ThS. Đinh Thị Hiếu
Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP. Hồ Chí Minh
Email: hieuhvhcqg2015@gmail.com
Tóm tắt
Các dự án quốc tế đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển thị trường carbon thông qua việc chuyển giao công nghệ, cung cấp tài chính xanh và hỗ trợ kỹ thuật. Các dự án này cũng giúp xây dựng năng lực thể chế, hoàn thiện khung pháp lý và triển khai cơ chế minh bạch, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp, tạo điều kiện thúc đẩy các giao dịch tín chỉ carbon. Trên cơ sở làm rõ cơ chế đóng góp của các dự án quốc tế vào phát triển thị trường carbon, nghiên cứu chỉ ra những rào cản khi thực hiện tại Việt Nam, từ đó đưa ra hàm ý chính sách thúc đẩy phát triển thị trường carbon hiệu quả và bền vững.
Từ khóa: Thị trường carbon, dự án quốc tế, phát triển bền vững, chuyển giao công nghệ, cơ chế minh bạch
Summary
International projects play a pivotal role in the development of carbon markets by facilitating technology transfer, providing green financing, and offering technical assistance. These projects contribute to institutional capacity building, legal framework improvement, and transparent mechanism implementation, thereby supporting the transition to a low-carbon economy and enabling carbon credit trading. This study clarifies the mechanisms through which international projects contribute to carbon market development and identifies barriers to implementation in Vietnam. Based on these insights, the paper proposes policy recommendations to promote an effective and sustainable carbon market.
Keywords: Carbon market, international projects, sustainable development, technology transfer, transparency mechanism
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chuyển dịch sang mô hình phát triển kinh tế ít phát thải, thị trường carbon ngày càng trở thành công cụ chính sách quan trọng nhằm đạt được các cam kết giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và chi phí thấp. Theo Ngân hàng Thế giới (2024), hiện có hơn 70 quốc gia và khu vực áp dụng các cơ chế định giá carbon, trong đó nhiều thị trường carbon được hỗ trợ trực tiếp từ các dự án quốc tế thông qua chuyển giao công nghệ, tài chính xanh và hỗ trợ thể chế. Những kinh nghiệm quốc tế như ở Trung Quốc, Chile hay Kenya cho thấy, sự tham gia của các tổ chức quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập hạ tầng thị trường, nâng cao năng lực quản lý và vận hành, từ đó thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon minh bạch, hiệu quả và bền vững.
Tại Việt Nam, hệ thống pháp lý về thị trường carbon đang trong giai đoạn hoàn thiện theo định hướng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc huy động và tận dụng hiệu quả các nguồn lực từ các dự án quốc tế còn đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về năng lực thể chế, thiếu khung pháp lý đồng bộ và cơ chế phối hợp đa bên còn lỏng lẻo. Do đó, việc làm rõ cơ chế đóng góp của các dự án quốc tế vào phát triển thị trường carbon và chỉ ra những rào cản khi thực hiện tại Việt Nam để đưa ra các hàm ý chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và vận hành thị trường carbon quốc gia một cách hiệu quả, bền vững là cấp thiết và có giá trị thực tiễn cao.
VAI TRÒ CỦA CÁC DỰ ÁN QUỐC TẾ TRONG THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON Ở VIỆT NAM
Các dự án quốc tế đóng vai trò chất xúc tác giúp các quốc gia tiếp nhận dự án từng bước hình thành hạ tầng thị trường carbon, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch tín chỉ carbon thông qua các hình thức có thể kể đến như sau:
(i) Chuyển giao kiến thức và công nghệ tiên tiến. Một trong những lợi ích nổi bật của việc hợp tác quốc tế là sự chuyển giao kiến thức và công nghệ tiên tiến. Các dự án được triển khai theo các cơ chế như Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) đã tạo điều kiện cho Việt Nam học hỏi cách xác định, đo đạc và quản lý lượng khí thải một cách chính xác và minh bạch. Hơn nữa, việc áp dụng các công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát bằng cảm biến Internet vạn vật (IoT), ứng dụng Dữ liệu lớn (Big data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc theo dõi phát thải giúp nâng cao hiệu quả quản lý thị trường carbon. Dự án GIZ (CHLB Đức) chuyên hỗ trợ đào tạo về hệ thống MRV, phát triển phần mềm quản lý dữ liệu, tiêu chuẩn báo cáo. Dự án “Carbon Capture in Vietnam Cement” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về triển khai thử nghiệm công nghệ thu giữ carbon, giảm phát thải lên đến 30% so với quy trình truyền thống.
(ii) Hỗ trợ về tài chính và nguồn lực đầu tư. Các dự án quốc tế thường đi kèm với các gói tài trợ, bảo lãnh tín dụng, và các khuyến nghị đầu tư từ các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Phát triển châu Á hay các quỹ đầu tư xanh khác. Những khoản đầu tư này không chỉ giúp giảm gánh nặng về vốn ban đầu cho các dự án giảm phát thải mà còn tạo ra sự tín nhiệm đối với thị trường carbon của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Điển hình như nguồn vốn mà Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cấp cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong dự án “Hỗ trợ kỹ thuật phát triển năng lượng mặt trời An Giang” được triển khai từ năm 2019 đến năm 2021 với nguồn vốn 300 triệu Yên (JPY). Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện A Vương nhận được sự hỗ trợ bằng khoản vay ODA 10 tỷ JPY, được triển khai giai đoạn 2018-2024 và tiếp nối từ năm 2023 đến năm 2028 nhằm tăng công suất từ 30 MW lên 45 MW. Dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện từ năm 2017 đến năm 2022 với nguồn vốn 200 triệu JPY và nhiệm vụ đào tạo, phát triển hệ thống giám sát qua dự án từ năm 2023 đến năm 2025 nguồn vốn 200 triệu JPY... Hỗ trợ tài chính từ các dự án quốc tế đã tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án quy mô lớn và có tính điển hình cao. Các khoản đầu tư này còn giúp trang trải chi phí đo đạc, kiểm định và báo cáo lượng khí thải - những yếu tố thiết yếu trong quá trình xây dựng hệ thống thị trường carbon minh bạch và hiệu quả.
(iii) Hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý. Qua quá trình tiếp thu kinh nghiệm vận hành từ các dự án quốc tế, Việt Nam đã có cơ hội rà soát và điều chỉnh các quy định nhằm đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và khả năng tương tác với hệ thống thị trường carbon quốc tế. Việc hoàn thiện khung pháp lý cũng góp phần tạo ra môi trường đầu tư ổn định, giảm thiểu rủi ro pháp lý cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp tham gia giao dịch tín chỉ carbon. Đây là yếu tố then chốt giúp thu hút nguồn vốn quốc tế, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của thị trường carbon ở Việt Nam.
(iv) Tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế xanh. Các dự án quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế xanh của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế. Thông qua các diễn đàn, hội thảo và chương trình chia sẻ kinh nghiệm, các cơ quan chức năng Việt Nam đã có cơ hội trao đổi, học hỏi và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng từ những nước phát triển. Các mối quan hệ này không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh nghiệm mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến. Thông qua hoạt động trao đổi và hợp tác, Việt Nam dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thị trường carbon toàn cầu, góp phần xây dựng hình ảnh một quốc gia tiên phong trong phát triển kinh tế xanh, góp phần giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế và tài chính ở quy mô lớn.
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THỊ TRƯỜNG CARBON TẠI VIỆT NAM
Giai đoạn sơ khởi - thị trường carbon tự nguyện
Từ đầu những năm 2000, khi vấn đề biến đổi khí hậu bắt đầu được các diễn đàn quốc tế quan tâm, Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận với khái niệm “tín chỉ carbon” thông qua các dự án tự nguyện. Nhiều doanh nghiệp và tổ chức đã tiên phong qua việc triển khai các dự án giảm phát thải nhỏ lẻ, thường là trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo hay xử lý chất thải. Các dự án này chủ yếu dựa vào việc tự nguyện ghi nhận và chứng nhận lượng CO₂ giảm được, tạo ra tín chỉ carbon để tự giao dịch hoặc bán cho các đối tác quan tâm.
Sự khởi đầu theo hướng tự nguyện đã giúp Việt Nam làm quen và tích lũy các kiến thức nền tảng về quy trình đo đạc, báo cáo và xác minh lượng khí thải; đồng thời tạo ra những bài học quý báu về cách thức vận hành của thị trường tín chỉ carbon. Mặc dù với quy mô hạn chế, nhưng giai đoạn này đã đặt nền móng cho việc xây dựng khung pháp lý và cơ chế giám sát khi Việt Nam hướng đến việc xây dựng thị trường carbon bắt buộc trong tương lai.
Giai đoạn hình thành - tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và chuyển giao công nghệ
Bước sang giai đoạn tiếp theo, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc và các quỹ đầu tư xanh. Các dự án hợp tác quốc tế không chỉ mang lại nguồn lực quan trọng mà còn giúp Việt Nam cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế về đo đạc và xác minh phát thải. Những kinh nghiệm thu được từ quá trình hợp tác giúp định hình những chính sách nội địa phù hợp, tạo sự đồng bộ giữa các tiêu chuẩn quốc tế và nhu cầu đặc thù của Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh.
Giai đoạn chuyển tiếp - hoàn thiện khung pháp lý và chính sách định hướng
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên xác lập nguyên tắc trách nhiệm người gây ô nhiễm, mở đường cho định giá carbon và tín chỉ carbon; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, xây dựng nền tảng pháp lý cho vận hành thị trường carbon từ năm 2025, chính thức triển khai sau năm 2028; Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 thành lập Ủy ban quốc gia về Phát triển thị trường carbon, xác định lộ trình tham gia cơ chế dự án quốc tế (JCM, VCM)… Quá trình hình thành thị trường carbon tại Việt Nam không chỉ là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp. Những quá trình thử nghiệm, đóng góp ý kiến và điều chỉnh chính sách đã tạo ra một bối cảnh hứa hẹn cho sự phát triển bền vững của thị trường này trong những năm tới.
CÁC RÀO CẢN TRONG THU HÚT DỰ ÁN QUỐC TẾ CHO PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON TẠI VIỆT NAM
Rào cản về pháp lý và quy định
Một trong những thách thức đáng kể trong quá trình thu hút và triển khai các dự án quốc tế là sự chưa thống nhất và chưa hoàn thiện của khung pháp lý về thị trường carbon tại Việt Nam. Việc thiếu các quy định cụ thể và chi tiết liên quan đến đo đạc, báo cáo và kiểm định lượng khí thải tạo ra những lỗ hổng pháp lý, khiến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định ranh giới trách nhiệm và quyền lợi của mình. Các điều khoản về đấu giá tín chỉ, cấp phép Hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV), xử lý vi phạm, liên kết quốc tế còn thiếu rõ ràng, việc phân bổ hạn ngạch phát thải chưa đồng bộ giữa các ngành.
Rào cản kỹ thuật và công nghệ
Việc đo đạc và xác minh lượng khí thải là một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường carbon. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và áp dụng các công nghệ tiên tiến, sự thiếu hụt về hệ thống giám sát hiện đại cùng với việc thiếu nhân lực chuyên môn có trình độ cao, tạo ra những khó khăn lớn đối với việc triển khai các dự án theo tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống MRV các tín chỉ carbon còn nhiều bất cập.
Rào cản về tài chính và nguồn vốn
Mặc dù các dự án quốc tế thường kèm theo nguồn tài trợ và hỗ trợ tài chính, nhưng khi đưa vào thực tế, nguồn vốn đầu tư cho các dự án đo đạc, triển khai và vận hành thị trường carbon tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Việc thiếu tiêu chuẩn định giá rõ ràng khiến giá trị của các tín chỉ carbon khó được xác định một cách chính xác, dẫn đến việc các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, gặp khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thiếu hoặc hạn chế các chính sách ưu đãi tài chính và bảo lãnh rủi ro như chính sách ưu đãi như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng xanh hoặc các chế độ bảo lãnh rủi ro dành riêng cho các dự án phát triển thị trường carbon. Các dự án carbon thường cần nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và phải đối mặt với rủi ro cao. Điều này càng làm tăng sự e ngại khi đưa vốn vào những lĩnh vực còn mới tại thị trưởng Việt Nam.
Rào cản về nhận thức và quản lý rủi ro
Một rào cản không nhỏ khác chính là nhận thức và quản lý rủi ro của các bên liên quan. Ở Việt Nam, mặc dù đã có một số hiểu biết về thị trường carbon, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại và thiếu thông tin đầy đủ về cách thức hoạt động, lợi ích kinh tế thực sự cũng như các rủi ro tiềm ẩn của các dự án quốc tế trong lĩnh vực này. Hơn nữa, quá trình quản lý, giám sát và báo cáo dữ liệu về lượng khí thải chưa đạt được sự chuẩn hóa và nhất quán, gây ra nghi ngại về tính chính xác và minh bạch của hệ thống. Bên cạnh đó, sự thiếu đồng bộ trong thông tin và quy trình giữa các cơ quan chức năng cũng tạo ra những trở ngại trong việc phối hợp hành động, khiến cho việc thu hút và triển khai các dự án quốc tế trở nên phức tạp và rủi ro hơn đối với các nhà đầu tư. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương còn chồng chéo; thiếu cơ chế điều phối cấp quốc gia để thúc đẩy đồng bộ chính sách, phân bổ ngân sách và chia sẻ dữ liệu.
MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Để tháo gỡ những rào cản trong thu hút các dự án đầu tư quốc tế, thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trong giai đoạn tới, cần thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp sau:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và tiêu chuẩn kỹ thuật. Để tạo nền tảng ổn định cho thị trường carbon, Chính phủ cần ưu tiên rà soát và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến đo đạc, báo cáo và kiểm định lượng khí thải. Việc ban hành các văn bản pháp lý rõ ràng, cụ thể và có tính liên kết cao giữa các cơ quan liên quan sẽ tạo sự minh bạch cũng như giảm thiểu rủi ro pháp lý cho các nhà đầu tư quốc tế. Cùng với đó, việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật dựa trên chuẩn quốc tế, sự kết hợp giữa các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và nhu cầu đặc thù của thị trường trong nước sẽ giúp tạo ra một khuôn khổ chung linh hoạt và đồng bộ.
Thứ hai, tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực. Việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm chuyển giao công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao là yếu tố then chốt giúp cải thiện năng lực quản lý và vận hành thị trường carbon. Chính phủ cần thiết lập các chương trình hợp tác, trao đổi kỹ thuật và đào tạo thường xuyên giữa các chuyên gia trong nước và quốc tế. Định hướng xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực đo đạc và giám sát khí thải sẽ là bước đệm quan trọng để Việt Nam dần hoàn thiện hệ thống công nghệ và nâng cao kỹ năng quản lý của cán bộ, kỹ sư.
Thứ ba, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn và khuyến khích đầu tư. Để kích thích sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế, Chính phủ cần xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư như giảm thuế, ưu đãi tài chính, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án carbon. Việc này sẽ làm giảm áp lực tài chính ban đầu và tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế điều chỉnh giá tín chỉ carbon một cách minh bạch và ổn định trong giai đoạn đầu phát triển thị trường. Một hệ thống giá cả dựa trên cơ sở thị trường, kết hợp với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng sẽ giúp đảm bảo rằng lợi ích của các bên tham gia được phân bổ công bằng và chính xác, từ đó nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư.
Thứ tư, tăng cường phối hợp và minh bạch thông tin. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của các dự án quốc tế là tính minh bạch trong quản lý và báo cáo. Chính phủ cần xây dựng một hệ thống thông tin tập trung về lượng khí thải, từ đó đảm bảo các dữ liệu được ghi nhận, kiểm định và báo cáo một cách chính xác. Việc thiết lập các cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cơ quan chức năng và các bên liên quan trong và ngoài nước sẽ đảm bảo quá trình triển khai dự án được thống nhất và liên tục. Đồng thời, việc thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề về thị trường carbon cũng sẽ tạo ra môi trường giao lưu thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật xu hướng phát triển toàn cầu trong lĩnh vực này.
Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ số vào quản lý thị trường carbon đang trở thành xu hướng tất yếu. Chính phủ nên thúc đẩy các nghiên cứu khoa học và dự án ứng dụng công nghệ số vào việc giám sát và báo cáo lượng khí thải. Khuyến khích hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp công nghệ sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo ra các giải pháp tiên tiến nhằm tối ưu hóa chi phí và tăng khả năng kiểm soát toàn diện trong chuỗi giá trị của thị trường carbon.
KẾT LUẬN
Thị trường carbon đã và đang trở thành một công cụ quản lý phát thải khí nhà kính hiệu quả, góp phần vào chiến lược phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Qua quá trình hình thành từ giai đoạn tự nguyện đến việc hình thành khung pháp lý, các dự án quốc tế đã đóng góp không nhỏ về công nghệ, kinh nghiệm và nguồn vốn đầu tư. Các dự án quốc tế về phân bổ tín chỉ carbon và phát triển thị trường carbon mang đến cơ hội quan trọng để Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản trị. Để tận dụng tối đa lợi ích, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư hạ tầng MRV, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy tài chính xanh và tăng cường phối hợp liên ngành. Chỉ khi đó, Việt Nam mới thực sự chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế carbon thấp toàn cầu, hiện thực hóa mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tài liệu tham khảo:
1. Anh Lê (2023). Phát triển thị trường carbon sẽ là chìa khóa cho chuyển đổi xanh thành công. https://baochinhphu.vn/phat-trien-thi-truong-carbon-se-la-chia-khoa-cho-chuyen-doi-xanh-thanh-cong-102231124092352089.htm
2. Chính phủ (2022). Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn.
3. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)- Văn phòng Việt Nam (2024). Bản tin Văn phòng JICA Việt Nam. https://www.jica.go.jp/vietnam
4. Mai Linh (2024). Australia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon. https://www.mof.gov.vn/tin-tuc-tai-chinh/thoi-su/mofucm333708
5. Ngân hàng Thế giới (2024). Doanh thu định giá carbon toàn cầu đạt kỷ lục 100 tỷ USD. https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2024/05/21/global-carbon-pricing-revenues-top-a-record-100-billion
Ngày nhận bài: 18/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập 03/7/2025; Ngày duyệt đăng 04/7/2025 |