Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam: Cơ hội và những thách thức

Nghiên cứu này phân tích cơ hội và thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để startup phát triển bền vững.

Phạm Thị Kim Ngọc

Nguyễn Thị Chuyên

Nguyễn Thị Thanh Dần

Trường Kinh tế, Đại học Bách Khoa Hà Nội

Email: chuyen.nt240038D@sis.hust.edu.vn

Tóm tắt:

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (startup). Các startup cũng được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Nghiên cứu này phân tích cơ hội và thách thức của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để startup phát triển bền vững.

Từ khóa: Doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, startup

Summary:

In the context of the Fourth Industrial Revolution, Vietnam has witnessed the rapid development of technology startups. These startups are also considered a key driver of economic growth. This study analyzes the opportunities and challenges of Vietnam's technology startup ecosystem and proposes solutions to support the sustainable development of startups.

Keywords: Technology startups, technology entrepreneurship, startup

GIỚI THIỆU

Trong những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp (startup) công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo thống kê từ Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), tính đến năm 2024, Việt Nam có hơn 3.800 doanh nghiệp startup, với tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD. Đặc biệt, các lĩnh vực như công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử và blockchain đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc, khẳng định tiềm năng to lớn của thị trường đổi mới sáng tạo.

Đi cùng với những thành tựu đó, thách thức là không nhỏ khi 80-90% startup thất bại trong vòng 5 năm đầu (Thu Phương, 2019). Nguyên nhân không chỉ đến từ nội tại doanh nghiệp mà còn chịu tác động của thị trường, chính sách hỗ trợ từ chính phủ và nhiều yếu tố bên ngoài.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc xác định rõ những cơ hội, tháo gỡ rào cản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của các startup trong kỷ nguyên số hóa.

THỰC TRẠNG STARTUP TẠI VIỆT NAM

Startup công nghệ tại Việt Nam đang nổi lên như một lĩnh vực đầy triển vọng, thu hút sự quan tâm sâu sắc từ Chính phủ và cộng đồng đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Khái niệm “khởi nghiệp” lần đầu xuất hiện ở Việt Nam trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp (Nguyễn Thanh Hương, 2022). Các startup công nghệ tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và ghi dấu ấn ở nhiều lĩnh vực như công nghệ giáo dục (EdTech), nông nghiệp thông minh (AgriTech), y tế (HealthTech), tài chính (FinTech) và thương mại điện tử (E-commerce), đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo hấp dẫn trong khu vực.

Theo báo cáo của HSBC và KPMG, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những môi trường khởi nghiệp năng động hàng đầu châu Á, với hệ sinh thái khởi nghiệp được xếp ở vị trí thứ ba trong khối ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Đặc biệt, năm 2021, các startup công nghệ tại Việt Nam đã đạt kỷ lục với 1,35 tỷ USD vốn đầu tư, trong đó có những thương vụ tiêu biểu như Tiki gọi vốn thành công 258 triệu USD. Bên cạnh đó, Việt Nam tự hào sở hữu 4 kỳ lân công nghệ - VNG, VNPay, Momo và Sky Mavis. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc và sức hút của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Điểm nổi bật của các startup công nghệ là khả năng tận dụng công nghệ làm nền tảng phát triển, mở ra những hướng đi sáng tạo và đột phá. Không giống như các lĩnh vực truyền thống đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, các startup công nghệ có thể bắt đầu với chi phí thấp, nhưng dựa trên ý tưởng mới lạ và khả năng kết nối toàn cầu thông qua công nghệ. Chính nhờ đặc điểm này, các startup công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số cũng vô cùng ấn tượng. Riêng năm 2024, tổng doanh thu ngành công nghệ tại Việt Nam ước đạt 152 tỷ USD, tăng 35,7% so với năm 2019 (Hoàng Linh, 2024). Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã có gần 74.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động, trong đó khoảng 1.900 doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế, đạt doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022. Lực lượng lao động trong ngành công nghệ số ngày càng đông đảo, lên tới 1,67 triệu người (Mai Hương, 2025). Cùng với đó, hệ sinh thái và dịch vụ công nghệ số tại Việt Nam ngày càng đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm, AI, dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT)…

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Nhiều cơ hội

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, startup công nghệ và doanh nghiệp số tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ.

Xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ

Sự bùng nổ của công nghệ số đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhu cầu chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đã và đang tạo ra một thị trường tiềm năng rộng lớn cho các sản phẩm và dịch vụ công nghệ. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có cơ hội lớn để khai thác thị trường này bằng cách phát triển và cung cấp các giải pháp số hóa tiên tiến. Trong lĩnh vực tài chính, công nghệ fintech đang thay đổi cách người dùng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và thanh toán trực tuyến. Ngành giáo dục hưởng lợi từ EdTech, giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập và tăng cường khả năng tiếp cận tri thức. Trong y tế, các giải pháp số như hồ sơ bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT, AI để tối ưu hóa chuỗi sản xuất và phân phối...

Chính sách hỗ trợ khởi nghiệp

Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc xây dựng một hành lang pháp lý thuận lợi và triển khai các chương trình hỗ trợ đa dạng cho startup công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đang xây dựng Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, kỳ vọng tạo ra hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy ngành này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý, Chính phủ còn triển khai các chương trình hỗ trợ, tài trợ, cung cấp tín dụng ưu đãi và xây dựng các trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm công nghệ. Nhiều hoạt động thực tiễn như tổ chức các cuộc thi, chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo công nghệ số, xúc tiến thương mại và truyền thông cũng được đẩy mạnh, tiêu biểu như Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030.

Sự chuyển dịch hoạt động của các công ty đa quốc gia

Trong những năm gần đây, nhiều công ty đa quốc gia đã chuyển hoạt động sản xuất từ các quốc gia bất ổn đến Việt Nam, tạo ra cơ hội lớn cho các startup công nghệ trong nước. Với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các công ty công nghệ. Năm 2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng 9,2% so với năm trước, phản ánh sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại quốc gia này, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác và trao đổi công nghệ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Uy tín và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghệ số tăng cao

Nhờ tích cực hội nhập, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong lĩnh vực gia công phần mềm, phát triển ứng dụng và cung cấp các giải pháp công nghệ. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vững chắc, ngoài việc tạo ra sân chơi khu vực còn vươn ra thế giới. Các tên tuổi như FPT Software, VNPT Technology, VNG, VCCorp đã gặt hái nhiều thành công khi mở rộng thị trường ra nước ngoài. Điển hình, FPT Software hiện đang hoạt động tại hơn 26 quốc gia và là đối tác cung cấp giải pháp công nghệ cho nhiều tập đoàn lớn như Airbus, Toshiba, hay Hitachi…

Không ít thách thức

Các startup công nghệ tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển nhưng trong bối cảnh hiện nay vẫn còn gặp những rào cản thách thức dưới đây trong quá trình hoạt động:

Rào cản về tài chính

Rào cản về tài chính khiến các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc huy động nguồn tài chính cần thiết để mở rộng và phát triển. Đó là sự hạn chế về số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô lớn và chuyên sâu; nhiều nhà đầu tư trong nước tỏ ra e ngại khi rót vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao và mới nổi do thiếu kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc về các mô hình kinh doanh đổi mới; các quy định về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thường phức tạp và thay đổi liên tục, cùng với thủ tục hành chính chưa thuận lợi và thiếu tính minh bạch… nên khó huy động các nhà đầu tư nước ngoài; khả năng tiếp cận tín dụng của các startup cũng rất hạn chế do các ngân hàng thương mại thường e ngại trước rủi ro cao và yêu cầu tài sản đảm bảo; nhiều startup phải phụ thuộc vào nguồn vốn cá nhân hoặc vay mượn từ gia đình, bạn bè, dẫn đến sự hạn chế về quy mô và tầm nhìn phát triển; các startup Việt Nam thường bị định giá thấp hơn so với tiềm năng thực sự do thiếu sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư và môi trường kinh doanh còn nhiều bất ổn (Đặng Đức Thành, 2024; Phạm Thị Kim Ngọc, Đoàn Thị Thu Trang, 2023)

Rào cản về tiếp cận và mở rộng thị trường

Phần lớn các startup công nghệ hiện nay là các nhà sáng lập trẻ, với kiến thức và kỹ năng quản lý còn hạn chế. Điều này dẫn đến việc khó khăn trong thiết lập các hệ thống quản lý hiệu quả, kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro - những yếu tố cần thiết để phát triển bền vững và thu hút đầu tư từ các quỹ lớn. Nhiều startup gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ kinh doanh và hiểu biết sâu sắc về thị trường, khiến họ bị giới hạn trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng và mở rộng quy mô hoạt động. Đồng thời, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp lớn và công ty quốc tế với lợi thế vượt trội về nguồn lực, công nghệ và thương hiệu đã tạo ra áp lực không nhỏ về giá cả và chi phí marketing, làm suy giảm lợi nhuận và khả năng tăng trưởng của các startup. Thị trường và công nghệ thay đổi với tốc độ chóng mặt, buộc các startup phải liên tục đổi mới và thích ứng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trẻ gặp khó khăn trong việc cập nhật công nghệ và phát triển sản phẩm kịp thời, dẫn đến nguy cơ mất tính cạnh tranh (Đặng Đức Thành, 2024).

Thách thức về sở hữu trí tuệ và an ninh mạng

Việt Nam đã có những nỗ lực cải thiện hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng việc thực thi pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và giải trí, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các doanh nghiệp khởi nghiệp và gây ra sự lo ngại trong cộng đồng đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài (BSA, 2023).

Đối với an ninh mạng, trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, vấn đề bảo mật trở thành mối quan tâm hàng đầu. Dù Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc xây dựng khung pháp lý về an ninh mạng, chẳng hạn như Luật An ninh mạng được ban hành từ năm 2019, nhưng những quy định này vẫn chưa hoàn thiện và gây ra một số lo ngại. Những khó khăn này đang tạo ra áp lực lớn đối với các startup, khi họ vừa phải đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng, vừa phải duy trì hoạt động hiệu quả trong môi trường pháp lý đầy thử thách (Đặng Đức Thành, 2024).

Phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế

Mặc dù ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ và khẳng định được vị thế đáng tự hào trên thị trường quốc tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD, tăng 10,20% so với năm 2023. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019. Tổng số nhân lực trong ngành đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019 (Quỳnh Anh, 2025). Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động cũng vượt mục tiêu đặt ra, với hơn 50.000 doanh nghiệp (mục tiêu là 48.000 doanh nghiệp). Năm 2024, nền kinh tế số của Việt Nam chiếm khoảng 18,3% GDP, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt mức 20%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong nước và dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số. Tuy nhiên, nếu nhìn bao quát hơn, chúng ta vẫn còn quá phụ thuộc vào các thị trường toàn cầu. Sự phụ thuộc này tạo ra những thách thức lớn đối với các startup công nghệ số trong nước và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN CỦA STARTUP

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các startup công nghệ số Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, song cũng đối mặt với không ít thách thức. Để giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp:

Xây dựng mô hình kinh doanh vững chắc và linh hoạt

Một mô hình kinh doanh khả thi là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của startup công nghệ. Nhiều doanh nghiệp thất bại vì không nghiên cứu kỹ thị trường hoặc không thích ứng với thay đổi. Trước khi ra mắt sản phẩm, startup cần phân tích nhu cầu khách hàng và đối thủ để tìm hướng đi phù hợp. Việc kiểm chứng ý tưởng thông qua sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP) giúp doanh nghiệp thu thập phản hồi trước khi mở rộng quy mô. Ngoài ra, mô hình kinh doanh cần linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh theo biến động thị trường và phản hồi từ khách hàng. Khả năng đổi mới và thích ứng nhanh chóng sẽ giúp startup phát triển bền vững.

Tăng cường khả năng gọi vốn và quản lý tài chính hiệu quả

Gọi vốn thành công là yếu tố quan trọng giúp startup phát triển, nhưng quản lý tài chính hiệu quả mới là chìa khóa để duy trì sự bền vững. Để thu hút nhà đầu tư, các startup cần chuẩn bị hồ sơ gọi vốn chuyên nghiệp với kế hoạch tài chính rõ ràng, báo cáo minh bạch và chiến lược tăng trưởng hấp dẫn. Bên cạnh các quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp có thể tận dụng nhiều nguồn vốn khác như quỹ đầu tư thiên thần, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) hoặc các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, startup cần quản lý chi phí thông minh, tránh lãng phí vào các hoạt động không cần thiết và tập trung vào các khoản đầu tư mang lại giá trị dài hạn.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nguồn nhân lực là yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp công nghệ số. Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nhân lực công nghệ thông tin, bao gồm cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm như ngoại ngữ, tư duy sáng tạo và quản lý dự án. Cần có các chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, việc thu hút nhân tài từ nước ngoài, đặc biệt là chuyên gia có kinh nghiệm, sẽ góp phần nâng cao trình độ của lực lượng lao động trong nước.

Xây dựng mạng lưới kết nối và tận dụng hệ sinh thái khởi nghiệp

Tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp mang lại nhiều cơ hội hợp tác, học hỏi và hỗ trợ từ các bên liên quan. Kết nối với cố vấn và nhà đầu tư giúp startup giảm rủi ro và định hướng phát triển rõ ràng hơn nhờ vào kinh nghiệm chuyên sâu. Bên cạnh đó, tham gia các chương trình tăng tốc khởi nghiệp giúp tiếp cận nguồn vốn, cố vấn chuyên môn và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh. Ngoài ra, việc liên kết với các doanh nghiệp lớn còn giúp startup tận dụng nguồn lực, công nghệ và thị trường sẵn có để tăng tốc phát triển. Xây dựng mạng lưới kết nối vững chắc là yếu tố quan trọng giúp startup thành công trong môi trường cạnh tranh.

KẾT LUẬN

Hành trình chinh phục thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít gian nan. Với những cơ hội to lớn từ xu hướng chuyển đổi số, sự hỗ trợ của chính phủ và tiềm năng của nguồn nhân lực, cùng với việc chủ động vượt qua các thách thức về vốn, pháp lý, nhân lực và cạnh tranh, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ thế giới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

BSA survey (2018). Vietnam records higher usage of patent software. https://en.vietnamplus.vn/vietnam-records-higher-usage-of-patent-software-bsa-survey-post132723.vnp.

Công nghiệp ICT - Kinh tế số (2025). Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. https://mic.gov.vn/lam-chu-cong-nghe-so-lam-chu-qua-trinh-chuyen-doi-so-viet-nam-bang-doanh-nghiep-cong-nghe-so-viet-nam-197250115170014462.html.

Đặng Đức Thành (2024). Các rào cản chính của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cách thức hóa giải. https://kinhtevadubao.vn/cac-rao-can-chinh-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-va-cach-thuc-hoa-giai-28846.html.

Hà Văn (2025). Kinh tế số Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực. https://baochinhphu.vn/kinh-te-so-viet-nam-tang-truong-nhanh-nhat-khu-vuc-102250206152332651.htm.

Hoàng Linh (2024). Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng mạnh. https://ictvietnam.vn/gia-tri-viet-nam-trong-tong-doanh-thu-cong-nghiep-cong-nghe-so-tang-manh-68038.html?

Mai Hương (2025). Việt Nam có gần 74.000 doanh nghiệp công nghệ số. https://doanhnhan.congly.vn/viet-nam-co-gan-74-000-doanh-nghiep-cong-nghe-so-467209.html?

Phạm Thị Kim Ngọc, Đoàn Thị Thu Trang (2023). Cơ hội và thách thức đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. https://tapchitaichinh.vn/co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-hoat-dong-khoi-nghiep-sang-tao-o-viet-nam.html.

Quỳnh Anh (2025). Doanh nghiệp công nghệ số và chiến lược "Make in Viet Nam. https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-cong-nghe-so-va-chien-luoc-make-in-viet-nam.html.

Thanh Hương (2022). Hành trình 20 năm tiên phong. https://diendandoanhnghiep.vn/hanh-trinh-20-nam-tien-phong-215841.html.

Thu Phương (2019). Vì sao hơn 90% startup thất bại?. https://baodautu.vn/vi-sao-hon-90-startup-that-bai-d113693.html?utm_source=chatgpt.com.

Ngày nhận bài: 5/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 16/5/2025; Ngày duyệt đăng: 19/5/2025