Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Syria

() - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa, đánh dấu lần đầu tiên sau 25 năm, lãnh đạo 2 nước gặp nhau.
Cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Syria - 1

Cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ, Syria và Ả rập Xê út hôm 14/5 (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa tại Ả rập Xê út vào ngày 14/5, đánh dấu cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa lãnh đạo 2 nước trong suốt 25 năm qua.

Cuộc gặp được coi là một bước ngoặt tiềm tàng đối với Syria trong nỗ lực thoát khỏi nhiều thập niên bị cô lập trên trường quốc tế. 

Cuộc gặp diễn ra bên lề hội nghị giữa ông Trump với các lãnh đạo Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), là một sự kiện mang tính bước ngoặt đối với Syria, quốc gia đang vật lộn tái thiết sau nhiều năm nội chiến.

Bản thân ông al-Sharaa cũng là người từng bị Mỹ treo thưởng 10 triệu USD để truy nã.

Tổng thống Trump ca ngợi ông al-Sharaa sau cuộc gặp, gọi ông là "một người trẻ, thu hút, mạnh mẽ, có quá khứ cứng rắn. Một chiến binh thực thụ".

Dưới bí danh Abu Mohammed al-Golani, ông al-Sharaa từng có quan hệ với al-Qaeda và tham gia các nhóm nổi dậy chống lại lực lượng Mỹ tại Iraq trước khi bước vào cuộc nội chiến ở Syria. Ông thậm chí từng bị quân đội Mỹ giam giữ trong nhiều năm.

"Ông ấy có cơ hội thực sự để giữ vững mọi thứ. Ông ấy là một nhà lãnh đạo thực sự. Anh ta đã dẫn dắt một cuộc tấn công thực sự rất ấn tượng", ông Trump nói, ám chỉ chiến dịch lật đổ cựu Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà ông al-Sharaa thực hiện năm ngoái.

Trong ngày đầu chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xúc tiến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Syria dưới thời ông Assad.

Tối 13/5, người dân trên khắp Syria đổ ra đường ăn mừng với pháo hoa và tiếng còi xe, hy vọng đất nước, vốn bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, có thể tái gia nhập nền kinh tế thế giới trong thời điểm họ đang rất cần đầu tư.

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông al-Sharaa vẫn diễn ra bất chấp việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng kêu gọi Mỹ không nên dỡ bỏ trừng phạt đối với Syria. Israel bày tỏ sự nghi ngờ với quá khứ có phần cực đoan của nhà lãnh đạo Syria.

Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy rạn nứt giữa Nhà Trắng và chính phủ Israel trong bối cảnh cuộc chiến ở Dải Gaza vẫn đang tiếp diễn.

Phát biểu trước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh sau cuộc gặp, Tổng thống Trump khẳng định ông kết thúc trừng phạt Syria để mang lại cho quốc gia này "một khởi đầu mới".

"Điều đó trao cho họ cơ hội để vươn tới vĩ đại. Các lệnh trừng phạt thật sự đã bóp nghẹt họ, rất nặng nề", ông nói.

Tổng thống Trump cũng tiết lộ ông al-Sharaa đã đồng ý tham gia Hiệp định Abraham và sẽ công nhận Israel trong tương lai, tuy nhiên phía Syria chưa xác nhận thông tin này.

Ông Trump tuyên bố vào hôm thứ Ba rằng ông sẽ gặp trực tiếp al-Sharaa, người đã bay đến thủ đô Riyadh của Ả Rập Xê Út cho cuộc hội đàm.

Ông Al-Sharaa là lãnh đạo Syria đầu tiên gặp một tổng thống Mỹ kể từ khi cố Tổng thống Hafez Assad gặp cựu Tổng thống Bill Clinton tại Geneva vào năm 2000. Cuộc gặp giữa ông Trump và al-Sharaa diễn ra kín, kéo dài hơn 30 phút, theo thông báo từ Nhà Trắng.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng tham gia cuộc họp qua điện thoại cùng ông Trump, Thái tử Saudi Mohammed bin Salman và ông al-Sharaa. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước hậu thuẫn chính cho ông al-Sharaa và lực lượng của ông.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt, Tổng thống Trump đã thúc giục ông al-Sharaa công nhận Israel, "đuổi tất cả các phần tử khủng bố nước ngoài ra khỏi Syria," và hỗ trợ Mỹ trong việc ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông Trump cũng yêu cầu chính quyền Syria "tiếp nhận trách nhiệm" đối với hơn một chục trung tâm giam giữ đang giữ khoảng 9.000 nghi can IS. Các nhà tù này hiện do lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát và từng đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống IS.

Theo một thỏa thuận đạt được hồi tháng 3 giữa chính quyền Syria và lực lượng người Kurd, toàn bộ cửa khẩu biên giới với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ, các sân bay và mỏ dầu ở khu vực Đông Bắc sẽ được chuyển giao cho chính quyền trung ương kiểm soát trước cuối năm nay.

Việc ông Trump mong muốn Syria tiếp quản các trại giam IS được coi là tín hiệu cho thấy khả năng Mỹ rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Syria.

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Syria gọi quyết định gỡ trừng phạt của Mỹ là "một bước ngoặt then chốt đối với người dân Syria trong nỗ lực vượt qua chương đau thương kéo dài của chiến tranh".