Chuyển đối số và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại dịch vụ thành phố Cần Thơ

Bài viết tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ ở thành phố Cần Thơ.

Lê Quốc Toàn

Học viên cao học ngành Quản trị Kinh doanh, Đại học Nam Cần Thơ

Dương Ngọc Thành

Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Cửu Long

Lưu Tiến Thuận

Khoa Marketing, Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ

Email tác giả liên hệ: ltthuan@ctu.edu.vn

Tóm tắt

Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí và vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Bài viết tập trung phân tích thực trạng chuyển đổi số tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ ở thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của chuyển đổi số đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này. Đồng thời, nghiên cứu chỉ ra các khó khăn cơ bản mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Từ kết quả nghiên cứu, một số giải pháp được đề xuất nhằm khắc phục các khó khăn và đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong thời gian tới.

Từ khóa: Chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại dịch vụ

Summary

Can Tho is the central city of the Mekong Delta region, holding a crucial position and role in promoting digital transformation. This paper analyzes the current state of digital transformation among small and medium-sized enterprises in the trade and service sectors in Can Tho City. The research findings indicate the impact of digital transformation on the business performance of these enterprises. At the same time, the study identifies key challenges that businesses face during the digital transformation process. Based on the results, several solutions are proposed to overcome these difficulties and promote digital transformation in enterprises in the coming period.

Keywords: Digital transformation, small and medium-sized enterprises, trade and services

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. DNNVV hỗ trợ, bổ sung cho các doanh nghiệp lớn, tạo thành mối liên kết cùng hợp tác, cùng cạnh tranh và cùng nhau phát triển. Đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của DNNVV là tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, phát triển kinh tế.

Chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các DNVVN. Chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số vào hoạt động của doanh nghiệp và tổ chức, nhằm thay đổi cơ bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp giá trị mới cho khách hàng.

Cần Thơ là thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy CĐS và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nhiều nghiên cứu về CĐS ở các DNVVN trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (TMDV). Vì vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của CĐS đến hiệu quả hoạt động của các DNNVV trong lĩnh vực TMDV tại TP. Cần Thơ là rất cần thiết. Qua đó, nghiên cứu xác định và nhận diện các khó khăn cũng như khẳng định ảnh hưởng của CĐS đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhằm có các giải pháp đẩy mạnh việc CĐS của các DNVVN trong lĩnh vực TMDV.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý luận

Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. giúp tạo ra nhiều cơ hội, doanh thu và giá trị mới cho người sử dụng, khách hàng, đối tác và xã hội và là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn với các cấp độ khác nhau. Chuyển đổi số bao gồm 3 giai đoạn: số hóa thông tin, số hóa quy trình và số hóa toàn diện (Bouee C và cộng sự, 2015), cụ thể như sau:

Giai đoạn 1: Số hóa thông tin là việc chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý sang dạng kỹ thuật số. Ở mức độ cơ bản và gần gũi với hoạt động doanh nghiệp, điều này có thể được hiểu là các hoạt động thông tin dạng giấy sang lưu trữ ở dạng file điện tử (word, excel, PDF,..) và lưu trữ trong hệ thống máy tính của đơn vị.

Giai đoạn 2: Số hóa quy trình là việc áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình hiện tại. Doanh nghiệp có thể sử dụng các thông tin đã được chuyển sang dạng điện tử để phân tích, khai thác khá nhiều công nghệ khác phục vụ cho các hoạt động vận hành, kinh doanh và đưa ra các cải tiến hoặc thay đổi quy trình vận hành hiện tại.

Giai đoạn 3: Số hóa toàn diện hay còn gọi là CĐS, là sự thay đổi mang tính căn bản về công nghệ và tâm lý. Điều này tạo ra sự đột phá và chuyển đổi quy trình bên trong và bên ngoài doanh nghiệp và xã hội. Để thực hiện được các thay đổi mang tính đột phá này, CĐS đã tác động toàn diện tới các lĩnh vực kinh doanh, công nghệ và con người.

CĐS trong doanh nghiệp còn được gọi là quá trình tối ưu hóa hoạt động kinh doanh bằng việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh doanh để thay thế từng bước các quy trình truyền thống bằng các quy trình hiện đại và khoa học hơn. Mục tiêu cuối cùng là tăng cường chất lượng và hiệu suất trong quản lý doanh nghiệp và cung cấp cho khách hàng các dịch vụ và trải nghiệm tốt hơn, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (Loan, 2023).

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng.

Số liệu thứ cấp được thu thập từ các nguồn được công bố trên các website của các cơ quan quản lý, từ Văn phòng UBND TP. Cần Thơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ các báo cáo, bài báo có liên quan đến CĐS và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Số liệu sơ cấp được khảo sát từ 120 doanh nghiệp TMDV tại TP. Cần Thơ. Đối tượng khảo sát là các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo điều hành, trưởng phòng kinh doanh trong doanh nghiệp bằng bảng câu hỏi được thiết kế sẵn. Nội dung khảo sát xoay quanh các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, các nội dung CĐS trong doanh nghiệp… Từ đó, xác định những khó khăn và đề xuất các giải pháp giúp quá trình CĐS của các doanh nghiệp đạt được kết quả như mong đợi.

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TMDV TP. CẦN THƠ

Mức độ chuyển đổi số và yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả

Bảng 1 trình bày những thông tin liên quan đến CĐS và những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Theo đó, có 80% doanh nghiệp đang ở giai đoạn Bắt đầu và Hình thành CĐS; hơn 18% doanh nghiệp đang ở giai đoạn Nâng cao và Dẫn dắt về CĐS, thể hiện các DNNVV đã quan tâm và đầu tư về CĐS từ sớm.

Bảng 1: Mức chuyển đổi số và yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả kinh doanh

Chỉ tiêu

Tần số

Tỷ lệ (%)

Mức độ chuyển đổi số

Khởi động

2

1,67

Bắt đầu

33

27,50

Hình thành

63

52,50

Nâng cao

14

11,67

Dẫn dắt

8

6,67

Mức độ ảnh hưởng của

chuyển đổi số

Không ảnh hưởng

29

24,17

Ít ảnh hưởng

18

15,00

Ảnh hưởng trung bình

59

49,17

Ảnh hưởng nhiều

14

11,67

Yếu tố quan trọng để

nâng cao hiệu quả kinh doanh

Mở rộng quy mô

64

53,33

Đẩy mạnh chuyển đổi số

27

22,50

Tăng cường quản lý tài sản cố định

21

17,50

Tăng cường đào tạo phát triển nhân lực

8

6,67

Nguồn: Kết quả khảo sát 120 doanh nghiệp TMDV tại TP. Cần Thơ (2024)

Bên cạnh đó, mức độ ảnh hưởng của CĐS đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá ở mức Ít ảnh hưởng, chiếm 15%; ở mức Ảnh hưởng trung bình, chiếm 50% và gần 12% cho rằng Ảnh hưởng nhiều. Kết quả này phù hợp khi mức độ áp dụng chuyển đổi số của các doanh nghiệp TMDV cũng ở giai đoạn Bắt đầu và Hình thành là chủ yếu.

Đối với yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, ngoài các yếu tố truyền thống như Mở rộng quy mô hoạt động 53,33%; Tăng cường quản lý tài sản cố định 17,5%; Tăng cường đào tạo phát triển nhân lực 6,67%, thì yếu tố Đẩy mạnh CĐS được đặc biệt chú ý, chiếm 22,5%. Đây là một trong những nhân tố mới sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Những thông tin chi tiết về các lĩnh vực áp dụng CĐS trong doanh nghiệp TMDV (Bảng 2) bao gồm: Nhân sự, tài chính, kho hàng, khách hàng, marketing, nhằm góp phần linh hoạt trong công tác quản lý điều hành, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các lĩnh vực Quản lý và chăm sóc khách hàng được các doanh nghiệp ưu tiên áp dụng CĐS nhiều nhất để chăm sóc khách hàng được chu đáo hơn chiếm tỷ lệ là 75,8%; kế đến là Quản lý marketing 71,7% như: Quảng cáo, triển khai các chương trình marketing... Các lĩnh vực quản lý khác cũng đẩy mạnh việc áp dụng CĐS như: Quản lý nhân sự 45,8%; Quản lý tài chính 42,5%; Quản lý kho hàng 35%.

Bảng 2: Lĩnh vực áp dụng chuyển đổi số của doanh nghiệp

Chỉ tiêu

Tần số

Tỷ lệ (%)

Quản lý khách hàng

91

75,8

Quản lý marketing

86

71,7

Quản lý nhân sự

55

45,8

Quản lý tài chính

51

42,5

Quản lý kho hàng

42

35,0

Nguồn: Kết quả khảo sát 120 doanh nghiệp TMDV tại TP. Cần Thơ (2024)

Mức độ sử dụng chuyển đổi số trong các hoạt động của doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp TMDV được khảo sát cho thấy, việc thực hiện CĐS có sự phân mảnh, tức là họ quản lý từng chức năng hoạt động riêng lẻ, như vận chuyển hàng hóa, quản lý kho hàng, bán hàng, quản lý nhân sự và kế toán, mà thiếu tính kết nối và đồng bộ giữa các phần mềm hoặc quy trình liên quan. Hầu hết các doanh nghiệp đã thể hiện quan tâm đến CĐS. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào CĐS vẫn còn thấp. Một số doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ số, nhưng chủ yếu trong một số nghiệp vụ cụ thể, chưa thực hiện đồng đều và toàn diện.

Hình 1: Mức độ sử dụng chuyển đổi số trong các hoạt động của doanh nghiệp

Chuyển đối số và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại dịch vụ thành phố Cần Thơ
Nguồn: Kết quả khảo sát 120 doanh nghiệp TMDV tại TP. Cần Thơ (2024)

Xét về mức độ sử dụng phần mềm trong các hoạt động của doanh nghiệp, kế toán là nghiệp vụ mà các doanh nghiệp sử dụng CĐS ở mức độ trung bình và phần lớn là lớn nhất, với 60,5% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên. Kế đến là quản lý nhân sự, quản lý kho hàng và quản lý đơn hàng, khách hàng sử dụng CĐS trung bình đến phần lớn thường xuyên, trong việc quản lý chiếm tỷ lệ là 42,8%, 38,8%, và 34,8% tương ứng. Tình hình quản lý xe và vận chuyển hàng hóa trong doanh nghiệp cho thấy 41,5% là có nhưng hầu hết chưa/không áp dụng, mà doanh nghiệp hầu hết chỉ sử dụng phần mềm trong quản lý, chiếm 21%.

Ảnh hưởng của chuyển đổi số theo từng lĩnh vực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh

Kết quả phân tích mô hình ước lượng đối với hiệu quả kinh doanh (ROA) ở Bảng 3 cho thấy, ngoài các biến có ảnh hưởng như loại hình hoạt động doanh nghiệp, tuổi chủ doanh nghiệp, trình độ học vấn chủ doanh nghiệp, tốc độ tăng doanh thu, thời gian hoạt động, thì lĩnh vực áp dụng CĐS cũng có tác động thuận chiều/nghịch chiều đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh. Cụ thể các lĩnh vực áp dụng CĐS trong quản lý kho hàng và quản lý marketing có tác động thuận chiều đến hiệu quả kinh doanh. Điều này cho thấy, các yếu tố này có khả năng tối ưu hóa hiệu quả nhờ tận dụng lợi thế về CĐS. Riêng các lĩnh vực áp dụng CĐS trong quản lý nhân sự, quản lý khách hàng và trong quản lý tài chính thì có tác động nghịch chiều với hiệu quả kinh doanh. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Coad và cộng sự (2013) ghi nhận rằng doanh nghiệp áp dụng CĐS trong quản lý nhân sự và tài chính trong thời gian đầu CĐS của doanh nghiệp chưa vào nề nếp đã dẫn đến hiệu suất kinh doanh giảm. Ngoài ra, mức độ CĐS chưa thấy tác động đến hiệu quả hoạt động vì đa số các doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu là khởi động, bắt đầu và hình thành.

Bảng 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNVV

Biến

Diễn giải

ROA

Hệ số

Giá trị t

Giá trị p

X1

Loại hình hoạt động doanh nghiệp

0,890

2,01

0,047

X2

Giới tính chủ doanh nghiệp

-0,581

-1,16

0,251

X3

Tuổi chủ doanh nghiệp

0,076

3,40

0,001

X4

Trình độ học vấn chủ doanh nghiệp

0,349

3,34

0,001

X5

Kinh nghiệm quản lý

0,658

4,88

0,000

X6

Quy mô của doanh nghiệp

-1,895

-0,99

0,327

X7

Tốc độ tăng doanh thu

0,043

3,85

0,000

X8

Thời gian hoạt động

-0,726

-4,22

0,000

X9

Tài sản cố định

3,689

1,87

0,064

X10

Mức độ chuyển đổi số

0,368

1,23

0,221

X11-1

Lĩnh vực áp dụng CĐS quản lý nhân sự

-1,390

-2,82

0,006

X11-2

Lĩnh vực áp dụng CĐS quản lý tài chính

-1,148

-2,01

0,047

X11-3

Lĩnh vực áp dụng CĐS quản lý kho hàng

2,758

4,52

0,000

X11-4

Lĩnh vực áp dụng CĐS quản lý khách hàng

-1,057

-1,90

0,060

X11-5

Lĩnh vực áp dụng CĐS quản lý Marketing

1,032

2,00

0,048

X11-6

Lĩnh vực áp dụng CĐS sản xuất/kế hoạch

-0,899

-1,46

0,147

Hằng số

2,347

1,33

0,185

Giá trị F

F = 9,97 Prob > F = 0,000

Hệ số xác định

R2 = 0,608 R2adj = 0,547

Giá trị phóng đại phương sai (VIF) trung bình

2,06

Nguồn: Kết quả khảo sát 120 doanh nghiệp TMDV tại TP. Cần Thơ (2024)

Một số khó khăn

Kết quả chỉ ra những khó khăn mà DNVVN trong lĩnh vực TMDV đang gặp phải trong quá trình CĐS. Có đến hơn 61,5% doanh nghiệp khảo sát đang gặp vấn đề về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 51,2% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; 48,7% doanh nghiệp thiếu nguồn nhân lực nội bộ trong CĐS, 43,4% doanh nghiệp thiếu cơ sở hạ tầng CĐS và một số khó khăn khác (Hình 2).

Hình 2: Những khó khăn trong chuyển đổi số của các doanh nghiệp TMDV ở Thành phố Cần Thơ

Chuyển đối số và hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại dịch vụ thành phố Cần Thơ
Nguồn: Kết quả khảo sát 120 doanh nghiệp TMDV tại TP. Cần Thơ (2024)

Các khó khăn chính trong CĐS bao gồm:

Rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng CĐS: Chi phí đầu tư vào các giải pháp công nghệ số cũng như chi phí triển khai, duy trì công nghệ tương đối cao. Trong khi hiệu quả của việc ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn, sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc thời điểm thích hợp đầu tư dài hạn.

Thay đổi thói quen: Thách thức của CĐS là quản lý, nhân viên cần có nhận thức đúng. Quá trình CĐS làm thay đổi cách thức con người sinh hoạt, làm việc, từ việc gặp gỡ trực tiếp để trao đổi, và bây giờ có thể thực hiện ngay trên môi trường số.

Thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng CĐS: Dù lực lượng lao động trẻ hiện nay có kiến thức và kỹ năng về công nghệ, dễ dàng tiếp cận và sử dụng các công cụ số. Tuy nhiên, để một doanh nghiệp tham gia vào quá trình CĐS cần có chuyên gia, nội bộ am hiểu về công nghệ số để có thể hướng dẫn đến nhân viên. Các doanh nghiệp nhìn chung chưa có sự đầu tư cho việc chiêu mộ nhân tài để phục vụ cho quá trình CĐS.

Thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng công nghệ số là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khi doanh nghiệp thực hiện CĐS. Tuy nhiên, hệ quả của chi phí đầu tư cao có thể dẫn đến việc thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết để doanh nghiệp thực hiện CĐS một cách hiệu quả và toàn diện.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỀ XUẤT

Nâng cao nhận thức, năng lực triển khai CĐS trong các doanh nghiệp: Với doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc quyết định thực hiện CĐS như thế nào, lựa chọn các giải pháp nào là một rào cản lớn.

Tăng cường hỗ trợ về nguồn tài chính triển khai CĐS cho các doanh nghiệp: Các dự án CĐS có thể tốn nhiều chi phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp có hạn chế. Do vậy, cần tăng cường hỗ trợ vốn cho các chi phí triển khai CĐS, bao gồm chi phí đầu tư công nghệ số, chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với quy trình mới; chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, chi phí trong việc xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro.

Tăng cường thông tin về các giải pháp CĐS nhằm giảm thiểu các rủi ro: Các giải pháp số hóa trên thị trường của các nhà cung cấp trong nước và ngoài nước rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh thì không đơn giản, nhất là đối với các DNNVV, cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí.

Xây dựng tài liệu hướng dẫn về CĐS: Giúp doanh nghiệp nắm được lộ trình, phương pháp thực hiện và các giải pháp phục vụ cho CĐS, tập huấn cho các cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng tham gia CĐS; xây dựng mạng lưới tư vấn CĐS cho các doanh nghiệp nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện CĐS.

Khuyến khích doanh nghiệp CĐS theo hướng trọng tâm: Ưu tiên lĩnh vực quản lý kho hàng và marketing. Ứng dụng các phần mềm quản lý kho bãi hiện đại giúp tối ưu hóa lưu trữ và phân phối. Sử dụng các công cụ số hóa marketing để tiếp cận khách hàng mục tiêu hiệu quả hơn. Thúc đẩy mức độ CĐS toàn diện bằng cách nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để đạt mức độ "Nâng cao" hoặc "Dẫn dắt" trong quá trình CĐS.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A Coad, J Frankish, RG Roberts, DJ Storey (2013). Growth paths and survival chances: An application of Gambler's Ruin theory, Journal of Business Venturing, 28 (5), 615-632.

2. Bouee C., and Schaible (2015). Die digital Transformation der Industrie, Studio: Roland Berger and BDI.

3. Công ty cổ phần Giải pháp chuyển đổi số (2024). Chuyển đổi số: Thuận lợi, khó khăn và thách thức đặt ra với doanh nghiệp, truy cập từ https://vr360.com.vn/chuyen-doi-so-thuan-loi-va-kho-khan.

4. Department of Information Technology - Ministry of Information and Communications (2023). What is digital transformation? - National Digital Transformation Program, accessed from https://dx.mic.gov.vn/docs/chuyen-doi-so-la-gi/

4. Loan, N. T. (2023). Promoting digital transformation to enhance the competitiveness of small and medium enterprises in Thanh Hoa province, Business Finance, No. 02 (235) (in Vietnamese).

5. Luu Tien Thuan, Nguyen Thi Tam and Nguyen Thu Nha Trang (2024). Current situation and solutions to promote digital transformation in city enterprises. Can Tho, Economic and Forecasting Magazine, Ministry of Planning and Investment. November 2024 (in Vietnamese).

6. Thành ủy Cần Thơ (2021). Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 04 tháng 8 năm 2021 về chuyển đổi số của thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày nhận bài: 19/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 21/5/2025; Ngày duyệt đăng: 23/5/2025