Chính sách "mơ hồ hạt nhân": Bí ẩn và lợi thế răn đe của Israel

() - Chính sách này, với đặc trưng không xác nhận cũng không phủ nhận việc sở hữu vũ khí hạt nhân, giúp Israel duy trì lợi thế răn đe trước các đối thủ.

Chảo lửa Trung Đông luôn sục sôi bởi các cuộc xung đột, căng thẳng địa chính trị, chính sách “mơ hồ hạt nhân” của Israel đã trở thành một trong những bí ẩn nhạy cảm nhất, là yếu tố định hình chiến lược an ninh khu vực.

Quá trình hình thành chính sách

Chương trình hạt nhân của Israel bắt nguồn từ những năm 1950, trong bối cảnh quốc gia non trẻ này đối mặt mối đe dọa hiện hữu từ các quốc gia Ả rập láng giềng.

Thủ tướng đầu tiên David Ben-Gurion, theo nhà sử học Avner Cohen, xem vũ khí hạt nhân như “chính sách bảo hiểm” để đảm bảo sự tồn tại của Israel trước sự vượt trội về quân số và lãnh thổ của các đối thủ.

Năm 1957, Israel hợp tác với Pháp để xây dựng lò phản ứng hạt nhân tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Negev gần Dimona, đồng thời mua 20 tấn nước nặng từ Na Uy vào năm 1959. Đây là bước đi chiến lược đầu tiên, đặt nền móng cho chương trình hạt nhân bí mật của Israel.

Để che giấu mục đích quân sự của Dimona, Israel đã tiến hành chiến dịch nghi binh tinh vi đánh lừa các thanh tra Mỹ. Theo Seymour Hersh trong cuốn “The Samson Option” (năm 1991), Israel xây dựng một phòng điều khiển giả với các thiết bị giả mạo để khiến Dimona trông giống như một cơ sở nghiên cứu dân sự.

Chiến dịch này thành công đến mức Mỹ không phát hiện ra nhà máy tái chế plutonium ngầm 6 tầng cho đến tận những năm sau. Đến năm 1966, Israel bắt đầu sản xuất plutonium và có thể đã lắp ráp các thiết bị hạt nhân thô sơ ngay trước Chiến tranh 6 ngày năm 1967.

Chính sách “mơ hồ hạt nhân” hình thành vào cuối những năm 1960, trong bối cảnh Israel phải cân bằng giữa nhu cầu răn đe quân sự và áp lực quốc tế, đặc biệt từ Mỹ.

Theo tài liệu giải mật của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 1969, trong các cuộc đàm phán về việc mua máy bay F-4 Phantom, Israel và Mỹ bất đồng về định nghĩa “giới thiệu” vũ khí hạt nhân. Israel lập luận rằng chỉ thử nghiệm hoặc công khai vũ khí mới được coi là “giới thiệu”, trong khi Mỹ xem việc sở hữu là đủ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách ngầm chấp nhận chính sách "mơ hồ hạt nhân" của Israel, miễn là nước này không công khai thử nghiệm. Chính sách "mơ hồ hạt nhân" ra đời từ đây, với tuyên bố nổi tiếng của Israel: “Chúng tôi sẽ không phải là quốc gia đầu tiên đưa vũ khí hạt nhân vào Trung Đông”.

Nhà phân tích quân sự Nga Viktor Baranets trên Pravda nhận xét: “Chính sách mơ hồ của Israel là nước cờ chiến lược. Nó không chỉ giúp Israel tránh áp lực từ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) mà còn tạo ra sự răn đe tâm lý mạnh mẽ, khiến đối thủ phải luôn trong trạng thái bất định”.

Nội dung cốt lõi của chính sách

Chính sách “mơ hồ hạt nhân” của Israel dựa trên ba nguyên tắc chính.

Thứ nhất, không xác nhận, không phủ nhận. Israel không chính thức thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng cũng không phủ nhận. Điều này được thể hiện qua các tuyên bố lặp đi lặp lại của các nhà lãnh đạo Israel, như Thủ tướng Benjamin Netanyahu năm 2011, rằng Israel sẽ không là quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân ở Trung Đông.

Thứ hai, răn đe ngầm. Sự mơ hồ cho phép Israel duy trì khả năng răn đe mà không cần công khai kho vũ khí, tránh đối đầu ngoại giao trực tiếp với các cường quốc hoặc các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Thứ ba, hợp tác bí mật với Mỹ. Chính sách này được củng cố bởi sự thỏa thuận ngầm với Mỹ, đặc biệt từ cuối những năm 1960. Các lá thư cam kết từ thời Tổng thống Clinton đảm bảo Mỹ không gây áp lực buộc Israel ký NPT, đổi lại Israel duy trì sự mơ hồ.

Theo báo cáo của Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ (FAS) trong Bulletin of the Atomic Scientists (2025), chính sách này cho phép Israel sở hữu 90 đầu đạn hạt nhân mà không phải chịu các hạn chế của NPT.

Các phương tiện mang phóng vũ khí hạt nhân gồm máy bay chiến đấu (F-16, F-15I, F-35I), tên lửa đạn đạo Jericho (tầm bắn đến 4.000km) và tên lửa hành trình Popeye Turbo trên tàu ngầm lớp Dolphin.

Chuyên gia hạt nhân Alexei Arbatov từ Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá: “Chính sách mơ hồ của Israel là mô hình độc đáo, kết hợp giữa sự kín đáo và sức mạnh răn đe. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch này cũng tạo ra rủi ro, khi các quốc gia đối thủ như Iran có thể phóng đại hoặc hiểu sai năng lực hạt nhân của Israel”.

Chính sách mơ hồ hạt nhân: Bí ẩn và lợi thế răn đe của Israel - 1

Israel duy trì chính sách "mơ hồ hạt nhân" nhằm duy trì lợi thế răn đe trước các đối thủ (Ảnh minh họa: Middle East Eye).

Nguyên nhân Israel áp dụng chính sách

Một là đảm bảo an ninh quốc gia trong bối cảnh thù địch. Israel, quốc gia nhỏ với dân số 9,5 triệu người (2025), nằm trong khu vực bị bao vây bởi các quốc gia có tiềm năng thù địch như Iran, Syria, trước đây là Iraq.

Theo Avner Cohen, vũ khí hạt nhân là “lá bài cuối cùng” để đảm bảo sự sống còn của Israel trước các mối đe dọa hiện hữu, đặc biệt trong các cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, công khai sở hữu vũ khí hạt nhân có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang khu vực hoặc gây áp lực quốc tế buộc Israel từ bỏ chúng.

Hai là áp lực quốc tế và Hiệp ước NPT. Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT), có hiệu lực từ 1970, yêu cầu các quốc gia phi hạt nhân không phát triển vũ khí hạt nhân.

Là quốc gia không ký NPT, Israel đối mặt áp lực từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các quốc gia Ả rập và Iran, những nước cáo buộc Israel duy trì “tiêu chuẩn kép” với sự hậu thuẫn của Mỹ. Chính sách mơ hồ cho phép Israel tránh các cuộc thanh tra của IAEA và duy trì quan hệ ngoại giao với các cường quốc phương Tây.

Ba là lợi thế chiến lược và gây sức ép tâm lý. Sự mơ hồ tạo ra hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, khiến các đối thủ của Israel phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động.

Theo chuyên gia Hans Kristensen, việc không công khai kho vũ khí giúp Israel tránh bị cô lập ngoại giao, đồng thời duy trì khả năng răn đe mà không cần phô trương sức mạnh quân sự.

Nhà phân tích Dmitry Stefanovich từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định: “Chính sách "mơ hồ hạt nhân" của Israel không chỉ là một lá chắn ngoại giao mà còn là "vũ khí tâm lý" hữu hiệu. Nó khiến các đối thủ trong khu vực như Iran luôn ở thế bị động, không dám vượt qua lằn ranh đỏ vì sợ hậu quả không lường trước”.

Tác động đến an ninh Trung Đông và thế giới

Chính sách mơ hồ hạt nhân của Israel đã thành công trong việc răn đe các quốc gia thù địch, nhưng đồng thời làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.

Theo Wall Street Journal, các cuộc tấn công gần đây của Israel vào các cơ sở hạt nhân Iran như Natanz, Isfahan nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, đã đẩy khu vực đến bờ vực xung đột toàn diện. Iran, đáp trả bằng hàng trăm tên lửa và UAV vào Israel, tuyên bố có thể xem xét lại chính sách hạt nhân của mình nếu bị tấn công.

Chuyên gia Sima Shine, cựu lãnh đạo nghiên cứu của Mossad, cảnh báo: “Việc Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran mà không phá hủy được Fordow nằm sâu trong lòng đất có thể phản tác dụng, thúc đẩy Iran đẩy nhanh chương trình hạt nhân bí mật”. Điều này cho thấy chính sách mơ hồ của Israel, dù hiệu quả trong ngắn hạn, có thể kích động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khu vực.

Bên cạnh đó, sự miễn cưỡng của Mỹ trong việc gây áp lực buộc Israel ký NPT đã làm suy yếu uy tín của hiệp ước này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng kêu gọi thanh tra vũ khí hạt nhân của Israel, nhấn mạnh sự bất bình của các quốc gia khu vực về chính sách mơ hồ này.

Chuyên gia Fyodor Lukyanov từ Russia in Global Affairs nhận định: “Chính sách mơ hồ của Israel là con dao hai lưỡi. Nó bảo vệ an ninh của Israel nhưng đồng thời cản trở các nỗ lực thiết lập một khu vực Trung Đông phi hạt nhân, làm gia tăng nguy cơ xung đột”.

Sự cố Vela năm 1979, được cho là vụ thử hạt nhân của Israel ở Nam Ấn Độ Dương, cùng các báo cáo gần đây về khả năng Israel sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bị đe dọa nghiêm trọng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang hạt nhân.

Theo Bulletin of the Atomic Scientists, kho vũ khí của Israel ước tính 90 đầu đạn, kết hợp với các phương tiện tấn công tiên tiến như tên lửa Jericho III và tàu ngầm Dolphin, đủ sức gây ra thảm họa khu vực nếu được sử dụng.

Chuyên gia an ninh Stacie Pettyjohn từ Trung tâm An ninh Mỹ Mới nhận xét: “Mặc dù Israel có thể không bao giờ công khai sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng sự tồn tại của chúng tạo ra bầu không khí bất ổn, nơi mà các tính toán sai lầm có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc”.

Theo giới quân sự, chính sách “mơ hồ hạt nhân” của Israel là chiến lược độc đáo kết hợp giữa sự kín đáo, răn đe và ngoại giao tinh vi.

Với kho vũ khí ước tính 90 đầu đạn, được triển khai qua máy bay, tên lửa Jericho và tàu ngầm, Israel duy trì lợi thế chiến lược trong khu vực đầy biến động. Tuy nhiên, chính sách này cũng gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, từ việc làm gia tăng căng thẳng với Iran, cản trở các nỗ lực kiểm soát vũ khí, đến nguy cơ kích động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân khu vực.