Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở

Khi lực lượng Công an nhân dân được tổ chức lại còn ba cấp, công an xã từ bán chuyên trách trở thành chính quy, đảm nhiệm vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. 

Từ bản làng heo hút đến phố phường đông đúc, bóng dáng người chiến sĩ công an xã vẫn lặng thầm bám địa bàn, gần dân, hiểu dân, góp phần giữ vững an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

Tuổi Trẻ Online khởi đăng tuyến bài "Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở", nhằm khắc họa vai trò then chốt của lực lượng công an cơ sở. Bằng sự tận tâm, gần gũi, công an xã thật sự trở thành "điểm tựa bình yên của nhân dân".

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 1.

Đằng sau cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là cả một hành trình nỗ lực thích nghi nhiệm vụ, tự rèn luyện, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ công an xã trên khắp mọi miền đất nước, họ đang thực sự "rèn thép" giữa đời thường, "sâu một việc, biết nhiều việc".

Lực lượng công an xã hôm nay chính là minh chứng sinh động cho tính đúng đắn, sáng tạo, tiên phong trong chủ trương tinh gọn bộ máy tổ chức ngành công an - một quyết sách lớn, đặt lợi ích quốc gia, sự bình yên cuộc sống của nhân dân lên hàng đầu.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 2.

Trong dòng chảy đổi mới của đất nước, lực lượng Công an nhân dân đã ba lần "dũng cảm" tự mình làm cuộc "cách mạng" lớn - sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Đây không chỉ là bước đi nhằm hiện đại hóa lực lượng mà còn thể hiện khát vọng nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của thời đại số.

Việc tinh gọn bộ máy đã giúp lực lượng Công an nhân dân hoạt động hiệu quả hơn trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời tiết kiệm nguồn lực cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề để xây dựng đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 3.

Nhìn lại lịch sử cho thấy trước năm 2018, ngành công an tổ chức theo bốn cấp: bộ - tỉnh - huyện - xã. Trong Bộ Công an có nhiều tầng nấc như tổng cục, cục, phòng và đội.

Tháng 8-2018, Bộ Công an triển khai nghị định 01 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức mới. Cải cách tập trung vào phương châm: "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", tinh giản biên chế và ưu tiên đầu tư cho lực lượng chiến đấu trực tiếp, hướng về cơ sở.

Ngay lập tức, 6 tổng cục lớn giải thể gồm: An ninh, Cảnh sát, Chính trị, Hậu cần - Kỹ thuật, Tình báo, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Những đơn vị chức năng trùng lặp hoặc không rõ ràng được hợp nhất, giúp giảm 55 cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.

Nhiều đơn vị mới được thành lập phù hợp với tình hình thực tiễn như: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cục Truyền thông Công an nhân dân...

Ở cấp địa phương, 20 sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội ở cấp tỉnh và huyện cũng được cắt giảm.

Toàn ngành giảm 172 lãnh đạo cấp cục, hơn 1.500 lãnh đạo cấp phòng và huyện, hơn 2.300 lãnh đạo cấp đội. Nhiều cán bộ, trong đó có 5 thiếu tướng, tự nguyện nghỉ trước tuổi để tạo điều kiện sắp xếp tổ chức mới.

Song song với cải tổ tổ chức, Bộ Công an bắt đầu triển khai thí điểm bố trí công an chính quy tại xã - nơi trước đây phần lớn được đảm nhiệm bởi lực lượng bán chuyên trách. 

Khoảng 10.000 cán bộ được điều động về địa phương, trong đó có gần 1.000 người từ cơ quan bộ, hơn 5.900 người từ cấp tỉnh xuống huyện, hơn 3.200 người từ huyện xuống xã.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 4.

Tại Hà Nội, ngày 1-4-2019, Công an thành phố công bố quyết định điều động 137 cán bộ về 23 xã thuộc 13 huyện. Trong đó có 23 trưởng và 34 phó trưởng công an xã, cùng 80 công an viên chính quy.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an xã phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'

Thủ tướng: Công an đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân

Đến nay, cả nước đã có hơn 55.000 lượt cán bộ, chiến sĩ được điều động về đảm nhiệm các chức danh công an xã chính quy tại hơn 8.800 xã, thị trấn. Mỗi địa phương đều có sự hiện diện của lực lượng công an xã chính quy, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (nay là Tổng Bí thư) nhấn mạnh trong 72 năm lịch sử ngành, có 36 năm tồn tại cấp tổng cục, 36 năm không có. 

Theo Bộ Tài chính, việc xóa cấp tổng cục và tinh gọn các cục, phòng đã giúp tiết kiệm được khoảng 1.000 tỉ đồng.

Đúng 5 năm sau cải cách đầu tiên, tháng 7-2023 Bộ Công an tiếp tục đợt tinh gọn lần hai. Lần này, 279 đơn vị cấp phòng và 1.237 đơn vị cấp đội bị cắt giảm. Việc sắp xếp giúp khắc phục tình trạng cồng kềnh, chồng chéo chức năng và chia cắt địa bàn quản lý.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 6.

Đầu năm 2025, tại kết luận số 121 ngày 24-1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý chủ trương tổ chức bộ máy công an theo hướng "tỉnh toàn diện, xã vững mạnh, bám cơ sở", không tổ chức công an cấp huyện. Với huyện đảo sẽ bố trí đồn công an do không có đơn vị hành chính cấp xã.

Chỉ hơn một tháng sau, Bộ Công an đồng loạt triển khai chủ trương. Từ ngày 1-3-2025, toàn bộ 694 đơn vị công an cấp huyện với gần 6.000 đội trực thuộc chính thức chấm dứt hoạt động. Ngành công an chỉ còn ba cấp: bộ - tỉnh - xã.

Công an cấp tỉnh giờ đây đảm nhiệm toàn diện các chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Trưởng công an xã được tăng thẩm quyền, các điều tra viên, cán bộ điều tra cũng được tăng cường cho cấp xã.

Hàng vạn cán bộ công an cấp huyện được phân bổ lại cho cấp tỉnh hoặc xã tùy theo năng lực. Việc sắp xếp đảm bảo đúng ngành dọc, lực lượng an ninh về an ninh, cảnh sát về cảnh sát.

Tháng 3-2025, nhiều cán bộ cấp tá tại các địa phương xin nghỉ hưu trước tuổi để thuận lợi cho công tác sắp xếp. 

Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định chủ trương của Bộ Chính trị là "duy trì, bảo đảm biên chế lực lượng vũ trang" trong quá trình sắp xếp bộ máy để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó bộ không khuyến khích việc nghỉ công tác trước hạn tuổi phục vụ.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 7.

Việc giải thể công an cấp huyện không chỉ là dấu mốc trong tiến trình tinh gọn bộ máy, mà còn là lời khẳng định đầy trân trọng rằng lực lượng công an cấp huyện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. 

Trải qua bao năm tháng sát cánh cùng nhân dân, họ đã góp phần giữ gìn bình yên từng thôn xóm, dựng xây nền tảng vững chắc cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Những đóng góp ấy lặng thầm nhưng sâu sắc, sẽ mãi được khắc ghi trong lòng dân và trong dòng chảy phát triển của đất nước.

Không chỉ dừng ở việc tinh gọn bộ máy, từ ngày 1-3-2025 Bộ Công an còn tiếp nhận 5 nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước từ các bộ, ngành khác, gồm: Bảo đảm an ninh hàng không, An toàn thông tin mạng, Sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Quản lý lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp, Cai nghiện ma túy và công tác sau cai nghiện.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng trở thành cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại MobiFone - một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông.

Đại tướng Lương Tam Quang - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, bộ trưởng Bộ Công an - từng nhấn mạnh thời gian tới, lực lượng công an tiếp tục gương mẫu đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, phấn đấu sau lần sắp xếp thứ ba sẽ tạo ra một bộ máy thật sự tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, theo đúng chủ trương của Đảng.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 8.
Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 9.

Quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, việc giải thể công an cấp huyện là một quyết định lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Đặt trong tiến trình đó, công an cấp xã đã và đang chứng minh bản lĩnh khi không chỉ tiếp nhận mà còn hoàn thành xuất sắc vai trò mới, trở thành trung tâm vững chắc trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ngay tại cơ sở.

Bộ máy công an được tổ chức lại với phương châm "tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả", nhưng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự chưa bao giờ bị sao nhãng hay gián đoạn. 

Các chức năng, quyền hạn của công an huyện được phân định, điều chỉnh hợp lý, trao về cho công an cấp tỉnh và xã, bảo đảm sự vận hành nhịp nhàng từ Trung ương đến cơ sở.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 10.

Tinh thần xuyên suốt của việc tổ chức lại lực lượng không phải là giảm nhẹ trách nhiệm, mà ngược lại đặt ra yêu cầu cao hơn về tính chủ động, năng lực tự xử lý tình huống, khả năng "gần dân, sát dân, hiểu dân, vì dân" của lực lượng công an xã.

Công an xã từ lực lượng vốn được coi là bán chuyên trách nay đã trở thành lực lượng chính quy, cấp công an quan trọng trong hệ thống Công an nhân dân.

Tại chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận "Sống trong lòng dân" hồi tháng 1-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc xây dựng công an cấp xã đã góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến tích cực về an ninh, trật tự, cùng toàn lực lượng công an làm nên nhiều kỳ tích trong giai đoạn cách mạng mới.

"Công an cấp xã không chỉ thể hiện sâu sắc tinh thần ‘lúc dân cần, lúc dân khó, có công an’, ‘sâu một việc, biết nhiều việc’, cao hơn, thể hiện sáng ngời bản chất Công an nhân dân thực sự sống trong lòng dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu công an xã cần thường xuyên duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm, chăm lo, giải quyết kịp thời vướng mắc, tâm tư chính đáng của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy trên những tuyến đường làng, con phố nhỏ, nơi nhịp sống đời thường diễn ra mỗi ngày, hình ảnh người chiến sĩ công an xã ngày càng trở nên thân thuộc, họ vừa là người giữ gìn an ninh trật tự, vừa là người bạn lắng nghe, chia sẻ với nhân dân.

Không còn chỉ dừng lại ở tuần tra kiểm soát, công an xã giờ đây trực tiếp tiếp nhận, phân loại, kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo, tố giác về tội phạm. Từ những tranh chấp nhỏ trong dân cư đến những vụ việc có yếu tố hình sự, tất cả đều được giải quyết ngay từ khi mới manh nha, hạn chế tối đa nguy cơ phức tạp hóa tình hình.

Trực tiếp bám địa bàn, công an xã có ưu thế đặc biệt trong việc nắm chắc mọi biến động xã hội, hiểu rõ từng đối tượng, từng gia đình, từng khu vực trọng điểm. Sự sâu sát ấy giúp lực lượng chủ động phát hiện những mầm mống bất ổn từ sớm, từ xa, đúng với phương châm "giữ cho xã bình yên cũng chính là giữ cho cả nước bình yên".

Để bảo đảm lực lượng công an xã đủ sức cáng đáng nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Công an đã có những quyết định chiến lược, bố trí điều tra viên, cán bộ điều tra ngay tại công an xã. 

Đây là bước đột phá chưa từng có, vừa rút ngắn quy trình xử lý tin báo, tố giác tội phạm, vừa trao trọn niềm tin của lãnh đạo bộ đối với lực lượng tuyến cơ sở.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi ở mỗi cán bộ, chiến sĩ công an xã không chỉ là lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, mà còn là bản lĩnh pháp luật vững vàng, khả năng nghiệp vụ chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu điều tra, xử lý các vụ án phức tạp ngày càng nhiều.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 11.

Bên cạnh công tác chuyên môn nghiệp vụ, hiện nay công an xã còn được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới trong lĩnh vực hành chính: xây dựng đề án 06 của Chính phủ; cấp đổi căn cước công dân; cấp đăng ký, biển số xe; cấp phiếu lý lịch tư pháp… Đến nay, công an xã đã có thể giải quyết giúp người dân 35 thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Những dịch vụ trước kia đòi hỏi người dân phải mất cả ngày trời di chuyển lên huyện, nay được thực hiện ngay tại trụ sở công an xã, thuận tiện, nhanh gọn, tiết kiệm chi phí, công sức cho nhân dân.

Mỗi cuộc trò chuyện với đồng bào bên bếp lửa, mỗi lần lắng nghe tâm tư của người dân, mỗi chuyến tuần tra đêm giữa những con đường vắng... Tất cả những điều tưởng như nhỏ bé ấy lại đang từng ngày, từng giờ vun đắp nên một nền tảng bình yên vững chắc cho cộng đồng.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 12.

Những thay đổi trong tổ chức lực lượng và nhiệm vụ của công an xã đã đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm và hoàn thành tốt công việc trong những điều kiện mới.  

Công an phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một ví dụ điển hình về sự thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng trong việc thích ứng với mô hình mới.

Giữa những ngày tháng 4 oi ả, tại trụ sở Công an phường Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), không khí làm việc như thêm "nóng" lên bởi nhịp điệu khẩn trương, tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ. Mồ hôi thấm đẫm vai áo, nhưng trên từng gương mặt người lính công an vẫn ánh lên sự tận tụy, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ.

Trong căn phòng nhỏ, trung tá Lê Văn Quyền, trưởng Công an phường Trung Văn, cùng các cán bộ, chiến sĩ hăng hái trong cuộc họp giao ban, quán triệt nhiệm vụ và đề ra phương hướng triển khai các công việc mới.

Với việc công an cấp quận, huyện đã giải thể, từ ngày 1-3 Công an phường Trung Văn nói riêng và công an các xã, phường trên toàn quốc nói chung hoạt động theo mô hình mới, tiếp nhận thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 13.

Sau hơn một tháng triển khai mô hình mới, Công an phường Trung Văn đã nhanh chóng ổn định tổ chức và vận hành hiệu quả. Dù khối lượng công việc tăng lên sau khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, nhưng công tác chuyên môn được duy trì xuyên suốt, không để gián đoạn.

Đặc biệt, công tác đăng ký xe đã được tiếp nhận từ Công an quận Nam Từ Liêm (cũ), ngay lập tức được triển khai, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân trong việc hoàn tất thủ tục hành chính.

Chị Kiều Thị Dung (30 tuổi, trú tại Mễ Trì, Nam Từ Liêm) lần đầu đăng ký xe máy tại Công an phường Trung Văn cho biết quy trình rất nhanh chóng và tiện lợi. Chị được cán bộ công an niềm nở, hướng dẫn tận tình. 

"Điểm tiếp nhận đăng ký gần nhà, thuận tiện cho tôi. Sau khi bấm biển số, tất cả giấy tờ sẽ được gửi về tận nhà, không phải quay lại lấy" - chị Dung vui mừng chia sẻ.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 14.

Công an phường Trung Văn (Hà Nội) họp giao ban - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngoài ra, Công an phường Trung Văn còn triển khai mô hình điều tra viên theo đúng quy định của Bộ Công an, với trưởng và phó trưởng công an phường phụ trách hình sự đều là điều tra viên, giúp nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý các vụ việc trên địa bàn.

Không chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, Công an phường Trung Văn còn là đơn vị đi đầu trong việc triển khai đề án 06 của Chính phủ về xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia, đảm bảo thu thập dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", góp phần hiện đại hóa nền hành chính và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Công an phường Trung Văn được bổ sung thêm 11 cán bộ, nâng tổng quân số lên 42 người. Song song với việc tăng cường lực lượng, đơn vị còn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, chiến sĩ.

Bên cạnh đó, nắm bắt xu thế cải cách hành chính hiện đại, Công an phường đã đẩy mạnh triển khai phương thức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính không chỉ giúp giảm tải áp lực cho bộ phận tiếp dân, mà còn tạo điều kiện để người dân thực hiện các thủ tục dễ dàng, thuận tiện hơn ngay từ nhà, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Ông Vũ Ngọc Báu (68 tuổi, cư dân phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ do đã cao tuổi và không thành thạo công nghệ, mỗi khi cần thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, ông thường đến công an phường để được hỗ trợ.

"Tôi già rồi, dùng điện thoại thông minh hay máy tính cũng khó khăn. Nhưng mỗi lần cần làm thủ tục, giấy tờ tôi lại sang Công an phường Trung Văn. Các cán bộ, chiến sĩ ở đây luôn tận tình hướng dẫn, lắng nghe dân, không nề hà gì cả. Từ lãnh đạo đến cảnh sát khu vực đều gần gũi, thân thiện, thật sự hiểu, quan tâm đến người dân" - ông Báu bày tỏ.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 15.

Cách Hà Nội hơn 100km, Công an tỉnh Thanh Hóa là một trong những đơn vị tiên phong trong việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động ngay từ cơ sở. Công an tỉnh đã giảm 26 đầu mối cấp huyện, giải thể 184 đội nghiệp vụ, đưa hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ về công tác tại cấp xã và các phòng chuyên môn.

"Hiện nay công an xã chính là lực lượng nòng cốt, quan trọng. Trình độ chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ cần không ngừng nâng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn", đại tá Dương Văn Tiến, phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ.

Không đơn độc trên tuyến đầu, công an xã được kết nối chặt chẽ với cấp tỉnh, đảm bảo mọi vụ việc đều được xử lý kịp thời, chính xác.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 16.

Đại úy Nguyễn Văn Thắng, trưởng Công an thị trấn Hậu Lộc (Thanh Hóa), cùng cán bộ cấp biển số xe cho người dân - Ảnh: DANH TRỌNG

Đại úy Nguyễn Văn Thắng, trưởng Công an thị trấn Hậu Lộc (Thanh Hóa), tâm sự với Tuổi Trẻ Online: "Thời gian đầu tiếp nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới, anh em không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng với tinh thần vừa làm vừa học, vừa chạy vừa xếp hàng, chúng tôi kiên trì bám sát địa bàn, chủ động giải quyết từng nhiệm vụ được giao".

Không để khó khăn làm chùn bước, lực lượng Công an thị trấn Hậu Lộc đã miệt mài học tập, rèn luyện để nhanh chóng làm chủ yêu cầu nhiệm vụ mới.

"Đến hôm nay, cán bộ, chiến sĩ công an xã, thị trấn đã thực sự vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ mới như cấp đổi căn cước công dân; đăng ký, biển số xe... Qua đó khẳng định vai trò trung tâm trong giữ gìn an ninh trật tự cơ sở", đại úy Thắng khẳng định.

Chia sẻ về những ngày đầu tiếp nhận nhiệm vụ mới, thượng tá Hà Thanh Thủy - trưởng Công an thị trấn Lang Chánh (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) - cho biết bên cạnh những thuận lợi ban đầu, đơn vị cũng đối mặt với không ít khó khăn, khối lượng công việc lớn trong khi quân số còn mỏng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp yêu cầu, đặc biệt với các nhiệm vụ tiếp nhận từ các bộ, ngành chuyển giao.

Công an xã - ‘lá chắn thép’ giữ bình yên cơ sở - Ảnh 17.

Dù vậy ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, tập thể đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, họp bàn, phân công rõ người, rõ việc. Đặc biệt, những cán bộ làm công tác tiếp công dân được bố trí, hướng dẫn cụ thể để đảm bảo mọi quy trình được thực hiện trôi chảy.

"Không chỉ làm việc trong giờ hành chính, chúng tôi tranh thủ tăng ca ban đêm, quyết tâm xử lý hết hồ sơ, thủ tục của người dân, không để tồn đọng hay gián đoạn bất kỳ khâu nào" - thượng tá Thủy chia sẻ.

Ông cũng cho biết mặc dù ban đầu còn lúng túng với một số quy trình mới, nhưng nhờ trực tiếp va chạm thực tế, đồng thời tham khảo sự hỗ trợ từ các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ cấp trên, đội ngũ cán bộ đã nhanh chóng thích ứng, xử lý công việc ngày càng thuần thục, hiệu quả.

Đáng chú ý, thực hiện chiến dịch thu thập dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp, quản lý căn cước công dân gắn chip điện tử, đến nay Công an thị trấn Lang Chánh đã kích hoạt hơn 4.700 tài khoản định danh mức độ 2, giải quyết thường trú cho hơn 1.800 hồ sơ và điều chỉnh thông tin cư trú cho khoảng 6.000 trường hợp, góp phần hiện đại hóa quản lý dân cư trên địa bàn.

Không chỉ là lực lượng phục vụ nhân dân trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, công an xã còn là chốt chặn đầu tiên giữ gìn an ninh trật tự ngay từ cơ sở.

Ngược lên miền núi Tây Bắc, giữa bản làng yên ả của xã Hua La (TP Sơn La, tỉnh Sơn La), có một cán bộ "công an xã tiêu biểu" được bà con quý mến gọi là "Nụ Bình" (tiếng Thái "nụ" nghĩa là "con cái" trong gia đình). Đó là đại úy Kiều Bình - phó trưởng Công an xã Hua La.

13 năm khoác trên mình sắc phục công an, đại úy Kiều Bình đã có đến 11 năm gắn bó với cơ sở. Suốt ngần ấy thời gian, từng bản làng, từng con ngõ ở Hua La đều in dấu chân anh cùng các cán bộ công an xã.

Anh hiểu rõ muốn giữ bình yên cho dân thì phải phòng ngừa từ gốc, phải chủ động, quyết liệt và đồng bộ. "Công an mạnh thì tội phạm yếu và sẽ giảm" - đó là nguyên tắc mà anh luôn tâm niệm.

Muốn vậy, công an phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó lấy phòng ngừa, chủ động tấn công, trấn áp tội phạm làm nòng cốt. Công an xã Hua La cũng tăng cường quản lý nhân khẩu, siết chặt tạm trú tạm vắng, chủ động nắm bắt, gọi hỏi răn đe thanh thiếu niên hư hỏng, các đối tượng có dấu hiệu vi phạm; tiếp nhận, phân loại, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm.

Chia sẻ về những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ công tác, đại úy Kiều Bình cho biết không ít lần cán bộ trong đơn vị phải "gồng mình" trước những chiến dịch lớn như cấp căn cước công dân, kích hoạt định danh điện tử… 

Nhân lực mỏng, công việc nhiều, đại úy Kiều Bình cùng đồng đội tranh thủ từng giờ, từng ngày để hoàn thành chỉ tiêu. Anh cùng đồng đội không coi đó là vất vả, mà là động lực, niềm vui được góp sức cho cộng đồng.

Trong 3 năm phụ trách công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đại úy Kiều Bình đã trực tiếp chỉ đạo xử lý nhiều vụ án ma túy, giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp liên quan đến an ninh trật tự. 

Anh cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm giảm cầu ma túy ngay tại cơ sở, góp phần làm trong sạch địa bàn. Đáng chú ý, năm 2024 anh trực tiếp chỉ huy bắt giữ thành công Cà Văn Thuận (34 tuổi, trú tại TP Sơn La) - đối tượng bị truy nã về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Gần dân, hiểu dân, làm vì dân, chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm… đó là cách mà đại úy Bình cũng như tất cả cán bộ, chiến sĩ công an xã đang từng ngày viết tiếp hành trình bình yên nơi bản làng.

Từ thủ đô Hà Nội đến các huyện miền núi heo hút, đồng bằng xa xôi, hình ảnh công an xã không chỉ gắn liền với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, giải quyết thủ tục hành chính… mà còn là "điểm tựa bình yên", "lá chắn thép" giữ vững thế trận lòng dân.


DANH TRỌNG