
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).
Đối với Ukraine và các đồng minh, những nước đã dành nhiều tháng để cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ họ trong cuộc xung đột với Nga, mọi thứ dường như đang trở lại vạch xuất phát.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 2 giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối ngày 19/5, Tổng thống Trump đã từ bỏ đề xuất trước đó về lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày. Ông chủ Nhà Trắng từng hy vọng lệnh ngừng bắn này sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình chấm dứt xung đột Ukraine.
Trước đó, Ukraine đồng ý với đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Mỹ đề xuất, nhưng Nga đã phản đối. Tổng thống Putin cảnh báo những lỗ hổng tiềm tàng và bất lợi chiến lược mà Nga có thể đối mặt nếu chấp nhận tạm ngừng bắn.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng lực lượng Ukraine có thể tận dụng thời gian ngừng bắn để tái tổ chức, tiếp nhận thêm vũ khí và huấn luyện tân binh.
Tổng thống Trump mới đây cũng ám chỉ rằng, việc giải quyết cuộc chiến mà ông từng hứa sẽ kết thúc trong 24 giờ không còn là trách nhiệm của riêng ông - một thông điệp khiến Ukraine như "ngồi trên đống lửa" và các đồng minh của nước này lo lắng.
Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Tổng thống Trump tuyên bố các điều kiện của một thỏa thuận hòa bình phải do chính Nga - Ukraine đàm phán với nhau. Ông nói rằng Nga và Ukraine sẽ "ngay lập tức bắt đầu đàm phán hướng tới lệnh ngừng bắn, và quan trọng hơn là kết thúc cuộc chiến".
Đây là một đòn giáng nữa vào Kiev, diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Trump tranh cãi gay gắt với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng. Sau cuộc tranh cãi, các nhà lãnh đạo châu Âu đã phải vật lộn để hàn gắn mối quan hệ này và giành lại thế chủ động.
Trong những tuần trước cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã dọa áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga nếu nước này không đạt được tiến triển hướng tới hòa bình, một động thái mà Ukraine hy vọng sẽ thuyết phục Tổng thống Putin từ bỏ các yêu cầu tối đa trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Tuy nhiên, cách tiếp cận theo hình thức "cây gậy" này hiện không còn nữa. Thay vào đó, Tổng thống Trump đã chìa "củ cà rốt" cho Nga, để ngỏ khả năng thúc đẩy mối quan hệ đối tác kinh tế Nga - Mỹ nếu xung đột Ukraine kết thúc.
"Trong cuộc điện đàm vào chủ nhật (18/5) với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Trump đã đồng ý về cách tiếp cận được đề xuất - yêu cầu lệnh ngừng bắn vô điều kiện và áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu không có gì thay đổi", một nhà ngoại giao châu Âu cho biết.
"Nhưng rõ ràng là ông ấy đã từ bỏ ý tưởng này khi điện đàm với ông Putin... Khó có thể tin tưởng ông ấy quá một ngày. Ông ấy dường như không quan tâm đến Ukraine chút nào", nhà ngoại giao châu Âu nhận định.
Khi ông Trump trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm ông Zelensky, sau cuộc điện đàm với ông Putin, một nguồn thạo tin tiết lộ các nhà lãnh đạo đã "sốc" trước sự thay đổi lập trường của ông chủ Nhà Trắng.
Nỗi lo của Ukraine và châu Âu

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ hai từ trái sang) và các nhà lãnh đạo châu Âu trong một cuộc họp (Ảnh: Getty).
Ukraine và các đồng minh châu Âu đã thể hiện lập trường thống nhất kể từ sau cuộc điện đàm Trump - Putin, công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và cam kết tiếp tục hợp tác với Mỹ. Châu Âu cũng không loại trừ khả năng ông Trump có thể thay đổi quyết định một lần nữa.
Tuy nhiên, sự ngờ vực đối với Tổng thống Putin vẫn còn rất cao. Quân đội Nga mạnh hơn quân đội Ukraine và Moscow đã giành được nhiều bước tiến hơn trên chiến tuyến dài 1.000km trong hơn một năm. Nga cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải phản ánh tình hình thực địa trên chiến trường.
"Ông Putin rõ ràng đang câu giờ. Thật không may, chúng ta phải nói rằng ông Putin không thực sự quan tâm đến hòa bình", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết hôm 20/5.
Orysia Lutsevych, người đứng đầu Diễn đàn Ukraine tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, đồng ý rằng Tổng thống Putin không vội đàm phán giải quyết xung đột.
"Đối với Nga, chiến trường và ngoại giao là hai mặt của một đồng xu. Ông Putin chiếm thế thượng phong trên chiến trường thông qua việc trì hoãn ngoại giao và bằng cách từ chối trao cho châu Âu cơ hội để tự dàn xếp", bà Lutsevych nói.
Sau cuộc điện đàm với ông Trump, ông Putin cho biết Moscow sẵn sàng làm việc với Ukraine để xây dựng một bản ghi nhớ về một thỏa thuận hòa bình trong tương lai và những nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột này đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, Kiev vẫn hoài nghi về điều này.
"Sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin, hiện trạng vẫn không thay đổi", Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết ngày 20/5.
Quan chức Ukraine nói thêm rằng Kiev tiếp tục đề nghị ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện, và châu Âu hoàn toàn ủng hộ bước đi này.
Sự hỗ trợ của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn khả năng thất bại của Ukraine trên chiến trường. Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho nỗ lực đẩy lùi Nga của Ukraine thông qua hàng chục tỷ USD viện trợ quân sự. Kiev cũng dựa vào tình báo quân sự Mỹ để xác định mục tiêu và hoạt động của đối phương theo thời gian thực.
Điều gì sẽ xảy ra sau khi khoản viện trợ được thỏa thuận dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ hết vào mùa hè này? Đây là một câu hỏi quan trọng mà Ukraine đang tìm cách trả lời, trong khi Nga vẫn chưa nêu rõ lập trường.
Châu Âu cam kết sẽ duy trì viện trợ trực tiếp và cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng trước hết Mỹ phải đồng ý bán vũ khí và có một số loại đạn dược của Mỹ không thể thay thế, cụ thể là hệ thống phòng không và tên lửa dẫn đường tầm ngắn.
Tương tự những gì đã xảy ra kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, các đồng minh của Ukraine đã tập hợp xung quanh Tổng thống Zelensky sau bước lùi ngoại giao mới nhất.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền đạt thông điệp tới chính quyền Trump và thúc đẩy họ gây áp lực lên Nga", một nhà ngoại giao châu Âu tuyên bố.
Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak lưu ý, Mỹ vẫn là một bên trung gian, trong khi lập trường của Nga không thay đổi trong việc sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến.
"Lập trường của Nga vẫn không thay đổi. Họ tiếp tục xung đột, không sẵn sàng hay có thể nói là từ chối một thỏa thuận ngừng bắn, trong khi tìm kiếm cái gọi là nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh", ông nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hy vọng Ukraine sẽ có lập trường mang tính xây dựng liên quan đến các cuộc đàm phán có thể diễn ra.
"Bây giờ, bóng đang ở trong sân của Ukraine. Giờ đây họ phải biến lời nói thành hành động cụ thể và các bước đi cụ thể", bà Zakharova nhấn mạnh.