Cựu tư lệnh quân đội nói Ukraine không thể khôi phục lãnh thổ

() - Cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi cho rằng Ukraine nên từ bỏ ý nghĩ khôi phục đường biên giới năm 1991, thậm chí đường biên giới trước năm 2022.
Cựu tư lệnh quân đội nói Ukraine không thể khôi phục lãnh thổ - 1

Cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi, hiện là Đại sứ Ukraine tại Anh (Ảnh: EPA).

"Tôi hy vọng rằng không còn ai trong căn phòng này vẫn còn hy vọng vào một phép màu hay dấu hiệu may mắn nào đó sẽ mang lại hòa bình cho Ukraine, ranh giới năm 1991 hoặc 2022 và rằng sẽ có hạnh phúc lớn lao sau đó", cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhnyi, hiện là Đại sứ Ukraine tại Anh, phát biểu trong một diễn đàn ở Kiev ngày 22/5.

Ông giải thích: "Ý kiến cá nhân của tôi là đối phương (Nga) vẫn còn nguồn lực, lực lượng và phương tiện để tấn công vào lãnh thổ của chúng ta và tiến hành các hoạt động tấn công cụ thể".

Ông Zaluzhnyi cho biết Nga đã tiến hành một cuộc chiến tiêu hao trong một năm. Với lực lượng nhỏ hơn và hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hy vọng duy nhất của Ukraine là dựa vào công nghệ tiên tiến.

"Chúng ta chỉ có thể nói về một cuộc chiến sinh tồn công nghệ cao, sử dụng tối thiểu các biện pháp kinh tế để đạt được lợi ích tối đa", ông nói.

Ông Zaluzhnyi bị miễn nhiệm chức Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine vào tháng 2/2024 sau nhiều tháng bất đồng với Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Ông Zelensky và những nhân vật công chúng khác từ lâu đã kêu gọi đẩy lùi lực lượng Nga và khôi phục biên giới hậu Liên Xô năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea và 4 tỉnh (Kherson, Zaporizhia, Donetsk, Lugansk) mà Moscow đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2014 và 2022.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, khi những nỗ lực tập trung vào việc khởi động các cuộc đàm phán để đảm bảo lệnh ngừng bắn, các tuyên bố công khai của Kiev dường như ôn hòa hơn về vấn đề nhượng lại lãnh thổ.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép với cả Moscow và Kiev để chấm dứt xung đột, Ukraine đã đồng ý đàm phán trực tiếp với Nga nhưng trước tiên muốn lệnh ngừng bắn kéo dài ít nhất 30 ngày.

Về phần mình, sau cuộc điện đàm hồi đầu tuần này với Tổng thống Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Moscow sẵn sàng thảo luận với Kiev về bản ghi nhớ hiệp ước hòa bình trong tương lai. Bản ghi nhớ này sẽ bao gồm các nguyên tắc giải quyết xung đột, thời gian và định nghĩa về khả năng ngừng bắn, bao gồm cả khung thời gian.

Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và tiếp tục giành ưu thế trên chiến trường. Điều này khiến Moscow dường như sẽ không đưa ra nhượng bộ về vấn đề lãnh thổ.

Trong các tuyên bố, giới chức Nga nêu rõ, nước này sẵn sàng đàm phán xung đột với Ukraine nhưng phải dựa trên "tình hình thực tế".

Các điều kiện mà Moscow nêu ra gồm Ukraine phải cam kết trung lập, không gia nhập các liên minh quân sự, không cho phép quân đội nước ngoài triển khai trên lãnh thổ, đồng ý thu hẹp quy mô quân đội, công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ thuộc chủ quyền của Nga.