâm hậu cần của Ba Lan như sân bay, ga hàng hóa đường sắt, hay cơ sở khí đốt, dầu mỏ.
Với việc Ba Lan còn phải chờ tới năm 2026 mới nhận lô F-35 đầu tiên trong hợp đồng 32 chiếc đã ký với Lockheed Martin (Mỹ) hồi 2020, các đợt huấn luyện chung với các đối tác NATO có kinh nghiệm cũng vô cùng quan trọng.
"Bất kỳ cơ hội nào để huấn luyện chung và hiểu rõ hơn các khả năng của F-35 đều rất giá trị cho lực lượng vũ trang của chúng ta", ông Piekarski nói.
Trong khi đó, bà Hanna Hopko, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine, nhận định "việc sắp triển khai F-35 của Hà Lan và Na Uy tới Ba Lan là bước đi then chốt để củng cố thế răn đe của NATO và bảo vệ những tuyến huyết mạch đang hỗ trợ phòng thủ Ukraine”.
"An ninh của lục địa châu Âu không thể tách rời khỏi an ninh của bầu trời Ukraine và sườn phía Đông NATO, đặc biệt là với các thành viên NATO giáp biên giới Nga”, bà nhấn mạnh và cũng cho rằng liên minh này cần làm nhiều hơn nữa.